Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

BÀI HỌC TỪ CHIẾC VÁY

Khác biệt trong tri giác
Slate

Làm cách nào mà hai người cùng nhìn vào một bức ảnh và lại thấy hai thứ khác nhau?
Bộ não “sống” trong một lớp vỏ đầy xương xẩu. Bản chất khép kín của hộp sọ khiến cho bên trong nó hoàn toàn tăm tối. Vì thế mà não lại cần đến mắt để có được hình ảnh về thế giới bên ngoài, tuy nhiên lại có rất nhiều giai đoạn xử lý khác nhau giữa bước chuyển đổi năng lượng ánh sáng thành các xung điện diễn ra trong mắt cho tới bước hoạt động thần kinh tương ứng với tri giác có ý thức về “thực tế”. Nói cách khác, bộ não đóng vai trò như chiếc điện thoại và tri giác của chúng ta – khác hẳn với niềm tin phổ thông – lại phụ thuộc vào khả năng tiên đoán của bộ não về những gì xảy ra ở thế giới bên ngoài thay vì những gì đang thực sự diễn ra. Điều này đã được ghi nhận cách đây ít nhất 150 năm, từ tận thời của Hermann von Helmholtz. Và thời gian vừa qua, hiện tượng này đã được nhận thấy trên internet bởi rất nhiều người, những người “điên cuồng” tranh cãi về một câu hỏi xem ra khá đơn giản: Chiếc váy (trong hình) có màu gì?
Có nhiều phần của não bộ cùng chịu trách nhiệm cho một tri giác nào đó, và việc những người khác nhau có thể tái tạo thế giới bên ngoài theo nhiều cách khác nhau hoàn toàn chẳng có gì là bất ngờ. Điều này vẫn diễn ra trong nhiều đặc điểm tri giác, bao gồm cả hình thể và chuyển động. Ta có thể mô tả rõ ràng nhất thông qua việc tạo ra một hình ảnh “kích thích” giản đơn nhưng luôn nhất quán trước những diễn dịch khác biệt và có mang tính tương hỗ. Điều này có nghĩa là não không cần phải gắn với một diễn dịch nào nhưng vẫn còn có thể thay đổi qua lại giữa các cách giải thích. Các hình ảnh này được gọi là những “kích thích mơ hồ” hay “kích thích có hai trạng thái ổn định”, chúng minh họa cho việc thực chất não bộ chỉ đang “đoán già đoán non” khi nhận thức thế giới. Trường hợp này, ta chỉ cần có thêm thông tin là đủ để phá bỏ sự mơ hồ trong cách thức ta diễn dịch.  
                Chiếc bình Rubin: Một ví dụ kinh điển về sự phân chia hình/nền.
                 Bức hình về cơ bản là khá mơ hồ. Mọi người có thể nhìn ra đó
                   là chiếc bình hay hai khuôn mặt, tuy nhiên không thể nhìn ra cả 
                        hai cách diễn dịch cùng một lúc. (Wikimedia Commons)

Một kích thích chuyển động với hai trạng thái ổn định. 
Bạn thấy hai chấm đen đang di chuyển từ trái sang phải 
hay từ trên xuống dưới? (Pascal Wallisch)

Việc não bộ liên tục xây dựng một mô hình về hình ảnh của thế giới cũng đúng với thị giác màu sắc. Khó khăn căn bản trong tri giác màu sắc là việc nhận diện một đồ vật mặc cho các điều kiện chiếu sáng thay đổi – liệu ánh sáng không gian lúc đó là sáng hay mờ. Hỗn hợp các bước sóng đến mắt chúng ta sẽ được diễn dịch bởi não như là màu sắc, nhưng phần nào là do phản xạ từ vật thể và phần nào là do ảnh hưởng từ chiếu sang môi trường?
Đây chính là một trường hợp với bản chất mơ hồ, vì vậy, não bộ phải ra quyết định về việc liệu phải xem xét diện mạo của một vật thể dựa trên “giá trị bề ngoài”  hay phải giảm trừ phần thông tin do điều kiện chiếu sang mang đến. Não bộ thường không ưu tiên quan tâm đến biểu hiện chính xác của màu sắc, nhưng lại “để ý” tới việc nhận diện vật thể với ánh sáng trong các điều kiện cực kỳ khác nhau. (Ví dụ, các bước sóng dài chiếm ưu thế vào sáng sớm và chiều tối, trong khi các bước sóng ngắn lại phổ biến vào buổi trưa.) Ngoài ra, não bộ còn cố gắng đạt đến tình trạng “hằng định màu sắc”—nhận ra việc cùng một vật thể có cùng một màu sắc bất kể vào thời gian nào trong ngày – và nó thực hiện khá tốt việc này. Tuy nhiên, trong nỗ lực tìm lại sự cân bằng bằng cách giảm bớt các bước sóng cụ thể, não bộ phải đánh đổi điều gì đó, và đây là điểm yếu của chúng ta, con người rất tệ trong việc ước lượng màu sắc thật sự của vật thể. Ví dụ, một mặt phẳng trắng được ánh sáng đỏ chiếu vào sẽ trông có vẻ hơi đỏ. Cùng một mặt phẳng trắng đó nhưng nếu được chiếu sáng bởi ánh sáng xanh thì sẽ trông có vẻ hơi xanh. Nhằm nhận ra đó là mặt phẳng trắng trông cả hai trường hợp, tri giác chủ quan cần có khả năng loại trừ bớt màu sắc của nguồn ánh sáng.
Cho nên hoàn toàn không bất ngờ khi việc suy đoán màu sắc có thể bị ảnh hưởng rất lớn bởi bối cảnh. Cùng một sắc thái xám có thể gần như có màu đen nếu nằm trên một nền màu sáng nhưng gần như có thể có màu trắng nếu nằm trên một nền màu tối.
 
Ảo ảnh ánh sáng là rất thông dụng. Bạn có tin 
hình chữ nhật nằm ở giữa chỉ mang đúng một sắc thái xám?

Cần ghi nhận đây không phải là một “lỗi hệ thống” mà là một đặc điểm. Đây là một “đánh đổi” cần thiết để nhận ra biểu hiện ổn định của cùng một vật thể, mặc cho bối cảnh ra sao.
Hi vọng đến đây các bạn vẫn hiểu được ý bài viết muốn nói gì. Bây giờ, chiếc váy nằm ở đâu trong mớ thông tin này? Sự kiện nổi bật vừa qua đã chia những người xem hình thành hai nhóm riêng biệt. Một nhóm thấy chiếc váy là vàng-trắng và một nhóm là xanh- đen.
Kiểu phân chia diễn dịch này thường xảy ra với các kích thích phức hợp. Điểm quan trọng của sự kiện “chiếc váy” này là mức độ diễn dịch chủ quan khác biệt ra sao nơi mỗi người. Theo tác giả, đây chính là loại kích thích phân cực cao nhất từ trước đến giờ về màu sắc. Tất nhiên chúng ta phải đồng ý rằng không phải màn hình điện thoại/ máy tính của ai cũng cân bằng màu sắc và ánh sáng giống nhau và góc độ nhìn cũng có thể có đem lại sự khác biệt, tuy nhiên điều này sẽ không giải thích được sự khác biệt trong trải nghiệm chủ quan của mỗi người khi xem cùng một hình ảnh trên cùng một màn hình ở trong cùng một vị trí. Và tất nhiên lý do gây tranh cãi về “màu sắc thật” của chiếc váy chính là hiện tượng hằng định màu sắc được nêu ở trên. Đây có vẻ là một chiếc váy xanh-đen được chụp với mức cân bằng trắng thấp, khiến nó mang một diện mạo khá mơ hồ. Có điều nó vẫn không thay đổi được việc một số người thật sự tri giác chiếc váy này có màu vàng-trắng.
Việc diễn dịch các giá trị màu sắc phụ thuộc vào bối cảnh hoàn toàn có thể được làm rõ nếu được tách khỏi bối cảnh. Trong hình bên dưới, một số sọc của chiếc váy được lấy ra, giữ nguyên từ hình gốc. Sọc “trắng hay xanh” bây giờ có thể được xác định là xanh và sọc “vàng hay đen” nay được xác định là nâu.
Tách sọc, tách nền: một màu rõ ràng là màu xanh,
 màu kia giống màu nâu.
Nhưng tại sao lại có sự khác biệt trong cách diễn dịch? Đây mới là lúc mọi chuyện trở nên hấp dẫn. Nếu sự mơ hồ xuất phát từ sự hằng định màu sắc (có vẻ là vậy), thì giải thích khả dĩ nhất là do mọi người có khác biệt trong cách nhìn nhận nguồn chiếu sáng. Những người diễn dịch rằng chiếc váy được chiếu sáng bởi ánh sáng xanh (tương ứng với khung cảnh sáng) sẽ giảm thiểu bước sáng này và nhìn thấy chiếc váy có màu vàng/trắng. Còn những người diễn dịch với chiếu sáng đỏ (bối cảnh tối mờ) sẽ có xu hướng thấy chiếc váy màu xanh/đen. Hấp dẫn hơn, tự thân bức ảnh không làm rõ cả hai cách diễn dịch: Phần chiếu sáng có vẻ hơi xanh ở phía trên bức hình nhưng lại có phần hơi vàng/đỏ ở nửa dưới.
Trên một mức độ cơ bản hơn, chiếc váy xanh/đen được chiếu sáng bởi một nguồn sáng trắng có biểu hiện tương tự với một chiếc váy trắng/vàng trên một nền đổ bóng màu xanh.
Nhưng nếu vậy, một người có thể dễ dàng “ghi đè” một cách có ý thức lên diễn dịch cũ khi đã được thông tin đầy đủ, tuy nhiên với nhiều người lại không phải vậy, điều này hoàn toàn trái ngược với đa số các trường hợp hình ảnh mơ hồ khác, ví dụ như hình thỏ-vịt. Trong đó, mọi người thường có thể điều khiển cách nhìn hình ảnh theo ý của mình.
Các kích thích mơ hồ. Khi diễn dịch thay đổi, chúng không
 bị lẫn lộn với nhau. Mọi người  có thể ghi đè các diễn dịch 
cũ một cách có ý thức sau khi đã được chỉ cho biết. Pascal Wallisch
Chính việc khó thay đổi trong ý kiến này của hình chiếc váy đã đem đến một số các khả năng thú vị khác. Ví dụ, việc “Khảm võng mạc” (retina mosaic)—khả năng phân phối các tế bào hình nón bước sóng ngắn, trung và dài ở người – được cho là có sự khác biệt căn bản giữa những người quan sát khác nhau đã được nhìn nhận khá lâu, nhưng có vẻ điều này chỉ có tác động ít phút lên tri giác thật sự về màu sắc mà thôi. Có lẽ trong trường hợp này, khác biệt về khảm võng mạc cũng có thể góp phần vào khác biệt về tri giác đối với chiếc vày mơ hồ này. Hơn nữa, có một kiểu bối cảnh khác cần xem xét và đó là bối cảnh ngắn hạn. Chúng ta không chỉ tri giác các kích thích thị giác một cách “ngây thơ”, chúng ta còn tri giác chúng trong bối cảnh với những thứ chúng ta đã thấy từ trước, một phần là vì không phải tất cả các kích thích đều giống nhau. Sự kỳ vọng được học tập này có tên gọi là “nhận biết ban đầu”. Có thể hiểu được nếu một số người khác nhau (chẳng hạn như người hay thức khuya với những người hay dậy sớm) sẽ có những nhận biết ban đầu khác nhau dựa vào kiểu điều kiện chiếu sáng mà họ thường gặp hơn. Hoặc có thể còn có sự tương tác phức tạp hơn giữa cả hai dạng chiếu sáng.
Khi chúng ta phải công nhận rằng mình hiện không biết lý do vì sao một số người vẫn luôn nhìn chiếc váy theo kiểu này, một số lại nhìn chiếc váy theo kiểu khác, và một số người “lúc này lúc khác”, phải công nhận rằng việc chuyển đổi cách nhìn lần này diễn ra trong một thời gian rất dài. Thông thường, việc chuyển đổi diễn ra rất nhanh, trường hợp chiếc bình Rubin phía trên là ví dụ. Kiểu chậm trễ này có thể đặc biệt xảy ra với thị giác màu sắc. Không có cách nào khác là phải làm các nghiên cứu về lý do bên dưới dẫn đến sự khác biệt này trong cách tri giác chủ quan.
Trong khi đó, một bài học mà chúng ta cần rút ra đó là sự khiêm nhường về mặc tri thức. Không phải chỉ vì chúng ta thấy điều gì đó một cách chắc chắn mà nó có nghĩa rằng mọi người cũng sẽ phải thấy y như vậy. Hơn nữa, nó còn không có nghĩa là tri giác của chúng ta luôn Tương ứng mọi thứ xảy ra trong thế giới thực. Tình huống này nhắc nhớ chúng ta cần cẩn thận và phải luôn cơi mở với những điều mới. Đó là đôi điều bạn cần nhớ khi lần tới bạn bất đồng ý kiến với người khác.
Ai là người nói đúng màu? Liệu câu hỏi đó có ý nghĩa hay không? Hay việc chúng ta nhìn thấy bức tranh rộng lớn hơn mới quan trọng?
Pascal Wallisch hiện đang dạy tâm lý học và khoa học thần kinh tại ĐH New York
Nguồn dịch:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Bài đã đăng

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter