Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

10 HÀNH ĐỘNG NHỎ CÓ KHẢ NĂNG CẢI THIỆN HIỆU QUẢ LÀM VIỆC CỦA BẠN

Phương pháp giúp bạn thành công, hạnh phúc

Các nghiên cứu tâm lý cho thấy những hành động đơn giản có thể đem lại sức mạnh, tăng sự thuyết phục, nâng cao thấu hiểu, thúc đẩy nhận thức và nhiều hơn thế
Chúng ta thường nghĩ ngôn ngữ cơ thể là cách chúng ta biểu hiện những trạng thái nội tâm ra thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, điều này vẫn đúng theo hướng ngược lại: tư thế của cơ thể cũng tác động đến tâm trí chúng ta.
Những nghiên cứu tâm lý dưới đây sẽ cho các bạn thấy cách chúng ta chuyển động cũng ảnh hưởng lên suy nghĩ và cảm xúc, đồng thời nó còn thúc đẩy hiệu suất hoạt động của con người.

1. Tư thế đem lại năng lượng
Nếu bạn muốn cảm thấy mình có nhiều năng lượng hơn, hãy làm theo tư thế sau đây. Carney và cộng sự (2010) phát hiện rằng khi chúng ta đứng hay ngồi trong một phút với tư thế dang rộng chân tay cùng những cử chỉ “mở rộng” hướng ra ngoài, chúng ta không chỉ cảm thấy có nhiều năng lượng hơn mà chính lượng testosterone trong cơ thể cũng tăng lên. Vì tư thế “năng lượng” yêu cầu nhiều khoảng không nên bạn hãy duỗi cả cơ thể và mở rộng chân tay. Khi bạn làm chủ không gian, tâm trí bạn sẽ nhận tín hiệu và làm phần còn lại.

2. Căng cơ bắp làm tăng ý chí
Gồng cứng các cơ bắp có thể giúp làm tăng ý chí. Trong một chuỗi 5 nghiên cứu, Hung và Labroo (2011) nhận thấy rằng việc căng cứng các cơ bắp giúp làm tăng khả năng chịu đau, “cự tuyệt” với sự mời gọi của thức ăn, chịu đựng “vị đắng” của thuốc men và làm tăng khả năng chú ý vào các thông tin gây khó chịu. Vì vậy, nếu bạn cần nâng cao ý chí của bản thân, hãy gồng cứng các cơ bắp của bạn.

3. Bắt chéo tay nâng cao kiên trì
Nếu bạn bị mắc kẹt trong một vấn đề đòi hỏi sự kiên trì, hãy thử khoanh hai tay lại. Friedman và Elliot (2008) đã cho những người tham gia vào nghiên cứu làm hành động tương tự và nhận thấy rằng nghiệm thể có thể làm việc lâu hơn trước những câu đố phức tạp. Thực tế là lâu hơn gấp đôi thời gian thông thường! Và tính kiên trì cũng dẫn tới nhiều phương án chính xác hơn!

4. Nằm xuống để suy ngẫm
Nếu khoanh tay vẫn còn chưa đủ, hãy thử nằm xuống. Khi Lipnicki và Byrne (2005) cho những người tham gia nằm xuống lúc giải đố, tốc độ hoàn thành của họ nhanh hơn hẳn. Vì giải đố thật ra là một kiểu vấn đề đòi hỏi sự tự suy ngẫm, hành động này có lẽ có thể giúp bạn đưa ra nhiều giải pháp sáng tạo hơn.

5. Chợp mắt nhanh giúp hoạt động hiệu quả
Nếu bạn đã nằm xuống, sao không thử ngủ một giấc? Chợp mắt là cả một nghệ thuật. Chợp mắt quá lâu, bạn sẽ trở nên mệt mỏi, lừ đừ. Chợp mắt quá ít thì chẳng có gì thay đổi. Vậy đâu là điểm “chuẩn”?
Brooks và Lack (2005) so sánh 5, 10, 20 và 30 phút chợp mắt nhằm tìm ra xem chợp mắt bao lâu là tốt nhất. Kết quả cho thấy, để làm tăng hiệu suất nhận thức, sức khỏe và sự tỉnh táo, chợp mắt trong 10 phút là giải pháp tối ưu. Những lợi ích trên có thể được quan sát ngay sau khi chợp mắt trong 10 phút, nếu ngủ lâu hơn, bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn để thức giấc. Chợp mắt 5 phút cũng chỉ mang lại một nửa các ích lợi trên, nhưng thà có còn hơn không!

6. Cử chỉ giúp thuyết phục
Cách chúng ta “chém gió” – cử điệu của bàn tay khi đưa ngang khoàng không – không chỉ đơn thuần là sản phẩm “phụ” của quá trình giao tiếp. Maricchiolo và cộng sự (2008) chứng minh rằng cử điệu tay giúp làm tăng sức mạnh thuyết phục của thông điệp so với khi chúng ta không “chém gió”. Những cử chỉ mang nhiều tính thuyết phục nhất là các điệu bộ giúp làm rõ những gì bạn đang nói. Ví dụ, chỉ tay ra phía sau khi bạn nói về chuyện trong quá khứ.

7. Và điệu bộ giúp học tập
Cử chỉ không chỉ giúp chúng ta thuyết phục người khác, nó còn giúp chúng ta suy nghĩ. Trong một nghiên cứu trên trẻ em, Cook và đồng sự (2007) phát hiện ra rằng những trẻ được khuyến khích làm điệu bộ khi học sẽ nhớ những nội dung chúng được học nhiều hơn. Cử động tay có vẻ có thể giúp chúng ta học tốt hơn.

8. Mỉm cười để hạnh phúc
Chỉ riêng hành động mỉm cười thôi cũng có thể khiến bạn cảm thấy hạnh phúc. Strack và cộng sự (1988) đã cho các nghiệm thể ngậm bút sao cho các cơ phụ trách hành động “cười” phải hoạt động, hay ngược lại. Những người có các “cơ cười” được kích hoạt thường đánh giá các truyện hoạt họa là hài hước hơn so với những người mà “cơ cười” không hoạt động. Vậy, ép mình cười cũng có thể là một cách giúp chúng ta nhìn đời tươi sáng hơn.

9. Bắt chước mang lại thấu hiểu
Nếu bạn muốn bước vào thế giới tâm trí của ai, hãy thử sao chép hành vi của người đó. Những người thấu hiểu tốt thường thực hiện chiến lược này một cách tự động: bắt chước giọng nói, tư thế, cách thể hiện, v.vNếu bạn có thể bắt chước, bạn sẽ có thể tự mình cảm nhận và có “manh mối” về những gì người kia đang cảm nhận. Đây là điều mà các diễn viên đã biết từ lâu: bắt chước là cách mô phỏng tuyệt vời những trạng thái cảm xúc của người khác.

10. Bắt chước đem lại thông hiểu
Việc bắt chước người khác có thể giúp chúng ta hiểu được cả cảm xúc và suy nghĩ của người khác. Trong một thực nghiệm của Adank (2010), những người tham gia cảm thấy mình hiểu được giọng nói của một vùng miền khác dễ dàng hơn nếu họ thử bắt chước giọng nói đó. Một vài nhà tâm lý khác còn tiến xa hơn, Pickering & Garrod, (2007) thậm chí còn cho rằng việc bắt chước người khác có thể giúp chúng ta dự đoán những điều họ sắp làm.

Nhận thức cơ thể
Nhiều nghiên cứu trong danh sách trên ủng hộ lý thuyết “Nhận thức cơ thể” về con người. Lý thuyết này cho rằng chúng ta không chỉ suy nghĩ với tâm trí mà còn suy ngẫm bằng chính cơ thể của mình. Tâm trí chỉ là một bộ não đặt trong một chiếc lọ, nó được nối kết với một cơ thể chuyển động trong môi trường.
Với cuộc sống “ảo” ngày càng phát triển trên những màn hình điện tử đủ kích cỡ, chúng ta cần nhắc nhớ rằng cơ thể và tâm trí có một mối liên hệ hai chiều. Trí tuệ của con người vượt khỏi khả năng xử lý trừu tượng đơn thuần; nó còn là tương tác giữa tâm trí, cơ thể và thế giới xung quanh chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Bài đã đăng

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter