Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

BẠO HÀNH TÂM LÝ Ở TRẺ EM CÓ TÁC HẠI TƯƠNG ĐƯƠNG LẠM DỤNG THỂ CHẤT HAY TÌNH DỤC

Bạo hành lời nói

8/10/2014

Các trẻ em bị bạo hành và bỏ mặc cảm xúc thường phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe tâm thần tương đương hay đôi khi nặng nề hơn những trẻ bị lạm dụng thể lý và tình dục. Tuy vậy, theo một nghiên cứu mới công bố bởi Hiệp hội Tâm lý Hoa kỳ (APA), bạo hành về tâm lý vẫn hiếm khi được đề cập trong các chương trình phòng tránh và trong việc điều trị cho các nạn nhân.

Chủ nhiệm nghiên cứu, TS. Joseph Spinazzola thuộc Trung tâm Sang chấn, Viện Nguồn lực Công lý, Brookline, Massachusetts, cho biết, “Với mức độ bạo hành tâm lý hiện nay cùng những tác hại nghiêm trọng lên các bạn trẻ, vấn đề này cần được đặt lên hàng đầu trong việc đào tạo huấn luyện dịch vụ xã hội và sức khỏe tâm thần.” Nghiên cứu sẽ xuất hiện trong ấn bản đặc biệt trên tạp chí Psychological Trauma: Theory, Research, Practice, and Policy® APA.

Các nhà nghiên cứu sử dụng Bộ Dữ liệu Mạng lưới Cốt lõi Stress Sang chấn Trẻ em để phân tích số liệu từ 5616 bạn trẻ trong quá khứ từ bị ít nhất một trong ba dạng bạo hành: ngược đãi tâm lý (bạo hành hay bỏ mặc cảm xúc),  lạm dụng thể lý và lạm dụng tình dục. Phần lớn các bạn (62%) đều từng bị ngược đãi tâm lý và gần ¼ (24%) các trường hợp chỉ bị duy nhất ngược đãi tâm lý. Trong nghiên cứu, bạo hành tâm lý được định nghĩa là khi người chăm sóc bắt nạt, đe dọa, kiểm soát cưỡng chế, lăng mạ nghiêm trọng, hạ nhục, đòi hỏi quá mức, lãng tránh và/hay cô lập trẻ.

Các bé bị bạo hành tâm lý thường bị lo âu, trầm cảm, có lòng tự trọng thấp, xuất hiện những triệu chứng stress sau sang chấn, có ý định tự tử với mức độ tương đương và, trong vài trường hợp, còn cao hơn các trẻ bị bạo hành thể lý và tình dục. Trong cả ba loại lạm dụng, ngược đãi tâm lý có liên hệ chặt chẽ nhất đến trầm cảm, rối lọan âu lo toàn thể, rối loạn lo âu xã hội, các vấn đề gắn bó và lạm dụng chất. Nghiên cứu còn cho thấy, ngược đãi tâm lý xuất hiện bên cạnh lạm dụng thể lý và tình dục có liên hệ với những hậu quả tiêu cực nghiêm trọng và rộng khắp hơn rất nhiều so với khi trẻ bị lạm dụng thể chất và tình dục mà không có ngược đãi tâm lý. Hơn nữa, đối với các vấn đề hành vi tại trường học, vấn đề gắn bó và hành vi tự hại, lạm dụng thể chất và tình dục phải cùng xảy ra trong một thời điểm để đạt được mức tác hại tương đương với một mình ngược đãi tâm lý.

“Vì không có các thương tổn thể lý, các nhân viên bảo vệ trẻ em có thể gặp nhiều khó khăn để nhận diện và xác nhận những trường hợp bạo hành và bỏ mặc cảm xúc” Spinazzola cho biết. “Đồng thời, nhiều người không xem bạo hành tâm lý như điều cấm kỵ xã hội giống lạm dụng tình dục và thể lý trẻ em. Chúng ta cần khơi gợi nhận thức của cộng đồng nhằm giúp mọi người hiểu được mức độ tác hại của việc ngược đãi tâm lý trẻ em và trẻ vị thành niên.”

Theo Cục Trẻ em Hoa Kỳ, hàng năm, gần 3 triệu trẻ em Hoa Kỳ từng trải qua một dạng ngược đãi tâm lý, đa phần là bởi cha mẹ, thành viên gia đình hay những người chăm sóc khác. Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ năm 2012 xem ngược đãi tâm lý là “dạng bạo hành và bỏ mặc trẻ em phổ biến và nguy hiểm nhất.”

Trong nghiên cứu trên, mẫu dân số gồm có 42% nam và 38% là da trắng; 21% người Mỹ gốc Phi; 30% người Hispanic; 7% các dân tộc khác; và 4% không xác định. Dữ liệu được thu thập từ năm 2004 đến năm 2010 với độ tuổi trung bình của trẻ khi bắt đầu nhập dữ liệu là từ 10-12 tuổi. Các nhà lâm sàng nói chuyện với trẻ, các em cũng trả lời bảng hỏi để xác định các triệu chứng sức khỏe về hành vi và các sự kiện sang chấn đã trải qua. Ngoài ra, người chăm sóc cũng điền một bảng hỏi với 113 mục có liên quan đến hành vi của trẻ. Từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cả báo cáo của nhà lâm sàng, nhóm nghiên cứu thu nhận được lịch sử sang chấn của từng trẻ, trong đó có ngược đãi tâm lý, lạm dụng thể lý và lạm dụng tình dục.

Nghiên cứu: 
“Unseen Wounds: The Contribution of Psychological Maltreatment to Child and Adolescent Mental Health and Risk Outcomes,” Joseph Spinazzola, PhD, and Hilary Hodgdon, PhD, The Trauma Center at Justice Resource Institute, Brookline, Massachusetts; Li-Jung Liang, PhD, University of California, Los Angeles School of Medicine; Julian D. Ford, PhD, University of Connecticut Medical School; Christopher M. Layne, PhD, and Robert Pynoos, MD, National Center for Child Traumatic Stress, Los Angeles, and University of California, Los Angeles; Ernestine C. Briggs, PhD, National Center for Child Traumatic Stress, Durham, North Carolina, and Duke University School of Medicine; Bradley Stolbach, PhD, University of Chicago; Cassandra Kisiel, PhD, Northwestern Medical School, publication TBD, Psychological Trauma: Theory, Research, Practice, and Policy. 


Từ vựng
Lạm dụng/ bạo hành:              Abuse
Cảm xúc:                               Emotion
Hiệp hội Tâm lý Hoa kỳ:        American Psychological Association
Công bố/ xuất bản:               Publish
Ngược đãi:                            Maltreatment
Vấn đề gắn bó:                      Attachment problems
Hành vi tự hại:                       Self-injurious behavior


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Bài đã đăng

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter