Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015

NHÌN NHẬN NGƯỜI KHÁC THÙ ĐỊCH SẼ LÀM TĂNG TÍNH GÂY HẤN NƠI TRẺ

Tại sao trẻ gây hấn, khó chịu?

DUKE UNIVERSITY 14/7/2015
Một nghiên cứu mới của ĐH Duke cho thấy việc trẻ theo dõi sát sao những dấu hiệu thù địch từ người khác sẽ kích hoạt những hành vi gây hấn ở chính trẻ.
Nghiên cứu chiều dài được thực hiện trong vòng 4 năm trên 1299 trẻ và cha mẹ, dàn trải trên 12 nhóm văn hóa khác nhau thuộc 9 quốc gia trên toàn thế giới.
Theo nghiên cứu, kết quả trên xuất hiện trong một số nền văn hóa nhiều hơn số còn lại, điều này giúp lý giải lý do vì sao trẻ trong một số nền văn hóa lại có nhiều hành vi gây hấn hơn những trẻ trong các nền văn hóa khác.
Nghiên cứu được công bố trực tuyến trên Proceedings of the National Academy of Sciences không chỉ đem lại những gợi ý để giải quyết những vấn đề hành vi gây hấn cá nhân mà còn giúp làm sáng tỏ những xung đột liên văn hóa quy mô lớn kéo dài như xung đột giữa Israel-Arab hay đụng độ sắc tộc tại Hoa Kỳ.

Kenneth A. Dodge, giám đốc Trung tâm Chính sách Trẻ em và Gia đình tại ĐH Duke và là chủ nhiệm nghiên cứu, cho biết “Nghiên cứu của chúng tôi xác định một tiến trình tâm lý quan trọng dẫn trẻ em đến co đường bạo lực.”

“Khi trẻ cho rằng mình đang bị đe dọa bởi một người nào đó và quy gán rằng họ đang hành động với ý định thù địch, trẻ sẽ thường phản ứng lại một cách gây hấn. Kết quả cho thấy mô hình trên xuất hiện trên tất cả các nghiệm thể thuộc 12 nhóm văn hóa được nghiên cứu trên toàn cầu.”
Dodge cho biết thêm, “Nghiên cứu cũng cho thấy có những khác biệt giữa các nền văn hóa trong xu hướng xã hội hóa trẻ trở nên phòng thủ theo phương thức này, những khác biệt trên có thể cho chúng ta biết vì sao trong một số nền văn hóa, trẻ lại hành xử mang tính gây hấn nhiều hơn các nền văn hóa khác. Kết quả cho thấy việc cần thiết thay đổi cách chúng ta xã hội hóa trẻ, giúp các em trở nên tử tế, khoan dung và ít phòng vệ hơn. Điều này sẽ giúp trẻ giảm gây hấn và giúp xã hội bình yên hơn.”
Các nghiệm thể đến từ Jinan, Trung Quốc; Medellin, Colombia; Naples, Ý; Rome, Ý; Zarqa, Jordan; bộ tộc Luo Kisumu, Kenya; Manilla, Philippines; Trollhattan/Vanersborg, Thụy Điển; Chiang Mai, Thái Lan; và Durham, Mỹ (trong đó bao gồm cộng đồng người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Âu và người nói tiếng Tây Ban Nha). Các trẻ bắt đầu tham gia nghiên cứu vào lúc 8 tuổi.
Các nhà nghiên cứu đã đo lường mức độ hành vi gây hấn của trẻ bằng cách thu thập những quan sát giữa mẹ và con. Trẻ cũng được yêu cầu trả lời lại các tình huống giả định trong đó có người sẽ có những hành động thù địch với trẻ - ví dụ, một người đầm sầm vào trẻ từ đằng sau hay khiến trẻ giẫm chân vào một vũng nước.
Dựa vào những câu trả lời của trẻ, các nhà nghiên cứu sẽ đánh giá xem trẻ có diễn dịch những hành động không rõ ràng thành thù địch và “leo thang” xung đột thành gây hấn hay không. Một số trẻ trong từng nền văn hóa sẽ đi theo một xu hướng được gọi là “thành kiến quy gán thù địch.”
Kết quả trong tất cả các nền văn hòa cho thấy nếu trẻ tin rằng một hành động được bắt nguồn từ một ý định thù địch, trẻ sẽ phản ứng lại mang tính gây hấn nhiều hơn. Thật vậy trung bình, những trẻ nhìn nhận hành vi là thù địch sẽ phản ứng gây hấn nhiều hơn 5 lần so với những trẻ chấp nhận đó là hành vi không thù địch. Những trẻ có thành kiến quy gán thù địch sẽ thường phát triển các hành vi gấn hấn nhanh hơn và các hành vi cũng sẽ nghiêm trọng hơn xuyên suốt 4 năm nghiên cứu.
Quan trọng hơn, các nền văn hóa có mức thành kiến quy gán thù địch cao như Zarqa, Jordan, và Naples, Ý, cũng có tỉ lệ những vấn đề hành vi gây hấn cao. Các nền văn hóa có mức thành kiến thấp như Trollhättan, Thụy Điển và Jinan, Trung Quốc cũng sẽ có mức độ hành vi gây hấn ở trẻ thấp.
Kết quả cho thấy chìa khóa của việc phòng tránh các hành vi gây hấn trong và giữa các nền văn hóa có thể đến từ cách xã hội hóa lối suy nghĩ của trẻ về sự tương tác với người khác.
“Kết quả cho thấy một điểm mới trong Quy tắc Vàng,” Dodge cho biết. “Chúng ta không chỉ cần dạy trẻ đối xử với người khác như những gì trẻ muốn người khác làm cho mình, nhưng còn phải suy nghĩ về người khác như những gì trẻ muốn người khác nghĩ về mình.
Bắng cách dạy trẻ nghĩ tốt về người khác, chúng ta sẽ giúp trẻ bớt gây hấn, lo âu và trở nên giỏi giang hơn khi trưởng thành.”
Các bạn có thể tự do chia sẻ và sử dụng bài viết (cũng như bài dịch) này với mục đích phi thương mại với điều kiện ghi rõ nguồn là từ Psy Post (và nguồn dịch là Hành lang Tâm lý). Việc s dụng bài viết và bản dịch này trên mạng cần phải có đường dẫn về trang bài viết của Psy Post http://www.psypost.org/2015/07/kids-expecting-aggression-from-others-become-aggressive-themselves-35814 và đường dẫn bài dịch http://hanhlangtamly.blogspot.com/2015/07/tai-sao-tre-gay-han-kho-chiu.html. Những ngoại lệ khác với mục đích thương mại cần có phép bằng văn bản của Psy Post và thông báo cho người dịch.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter