Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

TẠI SAO NHỮNG QUYẾT TÂM TRONG NĂM MỚI CỦA BẠN THƯỜNG THẤT BẠI?

1
Quyết tâm cho năm mới

Alina Dizik
Trong bốn năm qua, tôi luôn có cùng một quyết tâm cho năm mới: Tôi sẽ không bị chia trí bởi tin nhắn hay quá chú tâm váo những ứng dụng trên điện thoại của mình. Hiện tại, tôi vẫn đang gặp phải những vấn đề đó.
Tất nhiên, với việc bản thân liên tục đặt ra cùng một quyết tâm qua các năm, tôi nhận ra để thay đổi thói quen sẽ cần phải làm nhiều hơn là chỉ đề ra một mục tiêu truyền thống thường niên như vậy. Tôi không phải là người duy nhất gặp phải vấn đề này.
Rất nhiều người trong chúng ta dùng thời gian trước thềm năm mới để tự đặt ra những mục tiêu khó lòng đạt được: kì vọng được thăng chức không bao giờ thành hiện thực, quyết tâm tập thể dục khó lòng trụ vững qua đến tháng hai, hay xác định mục tiêu quá mơ hồ cho một mối quan hệ. Trong trường hợp của mình, tôi đặt một mục tiêu quá khó để đo lường đến độ tôi có cảm giác mình thất bại dù sự thật không hẳn là như vậy. (Thành thật mà nói, tôi cũng đã bỏ qua những quyết tâm có liên quan đến nghề nghiệp hay luyện tập thể dục).
Đừng quá thất vọng, có rất nhiều người giống như bạn. Theo một nghiên cứu của ĐH Scrantion, thực hiện trên trang web Statistic Brain, chỉ có 8% những người đặt quyết tâm cho năm mới thật sự đạt được mục tiêu của mình.
“Chính trong bản thân các quyết tâm đã chứa đựng thất bại và sự trì hoãn,” Timothy Pychyl, giáo sư tâm lý tại ĐH Carleton, Ottawa-Ontario, Canada, hiện đang nghiên cứu về trì hoãn, cho biết.
Cảm giác thất bại
Thật ra, chúng ta có thể hưởng lợi từ việc đặt mục tiêu vào thời điểm này vì chúng ta thường sẽ hay chia sẻ chúng với người khác (và cảm thấy bị buộc phải thử thực hiện chúng). Tuy nhiên, trong thực tế, những quyết tâm cho năm mới cực kỳ khó thực hiện.
Một phần của vấn đề là chúng ta thường hay chọn những mục tiêu phi thực tế nhất để làm quyết tâm. Điều này xảy ra vì chúng ta hay giả định sai lầm rằng chúng ta có thể “trở thành một con người hoàn toàn khác” trong năm mới, tâm lý gia Rachel Weinstein, cho biết. Vấn đề càng được nhân rộng khi chúng ta nghe những mục tiêu ‘khổng lồ’ mà bạn bè hay đồng nghiệp đặt ra trong năm mới, bên cạnh đó là những thông điệp truyền thông khác nhau về hiện tượng văn hoá này.
Trong thực tế, “thay đổi xảy ra từng bước nhỏ theo thời gian”. Weinstein giải thích.
Với nhiều người, đặt ra quyết tâm cho năm mới có thể gây hại ngược lại mà nhiều khi chúng ta không nhận ra. Joseph Luciani, tâm lý gia làm việc về các kỹ thuật tự huấn luyện tại Cresskill, New Jersey cho biết. Sau nhiều lần cố gắng thực hiện các quyết tâm không thành công, chúng ta có thể sẽ cảm thấy thất bại. Điều này sẽ gây ra cảm nhận tiêu cực rằng chúng ta đang không sống đúng với ý định của mình.
“Quyết tâm trong năm mới thường là quyết tâm suông… chúng ta đi từ thái độ quyết tâm sang thái độ ‘điều này khó quá’,” ông cho biết. Cuối cùng, chúng ta sẽ kết thúc với việc thiếu cảm giác nhiệt huyết khi đặt các mục tiêu khác trong năm.
Bí mật để thành công
Nếu bạn thật sự nghiêm túc trong việc theo đuổi những mục tiêu trong năm mới, hãy bắt đầu ngay khi bạn có thể. Đừng đợi đến ngày đầu năm. Việc chờ đợi có thể được xem như “một kiểu trì hoãn được văn hoá quy định”. Panych cho biết, chúng ta cảm thấy hài lòng khi mô tả quyết tâm của mình khi ngừoi khác hỏi nhưng lại gặp khó khăn trong việc thực hiện nó trong năm mới. Ví dụ, hãy mua giày chạy và bắt đầu chạy khoảng cách ngắn ngay trước khi cam kết quyết tâm chạy marathon.
Đồng thời, cẩn thận về việc chia sẻ cho bạn bè trước khi bạn thật sự làm được. Theo nghiên cứu của Panych, ngay cả khi không hành động để đạt được quyết tâm, chúng ta vẫn có thể có cảm giác thành công chỉ bằng cách thông báo mục tiêu và thể hiện tham vọng của mình trước cả khi chúng ta đạt được mục tiêu đó. “Đôi khi, chia sẻ mục tiêu với mọi người là điều tệ nhất bạn có thể làm, vì bản thân nó đã là một kiểu tưởng thưởng”, ông chia sẻ.
Đặt những mục tiêu đơn giản
Nhìn có vẻ như chúng ta đang cắt xén bớt mục tiêu nhưng nếu bạn thật sự muốn đạt được quyết tâm, hãy đặt những mục tiêu dễ dàng thực hiện từ ngay ngày đầu tiên. Theo Weinstein, tốt hơn nữa, hãy tìm mục tiêu mà sau đó bạn có thể nâng độ khó lên mức cao hơn.
Ví dụ, hãy tập thể dục thêm ngày thứ ba nếu bạn đã tập hai ngày trong tuần. Thành công sẽ dễ đạt được hơn nếu lòng tin vào bản thân của bạn được thúc đẩy. Nó sẽ đưa bạn trở nên tốt hơn thông qua những mục tiêu khó hơn. Nếu quyết tâm cho năm mới trở nên quá dễ, “việc thêm vào một điều khoản bổ sung vào tháng Hai không có gì là sai cả.”
Nhưng nếu bạn đã từng thất bại trong quá khứ, hãy tha thứ cho chính mình và quyết tâm một cách thực tế hơn. Thay vì giữ nguyên cùng một quyết tâm, hãy thử một tiếp cận mới giúp cùng cố tính tự kỷ luật và mang đến cảm giác hài lòng ngay cả với thành công nhỏ nhất.
“Phát triển khả năng tự kỷ luật là một tiến trình”, Luciani cho biết. “Bạn bắt đầu càng có được thành công bao nhiêu thì bạn sẽ bắt đầu nhìn nhận bản thân khác đi nhiều như vậy.”


Dịch: Hành Lang Tâm Lý
Đọc tiếp

Thứ Ba, 19 tháng 12, 2017

CÓ NÊN NÓI DỐI TRẺ VỀ ÔNG GIÀ NOEL?

2
Có nên nói dối trẻ về Ông già Noel?

Bài viết thể hiện ý kiến cá nhân của tác giả TS Kristen Dunfield, thuộc ĐH Concordia
Giáng Sinh là khoảng thời gian ‘thần tiên’ trong năm, đặc biệt là đối với trẻ em. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ sẽ băn khoăn không biết bao nhiêu ‘thần tiên’ là vừa đủ. Đặc biệt, cha mẹ có thể sẽ lo ngại không biết liệu họ có nên khuyến khích con trẻ tin việc Ông già Noel có thực hay không. Các cha mẹ cũng có thể thắc mắc liệu việc nói dối trẻ sẽ để lại những tác động gì và phải phản ứng ra sao khi trẻ nhận ra sự thật.
Tin vui cho các cha mẹ là hãy cứ yên tâm, các bạn không phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho vấn đề này. Thực tế, cách tốt nhất là hỗ trợ trẻ khi trẻ tự nhận ra vấn đề. Trẻ sẽ nhận ra, và tình hình sẽ không tệ như chúng ta thường nghĩ.
Với tư cách là một nhà tâm lý phát triển, tôi (tác giả) dành phần lớn thời gian nghiên cứu về lòng tin của trẻ em. Tôi quan tâm đến cách thức niềm tin được phát triển và điều gì sẽ xảy ra khi nó bị sụp đổ. Trong mùa Giáng SInh, tôi dành khá nhiều thời gian suy nghĩ về Ông già Noel.
Là dì của 3 đứa cháu dứoi 4 tuổi, câu chuyện về Ông già Noel có ý nghĩa khá đặc biệt. Tuy nhiên, không giống với những cha mẹ khác, tôi xem việc phát triển niềm tin vào viêc Ông già Noel tồn tại, và sau đó là phát hiện bí mật, như một cột mốc để vui mừng thay vì gây sợ hãi.
Nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý học phát triển cho thấy những niềm tin tưởng tượng thường không hẳn là có hại. Không những vậy, nó có liên hệ tới nhiều kết quả phát triển tích cực— từ luyện tập “kĩ năng lý luận phản biện” cần cho sự sáng tạo đến thúc đẩy phát triển về mặt cảm xúc.
Khi trẻ đặt câu hỏi về sự kì diệu
Phần lớn trẻ em vào một thời điểm nào đó đều tin vào Ông già Noel. Trong khi nhiều trẻ hình thành niềm tin này từ gia đình, tác động của xã hội và văn hoá về Ông già Noel đôi khi quá mạnh khiến cho những trẻ dù lớn lên trong những gia đình không khuyến khích hình tượng này đôi khi cũng tin theo.
Tuy vậy, dù cho những chiến lược quảng bá ấn tượng về Ông già Noel, đa phần các trẻ sẽ mất đi niềm tin này khi lên tám. Dù nhiều cha mẹ lo sợ khoảng thời gian chuyển tiếp nàu, nó là một phần không thể tránh khỏi của việc khôn lớn.
Ông già Noel là hình ảnh tổng hợp nhiều đặc điểm vừa đời thường và vừa kì diệu. Đó là một ông già vui tính, mặc áo đỏ và có một bộ râu trắng như tuyết. Ông bay đi khắp nơi với sự giúp đỡ của tuần lộc, đến thăm tất cả các trẻ em trên thế giới trong duy nhất một đêm và biết trẻ nào là trẻ ngoan, trẻ nào là trẻ chưa ngoan.
Khi lớn lên, suy nghĩ của trẻ sẽ dần phát triển cho đến thời điểm trẻ bắt đầu nhận ra Ông già Noel thực hiện những phép màu mà thực tế không thể có thực. Kiến thức mới mẻ này chính là bằng chứng về loại câu hỏi mà trẻ có khả năng đặt ra.
Những trẻ nhỏ thường chỉ quan tâm đến những chi tiết khái quát như: “Ông già Noel sống ở đâu?” Những trẻ lớn thường sẽ nghi hoặc những khả năng phi thường của ông: “Làm cách nào Ông già Noel bay vòng quanh thế giới chỉ trong vòng một đêm?”
Bạn có nên tiết lộ bí mật?
Việc nhận ra những câu hỏi hóc búa này của trẻ như một tiến trình phát triển về nhận thức sẽ giúp cha mẹ cởi bỏ gánh nặng về niềm tin này.
Nếu mục tiêu của bạn là gia tăng niềm tin của trẻ vào việc Ông già Noel có thực, bạn có thể trả lời bằng cách sử dụng những cách giải thích hay bằng chứng hợp lý. Đây là lúc trang web NORAD, trang web theo dõi trực tuyến hành trình của Ông già Noel vòng quanh thế giới vào đêm Giáng Sinh, trở nên hữu dụng.
Thay vào đó, nếu bạn muốn để trẻ chủ động, bạn có thể đơn giản chuyển hướng câu hỏi về lại trẻ. Điều này giúp trẻ tự đưa ra lời giải thích cho chính mình: “Cha/Mẹ không biết nữa, theo con tại sao Ông già Noel bay được?”
Cuối cùng, nếu bạn nghĩ đã đến lúc để trẻ hiểu như cách người lớn hiểu về Ông già Noel như một hình ảnh tưởng tượng được mọi người yêu mến, bạn có thể cung cấp những bằng chứng và lời giải thích khác nhau về sự thật.
Bí mật về Ông già Noel của tôi bị phá vỡ khi tôi phát hiện món quà của Ông già Noel nằm trong túi áo khoát của mẹ tôi. Dù cho bạn lựa chọn chiến lược nào, không thể tránh khỏi cuối cùng những bằng chứng chống lại Ông già Noel sẽ chiếm ưu thế và niềm tin vào điều kì diệu này sẽ biến mất.
Lời nói dối thiện chí
Nếu bạn chọn việc kéo dài niềm tin của trẻ vào Ông già Noel và trẻ nhận ra bạn đang đánh lừa chúng, trẻ sẽ phản ứng như thế nào?
Hoá ra là trẻ sẽ đón nhận khá tốt. Trong một nghiên cứu tìm hiểu phản ứng của trẻ về việc phát hiện sự thật về Ông già Noel, cha mẹ thường phản ứng với việc chuyển tiếp mạnh hơn cả trẻ, những người thực chất cảm thấy phát hiện này là tích cực.
Tại sao lại tích cực? Ông già Noel là một trong vô vàn những thứ trẻ học qua lời chứng của người khác. Bởi vì con người thường dựa vào người xung quanh để tin vào đa số những thứ chúng ta biết, chúng ta được trang bị khá tốt khả năng kiểm chứng cho nhiệm vụ này. Chúng ta đánh giá nguồn thông tin lẫn nội dung thông tin mà chúng ta nhận được thông qua những kiến thức sẵn có cùng những ký ức về tương tác trong quá khứ với nguồn thông tin. Điều này có nghiã là với tất cả những thông tin đáng tin cậy mà cha mẹ chia sẻ với con cái trong suốt cuộc đời, ít có khả năng một lời nói dối nhỏ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Trẻ phát hiện sự thật về Ông già Noel vào cùng khoảng thời gian các em bắt đầu hiểu một số lời nói dối, kể cả về Ông già Noel, được sử dụng với mục đích tốt.
Tin vào những điều kì diệu như Ông già Noel là điều kì diệu chỉ có ở trẻ em. Nghiên cứu cho thấy những niềm tin vào điều kì diệu có liên hệ tới một loạt những kết quả tích cực trong tiến trình phát triển. Vậy, nếu con bạn vẫn đang tin Ông già Noel, đừng ngại bảo vệ bí mật này.
Khi trẻ lớn dần, đặc biệt nếu trong nhà có những trẻ nhỏ tuổi hơn, sẽ vẫn có nhiều cách khác đầy sáng tạo để duy trì trải nghiệm tích cực về Ông già Noel, ngay cả khi niềm tin vào việc Ông già Noel có thật đã biến mất.
Cuối cùng, hãy nhớ rằng, trong quá trình trẻ hình dung thế giới thật sự vận động như thế nào, các em sẽ tự mình đi tìm bằng chứng từ những sự vật và những người xung quanh chúng.
Đồng thời, việc để Ông già Noel tặng món quà nhỏ và để cha mẹ tặng những món quà lớn hơn cũng là một ý hay, bất kêt thu nhập của gia đình bạn như thế nào, tất cả trẻ em đều xứng đáng được yêu thương vào Mùa Giáng Sinh này.


Chuyển dịch: Hành Lang Tâm Lý


Đọc tiếp
NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter