Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

YẾU TỐ NÀO MẠNH HƠN TƯỞNG THƯỞNG ĐẾN 3 LẦN?

0
Trừng phạt và tưởng thưởng, khích lệ

Theo một nghiên cứu, để thay đổi hành vi, có vẻ cái gậy đã chiến thắng củ cà rốt, tuy nhiên chúng ta chỉ cần “gậy “ nhỏ mà thôi.
Một nghiên cứu vừa so sánh hiệu quả giữa trừng phạt (cây gậy) và tưởng thưởng (củ cà rốt) nhằm tìm hiểu cách thức nào mang lại hiệu quả cao hơn.
Các nhà tâm lý nhận thấy tác động của trừng phạt cao hơn tưởng thưởng từ 2 đến 3 lần.
TS Jan Kubanek, tác giả nghiên cứu, giải thích:
“… phản hồi tiêu cực có thể hiệu quả hơn phản hồi tích cực trong việc điều chỉnh hành vi.
Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những phản hồi tiêu cực không nhất thiết là phải quá gay gắt do chúng ta có vẻ thường có cùng một cách phản ứng đối với mọi mức độ phản hồi tiêu cực.
Trên góc nhìn tiến hóa, con người có xu hướng tránh né sự trừng phạt hay những tình huống gây nguy hiểm.
Mặt khác, phần thưởng lại ít có tác động gây đe dọa đến mạng sống hơn.”
Nghiên cứu đưa ra những nhiệm vụ trong đó người tham gia sẽ được tưởng thưởng hay bị trừng phạt.
Trừng phạt và tưởng thưởng ở đây khá khiêm tốn: đơn thuần chỉ là những đồng xu đánh dấu từ 5 đến 25 xu.

Các nhà nghiên cứu quan tâm xem liệu những phần thưởng và hình phạt sẽ ảnh hưởng ra sao đến hành vi.
Kết quả cho thấy, một cách tự nhiên, tưởng thưởng hành vi giúp thúc đẩy người chơi thực hiện hành vi đó.
Tuy vậy, kích cỡ khích lệ của tưởng thưởng lại khá nhỏ khi đem so sánh với tác động ngăn cản của trừng phạt
TS Kubanek cho biết:
“Một cách khách quan, bạn thường nghĩ rằng việc thắng 25 xu sẽ có mức độ tác động tương đương với việc thua 25 xu, tuy nhiên, điều này lại trái ngược với những gì chúng tôi tìm thấy.”
GS Richard A. Abrams, một tác giả khác của nghiên cứu, chia sẻ:
“Câu hỏi về cách thức tưởng thưởng và trừng phạt ảnh hưởng lên hành vi đã đeo đuổi các nhà tâm lý từ hơn 100 năm nay.
Chúng ta thường gặp khó khăn trong việc tìm ra những nhiệm vụ hữu hiệu nhằm thăm dò câu hỏi trên.
Chúng tôi đã sử dụng một tiếp cận giản đơn nhưng giúp hé lộ những khác biệt rõ rệt trong cách con người phản ứng trước các kiểu phản hồi khác nhau.”
Tuy vậy, cũng cần nhớ rằng, việc liên tục đưa ra những phản hồi tiêu cực có thể mang lại nhiều tác động khác không được tìm hiểu trong nghiên cứu này.
Một ví dụ: đối phương sẽ ghét bạn.
Dù vậy, nghiên cứu này gợi nhớ cho chúng ta rằng phản hồi tiêu cực, khi được sử dụng một cách thích hợp, đôi lúc có thể rất công hiệu.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Cognition năm 2015 (Kubanek et al., 2015).

Các bạn có thể tự do chia sẻ và sử dụng bài viết (cũng như bài dịch) này với mục đích phi thương mại với điều kiện ghi rõ nguồn là từ Psy Post (và nguồn dịch là Hành lang Tâm lý). Việc sử dụng bài viết và bản dịch này trên mạng cần phải có đường dẫn về trang bài viết của Psy Post http://www.spring.org.uk/2015/05/motivation-this-force-has-3-times-the-power-of-rewards.php và đường dẫn bài dịch http://hanhlangtamly.blogspot.com/2015/10/so-sanh-trung-phat-tuong-thuong-khich-le.html .Những ngoại lệ khác với mục đích thương mại cần có phép bằng văn bản của Psy Post và thông báo cho người dịch


Đọc tiếp

Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

MỐI LIÊN HỆ GIỮA STRESS VÀ BẤT HÒA GIA ĐÌNH VỚI HÀNH VI NGHIỆN INTERNET Ở TRẺ VỊ THÀNH NIÊN

0
Nguyên nhân nghiện internet

ERIC W. DOLAN ON 21/4/2010
Dù hành vi nghiện internet đã được xem là một vấn đề sức khỏe tinh thần từ những năm 90, chúng ta vẫn không biết nhiều về nguyên nhân của hành vi này.
Theo một nghiên cứu được xuất bản trên Cyber Psychology & Behavior, việc trẻ vị thành niên không hài lòng với gia đình và các sự kiện gây stress có khả năng liên hệ tới những hành vi nghiện internet.
Nghiên cứu được công bố năm 2009 do Lawrence T. Lam, Zi-wen Peng, Jin-cheng Mai, và Jin Jing thực hiện.
Trong nghiên cứu của mình, Lam và các cộng sự đã khảo sát 1639 học sinh từ 12 đến 18 tuổi.
“Những học sinh thất vọng với gia đình thường có khả năng nghiện internet cao gấp 2,5 lần so với những bạn cảm thấy hài lòng.”
Mối liên hệ giữa stress và vấn đề nghiện còn cao hơn.
“Tỉ lệ nghiện cao hơn 10 và 2,8 lần lần lượt đối với những bạn vừa trải nghiệm sự kiện gây stress nặng và vừa so với những bạn không trải qua sự kiện gây căng thẳng.”
Nghiên cứu còn phát hiện nam giới có khả năng nghiện internet cao gấp 50% so với nữ giới.
Kết quả cho thấy triệu chứng nghiện internet có thể bị gây ra do việc sử dụng internet như một cơ chế phòng vệ đối phó với stress và các vấn đề liên quan tới stress. Những bạn trẻ có mối quan hệ tiêu cực với gia đình hay vừa trải qua tình huống gây stress có thể sử dụng internet để làm xao nhãng bản thân.
Nếu việc không hài lòng với gia đình hay phải trải qua các sự kiện gây stress là những vấn đề dai dẳng, trẻ vị thành niên có thể phụ thuộc vào nguồn gây xao nhãng này để kiểm soát mức độ stress của mình.
Theo Lam và cộng sự giải thích, stress đồng thời cũng liên hệ với các triệu chứng nghiện khác. “Chúng ta biết rằng stress là yếu tố nguy cơ dẫn đến nghiện chất và cũng là tác nhân dẫn tới xu hướng tái nghiện.”
Nghiên cứu:
Lam, L.T., Peng, Z., Mai, J. & Jing, J. (2009). Factors associated with internet addiction among adolescents. CyberPsychology & Behavior, Vol 12, No 5.


Các bạn có thể tự do chia sẻ và sử dụng bài viết (cũng như bài dịch) này với mục đích phi thương mại với điều kiện ghi rõ nguồn là từ Psy Post (và nguồn dịch là Hành lang Tâm lý). Việc sử dụng bài viết và bản dịch này trên mạng cần phải có đường dẫn về trang bài viết của Psy Post http://www.psypost.org/2010/04/stress-family-internet-addiction-596 và đường dẫn bài dịch http://hanhlangtamly.blogspot.com/2015/10/nguyen-nhan-nghien-internet-nghien-game.html.Những ngoại lệ khác với mục đích thương mại cần có phép bằng văn bản của Psy Post và thông báo cho người dịch

Đọc tiếp

Thứ Ba, 20 tháng 10, 2015

CON GÁI HƯỞNG LỢI KHI CÓ MẸ ĐI LÀM

0
Phụ nữ có con có nên đi làm hay không?
Jaci Conry
“Trong vài tháng qua, cô con gái Emma 3 tuổi của tôi liên tục khóc mỗi khi tôi chuẩn bị đi làm. Cô bé vẫn rất quý cô trông trẻ mà tôi và chồng thuê; thông thường, sau khi ra khỏi nhà vài phút, tôi sẽ lén nhìn qua cửa sổ và thấy Emma vẫn quấn quit trò chuyện với cô ấy. Tuy nhiên, tôi vẫn chẳng thể kìm lòng được mỗi khi Emma ôm chằm lấy tôi, cố gắng giữ tôi ở nhà.”
Giáo sư Kathleen McGinn thuộc Đại học Harvard tin rằng nhiều bà mẹ trong trường hợp trên hiện đang cảm thấy tội lỗi nhiều hơn mức cần thiết. Kathleen là người đứng đầu một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Sáng kiến về Giới của trường ĐH Kinh tế Harvard, bà nhận thấy rằng con gái của những bà mẹ “công sở”, khi lớn, thường có việc làm, làm nhiều thời gian và có mức thu nhập cao hơn những người có mẹ ở nhà toàn thời gian. Nghiên cứu khảo sát trên 20000 người thuộc 24 quốc gia này còn cho thấy những phụ nữ có mẹ đi làm trong quá khứ cũng thường giữ những chức vụ quản lý cao hơn. Đối với đàn ông, việc có mẹ đi làm xem ra không ảnh hưởng nhiều đến công việc sự nghiệp của họ, tuy vậy, kết quả cho thấy họ giành nhiều thời gian hơn trong việc chăm sóc các thành viên trong gia đình khi so sánh với những người có mẹ ở nhà.

McGinn còn cho biết các bà mẹ đi làm thường cảm thấy hài lòng vì hình mẫu mình tạo ra cho con mình. “Trong một thời gian dài, chúng ta thường nghe rằng [phụ nữ] ở nhà thì sẽ tốt cho con cái”. Tuy nhiên, điều này xem ra không chính xác. “Những bà mẹ đi làm sẽ tác động đến thái độ về giới, niềm tin về việc những gì là ‘đúng’ và ‘bình thường’ với phụ nữ nơi con trẻ. Trẻ sẽ biết rằng việc phụ nữ đi làm và đàn ông tham gia công việc gia đình là những điều hoàn toàn hợp lý.” McGinn còn chỉ ra một nghiên cứu được xuất bản năm 2010 trên Psychological Bulletin do Rachel G. Lucas-Thompson thực hiện, ở trường, những trẻ này còn có kết quả học tập và hành vi tương đương, nếu không nói là tích cực hơn, so với các trẻ có mẹ ở nhà.
Tất nhiên, nhiều cha mẹ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải đi làm – Hoa Kỳ là nước công nghiệp hóa duy nhất không bắt buộc trả tiền nghỉ thai sản cho nhân viên – đối với nhiều bà mẹ, kiếm sống là con đường duy nhất. Thế nhưng, đối với những phụ nữ mà người chồng có đủ khả năng để chu cấp cho người vợ ở nhà, việc đi làm hay không là một lựa chọn khá đau đầu.
Michelle Juralewicz, một giám đốc quan hệ côn chúng sống ở Jamaica Plain. Đã nghỉ thai sản 8 tuần sau khi sinh con. Dù xem quyết định trở lại công việc do các yếu tố về kinh tế, Juralewicz, 33 tuổi, vẫn cho biết cô chưa sẵn sàng trì hoãn thời điểm đỉnh cao trong sự nghiệp của mình. Cha mẹ cô sở hữu một doanh nghiệp nhân sự suốt thời gian cô và 3 anh em của cô lớn lên. “Tôi luôn xem sự nghiệp là một con đường tự nhiên giành cho phụ nữ, đồng thời phụ nữ có thể nang bằng với nam giới – mặc cho việc xã hội ra sức ngăn cản điều đó.”, Juralewicz cho biết. Cô đồng thời cũng chia sẻ việc nhà nang bằng với chồng mình.

Làm việc và nuôi dạy con vì thế như một trò chơi tung hứng. “Megan Pesce, mẹ của hai bé trai 8 và 11 tuổi, một nhà thiết kế nội thất, cho biết “Tôi cảm thấy mình như đang phải lầy lội rất nhiều lần” “Việc nhận lãnh cả hai trách nhiệm có thể khiến bạn bị ngộp. Đôi khi tôi băn khoăn liệu mình có làm cả hai phần việc đủ tốt, hay những gì tôi làm chỉ ở mức tầm tầm mà thôi”. Tuy nhiên cô Pesce, 41 tuổi, luôn biết rằng cô muốn giữ lấy sự nghiệp của mình.
Mẹ của Pesce là y tá, thường làm việc ca đêm trong suốt thời gian cô và hai em của mình lớn lên. “Mẹ tôi là một bà mẹ đơn thân buộc phải làm việc để kiếm sống. Bà có bằng thạc sĩ và trở thành một y tá pháp ý. Bà giúp tôi nhận ra rằng tôi có giá trị đến mức nào. Tôi không biết liệu tôi có đủ sự tự tin để làm tất cả những điều này nếu thiếu tấm gương của bà hay không.”
Pesce thường tính toán vào ban đêm và hay tiếp khách hàng vào chiều tối; chồng của cô, một doanh nhân, là người đứng mũi chịu sào cho những công việc nội trợ. “Tôi muốn được ở bên con mình càng nhiều càng tốt”, Pesce cho biết “Tôi đến những buổi luyện tập và các trận đấu của con mình. Con tôi biết rằng mẹ chúng đi làm, nhưng cũng biết rằng gia đình là rất quan trọng.”
Một bà mẹ lựa chọn việc ở nhà có thể phải đối mặt với một khó khăn khác: làm sao để chăm sóc gia đình với chỉ một đầu lương. Tuy vậy, với Kerry McDonald, một bà mẹ đến từ Cambridge, đó là một sự hi sinh xứng đáng. McDonald, 38 tuổi, đang điều hành một công ty tư vấn huấn luyện doanh nghiệp khá thành công. Cô nhớ lại “Suốt thời gian tôi mang thai, tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ không trở lại làm việc. Công việc lúc đó mới là đứa con của tôi.” “Tôi nghĩ rằng mình sẽ chỉ nghỉ vài tháng. Rồi  bỗng tôi nhận ra bản thân mình đã chạy theo cho con ăn, địu con đi mỗi ngày, lo cho con khi con khóc, và tôi nhận ra tôi muốn ở bên để chăm sóc con mỗi khi con cần.”
McDonald giờ đã có 4 đứa con và là đồng biên tập “Choosing Home,” một cuốn ebook với những bài viết về các bà mẹ đã từ bỏ công việc để theo đuổi nghiệp ở-nhà-nuôi-con. Cô cảm thấy sự hỗ trợ từ cộng đồng cho những bà mẹ ở nhà nuôi con nay đã giảm bớt ít nhiều.
“Tôi nghĩ rằng hiện này xã hội chúng ta thường đặt ưu tiên cho công việc, tiền bạc và tiêu xài lên trên cả gia đình, con cái và nhà cửa” McDonald cho biết. Bà đánh giá thấp kết quả nghiên cứu của McGinn. “Tôi cảm thấy rất khó chịu khi nghiên cứu nhấn mạnh chức danh và lương bổng là những chỉ báo của một cuộc sống thành công”

Angela Stevenson, một nhà môi giới bất động sản tại Hingham, đã chứng kiến nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống công việc kể từ khi cô trở thành mẹ vào bảy năm trước. Bà mẹ ba con hiện nay đang kinh doanh quảng cáo truyền thông đã bỏ ra hai năm rưỡi ở nhà sau khi sinh đôi, sau đó cô phụ trách bán hàng cho một công ty công nghệ, công việc yêu cầu cô phải đi công tác rất nhiều. Cuối cùng, cô phải chuyển qua công việc hiện tại vì tính linh động và để giảm bớt khoảng cách với con.

“Khi tôi mới làm mẹ, mọi việc như chỉ có đúng và sai, nhưng bây giờ tôi đã có thể làm cả hai mà không phải cảm thấy lưỡng lự” Steveson cho biết. “Tôi rất hài lòng khi mình có thể ở nhà cả ngày, đồng thời tôi cũng tận hưởng công việc của mình. Tôi cho rằng mức độ stress ở cả hai kịch bản là ngang nhau”
Mẹ của cô cũng làm việc trong khi nuôi dạy cô. “Tôi chứng kiến bà học đại học và thạc sĩ, tôi luôn tự hào về bà. Tôi nhớ có lần bà đã dạy tôi, thứ tốt nhất mà con có thể có là cơ hội để chọn lựa, và tôi thấy hiện giờ điều ấy rất đúng.”
McGinn ghi nhận rằng mặc cho tất cả những thay đổi tại công sở thời hiện đại, cha mẹ vẫn tìm ra cách để hiện diện bên con cái. “Số giờ cha mẹ giành cho con vẫn ổn định từ những năm 60… Khi đó các bà mẹ cũng chẳng ngồi chơi đồ hàng với con cả ngày. Họ cũng làm mọi việc trong nhà và con cái cũng bị đặt qua một bên.”
Như vậy, dù cha mẹ có gặp khó khăn trong việc cần hiện diện nhiều nơi cùng lúc, con cái vẫn cảm thấy mình được chú ý. “Tổng số giờ cha mẹ giành cho con bây giờ đã có thêm sự góp mặt của người cha, những người đang tham gia nhiều hơn hẳn so với những thời đại trước”, McGinn cho biết. “Và những lúc bà mẹ đi làm có mặt bên con mình, thời gian ở bên nhau của cả hai cũng được chú trọng hơn.”

 Các bạn có thể tự do chia sẻ và sử dụng bài viết (cũng như bài dịch) này với mục đích phi thương mại với điều kiện ghi rõ nguồn là từ The Boston Globe (và nguồn dịch là Hành lang Tâm lý). Việc sử dụng bài viết và bản dịch này trên mạng cần phải có đường dẫn về trang bài viết của The Boston Globe https://www.bostonglobe.com/lifestyle/2015/10/04/study-finds-that-daughters-benefit-when-moms-work/Mjoe0kvAhyi41DXmUeatAP/story.html và đường dẫn bài dịch http://hanhlangtamly.blogspot.com/2015/10/con-cai-huong-loi-khi-me-di-lam.html .Những ngoại lệ khác với mục đích thương mại cần có phép bằng văn bản của The Boston Globe và thông báo cho người dịch

Đọc tiếp

Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

LÀM VIỆC NHÀ NHƯ THẾ NÀO SẼ GIÚP GIẢM LO ÂU?

0
Công việc nhà có lợi ích gì?

Một nghiên cứu vừa cho thấy rửa chén bát “chánh niệm” có khả năng giúp giảm stress và ổn định tinh thần.
Chánh niệm là trạng thái chú ý chủ động, cởi mở với hiện tại. Khi bạn ở trong trạng thái chánh niệm, bạn có khả năng tạo khoảng cách đủ để tự quan sát suy nghĩ và cảm xúc của mình mà không đánh giá chúng là tốt hay xấu. Thay vì để cuộc đời đơn giản trôi qua, chánh niệm có nghĩa là sống giây phút hiện tại và nhận thức rõ ràng về trải nghiệm.
Để đi vào trạng thái “chánh niệm”, những người tham gia nghiên cứu được yêu cầu tập trung vào mùi xà bông, cảm giác và hình dạng của bát đĩa.
Các nhà nghiên cứu còn phát hiện rửa chén bát chánh niệm còn giúp làm tăng cảm giác hài lòng khi thì gian trôi chậm lại.
Adam Hanley, tác giả nghiên cứu, cho biết:
“Tôi đã chú ý đến chánh niệm từ nhiều năm nay, trên cương vị thực hành lẫn nghiên cứu.
Tôi đặc biệt quan tâm đến cách thức sử dụng những hoạt động thường ngày trong cuộc sống để đạt đến trạng thái chánh niệm, nhờ vậy, làm tăng cảm giác hạnh phúc toàn vẹn.”
51 nghiệm thể được chia thành 2 nhóm.
Một nhóm rủa chén bát theo cách bình thường – thường để đầu óc lan man nghĩ tới những lo âu thông thường.
Nhóm còn lại được khuyến khích tập trung vào trải nghiệm cảm giác khi rửa chén đĩa.
Nhóm thực hành chánh niệm cho thấy mức độ lo âu giảm đến 27%, đồng thời mức độ cảm hứng tinh thần cũng tăng 25%.

Đây là kết quả khá ấn tượng vì những người tham gia chỉ rửa chén trong 6 phút.
Tác giả ghi nhận:
“Kết quả khá thú vị khi một nhiệm vụ thường được nhìn nhận là khó chịu hay là một việc vặt lại có khả năng làm giảm lo âu và khơi gợi hứng thú chỉ đơn giản bằng cách chuyển đổi chất lượng sự chú ý và cách chúng ta tiếp cận với nhiệm vụ đó.
Việc thực hành chánh niệm này giúp nâng cao khả năng chánh niệm, khuyến khích tình cảm tích cực, đồng thời làm giảm các xúc cảm tiêu cực đã được biết đến từ lâu; Tuy nhiên, việc thực hành chánh niệm đi đôi với những công việc thường nhật lại là một phát hiện mới mẻ.”
Nghiên cứu này được xuất bản trên tạp chí Mindfulness (Hanley et al., 2015).

Các bạn có thể tự do chia sẻ và sử dụng bài viết (cũng như bài dịch) này với mục đích phi thương mại với điều kiện ghi rõ nguồn là từ PsyBlog (và nguồn dịch là Hành lang Tâm lý). Việc sử dụng bài viết và bản dịch này trên mạng cần phải có đường dẫn về trang bài viết của PsyBlog http://www.spring.org.uk/2015/10/the-daily-chore-that-can-increase-mental-stimulation-and-decrease-anxiety.php và đường dẫn bài dịch http://hanhlangtamly.blogspot.com/2015/10/cong-dung-lam-viec-nha-giup-giam-lo-au.html .Những ngoại lệ khác với mục đích thương mại cần có phép bằng văn bản của PsyBlog và thông báo cho người dịch.



Đọc tiếp

Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2015

NGÀY SINH CỦA BẠN CÓ LIÊN HỆ GÌ ĐẾN CÁC RỐI LOẠN TÂM LÝ?

0
Ngày sinh và tâm lý
Courtney Lopresti, M.S. 06/10/2015
Với một số chúng ta, tử vi có thể là những thông tin rất quan trọng hoặc chỉ là những mẩu chuyện vui được dùng để bàn tán hay giải trí.
Vào buổi sáng Chủ Nhật đẹp trời, bạn có thể sẽ đọc báo hay tìm trên Internet “lá số” của bạn trong ngày: Bạn sẽ gặp may mắn trong tương lai nhưng cũng cần cẩn thận đừng quá tự tin vào bản thân, đặc biệt là đối với những dự án mới bắt đầu. Bạn có thể tin rằng tất cả đều hợp với cung Bạch Dương của bạn, vì lẽ những người thuộc cung này thường hay có kì vọng cao vào khả năng của mình…
Về phần mình, các nhà nghiên cứu từ lâu đã cho rằng tử vi không có liên hệ gì với hành vi của bạn – trong một nghiên cứu được thực hiện năm 1985 đăng tại trên tạp chí Nature (http://www.nature.com/nature/journal/v318/n6045/abs/318419a0.html) danh tiếng, các nhà khoa học đã chứng minh rằng những dự đoán dựa trên chiêm tinh học có mức độ chính xác ngang với…may mắn.
Tuy vậy, các nhà khoa học vẫn đồng ý với việc sức khỏe của mỗi chúng ta trong tương lai có liên hệ với ngày sinh của mỗi người. Tùy thuộc vào tháng chúng ta sinh ra mà những yếu tố về tuổi thọ (Gavrilov & Gavrilova, 2011) hay nghề nghiệp (Marzullo, 2014) đều có thể bị tác động.
Bệnh lý tâm thần và liên hệ với tháng sinh
Trong một nghiên cứu vào năm 2012, (Disanto et al., 2012) một nhóm các nhà khoa học thuộc ĐH Queen Mary London, đã tìm hiểu liệu có mối liên hệ gì giữa tháng sinh và nguy cơ gặp phải các rối loạn như tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực hay trầm cảm nặng hay không. Nhóm nghiên cứu đã khảo sát 29 triệu người Anh, trong đó có 58000 người mắc phải một trong ba rối loạn kể trên.
Những người sinh vào mùa đông có nguy cơ gặp phải tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực cao nhất, trong đó tháng 1 là tháng có hai rối loạn này nhiều nhất. Trong khi đó, những người sinh vào mùa xuân, lại dễ mắc phải trầm cảm, với con số lớn nhất được thống kê là vào tháng 5.
Tâm thần phân liệt khá hiếm gặp với người sinh vào tháng 7, trong khi rối loạn lưỡng cực lại ít được quan sát thấy nơi người sinh vào tháng 8 hay tháng 9. Ngoài ra, những người sinh vào tháng 11 cũng ít có khả năng gặp trầm cảm nhất.
Tự tử và tháng sinh
Theo Liên minh Bệnh lý Tâm thần Quốc gia, khoảng 90% những người tự sát thường mắc phải các bệnh lý tâm thần. Điều này cộng với những thông tin trên cho thấy hoàn toàn có khả năng tự sát có liên hệ với tháng sinh. Một nhóm nghiên cứu khác ở Anh Quốc đã tìm hiểu dữ liệu từ 27000 vụ tự tử từ năm 1970 đến 2001 và phát hiện rằng những người sinh tháng 4,5 và 6 có khả năng tự sát cao nhất (Salib & Cortina-Borja, 2006). Tỉ lệ nguy cơ của họ cao hơn những người có sinh nhật vào mùa thu hay mùa đông lên tới 17%.
Các mùa trong năm có vai trò gì?
Các nhà khoa học vẫn không chắc chắn lý do tại sao một số tháng sinh lại có liên hệ đến khả năng mắc phải các rối loạn sức khỏe tâm lý cao hơn những tháng khác, tuy vậy họ vẫn đặt ra một số khả năng.
Một trong số những giả thuyết cho rằng tháng sinh ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học của chúng ta. Trong nghiên cứu vào năm 2010, (Ciarleglio, 2011) các nhà khoa học nhận thấy chuột sinh vào mùa đông thường khó thích ứng với chu trình ánh sáng mùa hè hơn những chú chuột sinh vào các mùa khác. Khả năng điều chỉnh đồng hồ sinh học của con người có liên hệ mạnh mẽ tới tâm trạng. Các nhà nghiên cứu cho rằng chính những khó khăn gặp phải trong nhịp độ sinh học có thể làm gia tăng nguy cơ mắc phải các rối loạn sức khỏe tâm thần nơi những người sinh vào mùa đông.
Một “nghi phạm” tiềm năng khác là vitamin D. Vitamin D được sản xuất khi cơ thể của chúng ta tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Nhiều người cũng biết việc thiếu vitamin có thể làm suy yếu xương và dẫn tới suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây vừa hé lộ thêm một vai trò khác của vitamin đối với hệ thần kinh: Mức vitamin D thấp có thể tác động đến sự phát triển của não, điều này có thể phần nào lý giải mức độ bệnh lý tâm thần tăng cao nơi những người sinh vào mùa đông lạnh giá hay mùa xuân ẩm ướt. Một nghiên cứu tại Đan Mạch cho thấy những trẻ sơ sinh có mức vitamin D thấp nhất thường dễ bị tâm thần phân liệt về sau.
Lây nhiễm cũng có thể chịu một phần trách nhiệm. Trong giai đoạn mùa đông, các bà mẹ thường dễ bị cảm cúm. Liệu điều này có ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ? Những mùa khác cũng có những tác nhân gây dị ứng có thể làm ảnh hưởng đến hệ thống sinh học của người mẹ và tác động đến sự phát triển của thai nhi. Thậm chí chế độ việc thay đổi chế độ ăn theo mùa khi mang thai cũng có thể tạo ra vấn đề.
Chúng ta cần làm gì?
Liệu những người sinh vào mùa xuân hay mùa đông có nên bắt đầu lo lắng cho sức khỏe tâm thần của mình hay không? Những bậc cha mẹ tương lai có nên lập kế hoạch mang thai tùy theo mùa trong năm hay không?
Không cần phải quá hoảng loạn đâu!
Mức độ tác động của những kết quả trong nghiên cứu này là khá thấp và chẳng hề có giá trị gì trong việc ấn định “định mệnh” của chúng ta. Trong tương lai, các bác sĩ có thể tăng cường vitamin D cho những trẻ mới sinh hay sử dụng trị liệu”hộp ánh sáng”. Các bà mẹ có thể được hỗ trợ đặc biệt để bảo vệ bản thân khỏi lây nhiễm hay dị ứng. Khi khoa học thần kinh phát triển, thêm nhiều yếu tố nguy cơ sẽ được xác định và các giải pháp cũng sẽ xuất hiện.
Trong lúc đó, chúng ta có thể sẽ cần chú ý nhiều hơn đến bộ não “mong manh dễ vỡ” của mình. Nếu mùa sinh đủ mạnh để ảnh hưởng đến tâm lý chúng ta, vậy điều gì có thể giúp chúng ta thoát khỏi vấn đề này?
Các bạn có thể tự do chia sẻ và sử dụng bài viết (cũng như bài dịch) này với mục đích phi thương mại với điều kiện ghi rõ nguồn là từ Psychology Today (và nguồn dịch là Hành lang Tâm lý). Việc sử dụng bài viết và bản dịch này trên mạng cần phải có đường dẫn về trang bài viết của Psychology Today https://www.psychologytoday.com/blog/the-truisms-wellness/201510/can-your-birthday-predict-your-mental-health?utm_source=FacebookPost&utm_medium=FBPost&utm_campaign=FBPost
 và đường dẫn bài dịch http://hanhlangtamly.blogspot.com/2015/10/ngay-sinh-lien-he-gi-den-tam-ly-cung-hoang-dao-tu-vi.html .Những ngoại lệ khác với mục đích thương mại cần có phép bằng văn bản của Psychology Today và thông báo cho người dịch.


Đọc tiếp
NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter