Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

CƠN HOẢNG LOẠN CÓ CẢM GIÁC NHƯ THẾ NÀO?

0

 |  Lindsay Holmes & Alissa Scheller

Hàng triệu người Mỹ đang phải chịu tác động của các rối loạn lo âu và hoảng loạn mà các cơn hoảng loạn là một trong những triệu chứng phổ biến và dai dẳng nhất. Tuy trải nghiệm về các cơn hoảng loạn là khác nhau đối với từng cá nhân, vẫn có một sự thật chung nhất đối với tất cả những người mắc phải chứng này: Họ cực kỳ sợ hãi.

Todd Farchione, nhà tâm lý lâm sàng thuộc Trung tâm Các rối loạn Lo âu tại ĐH Boston cho biết, “Khi một người có một trong những rối loạn này, họ trở nên hoàn toàn suy nhược,” “Một phần là vì họ nhận ra rằng những gì họ đang trải qua hoàn toàn vô lý, tuy nhiên, vì họ đã tập nhiễm cách đáp ứng trước những tình huống này một cách nào đó, vậy nên đó lại trở thành những phản ứng tự nhiên khi đối diện với trải nghiệm trên. Điều này có thể trở nên rất đáng sợ.”

Có lẽ một trong những phần tệ nhất của cơn hoàng loạn chính là việc chúng xuất hiện một cách ngẫu nhiên. Nó có thể diễn ra vào bất kỳ thời điểm nào – ngay cả khi bạn đang ngủ. Trải nghiệm kinh hoàng này lên tới cực độ trong vòng 10 phút, nhưng triệu chứng kiệt sức về thể lý có thể vẫn kéo dài rất lâu sau đó.

Nhằm nỗ lực hiểu được trải nghiệm chịu đựng tình trạng này, các nhà nghiên cứu đã kêu gọi cộng đồng Facebook và Twitter giải thích cảm giác hoảng loạn về thể lý là như thế nào. Các nhà tâm lý đã chọn ra một vài mô tả của họ và minh họa dưới đây:

"Tôi có cảm giác như mình không đứng vững nổi, tôi không thể nói. Tất cả những gì tôi cảm thấy là nỗi đau đớn mãnh liệt bao trùm, giống một thứ gì đó bóp nghẹt tôi thành một trái banh nhỏ. Nếu nó tệ hơn nữa, tôi sẽ không thở nổi, tôi bắt đầu thở gấp và nôn mửa.”

Nhu một trái banh nhỏ


"Trong tình huống tệ nhất, bạn sẽ nằm sống xoài dưới đất và hoàn toàn mất khả năng hoạt động. Cảm giác như bị tấn công khủng bố hay bị khủng long rượt đuổi vậy – chỉ có điều là dù bạn muốn chạy thoát thân cũng không thể làm được.”

Bị khủng long rượt đuổi


 "Cơ thể của tôi cảm thấy như bị kim châm và tôi thấy chóng mặt. Giống như có một khối nước đá chạy dọc mạch máu của tôi. Tôi muốn trốn thoát khỏi cơ thể của mình nhưng tất nhiên là không thể. Hơi thở rất nông. Hoàn toàn hoảng loạn.”

Nước đá trong mạch máu


"Cảm giác như mọi bức tường đang khép chặt tôi lại; tôi không thể thấy mọi vật một cách rõ ràng và tầm nhìn chỉ còn là một đốm nhỏ. Có thể mô tả một cách chính xác như đang đi trong đường hầm vậy.”

Như trong đường hầm

"Giống như lúc máy bay cất cánh, chỉ trừ việc động cơ đưa bạn lên là sự sợ hãi và bạn không thể xua đuổi nó đi được. Giống như đi tàu lượn và mức adrenalin tăng lên, có điều trong trường hợp đó bạn được ngồi đàng hoàng”

Như đi tàu lượn


"Nó giống như bị mắc kẹt và bạn bị ngạt thở, như khi bạn ở trong một toàn nhà đang bốc cháy mà không có lối thoát. Cảm giác rất đáng sợ và nguy cấp.”

Tòa nhà cháy

 "Cảm giác giống như bạn bị mắc nghẹn trong họng. Cánh tay của tôi bắt đầu ngứa ran vì tôi thở rất nông và không có đủ oxygen, điều đó tất nhiên làm tôi hoảng sợ thêm nữa.”

Mắc nghẹn


"Nó thấy giống như tôi cần phải thoát ra và bỏ chạy vì nếu không, tôi sẽ chết.”

Thoát ra và bỏ chạy


"Nó cảm giác giống như bỗng nhiên, mọi thứ xung quanh bạn nhìn chằm chằm vào bạn, cảm nhận bạn, hút hết không khí ra khỏi bạn, rút hết đất dưới chân bạn.”

Mọi thứ nhìn chằm chằm vào bạn

"Lần đầu, tôi tưởng tôi bị đột quỵ, mặt tôi trở nên tê cứng sau cảm giác như bị chích, bị ghim.”

Tê cứng như kim đâm


http://www.huffingtonpost.com/2014/10/21/panic-attack-feeling_n_5977998.html

Cơn hoảng loạn:           panic attacks

Rối loạn hoảng loạn:     panic disorder
Nhà tâm lý lâm sang:   Clinical psychologist
Vô lý:                           Irrational
Ngứa ran:                       tingly
Ngạt thở:                        to be sufficated
Đọc tiếp

Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

Chúc mừng và cảm ơn các bạn vì 5000 lượt xem !!!

0
Dù so với các trang khác là không bao nhiêu nhưng Hành Lang Tâm Lý vẫn vui mừng thông báo blogspot của trang đã đạt 5000 lượt xem.

Cảm ơn mọi người vì đã luôn nhiệt tình ủng hộ và theo dõi Hành Lang Tâm Lý nhé!
Các bạn đừng quên like Facebook của trang để nhanh chóng cập nhật những thông tin mới nhất nhé!
https://www.facebook.com/hanhlangtamly
Đọc tiếp

Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

MỐI LIÊN HỆ BẤT NGỜ GIỮA LÒNG BIẾT ƠN VÀ SỨC MẠNH TINH THẦN

0

CLAIRE DOROTIK-NANA, LMFT

Khi những điều không may xảy đến, đa phần chúng ta có thể thường không nghĩ mình sẽ cảm thấy biết ơn vì những kinh nghiệm đó.

Tuy vậy, nghiên cứu lại chứng minh điều ngược lại.

Theo Powell và Garlington, (2012), khi tìm hiểu về những người đã đi qua những kinh nghiệm sang chấn, phần lớn họ cho rằng những trải nghiệm đó đem lại ít nhất một thay đổi tích cực. Đây không phải là tác động chưa được nhận thấy trước đây, theo Morris, Finch và Scott (2007), tỉ lệ phần trăm những người trải nghiệm sự lớn lên thông qua các sự kiện sang chấn áp đảo tỉ lệ những người trải qua các triệu chứng buồn đau.

Và phương diện thay đổi nào được đề cập nhiều nhất? Đó chính là Lòng biết ơn

Một số người có thể chia sẻ là cảm thấy mạnh mẽ hơn, có đời sống tinh thần phong phú hơn, có nhiều mối quan hệ ý nghĩa hơn, hay cởi mở hơn với những khả năng mới, tuy nhiên, ích lợi thường được nhắc đến nhiều nhất lại là lòng biết ơn sâu sắc hơn đối với cuộc đời.
Họ thường nói đến cảm nhận cuộc sống trở nên quý giá hơn và mong muốn tận hưởng nó thay vì bị chính sóng gió cuộc đời đánh gục. Họ cũng cho rằng bản thân mình giành thời gian tận hưởng nhiều hơn “những khoảnh khắc bé nhỏ của cuộc đời”, ví như nhìn ngắm một nụ cười trẻ thơ, một buổi sáng mùa xuân tươi đẹp, một chiều hoàng hôn quyến rũ, đồng thời ở bên cạnh những người thân yêu của mình nhiều hơn bao giờ hết. Họ thấy biết ơn vì từng ngày bản thân trải qua theo cách mà họ chưa bao giờ cảm nhận.

Và lòng biết ơn giúp họ trải qua những thời điểm khó khăn.

Tất cả những người nhắc đến lòng biết ơn đều chia sẻ rằng bản thân vẫn đang chật vật với những hệ quả của nghịch cảnh và sang chấn.
Không phải là buồn đau đã biến mất hoàn toàn và lòng biết ơn đã thế chỗ. Những khó khăn vẫn hiện diện nhưng đi kèm theo chính là cảm giác biết ơn sâu sắc. Bên cạnh đó, những người càng trân trọng cuộc sống bao nhiêu thì càng cho thấy có nhiều khả năng để phát triển.

Có vẻ như lòng biết ơn tạo điều kiện cho chúng ta trưởng thành-cho chúng ta đón nhận những khó khăn của cuộc sống và biến nó thành những khoảnh khắc của sức mạnh.

Vậy chúng ta có thể làm gì để biết ơn cuộc đời hơn?
Bạn có thể bắt đầu bằng một danh sách. Mỗi ngày, thử liệt kê ra 5 điều bạn cảm thấy biết ơn.
Hãy liên kết chúng lại. Mỗi ngày, thử nói với ít nhất một người rằng bạn trân trọng họ.
Và cuối cùng, kết thúc bằng hành động. Mỗi tuần, bạn có thể làm một nghĩa cử phục vụ những người đang cần được giúp đỡ.

 Vì có thể chính họ cũng đang cần được hỗ trợ như bạn vậy.

Tham khảo:
Powell- Garlington, F. (2012). Emergence of discussion of alternative outcomes from exposure to war trauma. Retrieved August 27, 2014 from www.dico.health.mil
Morris, L., Finch, K., & Scott, F. (2007). Coping and Dimensions of Post Traumatic Growth. The Australasian Journal of Disaster and Trauma Studies, Volume 2007-1, 123-129.

Từ vựng

Lòng biết ơn:   Gratitude
Sang chấn:       Trauma

Áp đảo:            Outweigh

Nghịch cảnh:   Adversity

http://blogs.psychcentral.com/leveraging-adversity/2014/10/the-surprising-link-between-mental-strength-and-gratitude/
Đọc tiếp

Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

ANH HÙNG LÀ NGƯỜI TÍNH TOÁN TRƯỚC HAY HÀNH ĐỘNG TRƯỚC?*

0

*Tên do người dịch đặt

Melissa Dahl, 15/10/2014

Bạn có biết Westley Autrey, người anh hùng xe điện ngầm? Westley Autrey khi thấy một người lạ té xuống đường xe điện ngầm đã không ngần ngại nhảy xuống trước đoàn tàu cao tốc để cứu sống người đàn ông ấy. Điều gì đã thúc đẩy hành động anh hùng đó: Một khoảnh khắc suy nghĩ ý thức, tập trung toàn bộ trí lực và vượt qua nỗi sợ hãi? Hay tất cả chỉ là bản năng?

Trong một nghiên cứu mới thực hiện, David Rand, nhà tâm lý thuộc ĐH Yale, đã tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi trên thông qua việc tìm hiểu những hành động vị tha tương tự. Ông nói, “Tôi nghĩ rất nhiều người giả định rằng con người trong thâm tâm khá ich kỷ, và vì vậy họ phải tự kiểm soát bản thân để ép mình làm điều đúng đắn.” “Nhưng tôi không tin điều đó.” Thật thế, nghiên cứu vừa được xuất bản trực tuyến của ông đã xác nhận linh cảm đó. Những cá nhân hành động anh hùng có vẻ thường thực hiện theo bản năng, đe dọa chính mạng sống mình để giúp đỡ người khác mà không suy nghĩ ý thức đến hệ quả.

Rand cùng đồng sự đã thu thập các cuộc phỏng vấn trên TV, báo chí và radio về 51 người được nhận Huân chương Carnegie Anh hùng, họ đã liều mạng sống mình để cứu những người khác, thường là người xa lạ. Những người tham gia nghiên cứu sau đó sẽ đọc những lời phát biểu của những người được phỏng vấn và đánh giá xem liệu các “anh hùng” đã hành động sau một khoảng thời gian cân nhắc hay chỉ theo trực giác.

Kết quả, đa số nghiệm thể đều cho rằng các hành động anh hùng dường như được kích hoạt bởi trực giác, chứ không phải từ suy nghĩ ý thức. Sau đây là một vài ví dụ của những lời phát biểu khi phỏng vấn:
Christine Marty, sinh viên ĐH 21 tuổi, đã cứu sống một người 69 tuổi đang bị kẹt trong xe hơi khi lũ quét, cô nói rằng: “Tôi rất mừng vì mình đã có khả năng hành động và không suy nghĩ về điều đó.”
Daryl Starnes, cụ ông 70 tuổi, đã leo vào một chiếc xe đang bốc cháy vì bị tai nạn để cứu một phụ nữ 48 tuổi mắc kẹt bên trong. Ông nói: “Tôi chỉ làm những gì tôi thấy mình cần phải làm. Bạn sẽ không nghĩ đến việc người khác làm rùm beng chuyện này từ hành động đó.”
Kermit Kubitz, 60 tuổi, đã chứng kiến một người đàn ông đâm bé gái 15 tuổi trong tiệm bánh dù chẳng có sự khiêu khích nào, ông lập tức ngăn cản người đàn ông trên và sau đó cũng bị đâm. Kermit chia sẻ: “Tôi chỉ có hai suy nghĩ: một, Tôi phải lôi hắn ra bên ngoài, và hai, Lạy Chúa, hắn giết luôn tôi mất. Cuối cùng tôi nằm sống soài với con dao bên cạnh sườn. Tôi nghĩ đó chỉ là bản năng. Kiểu giống như khuynh hướng của bản thân tôi, không ai trong trung đội của tôi bị tấn công mà tôi không làm gì đó. Nếu đó là con gái tôi, các bạn cũng sẽ làm thế giúp tôi. Các bạn sẽ làm vậy chỉ trong một khoảnh khắc. Và tôi cũng sẽ làm vậy cho các bạn.”

Chúng ta gọi những hành động đó là anh hùng, nhưng theo một nghĩa khác, theo Rand, chúng ta chỉ đang thổi phồng những ví dụ về sự hợp tác. Ông giải thích rằng những phát hiện này tương tự như những gì ông tìm ra trong phòng thực nghiệm: Việc đặt con người vào tình huống áp lực thời gian có vẻ làm chúng ta hành động hợp tác nhiều hơn. Đồng thời, thật ra bản năng này có thể được giải thích một kiểu nào đó bằng tính ích kỷ. “Phần lớn trường hợp, nó là sự tư lợi cá nhân mà theo thời gian dài, trở thành sự hợp tác,” ông cho biết. “Nếu chúng ta hợp tác với người khác ngày hôm nay, họ cũng sẽ muốn hợp tác với ta ngày mai. Vậy nên, chúng ta có thói quen trợ giúp và xem nó là mặc định.”

Điều này có nghĩa là thậm chí khi chúng ta nhận thấy mình đang rơi vào một tình huống không có lợi cho bản thân nếu phải giúp người khác - nghĩa là, bạn đang đe dọa chính mạng sống của bạn cho một người hoàn toàn xa lạ mà có thể họ sẽ chẳng bao giờ đáp đền lại hành động đó- cũng trở nên không quan trọng. Chủ nghĩa anh hùng có vẻ xuất phát từ thói quen.

Điều này không có nghĩa la mọi người, khi bị đặt vào tình huống tương tự, cũng sẽ hành động anh hùng. Rand cho biết, “Có rất nhiều những khác biệt cá nhân giữa mọi người, giữa mức độ hợp tác và mức độ trợ giúp của họ,” “Một phần còn tùy vào kinh nghiệm thường nhật của mọi người. Vậy nên, nếu bạn làm việc trong một công ty mà “đâm sau lưng” sẽ đem lại phần thưởng là cơ hội thăng tiến – thì bạn sẽ có thể có thói quen hành động ích kỷ. Hoặc giả như nếu bạn là người hay suy nghĩ, bạn có thể sẽ dừng lại, suy xét thật kỹ và quyết định rằng hành động anh hùng có thể chưa xứng với nguy cơ phải nhận.” Nghiên cứu này không tìm hiểu những đặc điểm nhân cách bổ trợ cho việc trở thành anh hùng, nhóm nghiên cứu chỉ kết luận là khi những anh hùng ra tay, có thể họ chỉ hành động dựa trên bản năng.


Đọc tiếp

Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

NGHIÊN CỨU TÌM THẤY MỐI LIÊN HỆ GIỮA TỰ KỶ TRẺ EM VÀ Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ

1


Ô nhiễm không khí và tự kỷ

 Trường Khoa học Sức khỏe, ĐH Pittsburgh, 22/10/2014


Theo kết quả ban đầu của một điều tra trên trẻ em tại Tây Nam Pennsylvania do Trường Cao học Y tế Công cộng, ĐH Pittsburgh, thực hiện, trẻ có Rối loạn Phổ tự kỷ (ASD), so với những trẻ không có triệu chứng, thường tiếp xúc nhiều hơn với độc tố không khí có mức độ cao trong suốt giai đoạn mang thai của người mẹ và trong 2 năm đầu đời.
Nghiên cứu được trình bày vào ngày 22/10 tại kỳ họp thường niên của Hiệp hội Khí địa chất Hoa Kỳ, Orlando-Florida.
“Rối loạn Phổ Tự kỷ là một vấn đề chính yếu của y tế công cộng, mức độ phổ biến của rối loạn này đang tăng lên một cách chóng mặt,” Evelyn Talbott, Tiến sĩ Y tế Công cộng, chủ nhiệm phân tích cuộc điều tra và là giáo sư dịch tễ học tại trường Y tế Công cộng Pittsburgh cho biết. “Mặc dù có những tác động xã hội nghiêm trọng, nguyên nhân của tự kỷ vẫn chưa được hiểu rõ. Có rất ít nghiên cứu về tự kỷ có đề cập đến các mối nguy về môi trường trong khi các yếu tố nguy cơ khác về hành vi và cá nhân lại hay được nhắc đến. Phân tích của chúng tôi góp phần vào một bộ phận các nghiên cứu tuy còn ít nhưng đang phát triển, xem xét các độc tố trong không khí như một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến ASD.”
TS. Talbott và đồng sự đã thực hiện một nghiên cứu dân số trên các gia đình có và không có trẻ ASD sinh sống trong 6 hạt Tây Nam Pennsylvania. Các nhà nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa mức độ chrom và styrene cao với rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em, rối loạn tác động đến 1/68 trẻ ở Hoa Kỳ.
Grant Oliphant, chủ tịch Heinz Endowments, tổ chức tài trợ cho nghiên cứu, cho biết “Nghiên cứu này giúp ta tiến một bước nữa đến việc hiểu được lý do tại sao tự kỷ lại ảnh hưởng đến nhiều gia đình tại Pittsburgh và cả nước Mỹ như vậy – đồng thời đưa ra những chi tiết còn khiêm tốn giúp củng cố tầm quan trọng của chất lượng không khí,” “Mong muốn thật sự trở thành đô thị đáng sống bật nhất của chúng ta không thể thành hiện thực nếu sức khỏe con em chúng ta bị đe dọa bởi độc tố không khí ở mức nguy hiểm. Việc giải quyết vấn đề này cần phải là một trong những ưu tiên hàng đầu của khu vực.”
Rối loạn phổ tự kỷ được xác định bằng những khiếm khuyết xã hội và các khó khăn trong giao tiếp, xuất hiện đặc biệt rõ ràng trong giai đoạn đầu nơi trẻ nhỏ. Các trường hợp ASD được báo cáo đã tăng lên gần 8 lần trong hai thập kỷ vừa qua. Tuy một số các nghiên cứu trước đây cho thấy mức độ phát triển này một phần đến từ những thay đổi trong thực hành chẩn đoán và do công chúng tăng cường nhận thức về tự kỷ, các kết quả vẫn chưa lý giải đầy đủ được hiện tượng trên. Cả yếu tố về môi trường và di truyền cùng được cho là chịu một phần chịu trách nhiệm.
TS. Talbott và nhóm nghiên cứu đã phỏng vấn 217 gia đình có trẻ ASD và so sánh các kết quả với thông tin thu thập từ 2 nhóm đối chứng riêng biệt là các gia đình không có trẻ ASD. Tất cả các trẻ đều sinh trong cùng khoảng thời gian, từ 2005 đến 2009, và sống trong phạm vi khu vực 6 hạt: Allegheny, Armstrong, Beaver, Butler, Washington và Westmoreland.
Một trong những điểm mạnh của nghiên cứu là khả năng có được “hai kiểu kiểm soát, cho phép so sánh giữa các mẫu độc tố không khí mang tính đại diện tại các khu vực mà trẻ có và không có ASD sinh sống,” TS.Talbott cho biết.
Với mỗi gia đình, nhóm sẽ sử dụng Bảng đánh giá Độc tố Không khí Quốc gia (NATA) để ước tính khả năng tiếp xúc với 30 chất ô nhiễm làm gián đoạn nội tiết tố hay gây ra các vấn đề về phát triển thần kinh. NATA, được hoàn thành vào năm 2005, hiện là bảng lượng giá toàn diện về độc tố không khí ở Hoa Kỳ của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA). 
Dựa trên sự tiếp xúc của trẻ với các nguồn tập trung độc tố không khí trong suốt quá trình mang thai của người mẹ và hai năm đầu đời, sau khi đã tính đến độ tuổi và hành vi hút thuốc lá của người mẹ, chủng tộc và giáo dục, các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng những trẻ rơi vào nhóm tiếp xúc cao với styrene và chromium có nguy cơ mắc phải ASD cao gấp 1,4 đến 2 lần. Các thành phần độc tố khác trong NATA có liên hệ đến việc gia tăng nguy cơ ASD còn có cyanide, methylene chloride, methanol và arsenic. Những hợp chất này thường được tìm thấy đi kèm với nhau, tuy nhiên vẫn cần thêm các nghiên cứu để khẳng định điều này.
Styrene được sử dụng trong sản xuất nhựa và sơn, đồng thời là một trong những sản phẩm của quá trình đốt trong động cơ xe cộ. Chrom là kim loại nặng, không khí ô nhiễm có chứa chrom là kết quả thường thấy trong tiến trình công nghiệp và tôi sắt thép, nó cũng có thể đến từ các nhà máy điện. Cyanide, methylene chloride, methanol và arsenic đều được sử dụng trong một số ngành công nghiệp và đều có thể được phát hiện trong khí thải xe cộ.
TS.Talbott chia sẻ, “Kết quả này bổ sung cho một bộ phận chứng cứ liên hệ sự tiếp xúc với môi trường, như ô nhiễm không khí, với ASD,” “Bước tiếp theo chúng tôi sẽ xác nhận các phát hiện này thông qua các nghiên cứu đo đạc lượng tiếp xúc cụ thể với chất ô nhiễm không khí ở mức độ cá nhân nhằm kiểm định những ước tính theo mô hình EPA như trên.”
Các nhà nghiên cứu cộng tác trong nghiên cứu này còn có Vincent Arena, Ph.D., Judith Rager, M.P.H., Ravi Sharma, Ph.D., và Lynne Marshall, M.S., tất cả đều thuộc ĐH Pittsburgh.

Rối loạn phổ tự kỷ:       Autism spectrum disorders
Yếu tố nguy cơ:            risk factor
Chẩn đoán:                  diagnosis
Ước tính:                      estimate
Gián đoạn:                   disruption
Phát triển thần kinh:      neurodevelopment
Sự tiếp xúc:                 exposure
Đọc tiếp

Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

NGUYÊN NHÂN CỦA THAM NHŨNG: QUYỀN LỰC CÓ KHẢ NĂNG ĐÁNH GỤC CẢ NHỮNG NGƯỜI LƯƠNG THIỆN

0
Tham nhũng


01/10/2014
Khi bầu một người lãnh đạo mới, các cử tri thường lựa chọn dựa trên một số yếu tố và thường quan tâm đặc biệt đến những người lãnh đạo có những phẩm chất tốt như thành thật và đáng tin cậy. Tuy nhiên, đến khi những người đứng đầu nắm quyền lực trong tay, liệu chúng ta còn có thể tin tưởng họ sẽ tiếp tục phục vụ xã hội một cách đắc lực nữa hay không?
Một nghiên cứu mới được công bố trên The Leadership Quarterly đã tìm cách khám phá xem liệu quyền lực có làm mờ mắt người lãnh đạo hay không. Tác giả nghiên cứu John Antonakis và cộng sự từ  trường ĐH Lausanne giải thích, “Chúng tôi tìm cách kiểm tra lời phát biểu của Lãnh Chúa Acton đã nói hơn 100 năm trước ‘Quyền lực làm băng hoại và quyền lực tuyệt đối sẽ băng hoại một cách tuyệt đối.’”
Để tìm hiểu, các tác giả đã sử dụng phương pháp thực nghiệm để phân tách các nhân tố tình huống và chủ quan; đồng thời xác định xem liệu quyền lực làm băng hoại con người hay những người băng hoại lại được chọn để giao quyền lực.
Sau khi hoàn thành các trắc nghiệm đo lường tâm lý nhằm tìm hiểu những khác biệt cá nhân, trong đó có sự thành thật, những người tham gia sẽ chơi “trò chơi độc tài”. Trong đó, họ được trao toàn quyền kiểm soát những quyết định về việc lấy tiền cho bản thân hay cho những người cấp dưới.  Những người trong vị trí lãnh đạo có thể lựa chọn đưa ra những quyết định phù hợp hay chống lại xã hội. Lựa chọn thứ hai sẽ làm giảm tổng lượng tiền lấy được của nhóm nhưng lại làm tăng “thu nhập” của người đứng đầu.
Kết quả cho thấy, ít nhất là ban đầu, những người có kết quả trắc nghiệm là ít trung thực thường có nhiều hành vi  xấu hơn; tuy nhiên về sau, ngay cả những người lúc đầu có số điểm trung thực cao dần dần cũng không thể tránh khỏi tác động hủy hoại của quyền lực.
Antonakis kết luận, “Chúng tôi nghĩ rằng cơ chế quản lý chặt chẽ và tổ chức vững mạnh là chìa khóa cho việc giám sát lãnh đạo.” “Các tổ chức cần hạn chế khả năng “gặm nhấm” của người đứng đầu trước sức hấp dẫn của “hủ gạo” quyền lực.”

Đọc tiếp

Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

12 HỘI CHỨNG VÀ HOANG TƯỞNG TÂM THẦN KỲ LẠ NHẤT

1
Hội chứng Alice và xứ sở thần tiên


Hoang tưởng có thể xuất hiện với nhiều kích thước và hình dáng khác nhau, từ các giai đoạn ngắn cho tới những bệnh lý tâm thần nan y và toàn diện.
Tuy nhiên chúng dều có chung một đặc điểm: tách rời khỏi thực tế. Hoang tưởng không quan tâm tới lý lẽ và cũng chẳng chịu thua thực tế. Sau đây là 12 dạng hoang tưởng kỳ lạ nhất mà bạn từng nghe.

1. Hội chứng Alice và xứ sở thần tiên

Được đặt tện theo tiểu thuyết của Lewis Carroll, hoang tưởng này ảnh hưởng đến tri giác về không gian và thời gian. Người mắc phải thường thấy một số đồ vật trở nên nhỏ hơn hay lớn hơn so với trong thực tế. Họ cũng gặp khó khăn trong việc xác định thời gian.
Đây không nhất thiết phải là một dạng bệnh lý tâm thần, vì nó có thể là một hoang tưởng khá thông dụng mà chúng ta đôi khi có thể đã trải qua khi còn nhỏ hay thậm chí trước khi chúng ta rơi vào giấc ngủ. Thông thường, hoang tưởng này là do chứng đau nửa đầu gây nên, Lewis Carroll cũng mắc phải chứng này và có thể đã sử dụng nó để sáng tác truyện.

2. Hội chứng Cotard

Hay còn gọi là “Hội chứng Xác Chết Biết đi”, là khi người mắc phải tin rằng mình đã chết, không còn tồn tại hay mất hết nội tạng.
Thông thường, những bệnh nhân Cotard điển hình sẽ chối bỏ việc họ tồn tại, có nghĩa là họ cảm thấy rất khó chấp nhận thực tại. Họ trở nên thu mình với mọi người và có xu hướng không chăm sóc bản thân một cách kỹ càng.
Hoang tưởng này thường được nhận thấy nơi những người bị tâm thần phân liệt

3. Hoang tưởng Capgras

Dù cơ chế thần kinh tương tự như hội chứng Cotard, những người có hoang tưởng Capgras lại tin rằng những người xung quanh mình bị thay thế bởi những người giả mạo, tuy bề ngoài vẫn y chang nhưng lại là một con người khác.
Hoang tưởng này được đặt tên theo bác sĩ người Pháp, Joseph Capgras, người đầu tiên mô tả chứng bệnh trên. Capgras thường đi kèm với tâm thần phân liệt nhưng nó cũng có thể xảy ra dưới tác động của tổn thương não và suy giảm trí nhớ.

4. Cặp đôi điên loạn

Nó có nghĩa đen là “cơn điên được hai người cùng chia sẻ”, hay hơn nhiều so với tên gọi theo kỹ thuật “rối loạn loạn thần chia sẻ”.
Nó xảy ra khi hai người (hay nhiều hơn) sống gần nhau cùng có chung một hoang tưởng.

5. Thay thế suy nghĩ

Thay thế suy nghĩ là rối loạn mà người bệnh hoang tưởng rằng tư tưởng của mình không phải do mình làm chủ. Họ đôi khi sẽ nghĩ rằng có một người cụ thể “nhập” vào mình và vài lúc không biết mình từ đâu tới.
Hoang tưởng thay thế suy nghĩ thường là một triệu chứng của tâm thần phân liệt.

6. Hội chứng Paris

Hội chứng Paris là một trải nghiệm ngắn hạn tác động đến những khách du lịch tại Paris khi họ nhận thấy rằng Kinh đô Ánh sáng không lung linh như mong đợi. Họ có thể trải qua ảo ảnh, ảo giác, hoang tưởng bị hại và nhiều triệu chứng tâm thể khác.
Hội chứng Paris nghe cứ như một chuyện đùa, thế nhưng mỗi năm, có khoảng 20 khách du lịch người Nhật Bản được cho là phải nhập viện vì lý do trên. Vài người cho rằng chính sốc văn hóa là nguyên nhân của hiện tượng này, vì người Nhật thường đặc biệt lý tưởng hóa hình ảnh Paris.
Cách điều trị thông thường là đi về nhà.

7. Hội chứng Jerusalem

Paris không phải là nơi duy nhất khiến du khách gặp bệnh lý tâm thần. Một vài du khách sau khi viếng thăm Jerusalem có thể bị thành phố này ám ảnh.
Những người mắc phải hội chứng này thường bị lo âu, bắt đầu mang toga (trang phục truyền thồng Israel), tụng kinh và đọc lớn tiếng những câu trong Kinh Thánh. Một vài người thậm chí còn giảng đạo một cách dở tệ ở nơi công cộng. Theo ước tính, có khoảng 40 người phải nhập viện mỗi năm vì hội chứng này.
Cũng như hội chứng Paris, cách điều trị thường thấy là xách vali về nước.

8. Hội chứng Othello

Những người có hội chứng này thường tin rằng người yêu/ bạn đời đang “cắm sừng” mình, mặc dù chẳng hề có bằng chứng nào chứng minh chuyện đó.
Nó nặng nề hơn ghen tuông thông thường và người mắc chứng này thường có những suy nghĩ ám ảnh rất mạnh mẽ. Họ có thể liên tục kiểm tra, theo dõi, tra hỏi người yêu của mình rằng họ đã ở đâu, và trong những trường hợp trầm trọng, có thể dẫn đến bạo lực.

9. Hội chứng Ekbom

Đây là một dạng ác mộng. Với loại bệnh tưởng đặc biệt này, người mắc phải thường nghĩ rằng cơ thể mình bị ký sinh trùng xâm nhập
Việc họ liên hệ chuyên gia diệt trừ côn trùng và bác sĩ da liễu thay vì tâm lý gia hay nhà trị liệu không phải là chuyện hiếm thấy.
Hội chứng được đặt tên theo nhà thần kinh người Thụy Điển, Karl Axel Ekbom, người viết về rối loạn này vào những năm 30.

10. Hóa sói lâm sàng

Những người có chứng Hóa sói  Lâm sàng thường cho rằng mình có khả năng, hay đang trong tiến trình biến thành một loài động vật.
Họ không chỉ tin rằng bản thân đang biến thành sói. Theo những trường hợp đã được công bố, còn có người tin rằng mình đang hóa thành ếch, mèo, ngựa, chim, linh cẩu và thậm chí cả ong. Hội chứng này rất hiếm gặp.

11. Loạn trí nhớ sao chép

Hội chứng này có nguyên nhân từ tổn thương não, dẫn đến việc bệnh nhân tin rằng một địa điểm hay nơi chốn đã bị sao chép và/hoặc chuyển đến nơi khác.
Binh lính bị thương ở đầu có thể cho rằng bệnh viện nơi họ đang hồi phục nằm ở quê nhà của mình, dù thật sự nó nằm xa vạn dặm.
Hội chứng này có chung một số đặc điểm với hội chứng Cotard và Capgras, trong đó, con người, nơi chốn hay đồ vật sẽ bị thay thế hay biến đổi theo cách nào đó.

12. Hội chứng nhân đôi chủ thể

Nó xảy ra khi một đối tượng thật sự tin rằng họ có một bản sao với bề ngoài tương tự nhưng lại có nhân cách và một cuộc đời khác hẳn. Đôi khi bản sao đó có thể là một người hoàn toàn xa lạ, đôi khi đó có thể là một thành viên trong gia đình.
Trong một vài trường hợp, chủ thể có trở nên giận dữ với những người họ cho rằng đang đánh cắp bề ngoài của mình, điều này có thể dẫn đến việc tấn công về mặt thể lý hay tâm lý.
Dù rất hiếm gặp, hội chứng này thường được nhận thấy nơi những người có rối loạn lưỡng cực hay tâm thần phân liệt.

Hội chứng:                   Syndrome
Đau nửa đầu:               Migraines
Tâm thần phân liệt:       Schizophrenia
Triệu chứng:                Symptom
Bệnh tưởng:                 Hypochrondia
Rối loạn lưỡng cực:     Bipolar Disorder


http://www.spring.org.uk/2014/03/12-most-mind-blowing-mental-delusions-and-syndromes.php
Đọc tiếp

Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

NHÂN VIÊN CÓ THÊM QUYỀN KIỂM SOÁT CÔNG VIỆC: MỌI NGƯỜI CÙNG THẮNG

0
Nhân viên-quản lý
Phần lớn nhân viên đều mong mình có thêm quyền kiềm soát trong công việc. Với một số người, đó có thể là được phép về sớm đón con, trong khi với một số khác là được phép làm những dự án mang tính thử thách nhiều hơn.
Một nghiên cứu vừa thực hiện tìm ra rằng, cho phép nhân viên đóng vai trò chủ động hơn trong việc điều chỉnh công việc có thể đem lại lợi ích cho cả hai phía, nhân viên và quản lý. Những thỏa thuận kiểu này được biết đến như các thỏa thuận “đặc biệt”

Một đội nghiên cứu quốc tế do Severin Hornung, ĐH Bách Khoa Hong Kong, dẫn đầu đã phát hiện rằng những người lao động có khả năng bàn luận những thỏa thuận trên với quản lý thường có nhiều phản ứng tích cực, bao gồm giảm căng thẳng, tăng động lực, và cảm thấy hào hứng hơn với công việc.

Các nhà nghiên cứu đã khảo sát 187 nhân viên y tế tại một bệnh viện xem liệu họ có thể đàm phán thành công thỏa thuận trên trong công việc được hay không. Các nghiệm thể được yêu cầu tự đánh giá 3 loại thỏa thuận “đặc biệt” khác nhau: điều chỉnh nhiệm vụ công việc trở nên thú vị hơn, tiếp cận những cơ hội thăng tiến chuyên môn, thu xếp thời gian làm việc linh động hơn.
Hornung và đồng sự đặt giả thuyết rằng những kiểu thỏa thuận này sẽ có những tác động khác nhau lên năng suất làm việc. Ví dụ, những nhân viên đề nghị có thời gian biểu linh hoạt sẽ có thể cảm thấy ít stress hơn vì họ được phép xử lý hiệu quả hơn những mâu thuẫn về thời gian giữa công việc và gia đình.
Để đo đạc xem liệu các thỏa thuận đặc biệt có tác động tích cực lên hiệu quả công việc hay không, các cấp quản lý của bệnh viện sẽ điền vào bảng lượng giá năng suất của từng người tham gia nghiên cứu.

Đúng như dự đoán, nghiên cứu cho thấy các thỏa thuận có liên hệ rõ ràng với những yếu tố tích cực trong công việc, và mỗi kiểu thỏa thuận ảnh hưởng đến hành vi theo những hướng khác nhau- dẫn đến những kết quả khác nhau trong công việc.

Ví dụ, các nhân viên đề nghị có quyền kiểm soát nhiệm vụ công việc nhiều hơn sẽ nhận đươc nhận xét về hiệu suất tốt hơn và cũng cảm thấy thích thú hơn với việc làm của mình. Trong khi đó, người lao động có giờ giấc làm việc linh động cho thấy có mức độ căng thẳng tâm lý và khó chịu về cảm xúc thấp hơn. Nhân viên đàm phán để có được nhiều cơ hội thăng tiến chuyên môn cho thấy mức độ tự lực và khả năng tiếp thu kỹ năng cao hơn.

“Thiết kế công việc và đàm phán các thỏa thuận “đặc biệt” đem lại những phương thế giúp nhân viên cảm thấy thỏa nãm và có động lực hơn trong công việc-đi kèm với những hiệu quả tích cực tiềm năng trong hiệu suất làm việc.” Hornung và đồng sự viết trong European Journal of Work and Organizational Psychology.
Nhóm nghiên cứu cũng cảnh báo rằng thỏa thuận đặc biệt cần được thực hiện một cách công bằng và phải tuân theo những chính sách cùng nội quy của tổ chức. Các thỏa thuận cần được thiết kế nhằm giúp nhân viên sắp xếp trách nhiệm công việc của mình sao cho phù hợp với những quyền lợi cá nhân, giúp nâng cao môi trường làm việc mà không cần phải luồn lách nhờ quen biết hay được “đối xử đặc biệt”

Hornung và đồng sự tìm ra rằng bên cạnh việc giúp nhân viên hạnh phúc hơn, các thỏa thuận đặc biệt cũng đem lại những lợi ích cho cấp quản lý và tổ chức, “Kết quả nghiên cứu cho thấy việc các thỏa thuận làm tăng mức độ phù hợp công việc-cá nhân nơi nhân viên cũng là nhân tố giúp mối quan hệ trao đổi cấp trên-cấp dưới thành công. Nó đem lại lợi ích cho tổ chức thông qua những tác động tích cực lên khả năng gắn bó, động lực, hiệu quả trong công việc cũng như trong môi trường của người lao động.

Tài liệu tham khảo
Hornung, S., Rousseau, D.M., Weigl, M., Müller, A., Glaser, J. (2013). Redesigning work through idiosyncratic deals. European Journal of Work and Organizational Psychology, 23(4), 608-626. DOI: 10.1080/1359432X.2012.740171

http://www.psychologicalscience.org/index.php/news/minds-business/everyone-wins-when-employees-have-more-control-at-work.html


Đọc tiếp

Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

NGHIÊN CỨU CHO THẤY CÁCH ĐIỀU TRỊ TỐT NHẤT CHO RỐI LOẠN LO ÂU XÃ HỘI

0
Rối loạn âu lo xã hội

Rối loạn ám sợ xã hội thường được điều trị với thuốc chống trầm cảm, tuy nhiên, đây lại không phải là phương pháp hữu hiệu nhất.
Nghiên cứu mới cho thấy Trị liệu nhận thức hành vi (CBT) có tác dụng tốt hơn, đồng thời lợi ích vẫn kéo dài sau khi điều trị ban đầu chấm dứt.

Nghiên cứu được xuất bản trên The Lancet Psychiatry đã phân tích 101 ca lâm sàng, trong đó xem xét nhiều loại dược phẩm và các phương pháp trị liệu bằng lời nói khác nhau đối với rối loạn lo âu xã hội (Mayo-Wilson et al., 2014). Rối loạn này nghiêm trọng hơn việc chỉ ngại ngùng, mắc cỡ, và cứ 8 người thì có 1 người được cho là bị chứng này ảnh hưởng.

Các tình huống thường xảy ra vào những thời điểm quan trọng trong đời sống của thân chủ, dẫn đến việc giảm thiểu đáng kể chất lượng cuộc sống.
Chủ nhiệm nghiên cứu, Evan Mayo-Wilson, cho biết: “Những người mang rối loạn này có thể phải chịu những thiệt thòi nghiêm trọng, từ việc lảng tránh bè bạn cho tới việc khước từ đề bạt trong công việc, những điều đòi hỏi khả năng tương tác xã hội nhiều hơn.
Tuy nhiên nghiên cứu của chúng tôi mang lại tin vui là lo âu xã hội hoàn toàn có thể chữa khỏi.
Giờ đây, khi biết được phương pháp nào là hiệu quả nhất, chúng ta cần nâng cao cơ hội tiếp xúc với tâm lý trị liệu nơi những người có rối loạn này.”
Nghiên cứu bao gồm tiến trình phân tích tổng cộng 13.164 nghiệm thể, tất cả đều bị lo âu xã hội nghiêm trọng và kéo dài.
Trong số đó, 9000 người được cho uống thuốc, bao gồm cả giả dược và thuốc chống trầm cảm thật, thông thường là SSRI (chất ức chế vịêc tái hấp thu có chọn lọc serotonin, tương tự Prozac hay Zoloft).
4000 người tham gia còn lại tiếp cận với trị liệu tâm lý.
Đôi khi, các phương pháp trị liệu bằng lời nói có phối hợp sử dụng thuốc chống trầm cảm, tuy nhiên trong nghiên cứu này, có rất ít các ca sử dụng kết hợp như thế.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trị liệu tâm lý là phương pháp hiệu quả nhất.
Vì thế, đây nên là lựa chọn trị liệu hàng đầu.
Thuốc chống trầm cảm cũng có tác dụng nhưng lại đi kèm với tác dụng phụ và không có tác động trên một số cá nhân.
Quan trọng hơn, các ích lợi của hóa dược thường mất đi sau khi ngưng uống thuốc.
Mặt khác, tác dụng của trị liệu tâm lý vẫn tiếp diễn sau khi thân chủ ngưng điều trị.
Kết quả của nghiên cứu này ngay lập tức đem lại tác động khi một bản hướng dẫn điều trị đã được giới thiệu ở Vương quốc Anh.
Nó được kì vọng sẽ giúp thay đổi chính sách y tế ở Hoa Kỳ và các nước khác.
Mayo-Wilson kết luận:
“Tập trung nhiều hơn vào trị liệu tâm lý sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, làm tăng năng suất nơi công sở, và giảm thiểu chi phí chăm sóc sức khỏe.
Hệ thống y tế chưa điều trị sức khỏe tâm thần một cách bình đẳng, tuy nhiên, việc đáp ứng các đòi hỏi này không chỉ đơn giản là bắt các công ty bảo hiểm chi trả cho dịch vụ tâm lý, [nó còn phức tạp hơn thế rất nhiều].”

Từ vựng

Rối lọan ám sợ xã hội:             Social Anxiety Disorder
Thuốc chống trầm cảm:           Antidepressants
Tâm lý trị liệu:                         Psychotherapy
Giả dược:                                 Placebo
Chất ức chế:                             Inhibitor
Tái hấp thu:                              Reuptake
Trị liệu bằng lời nói:                Talking therapy
Điều trị:                                    Treatment
Mất dần/ phai nhạt:                  Wear off
Bản hướng dẫn:                      Guideline
Năng suất/ sản lượng:             Productivity
Đọc tiếp
NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Bài đã đăng

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter