Một nghiên cứu mới vừa cho thấy việc bắt
nạt nơi công sở thường sẽ trở thành một vòng tròn luẩn quẩn, khi nạn nhân càng
bị stress và lo âu thì họ càng dễ trở nên mục tiêu để các đồng nghiệp chèn ép.
Nhiều năm trời nghiên cứu về hiện tượng
“bắt nạt nơi công sở” cho thấy nó có thể gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng đối
với nạn nhân, trải dài từ trầm cảm cho tới kiệt sức nghề nghiệp.
Bên cạnh việc làm tổn hại đến sức khỏe
và hiệu suất công việc, các nhà khoa học tâm lý Alfredo Rodríguez-Muñoz (ĐH Complutense
Madrid), Bernardo Moreno-Jiménez (ĐH Autonoma Madrid), và Ana Isabel
Sanz-Vergel (ĐH East Anglia) nhận ra căng thẳng và lo âu do việc chèn ép gây ra
còn có thể mài mòn nhân viên, khiến họ trở nên dễ tổn thương hơn trước những
hành động gây khó dễ trong tương lai.
Sanz-Vergel cho biết, “Chúng tôi nhận
thấy việc bị bắt nạt nơi công sở có thể dẫn đến việc sụt giảm sức khỏe tinh
thần và hạnh phúc,” “Đồng thời, việc thể hiện các hành vi lo âu có thể đẩy nạn
nhân vào vị trí yếm thế, khiến họ trở thành mục tiêu ‘ưa thích’ – kéo theo một
loạt các hành động lạm dụng khác.”
Các nhà nghiên cứu đặt giả thuyết rằng
chính sự căng thẳng do việc phải đối đầu với tình trạng bị chèn ép đã khiến cho
người lao động trở nên kiệt sức về mặt tinh thần, điều này khiến họ khó có khả
năng đứng lên chống lại sự lạm dụng. Cùng cơ chế đó, căng thẳng về tâm lý có
thể kéo theo hiệu suất công việc kém, chính điều này sẽ làm giảm sự hỗ trợ,
giúp đỡ từ đồng nghiệp và cấp trên.
Khi tình trạng trở nên tệ đi, những nhân
viên là mục tiêu của sự chèn ép thường phát triển cách nhìn tiêu cực về nơi làm
việc, đưa đến hệ quả là sự căng thẳng và tình trạng chán chường với công việc.
Trong nghiên cứu trên, các nhà tâm lý đã
phỏng vấn qua điện thoại 350 nhân viên toàn thời gian về những trải nghiệm của
họ với tình trạng chèn ép nơi công sở cùng với những triệu chứng lo âu và trầm
cảm.
Các nghiệm thể được hỏi về mức độ họ
trải nghiệm những hành vi tiêu cực cụ thể gây ra sự cách ly và chèn ép tại nơi
làm việc (ví dụ như việc bàn tán hay cố tình che giấu thông tin) trong vòng 6
tháng qua.
Để lượng giá lo âu và trầm cảm, những
người tham gia được yêu cầu trả lời tần suất họ cảm thấy các triệu chứng về lo
âu hay trầm cảm (ví dụ, “Tôi có các suy nghĩ lo âu” hay “Tôi cảm thấy như thể
mình đang bị kéo chậm lại”)
Sau sáu tháng, các nhà nghiên cứu tiếp
tục theo dõi cùng nhóm nhân viên trên. Đúng như kỳ vọng, họ tìm ra rằng các nạn
nhân của việc bị chèn ép tăng mức độ triệu chứng lo âu và có thái độ bi quan
hơn đối với công việc so với khảo sát ban đầu.
Tuy nhiên, việc bị chèn ép không giúp dự
đoán việc cuối cùng liệu nghiệm thể có những triệu chứng trầm cảm hay không.
Các nhà nghiên cứu cho rằng cần nhiều hơn 6 tháng để các triệu chứng trầm cảm
phát triển, bên cạnh đó, các nghiên cứu trước đây cho thấy các triệu chứng lo
âu thường sẽ kéo theo khởi phát trầm cảm.
Các nhà tâm lý viết Anxiety, Stress,
& Coping: An International Journal rằng, “Vì vậy, trong trường hợp chèn
ép tại nơi làm việc, có thể có tồn tại một vòng xoáy tiêu cực. Trong đó, việc
bắt nạt sẽ làm giảm sức khỏe tinh thần và hạnh phúc. Kế đến, hệ quả trên sẽ
khiến cho tình trạng hay nhận thức về hoàn cảnh công việc của người bị hại trở
nên tệ hơn trước.”
Các tổ chức không chỉ cần tiến hành các
biện pháp đảm bảo phòng tránh sự chèn ép mà còn cần tạp trung cung cấp các
nguồn lực giúp người lao động phát triển các kỹ năng đối phó với hiện tượng
trên.
Các tác giả kết luận, “Các chiến lược
can thiệp tập trung vào việc xây dựng nguồn lực cho nhân viên như sự tin tưởng
vào khả năng bản thân hay những hỗ trợ xã hội cũng có thể giúp giảm thiểu những
nhận thức ‘nạn nhân hóa’ của người lao động về tình trạng chèn ép nơi công sở.”
Tài
liệu tham khảo
Rodríguez-Muñoz, A., Moreno-Jiménez, B.,
& Sanz-Vergel, A. I. (2015). Reciprocal relations between workplace
bullying, anxiety and vigor: a two-wave longitudinal study. Anxiety,
Stress & Coping: An International Journal, 1-31.
DOI:10.1080/10615806.2015.1016003
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét