Lý do khiến một số người ích kỷ? |
Một nghiên cứu mới vừa cho thấy việc
tính toán tưởng chừng như rất giản đơn cũng có thể làm chúng ta trở nên ích kỷ
và hành xử kém đạo đức hơn.
Các nhà nghiên cứu từ ĐH Hong Kong, ĐH Toronto
và ĐH Northwestern đã đưa ra giả thuyết cho rằng việc quá chú trọng đến con số
sẽ tạo ra “tư duy tính toán” khiến chúng ta sử dụng cách giải quyết mang tính
định lượng nhiều hơn khi tiếp cận một vấn đề, bỏ qua tầm ảnh hưởng của những hệ
quả đạo đức và mối quan hệ liên cá nhân
trong quyết định của mình.
Các nhà khoa học đã kiểm chứng giả
thuyết này thông qua chuỗi 5 thực nghiệm khác nhau.
Wanf cùng các cộng sự viết trong tạp chí
Organizational Behavior and Human Decision Processes, “Sau khi tham gia thực
hiện các nhiệm vụ tính toán, các nghiệm thể tham gia vào thực nghiệm thường dễ
bị đánh gục bởi sức hấp dẫn của phần thưởng, họ sẽ hành xử ích kỷ và thiếu trung
thực hơn. Như vậy, cũng như việc các phần thưởng về tiền bạc, vật chất có thể
ảnh hưởng đến quyết định của chúng ta trong thực nghiệm, có vẻ như hành động tính
toán đơn thuần cũng có thể kích hoạt ‘tư duy tính toán’ trong bối cảnh đạo đức
và xã hội, làm kích hoạt nhiều hơn những hành vi hướng tới bản thân hay thậm chí
phi đạo đức.”
Trong thực nghiệm đầu tiên, các sinh
viên tham gia vào nghiên cứu được yêu cầu đọc một bài đọc ngắn – một bài giảng
kinh tế về việc tính toán giá trị đầu tư hay một bản mô tả ngắn gọn về lịch sử
cách mạng công nghiệp – trước khi tham gia một trò chơi tài chính được thiết kế
để đo lường các hành vi ích kỷ hoặc phi đạo đức.
Trong Trò chơi Độc tài này, các nghiệm thể
sẽ được cho 10 USD và được yêu cầu chia sẻ số tiền này – từ 0 USD đến hết cả 10
USD – cho một người chơi giấu mặt khác.
Những nghiệm thể thực hiện các nhiệm vụ
tính toán thường sẽ ích kỷ hơn. Khả năng họ giữ lại hết 10 USD sẽ cao hơn 3 lần
so với nhóm còn lại.
Trong một thực nghiệm thứ hai, các
nghiệm thể được yêu cầu tham gia một trò chơi trong đó, họ có cơ hội nói dối
những người chơi khác để đạt được những phần thưởng lớn hơn. So sánh với những người
thuộc nhóm còn lại, các nghiệm thể trong nhóm tính toán nói dối gấp đôi để có
được nhiều tiền hơn.
Một nghiên cứu khác cũng cho thấy chỉ
cần cho các nghiệm thể giải các bài toán trong bài thi GRE cũng đủ để tạo ra “tư
duy tính toán”.
“Những người ở trong môi trường tính toán
không chỉ ích kỷ mà còn gian lận nhiều hơn những người không nằm trong môi
trường tính toán. Vì thế, tư duy tính toán xem ra có vẻ mang lại những tác hại
tiêu cực (dù không hữu ý) lên việc đưa ra những quyết định mang tính đạo đức”,
Wang cùng cộng sự cho biết.
Để kiểm chứng xem liệu những hệ quả trên
của tư duy tính toán có thể được giảm thiểu hay không, các nhà nghiên cứu đã
thực hiện một thực nghiệm khác trong đó yêu cầu nghiệm thể xem và lựa một số
hình ảnh gia đình trước khi thực hiện nhiệm vụ tính toán hoặc nhiệm vụ đọc không
tính toán, điều này được thực hiện nhằm mục đích khơi gợi những giá trị cộng đồng
nơi người tham gia.
Tuy những hình ảnh gia đình trên chỉ có
tác dụng rất nhỏ trong việc ngăn ngừa các hành vi ích kỷ, nhóm nghiên cứu cho rằng
các nghiên cứu trong tương lai có thể tìm hiểu những cách thức hiệu quả hơn để đưa
các giá trị đạo đức và xã hội vào nơi làm việc nhằm nỗ lực giảm thiểu các hành
vi thiếu đạo đức.
Tài liệu tham khảo
Wang, L., Zhong C.-B., Murnighan J.K.
(2014). The social and ethical consequences of a calculative mindset.
Organizational Behavior and Human Decision Processes, 125(1), 39–49. DOI:
10.1016/j.obhdp.2014.05.004
Các bạn có thể tự do chia sẻ và sử dụng bài viết (cũng như bài dịch) này với mục đích phi thương mại với điều kiện ghi rõ nguồn là từ Psychological Science (và nguồn dịch là Hành lang Tâm lý). Việc sử dụng bài viết và bản dịch này trên mạng cần phải có đường dẫn về trang bài viết của Psychological Science http://www.psychologicalscience.org/index.php/news/minds-business/number-crunching-may-make-people-more-selfish.html và đường dẫn bài dịch http://hanhlangtamly.blogspot.com/2015/08/tinh-toan-qua-muc-khien-chung-ta-ich-ky.html. Những ngoại lệ khác với mục đích thương mại cần có phép bằng văn bản của Psychological Science và thông báo cho người dịch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét