Tra hỏi |
Nhiều người hiện vẫn tin rằng tra tấn thật
sự có tác dụng. Những ngày vừa qua, khi bản báo cáo của Ủy Ban Tình báo Quốc
hội Hoa Kỳ về các chương trình điều tra của CIA làm dậy sóng dư luận, Chris
Matthews, người dẫn chương trình Hardball trên kênh MSNBC, đã cho rằng tuy
những phương pháp “tra hỏi nâng cao” có thể bất hợp pháp và vô đạo đức, nhưng
nó vẫn hiệu quả trong việc khai thác thông tin từ đối phương. Ý của ông là, dù
bạn thích hay không, những phương pháp này vẫn có hiệu quả.
Tuy nhiên, không phải vậy. Matthews đã sai
lầm ở điểm này. Có lẽ sẽ là thiếu công bằng nếu chỉ ra đơn cử mình Matthews vì
ông không phải là người duy nhất tin tưởng rằng nếu bạn làm đau người khác đủ
đến một mức nào đó, họ sẽ nói ra sự thật. Rất nhiều người Mỹ (và công an, cảnh
sát ở các quốc gia khác) vẫn giữ niềm tin sai lầm này. Thực tế, có một lượng lớn
dữ liệu khoa học cho thấy các hình thức tra hỏi bạo tàn không đem lại nguồn
tình báo hiệu quả nào cả. Thật ra, kiểu tra hỏi này thường dẫn đến chống đối và
khai man nhiều hơn.
Tuy vậy, vẫn có những kỹ thuật khác đem lại
hiệu quả và minh chứng cho thấy không quá khó để thực hiện. Đa phần các kỹ
thuật này được tóm tắt trong báo cáo của Nhóm Tra khảo Phạm nhân Có Giá trị
(High Value Detainee Interrogation Group – HIG), nhóm này đã làm việc suốt 4
năm để tạo ra một ngành khoa học về thu thập tình báo. Kết hợp với nhà khoa học
tâm lý Christian Meissner của ĐH Texas El Paso, nhóm nghiên cứu đã tiến hành
những nghiên cứu thực địa lẫn thực nghiệm với mục tiêu phát triển các kỹ thuật
tra hỏi dựa trên bằng chứng. Các kết quả nghiên cứu có thể được tham khảo ở 2 đường
dẫn 1 và 2.
Sau đây là một số thông tin về HIG. Năm
2006, Ủy Ban Khoa học Tình báo đã tìm hiểu những bằng chứng khoa học hiện tại
về việc tra hỏi, và về căn bản là không có gì cả. Kết luận bất ngờ và đáng báo
động này yêu cầu chính phủ phải điều tra các kỹ thuật tra hỏi nào là đạo đức và
hiệu quả. Điều này đưa đến một mệnh lệnh trực tiếp thi hành, ban bố bởi Tổng
thống Obama ngay từ đầu nhiệm kỳ thứ nhất của mình, thành lập HIG, mà trong đó
bao trùm Lầu Năm Góc, CIA và FBI. HIG bắt đầu chương trình nghiên cứu 12 triệu
USD trong vòng 5 năm để thực hiện nhiệm vụ, và Meissner trở thành trưởng ban
điều tra.
Công trình khoa học của HIG hoàn toàn công
khai và được đánh giá đồng đẳng, đồng thời nó cũng là đối tượng của tất cả các
giám sát đạo đức thông thường. Nhiệm vụ của nó khá lớn và phạm vi phát hiện
trải rộng nhiều khu vực có liên hệ đến việc tra hỏi. Nhưng mối quan tâm chính
yếu vẫn là – nó có hiệu quả hay không? – các kết quả rất rõ ràng. Những điểm
chính là:
Xây dựng tương quan có hiệu quả. Laurence Alison thuộc ĐH Liverpool, Anh
Quốc, đã nghiên cứu trên mẫu lớn các
băng hình những buổi tra hỏi với các nghi can khủng bố - bao
gồm một số liên hệ đến al_Qaeda - ông nhận thấy chến lược hiệu quả nhất là
thể hiện sự thấu cảm, thái độ chấp nhận và cho phép nghi can tự chủ. Khi người
điều tra sử dụng chiến lược tạo quan hệ này, nghi can sẽ giảm thiểu các chiến
lược phản tra
hỏi của chúng - ví dụ, im lặng, trả lời theo kịch bản - và
sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích hơn. Nhà khoa học Melissa Russano thuộc ĐH
Roger William đã phỏng vấn nhiều điều tra viên có kinh nghiệm -
kinh nghiệm trong cả việc thẩm vấn những mục tiêu “có giá trị” -
họ đều xác nhận tầm quan trọng của mối quan hệ.
Các chiến lược Kiểm soát không hiệu quả. Meissner và đồng nghiệp đã so sánh tính
hiệu quả của kỹ thuật xây dựng tương quan với các kỹ thuật dựa trên việc kiểm
soát - những kỹ thuật tiêm nhiễm sự sợ hãi, khuếch đại việc buộc
tội cùng các hình phạt tương lai. Các kỹ thuật kiểm soát - lấy
từ trong các sổ tay hướng dẫn thực địa của Quân đội - làm
gia tăng sự lo âu, tuy nhiên các kỹ thuật bổ trợ thì lại giúp đem đến các phản
ứng tích cực và thông tin có chất lượng cao hơn. Các nghiên cứu khác đã minh
chứng một cách thuyết phục rằng các phương pháp buộc tội -
làm tăng lo lắng và căng thẳng cùng việc sử dụng những chứng cứ giả tạo -
thường đem lại các lời thú tội sai sự thật. Những tìm hiểu khác phát hiện khi
người điều tra cố gắng xác nhận những giả định của họ về tội lỗi của phạm nhân,
họ thường dùng các phương pháp cưỡng chế, khiến những người vô tội thường phát
biểu sai sự thật.
Các chiến lược phát hiện nói dối. Nhà khoa học tâm lý Aldert Vrij đã tìm
hiểu các kỹ thuật tra khảo giúp phân biệt người nói thật và người nói dối. Ví
dụ, một phát hiện cho thấy người nói dối thường chuẩn bị cho các cuộc tra khảo
bằng cách luyện tập những câu trả lời từ trước đối với những câu hỏi họ nghĩ
mình sẽ gặp phải. Người thẩm vấn có thể lật tẩy chúng bằng cách hỏi những câu
hỏi bất ngờ. việc phải tạo ra các câu trả lời “hợp lý: ngay lập tức khiến người
nói dối bị “quá tải tư duy”, điều này ảnh hưởng rõ ràng đến chất lượng của câu
trả lời. Vrij và cộng sự đã cho thấy tính hiệu quả của chiến lược trên cùng
những chiến lược nhận thức khác giúp phát hiện gian dối.
Hãy kể chuyện cho tôi. Một vài chứng cứ mới vừa xác nhận những
điều mà các chuyên gia ngoài đời thực đã phát hiện qua thực hành. Ví dụ, nhà
khoa học Par Anders Granhag thuộc ĐH Gotherburg, Thụy Điển, đã nghiên cứu kỹ
thuật được một trong những nhà điều tra nổi tiếng nhất thế giới từng sử dụng,
Sĩ quan Không quân Đức Hans Scharff trong Thế Chiến thứ Hai. Scharff là bật
thầy trong việc tra hỏi qua trò chuyện. Thật vậy, thay vì đưa ra các câu hỏi
yêu cầu câu trả lời, ông kể những câu chuyện dài dòng, loanh quanh và rất phức
tạp. Cách kể chuyện này tạo ra ảo tưởng rằng Scharff đã biết hết mọi thứ, và nó
đưa ra cơ hội để tù nhân thêm vào các chi tiết còn thiếu hay sửa một vài lỗi.
Scharff xây dựng một mối quan hệ hai chiều với tù nhân, những người cùng kể
chuyện. Những chỉnh sửa và xác nhận xem ra ít ỏi này lại là những thông tin
Scharff muốn tìm hiểu ngay từ đầu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét