Thứ Hai, 16 tháng 5, 2016

TÂM LÝ XÃ HỘI CĂN BẢN – PHẦN 1: QUY GÁN

0


Tâm lý xã hội
Một trong những mục tiêu của giáo là giúp thế hệ trẻ là trở thành những thành viên có đủ trách nhiệm xã hội, phản biện khoa học và nhân bản.
Các bạn là những thành viên của xã hội, đang tham gia vào tương tác xã hội, việc hiểu biết về xã hội và những hiệu ứng của nó là rất cần thiết.
Tuy nhiên, một số vấn đề, hiện tượng tâm lý xã hội dưới góc nhìn, định nghĩa khoa học vẫn chưa được nhiều bạn biết đến ví dụ như áp lực nhóm, hiện tượng đỗ lỗi cho nạn nhân (victim-blaming), quy gán, “hiệu ứng người qua đường” (bystander-effect),…
Vì vậy, trong chuỗi bài viết khá dài hơi này, Hành Lang Tâm Lý xin tóm tắt một số hiện tượng tâm lý xã hội thiết nghĩ sẽ giúp ích được cho các bạn. Chuỗi bài viết sẽ gồm 3 phần:
- Quy gán
- Ảnh hưởng nhóm và sự phục tùng
- Cái ác và lòng nhân ái

QUY GÁN (ATTRIBUTION)

Fritz Heider (1958) cho rằng chúng ta có xu hướng quy gán hành vi của người khác cho một lý do xuất phát từ (1) một đặc điểm cố hữu của họ (dispositional attribution) hay (2) cho tình huống xảy ra vấn đề (situational attribution). Lấy ví dụ, nguyên nhân của hành vi bạo hành gia đình có thể được một số người lý giải ngay lập tức là do tính tình nóng nảy hay đạo đức thấp kém của người chồng. Như vậy chúng ta đang quy gán hành vi bạo hành cho tính tình hay bản chất của người thực hiện hành vi đó. Điều này dễ dàng khiến chúng ta kết luận rằng đó là một người không tốt. Tuy nhiên, suy nghĩ này chưa chắc đã chính xác.
Trước khi tiếp tục giải thích hành vi trên, chúng ta sẽ trả lời câu hỏi: Tại sao chúng ta lại quy gán? Một trong những lý giải là vì con người có mong muốn giải thích được mọi việc xung quanh mình để hiểu tình huống và lựa chọn cách phản ứng. Tuy nhiên chúng ta hay gặp phải vấn đề mental fatigue – mệt mỏi tinh thần, trạng thái mệt mỏi, giảm suy nghĩ khi gặp phải vấn đề phức tạp (Lorist, Boksem, & Ridderinkhof, 2005). Trạng thái này làm giảm động lực tìm hiểu vấn đề, dễ gây ra sai lầm, đơn giản hoá sự việc (van der Linden, Frese, & Meijman, 2003). Vì vậy, khi gặp vấn đề khó khăn, chúng ta sẽ lựa chọn lý giải đơn giản, ít tốn sức lực suy nghĩ và dễ dàng chấp nhận nó. Hiện tượng này cũng thường xuyên xảy ra khi các bạn tiếp nhận thông tin trên báo chí, truyền thông, giao tiếp,… Các bạn không phản biện, tìm hiểu thông tin vì đơn giản là…lười. Báo nói sao tôi tin vậy, thầy cô nói gì cũng đúng, … Tất nhiên mức độ tin cậy vào thông tin còn phụ thuộc vào uy tín, sức mạnh của nguồn tin và ảnh hưởng từ người khác. 


Trở về ví dụ bạo hành, chúng ta hay nghĩ đến chuyện nguyên nhân bạo hành xuất phát từ người chồng. Tuy nhiên, khi làm điều này, các bạn đã phạm lỗi quy gán căn bản: chú trọng quá mức vai trò của tính cách so với môi trường (Langdridge & Butt, 2004). Có hàng ngàn lý do để bạo hành xảy ra như vị trí của người phụ nữ trong xã hội, sự phụ thuộc về kinh tế và cảm xúc của người vợ vào người chồng (Bornstein, 2006), thói quen dùng bạo lực để giải quyết vấn đề (Jewkes, Levin, & Penn-Kekana, 2002). Như vậy một hành vi đơn thuần không thể được giải thích đơn giản là do người gây ra hành vi là xấu hay không tốt. Cấu trúc văn hoá, xã hội ảnh hưởng gì đến hành vi này? Giáo dục gia đình ở gia đình người vợ và người chồng có tác động như thế nào?

Mặt khác, trong ví dụ trên, quy gán cá nhân còn áp dụng cho cả người vợ. Khi thấy một người bị đánh, chắc hẳn các bạn nghĩ đến việc họ chắc đã làm sai điều gì nên bị như vậy. Khi nghĩ như vậy, các bạn đã vô tình mắc phải lỗi quy gán mà Hafer và Begue (2005) gọi là just-world theory (lý thuyết “đời công bằng lắm!” hay “do ăn ở”) và có người gọi là victim-blaming (hiện tượng đỗ lỗi cho nạn nhân). Thực nghiệm cho thấy đứng trước một người bị hại, chúng ta có xu hướng cho rằng một phần lỗi là do họ. Ví dụ, chúng ta có thể nghĩ nạn nhân bị cưỡng bức là do không biết cẩn thận tự bảo vệ mình (Abrams, Viki, Masser, & Bohner, 2003; Niemi & Young, 2014) hay người vợ bị đánh vì có thể đã làm gì không đúng với chồng (Summers & Feldman, 1984). Tuy nhiên, lỗi quy gán này cực kỳ sai lầm khi được sử dụng để đánh lạc hướng chỉ trích hay bảo vệ cho hành vi sai trái.

Bên cạnh quy gán cho cá nhân, chúng ta còn quy gán cho tình huống. Ví dụ, lý do thường thấy khi sinh viên đi trễ là đường đông, kẹt xe hay ba mẹ quên gọi dậy. Quy gán tình huống áp dụng cho xã hội khi lý giải nguyên nhân bạo lực là do tình huống yêu cầu, do trời nóng; lý giải cho chậm phát triển kinh tế là do thế giới chứ không phải do mình. Nguyên nhân của hiện tượng này là chúng ta sử dụng quy gán để bảo vệ hình ảnh, từ chối trách nhiệm của cá nhân hay của nhóm (Hewstone, Jaspars, & Lalljee, 1982). Khác biệt về văn hoá cũng là một yếu tố tác động đến kiểu quy gán. Chua, Boland và Nisbett (2005) cho thấy xã hội phương Tây hay tập trung vào cá nhân còn xã hội Đông phương lại hay chú ý đến hoàn cảnh, tình huống.

Cả hai loại quy gán trên dẫn tới hiện tượng “người diễn-người xem”, anh thất bại là do anh dở, còn tôi thất bại là do tui xui xẻo. Chúng ta quy gán thất bại của người khác là do cá nhân, do nhân cách, do tính tình của họ. Còn đối với bản thân, mình thất bại là do hoàn cảnh, là do chưa gặp may mắn.  

Như vậy, nhận biết hiện tượng quy gán sẽ giúp các bạn:
-       -Nhìn nhận bản thân và người khác một cách toàn diện, khách quan hơn
-       -Có dũng cảm nhận lấy trách nhiệm, thất bại của mình
-       -Nhận ra suy đoán, phân xử của mình không phải lúc nào cũng chính xác
-       -Nhận diện hiện tượng xã hội với sự trung lập và suy nghĩ phản biện

Vậy làm cách nào để tránh quy gán?
-       -Cần suy nghĩ chậm, cẩn thận và tự phản biện suy nghĩ của mình (Burger, 1991)
-       -Ghi nhớ, tạo động lực để nhắc nhở bản thân cần phải tránh quy gán (Webster, 1993)
-       -Luôn suy nghĩ phản biện, đặt nghi vấn với những hành vi của bản thân, của người khác và của nhóm (Fein, 1996)

-Hành Lang Tâm Lý-


Tài liệu tham khảo

Abrams, D., Viki, G. T., Masser, B., & Bohner, G. (2003). Perceptions of stranger and acquaintance rape: The role of benevolent and hostile sexism in victim blame and rape proclivity. Journal of Personality and Social Psychology, 84(1), 111-125. doi:10.1037/0022-3514.84.1.111
Bornstein, R. F. (2006). The complex relationship between dependency and domestic violence: Converging psychological factors and social forces. American Psychologist, 61(6), 595-606. doi:10.1037/0003-066X.61.6.595
Burger, J. M. (1991). Changes in attributions over time: The ephemeral fundamental attribution error. Social Cognition9(2), 182.
Chua, H. F., Boland, J. E., & Nisbett, R. E. (2005). Cultural Variation in Eye Movements during Scene Perception, 12629.
Fein, S. (1996). Effects of suspicion on attributional thinking and the correspondence bias. Journal of Personality and Social Psychology, 70(6), 1164-1184. doi:10.1037/0022-3514.70.6.1164
Feldman, R. S., & Garrison, M. (1993). Understanding psychology (10th ed.). New York, NY: McGraw-Hill.
Hafer, C. L., & Begue, L. (2005). Experimental Research on Just-World Theory: Problems, Developments, and Future Challenges. Psychological Bulletin, 131(1), 128-167.
Hewstone, M., Jaspars, J., & Lalljee, M. (1982). Social representations, social attribution and social identity: The intergroup images of ‘public’ and ‘comprehensive’ schoolboys. European Journal of Social Psychology, 12(3), 241-269. doi:10.1002/ejsp.2420120302
Jewkes, R., Levin, J., & Penn-Kekana, L. (2002). Risk factors for domestic violence: findings from a South African cross-sectional study. Social Science & Medicine, 55(9), 1603-1617. doi:http://dx.doi.org/10.1016/S0277-9536(01)00294-5
Langdridge, D., & Butt, T. (2004). The fundamental attribution error: A phenomenological critique. British Journal of Social Psychology, 43(3), 357-369.
Lorist, M. M., Boksem, M. A. S., & Ridderinkhof, K. R. (2005). Impaired cognitive control and reduced cingulate activity during mental fatigue. Cognitive Brain Research, 24(2), 199-205. doi:10.1016/j.cogbrainres.2005.01.018
Niemi, L., & Young, L. (2014). Blaming the victim in the case of rape. Psychological Inquiry, 25(2), 230-233. doi:10.1080/1047840X.2014.901127
Summers, G., & Feldman, N. S. (1984). Blaming the victim versus blaming the perpetrator: An attributional analysis of spouse abuse. Journal of Social and Clinical Psychology, 2(4), 339-347. doi:10.1521/jscp.1984.2.4.339
van der Linden, D., Frese, M., & Meijman, T. F. (2003). Mental fatigue and the control of cognitive processes: effects on perseveration and planning. Acta Psychologica, 113(1), 45-65. doi:http://dx.doi.org/10.1016/S0001-6918(02)00150-6
Webster, D. M. (1993). Motivated augmentation and reduction of the overattribution bias. Journal of Personality and Social Psychology, 65(2), 261-271. doi:10.1037/0022-3514.65.2.261


Đọc tiếp
NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter