Giám sát nhân viên bằng thiết bị điện tử. Nên hay không? |
Nhằm nỗ lực nâng cao hiệu quả làm việc
của nhân viên, nhiều công ty thường tăng cường sử dụng thiết bị điện tử
(Electronic Performance Monitoring – EPM) để giám sát nhân viên của mình khi
làm việc. Với hệ thống trên, người quản lý có thể liên tục theo dõi và phân
tích ngay lập tức tiến trình làm việc của nhân viên.
Ví dụ một công ty tổng đài điện thoại
với công nghệ EPM, giám sát viên có thể xem lại các đoạn băng điện thoại cũng như
lắng nghe trực tiếp các cuộc hội thoại bất kỳ lúc nào. Hệ thống giám sát điện
tử cũng được sử dụng để liên tục thu thập thông tin về đo lường hiệu quả công
việc, ví dụ như thời gian làm việc, tổng doanh số hay thời gian nhân viên nghỉ
giải lao.
Nhưng liệu những “con mắt tàng hình” này
có giúp làm tăng hiệu quả công việc hay không?
Một nghiên cứu mới của nhà khoa học tâm
lý Devasheesh P. Bhave thuộc ĐH Concordia cho thấy giám sát điện tử có mối
tương quan với hiệu suất công việc; không những thế, ông còn phát hiện nhân
viên càng được giám sát nhiều bao nhiêu thì họ càng làm việc hiệu quả nhiều bấy
nhiêu.
Bhave cho rằng sự hiện diện của EPM có
tác động tương tự của việc “sếp” hiện diện trực tiếp tại văn phòng trên hành vi
của nhân viên. Việc nhân viên biết rằng họ có thể bị đánh giá bất kỳ lúc nào,
nhưng không biết chính xác là khi nào, sẽ khuyến khích họ làm việc chăm chỉ và
hiệu quả hơn trong mọi công việc.
Để kiểm chứng lý thuyết này, Bhave phân
tích đánh giá chất lượng các cuộc gọi đến tổng đài trong vòng 3 tháng. Việc
đánh giá được thực hiện bởi một công ty thứ ba chuyên về lượng giá chất lượng
cuộc gọi theo một hệ thống đo lường được chuẩn hóa, ví dụ như đo đạc về mức độ
nhiệt tình qua giọng nói và việc tuân thủ quy trình của công ty.
Sau khi phân tích hơn 4200 cuộc gọi từ
248 nhân viên, Bhave phát hiện rằng nhân viên càng bị giám sát nhiều bao nhiêu
thì hiệu quả công việc của họ càng cao bấy nhiêu.
Một thực nghiệm thứ hai tìm hiểu về mức
độ giám sát viên thường xuyên sử dụng giám sát qua điện tử để kiểm tra nhân
viên. 24 giám sát viên được cho điền vào một phiếu khảo sát về mức độ họ sử
dụng giám sát điện tử. Họ cũng được cho đánh giá hiệu quả công việc và mức độ
các hành vi tích cực và tiêu cực tại nơi làm việc của 204 nhân viên.
Một lần nữa, kết quả cho thấy mối liên
hệ thuận chiều giữa mức độ sử dụng giám sát điện tử thường xuyên và hiệu quả
công việc. Các nhà quản lý sử dụng giám sát điện tử càng nhiều thì hiệu quả
hoạt động của nhân viên càng cao. Tuy nhiên, Bhave cũng tìm thấy những tác động
khác của hệ thống này lên hành vi nhân viên.
Trong khi việc giám sát thường xuyên
không cho thấy những ảnh hưởng làm giảm các hành vi tiêu cực, như lướt web hay
làm việc riêng, nó lại cho thấy có mối liên hệ đến việc tạo ra nhiều hành vi
tích cực hơn, như giúp đỡ đồng nghiệp.
Không có lời giải thích rõ ràng cho mối
liên hệ này nhưng một khả năng là nhân viên được thúc đẩy để thực hiện nhiều
hành vi tích cực hơn nhằm tạo ra ấn tượng tốt khi được đánh giá.
Dù EPM cho thấy nhiều hứa hẹn trong việc
cải thiện hiệu năng của nhân viên, những tổ chức như ACLU và Electronic
Frontier Foundation lại lên tiếng quan ngại về việc sử dụng giám sát điện tử
tại nơi làm việc.
Bhave viết trên Journal of Personnel
Psychology, “Dù kết quả cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc sử dụng EPM để
giám sát và hiệu quả hoạt động của nhân viên, việc sử dụng EPM quá mức lại có
thể gây hại cho hiệu năng của người lao động khi tính đến những quan ngại về
công bằng và tính tự chủ.”
Tài liệu tham khảo
Bhave, D.P. (2014). The Invisible Eye? Electronic
Performance Monitoring and Employee Job Performance. Personnel Psychology.
67(3), 605–635. DOI: 10.1111/peps.12046
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét