Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2015

TẠI SAO TRẺ LẠI BỊ “FROZEN” MÊ HOẶC

Tình chị em trong Frozen

Maryam Kia-Keating và Yalda T. Uhls 06/01/2015

Maryam Kia-Keating là phó giáo sư Tâm lý lâm sàng tại ĐH California, Santa Barbara.
Yalda T. Uhls là nhà nghiên cứu lâu năm tại Trung tâm Truyền thông Kỹ thuật số Trẻ em tại UCLA và là Giám đốc Khu vực của Công ty Truyền thông phi lợi nhuận Common Sense.

Khi bộ phim hoạt hình “Frozen” – Nữ hoàng băng giá – ra mắt năm 2014, không ai nghĩ rằng nó lại trở thành một hiện tượng toàn cầu. Thu về hơn 1,2 tỉ USD, “Frozen” không chỉ là bộ phim về các “công chúa” đầu tiên được lọt vào nhóm 10 phim hoạt hình có doanh thu lớn nhất, nó còn trở thành phim hoạt hình đứng đầu mọi thời đại.

Các bé gái từ lâu đã bị hình tượng công chúa mê hoặc, đây là một xu hướng được Peggy Orenstein ghi nhận trong bộ phim tài liệu Cinderella Ate My Daughter: Dispatches from the Front Lines of the New Girlie-Girl Culture vào năm 2011. Một vài thập kỷ trở lại đây, các nhân vật hoạt hình nữ chính đã trở nên phong phú và độc lập hơn, góp phần mở rộng sự yêu thích từ khán giả. Vào những năm 1990, Disney giới thiệu Jasmine (Aladdin) và Mulan (Mulan), những công chúa có đôi mắt đen, đến từ các nền văn hóa mới. Trong năm 2009, Disney cuối cùng cũng tạo ra một Công chúa người Mỹ với làn da nâu trong “Công chúa và Hoàng tử Ếch”. Trong tất cả các câu chuyện, hoàng tử vẫn có mặt nhưng các công chúa thường có vị thế tương đương.

Tuy vậy, một số khía cạnh của hình mẫu công chúa vẫn không thay đổi: Trẻ em vẫn vui thích không chỉ bởi bộ phim mà còn bởi trang phục và đồ chơi. Nhưng điều gì lại khiến “Frozen” trở nên nổi bật hơn những tác phẩm trước – và tại sao nó lại khiến các bé mê mẩn đến thế?
Trong vai trò là những nhà tâm lý (cũng có kinh nghiệm trong vai trò người chị, y như nhân vật chính trong phim) cũng như những người mẹ có con gái thích làm công chúa, chúng tôi quyết định tìm câu trả lời cho câu hỏi trên.

Trước hết, thế giới cảm xúc của trẻ mẫu giáo chính là những hồi ức của đấu tranh nội tâm nơi nhân vật Elsa, vai chính của bộ phim: Cảm xúc của cô mạnh mẽ, mãnh liệt và dường như chẳng thể kiểm soát. Tương tự, trẻ mẫu giáo cũng bị chi phối bởi những xung năng. Khi Elsa cất tiếng hát rằng cô sợ “cơn bão bên trong chẳng thể có lối thoát”, nó chạm đến trái tim từng trẻ nhỏ (và có lẽ cả những cha mẹ với lòng kiên nhẫn đang bị thử thách).

Thứ hai, trí tưởng tượng của trẻ đạt ngưỡng cao nhất vào tuổi mẫu giáo, biến thế giới thành một nơi kỳ diệu ngập tràn những cơ hội phiêu lưu và kỳ thú. Trẻ sẽ hào hứng với những câu chuyện thấm nhuộm màu sắc thần tiên. Chính vì thế, Elsa – theo lời của con gái tác giả Maryam, là một “siêu nhân” với “sức mạnh băng giá” (hô biến tạo ra cả một lâu đài băng tuyết chỉ sử dụng những ngón tay của mình) – được trở nên yêu thích đặc biệt. Có lẽ vì quá thích thú với phép thuật và sức mạnh của Elsa mà trẻ ít chú ý tới những trải nghiệm cô đơn và tuyệt vọng nơi nhân vật chính khi cô bị khóa chặt trong phòng mình lúc bé và rồi tìm nơi trú ẩn trong tòa lâu đài xa xôi khi lớn. 

Tuy nhiên, đi kèm với sức quyến rũ của phép mầu và ý niệm mọi chuyện đều có thể trở thành hiện thực là nỗi sợ hãi. Con gái của Maryam đặc biệt thích việc không có phù thủy trong “Frozen”. Dù cũng say mê các bộ phim công chúa khác nhưng những nhân vật hình tượng phù thủy (như Gothel trong “Tangled”) lại có vẻ quá chân thực. Những đoạn gây sợ hãi trong “Frozen” đều rất ngắn và rất ít, đồng thời nhân vật phản diện là một chàng trai bình thường, lại còn biết hát một bài hát tình yêu khá vui tai.

Thứ ba, Elsa có một mối liên hệ rất mật thiết đến em gái của cô, Anna. Dù Elsa liên tục từ chối những cố gắng xây dựng tình thân nơi em mình xuyên suốt bộ phim, mối gắn kết của họ lại tô đậm sự hy sinh vì gia đình lên hết thảy. Trẻ mẫu giáo kết nối sâu sắc và thường thể hiện sự gắn bó mạnh mẽ với gia đình, nghĩa là các em yêu mến những thành viên nằm trong vòng tròn xã hội của mình. Ngay cả khi người xem “Frozen” mong mỏi Anna kết duyên với Kristoff, tình cảm chị em vẫn là điều nỗi bật hơn cả. Các nhân vật nữ chính trong “Frozen” đều chân thành và rất thực tế. Họ không còn suốt ngày tìm kiếm hoàng tử bạch mã của riêng mình. Ngược lại, lan truyền thông điệp về tình cảm chị em và sức mạnh của phái nữ.

Cuối cùng, âm nhạc điểm nét quyết định. Con gái 4 tuổi của tác giả cùng bạn bè rất thích hát giai điệu “Let it Go”, chỉ trỏ ngón tay mình qua lại lẫn nhau: “Be the good girl you always have to be!” (Hãy là bé gái ngoan, con phải luôn như thế). Rồi tất cả cùng hòa ca, vờ như mình là Elsa đang phù phép xây lâu đài từ bằng đá. Ngay cả bé trai 1 tuổi của Maryam cũng tham gia màn diễn, bắt chước động tác của các chị. Khi Maryam hỏi con gái nghĩ gì về bài hát, bé cười và nhận xét ngắn gọn: “Bài hát nói về việc Elsa tự do và hạnh phúc, không ai làm phiền chị ấy cả.”

Thật vậy, đây mới là mấu chốt của vấn đề: mong muốn cháy bỏng hạnh phúc và tự do của toàn nhân loại. Có lẽ việc hiểu được cách nhìn của trẻ mẫu giáo có thể giúp chúng ta lý giải được một số lý do khiến bộ phim này thu hút chúng ta: Tất cả chúng ta đều nhận thấy những đấu tranh nội tâm nơi các xung năng của mình. Không ai trong chúng ta thật sự mong gặp những kẻ (quá) phản diện trong đời thực. Đa phần con người đều trung thành với gia đình, mặc cho những biến động hay khó khăn về cảm xúc đôi khi ta phải đối diện. Và tất cả nhân loại đều mong ước hạnh phúc và tự do.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Bài đã đăng

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter