Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2015

NGÀY SINH CỦA BẠN CÓ LIÊN HỆ GÌ ĐẾN CÁC RỐI LOẠN TÂM LÝ?

Ngày sinh và tâm lý
Courtney Lopresti, M.S. 06/10/2015
Với một số chúng ta, tử vi có thể là những thông tin rất quan trọng hoặc chỉ là những mẩu chuyện vui được dùng để bàn tán hay giải trí.
Vào buổi sáng Chủ Nhật đẹp trời, bạn có thể sẽ đọc báo hay tìm trên Internet “lá số” của bạn trong ngày: Bạn sẽ gặp may mắn trong tương lai nhưng cũng cần cẩn thận đừng quá tự tin vào bản thân, đặc biệt là đối với những dự án mới bắt đầu. Bạn có thể tin rằng tất cả đều hợp với cung Bạch Dương của bạn, vì lẽ những người thuộc cung này thường hay có kì vọng cao vào khả năng của mình…
Về phần mình, các nhà nghiên cứu từ lâu đã cho rằng tử vi không có liên hệ gì với hành vi của bạn – trong một nghiên cứu được thực hiện năm 1985 đăng tại trên tạp chí Nature (http://www.nature.com/nature/journal/v318/n6045/abs/318419a0.html) danh tiếng, các nhà khoa học đã chứng minh rằng những dự đoán dựa trên chiêm tinh học có mức độ chính xác ngang với…may mắn.
Tuy vậy, các nhà khoa học vẫn đồng ý với việc sức khỏe của mỗi chúng ta trong tương lai có liên hệ với ngày sinh của mỗi người. Tùy thuộc vào tháng chúng ta sinh ra mà những yếu tố về tuổi thọ (Gavrilov & Gavrilova, 2011) hay nghề nghiệp (Marzullo, 2014) đều có thể bị tác động.
Bệnh lý tâm thần và liên hệ với tháng sinh
Trong một nghiên cứu vào năm 2012, (Disanto et al., 2012) một nhóm các nhà khoa học thuộc ĐH Queen Mary London, đã tìm hiểu liệu có mối liên hệ gì giữa tháng sinh và nguy cơ gặp phải các rối loạn như tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực hay trầm cảm nặng hay không. Nhóm nghiên cứu đã khảo sát 29 triệu người Anh, trong đó có 58000 người mắc phải một trong ba rối loạn kể trên.
Những người sinh vào mùa đông có nguy cơ gặp phải tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực cao nhất, trong đó tháng 1 là tháng có hai rối loạn này nhiều nhất. Trong khi đó, những người sinh vào mùa xuân, lại dễ mắc phải trầm cảm, với con số lớn nhất được thống kê là vào tháng 5.
Tâm thần phân liệt khá hiếm gặp với người sinh vào tháng 7, trong khi rối loạn lưỡng cực lại ít được quan sát thấy nơi người sinh vào tháng 8 hay tháng 9. Ngoài ra, những người sinh vào tháng 11 cũng ít có khả năng gặp trầm cảm nhất.
Tự tử và tháng sinh
Theo Liên minh Bệnh lý Tâm thần Quốc gia, khoảng 90% những người tự sát thường mắc phải các bệnh lý tâm thần. Điều này cộng với những thông tin trên cho thấy hoàn toàn có khả năng tự sát có liên hệ với tháng sinh. Một nhóm nghiên cứu khác ở Anh Quốc đã tìm hiểu dữ liệu từ 27000 vụ tự tử từ năm 1970 đến 2001 và phát hiện rằng những người sinh tháng 4,5 và 6 có khả năng tự sát cao nhất (Salib & Cortina-Borja, 2006). Tỉ lệ nguy cơ của họ cao hơn những người có sinh nhật vào mùa thu hay mùa đông lên tới 17%.
Các mùa trong năm có vai trò gì?
Các nhà khoa học vẫn không chắc chắn lý do tại sao một số tháng sinh lại có liên hệ đến khả năng mắc phải các rối loạn sức khỏe tâm lý cao hơn những tháng khác, tuy vậy họ vẫn đặt ra một số khả năng.
Một trong số những giả thuyết cho rằng tháng sinh ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học của chúng ta. Trong nghiên cứu vào năm 2010, (Ciarleglio, 2011) các nhà khoa học nhận thấy chuột sinh vào mùa đông thường khó thích ứng với chu trình ánh sáng mùa hè hơn những chú chuột sinh vào các mùa khác. Khả năng điều chỉnh đồng hồ sinh học của con người có liên hệ mạnh mẽ tới tâm trạng. Các nhà nghiên cứu cho rằng chính những khó khăn gặp phải trong nhịp độ sinh học có thể làm gia tăng nguy cơ mắc phải các rối loạn sức khỏe tâm thần nơi những người sinh vào mùa đông.
Một “nghi phạm” tiềm năng khác là vitamin D. Vitamin D được sản xuất khi cơ thể của chúng ta tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Nhiều người cũng biết việc thiếu vitamin có thể làm suy yếu xương và dẫn tới suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây vừa hé lộ thêm một vai trò khác của vitamin đối với hệ thần kinh: Mức vitamin D thấp có thể tác động đến sự phát triển của não, điều này có thể phần nào lý giải mức độ bệnh lý tâm thần tăng cao nơi những người sinh vào mùa đông lạnh giá hay mùa xuân ẩm ướt. Một nghiên cứu tại Đan Mạch cho thấy những trẻ sơ sinh có mức vitamin D thấp nhất thường dễ bị tâm thần phân liệt về sau.
Lây nhiễm cũng có thể chịu một phần trách nhiệm. Trong giai đoạn mùa đông, các bà mẹ thường dễ bị cảm cúm. Liệu điều này có ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ? Những mùa khác cũng có những tác nhân gây dị ứng có thể làm ảnh hưởng đến hệ thống sinh học của người mẹ và tác động đến sự phát triển của thai nhi. Thậm chí chế độ việc thay đổi chế độ ăn theo mùa khi mang thai cũng có thể tạo ra vấn đề.
Chúng ta cần làm gì?
Liệu những người sinh vào mùa xuân hay mùa đông có nên bắt đầu lo lắng cho sức khỏe tâm thần của mình hay không? Những bậc cha mẹ tương lai có nên lập kế hoạch mang thai tùy theo mùa trong năm hay không?
Không cần phải quá hoảng loạn đâu!
Mức độ tác động của những kết quả trong nghiên cứu này là khá thấp và chẳng hề có giá trị gì trong việc ấn định “định mệnh” của chúng ta. Trong tương lai, các bác sĩ có thể tăng cường vitamin D cho những trẻ mới sinh hay sử dụng trị liệu”hộp ánh sáng”. Các bà mẹ có thể được hỗ trợ đặc biệt để bảo vệ bản thân khỏi lây nhiễm hay dị ứng. Khi khoa học thần kinh phát triển, thêm nhiều yếu tố nguy cơ sẽ được xác định và các giải pháp cũng sẽ xuất hiện.
Trong lúc đó, chúng ta có thể sẽ cần chú ý nhiều hơn đến bộ não “mong manh dễ vỡ” của mình. Nếu mùa sinh đủ mạnh để ảnh hưởng đến tâm lý chúng ta, vậy điều gì có thể giúp chúng ta thoát khỏi vấn đề này?
Các bạn có thể tự do chia sẻ và sử dụng bài viết (cũng như bài dịch) này với mục đích phi thương mại với điều kiện ghi rõ nguồn là từ Psychology Today (và nguồn dịch là Hành lang Tâm lý). Việc sử dụng bài viết và bản dịch này trên mạng cần phải có đường dẫn về trang bài viết của Psychology Today https://www.psychologytoday.com/blog/the-truisms-wellness/201510/can-your-birthday-predict-your-mental-health?utm_source=FacebookPost&utm_medium=FBPost&utm_campaign=FBPost
 và đường dẫn bài dịch http://hanhlangtamly.blogspot.com/2015/10/ngay-sinh-lien-he-gi-den-tam-ly-cung-hoang-dao-tu-vi.html .Những ngoại lệ khác với mục đích thương mại cần có phép bằng văn bản của Psychology Today và thông báo cho người dịch.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter