Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

NHỮNG KÝ ỨC VỀ TUỔI THƠ BỘC LỘ ĐIỀU GÌ VỀ BẠN?

Ý nghĩa của ký ức tuổi thơ

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng với đa số chúng ta, trung bình, những ký ức đầu tiên sẽ là về các sự kiện lúc chúng ta 3 tuổi rưỡi.Tuy nhiên, những nghiên cứu mới đây cho thấy trẻ em còn có thể nhớ những ký ức còn sớm hơn thế (Wang & Peterson, 2014). Ngược lại, với người trưởng thành, chúng ta chỉ nhớ những ký ức bắt đầu từ lúc ta 6 đến 6 tuổi rưỡi (Wells, Morrison, & Conway, 2014). Các nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng, có rất ít những ký ức trước tuổi lên 6 có thể trở thành một ký ức lâu dài.
Những ký ức đầu tiên đó cho chúng ta thấy những gì về bản thân và tuổi thơ của mình? Và liệu có phải ai cũng ghi nhớ cùng một kiểu ký ức khi còn nhỏ hay không?
Các ký ức đầu tiên thường có nội dung rất phong phú: những trò chơi, tai nạn hay những thay đổi (về nhà ở, trường lớp,…) đều có thể trở thành những sự kiện được lưu giữ đến tận tuổi trưởng thành (Peterson, Morris, Baker-Ward, & Flynn, 2013). Mỗi kiểu sự kiện còn sót lại khi ta lớn lên đều có thể phản ánh rõ nét đặc điểm tuổi thơ của chúng ta, đồng thời chúng cũng cho biết những điều gì là quan trọng và góp phần tạo nên con người chúng ta hiện tại. Ví dụ, trẻ em Canada thường có những ký ức đầu tiên là về việc tự chơi một mình hay những thay đổi mang tính cá nhân. Trong khi đó, trẻ em Trung Quốc lại hay nhớ về những tương tác với gia đình và trường lớp (Peterson, Wang, & Hou, 2009).  
Vẫn chưa rõ lý do tại sao một số kinh nghiệm cụ thể lại được ghi nhớ cả đời, trong khi nhiều sự kiện khác lại bị loại bỏ. Những ký ức tuổi thơ đầu tiên được người trưởng thành lưu giữ thường là các sự kiện mang tính cảm xúc. Dù có nhiều ký ức cho thấy những sự kiện cảm xúc tiêu cực nhưng cũng có nhiều ký ức khắc họa những kinh nghiệm hạnh phúc thời thơ ấu (Howes, Siegel, & Brown, 1993). Một vài các tai nạn, ví dụ bị té gãy tay khi đang chơi trong sân trường, cũng hay được giữ lại đến lúc lớn. Thế nhưng, những khoảnh khắc hạnh phúc như một chuyến du lịch thú vị hay thời gian chơi đùa với bạn bè cũng thường xuyên được ghi nhớ.
Nghiên cứu cũng chứng minh, bên cạnh tính cảm xúc, sự liên tục cũng góp phần tác động đến “tuổi thọ” của ký ức. Mức độ thông hiểu một cách có ý nghĩa một trải nghiệm sẽ tác động đến khả năng sự kiện đó được đưa vào “bộ nhớ”. Một cô gái đã hồi tưởng lại một trải nghiệm rất sống động sau đây khi cô đang học mẫu giáo lúc 3-4 tuổi: Một người đàn ông mang áo vest tới lớp mẫu giáo để nói chuyện. Ông vừa nói vừa bắt đầu mang thêm từng mẫu phục trang truyền thống của người Bản địa Mỹ lên người cho đến khi ông đứng trước cả lớp trong trang phục Tù trưởng bộ tộc Onondaga. Bài học ông truyền tải vô cùng rõ ràng, ông vẫn chỉ là một con người dù có thể mang cả hai loại quần áo. Khi lớn lên, cô bé năm xưa giải thích rằng chính ký ức tuổi thơ vô cùng ấn tượng đó đã giúp cô biết trân trọng sự đa dạng và tạo cảm hứng cho công việc của bản thân cô, một nhà hành động vì quyền con người.
Tổng thể của những ký ức tự thuật của chúng ta không chỉ phản chiếu những chất liệu cuộc sống ta đã sở hữu mà còn là những vật liệu giúp xây dựng nên con người ta đang trở thành. Những ký ức đầu tiên cho thấy những tác động của bối cảnh văn hóa lên bản thân chúng ta cũng như những ảnh hưởng của tuổi thơ mà ta đã trải qua. Trải nghiệm không chỉ là những thứ đã xảy ra với chúng ta, chúng là những “vật liệu thô sơ” ta dùng để định hình căn tính, bản ngã của mình. Con người ta đã trở thành có khả năng suy nghĩ về những sự kiện đó, tái đánh giá chúng lựa chọn cách thức đáp trả. Chúng ta không bị cầm tù bởi quá khứ, chúng ta vẫn có quyền quyết định sẽ sử dụng những khía cạnh nào của quá khứ để khắc họa nên con người hiện tại và tương lai của mình.
Những ký ức tuổi thơ ta chọn để lưu giữ cho thấy những điều ta xem là quan trọng. Những trải nghiệm đó không cho người khác biết tất cả mọi điều về con người bạn. Một người ghi nhớ những ký ức về việc bị lạm dụng khi còn nhỏ chưa chắc sẽ bị đánh giá là “nạn nhân”, “người sống sót”,… Cách thức cá nhân hiểu được ý nghĩa của những trải nghiệm đó mới góp phần tạo nên ý nghĩa bản ngã của họ. Những ký ức đang được xử lý đó sẽ tích hợp vào tính cá thể đầy năng động và không ngừng thay đổi của cá nhân.  
Chúng ta không được lựa chọn tuổi thơ ta đã trải qua nhưng chúng ta được lựa chọn cách phản ứng với những ký ức đó.
Các bạn có thể tự do chia sẻ và sử dụng bài viết (cũng như bài dịch) này với mục đích phi thương mại với điều kiện ghi rõ nguồn là từ Psychology Today (và nguồn dịch là Hành lang Tâm lý). Việc sử dụng bài viết và bản dịch này trên mạng cần phải có đường dẫn về trang bài viết của Psychology Today https://www.psychologytoday.com/blog/longing-nostalgia/201504/what-your-oldest-memories-reveal-about-you?utm_source=FacebookPost&utm_medium=FBPost&utm_campaign=FBPost
và đường dẫn bài dịch http://hanhlangtamly.blogspot.com/2015/08/ky-uc-tuoi-tho-boc-lo-dieu-gi-ve-ban.html . Những ngoại lệ khác với mục đích thương mại cần có phép bằng văn bản của Psychology Today và thông báo cho người dịch.

Tài liệu tham khảo
Batcho, K. I. (2012). Childhood happiness: More than just child’s playPsychology Today
Batcho, K. I., Nave, A. M., & DaRin, M. L. (2011). A retrospective survey of childhood experiences. Journal ofHappiness Studies12, pp. 531-545.
Demiray, B., & Bluck, S. (2011). The relation of the conceptual self to recent and distant autobiographical memories. Memory19, pp. 975-992.
Howes, M., Siegel, M., & Brown, F.  (1993). Early childhood memories:  Accuracy and affect. Cognition47, pp. 95-119.
Peterson, C., Morris, G., Baker-Ward, L., & Flynn, S. (2013). Predicting which childhood memories persist: Contributions of memory characteristics. Developmental Psychology,50, pp. 439-448.
Peterson, C., Wang, Q., & Hou, Y. (2009). “When I was little”: Childhood recollections in Chinese and European Canadian grade school children. Child Development80, pp. 506-518.
Wang, Q., & Peterson, C. (2014). Your earliest memory may be earlier than you think:  Prospective studies of children’s dating of earliest childhood memories  Developmental Psychology50, pp. 1680-1686.
Wells, C., Morrison, C. M., & Conway, M. A. (2014). Adult recollections of childhood memories: What details can be recalled? The Quarterly Journal of Experimental Psychology67, pp. 1249-1261



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter