Chủ Nhật, 1 tháng 2, 2015

TRỊ LIỆU CHO NGƯỜI ĐANG ĐAU KHỔ: HIỂU ĐÚNG VỀ NỖI ĐAU

Đau khổ và mất mát
PATRICK O’MALLEY 10/01/2015
Mary đến gặp tôi, sáu tháng sau khi con gái bé bỏng cuả cô qua đời do hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ. Cô đã gặp và từ bỏ hai nhà trị liệu trong quá trình tìm kiếm điểm kết thúc cho nỗi đau khổ của mình.

Mary là một kế toán viên thành công, một người đầy quyết tâm và không có vẻ gì là đang thất vọng hay ưu sầu. Cô cũng đã thuộc làu làu 5 giai đoạn của nỗi đau: từ chối, giận dữ, mặc cả, đau buồn và chấp nhận. Với Mary và nhiều người, đau khổ chỉ là điều gì đó mang tính tạm thời và có thể dự biết từ trước, dù cho những mất mát ấy to lớn đến chừng nào. Cô hy vọng mình có thể để nó lại sau lưng và tiếp tục sống.

Mary đã tự quan tâm đến bản thân một cách khá đầy đủ. Chiếc mặt nạ cô mang ra bên ngoài được tạo tác rất kỹ càng và vô cùng hiệu quả. Cô là ví dụ hoàn hảo cho câu “có cố gắng”, một người đang trải qua mất mát nhưng nhìn bên ngoài thì có vẻ đã thôi đau khổ. Sau khi con gái mất chỉ vài ngày, cô đã trở lại đi làm và hiệu suất xem ra vẫn đều đặn như trước.

Thế nhưng, sự thật, cuộc sống cô lại chẳng hề như vậy. Sáu tháng sau cái chết của con mình, cô vẫn chìm trong nỗi tuyệt vọng sâu thẳm. Cố gắng tỏ ra mạnh mẽ hơn những gì thật sự cảm nhận trước bạn bè, gia đình và đồng nghiệp, cô kiệt sức. Và như nhiều trường hợp khác, cô tự chẩn đoán mình đang “mắc kẹt” trong nỗi đau và tin rằng chính tình trạng trầm cảm dai dẳng này đang ngăn cản cô chấp nhận và thôi phiền muộn.

Cô tự hỏi mình có đang từ chối? Cô tự hỏi mình giận dữ như thế có hợp lý chăng? Sau hết cô chỉ biết rằng mình đang bị trầm cảm – một bác sĩ tâm thần đã kê đơn thuốc chống trầm cảm cho cô – và đó là điều cô muốn tôi điều trị.

Trước đây, khi làm việc, tôi sẽ tập trung vào tình trạng trầm cảm. Đã từng có ai trong gia đình như vậy chưa? Cô từng bị trầm cảm trước đây chưa? Hóa dược có hiệu quả không? Những triệu chứng cụ thể là gì? Trả lời những câu hỏi trên có thể giúp ta biết được lý do cô mắc kẹt trong hoàn cảnh này. Tôi cũng có thể xem lại các giai đoạn của đau khổ, kiểm tra xem liệu có bước nào còn dang dở hay không.

Tuy nhiên, với Mary, cách tiến hành của tôi đã thay đổi, vì chính tôi cách đây 10 năm cũng từng trải qua mất mát. Đứa con đầu lòng của tôi cũng qua đời khi bé mới một tuổi. Và đó cũng là lý do Mary lựa chọn gặp tôi.

Trong buổi gặp đầu tiên, tôi đặt tình trạng trầm cảm của Mary qua một bên. Tôi đề nghị cô thuật lại câu chuyện về đứa con của mình thay vì mô tả những triệu chứng đau buồn cô hiện có. Dù ban đầu Mary không muốn, cuối cùng cô cũng bắt đầu chia sẻ.

Nỗi đau mất con
Giống như tất cả mọi điều khác trong cuộc sống của mình, đứa bé, tên bé là Stephanie, đã được lên kế hoạch từ trước. Mary rất vui mừng khi mang thai và vẽ ra những giấc mơ tuyệt vời cho cô con gái. Sau khi sanh, Mary ở nhà chăm sóc Stephanie trong ba tháng. Tuy việc quay trở lại làm việc khá khó khăn, nhưng Mary lại cảm thấy thoải mái trong việc thu xếp săn sóc cho con mình, nhờ vậy cô có thể giữ cân bằng giữa việc làm mẹ và lịch trình làm việc bận rộn.

Rồi Mary kể cho tôi nghe về ngày Thứ bảy đó, khi cô đến kiểm tra con gái đang say ngủ của mình và phát hiện Stephanie đã ngưng thở. Cô làm sơ cứu hồi sức trong khi chồng cô gọi cấp cứu. Đó là khoảnh khắc vô cùng “kỳ lạ” khi cả hai vợ chồng ra sức cứu lấy con mình. Rồi cô, người luôn có thói quen kiểm soát, phải trao con mình cho đội ngũ cấp cứu. Chồng cô lái xe chở cô đi theo đến bệnh viện.

Cô mô tả phòng chờ với đầy chi tiết, kỹ càng đến màu sắc của từng thứ nội thất. Khi bác sĩ đi ra cùng với linh mục, cô biết rằng mọi thứ đã chấm dứt. Cô và chồng được đưa vào phòng, nơi họ ôm con mình lần cuối.

Đến lúc này, câu chuyện bắt đầu chan chứa nước mắt. Cô có vẻ rất bất ngờ với từng đợt xúc cảm tràn qua mình. Đó là lần đầu từ khi con qua đời, nỗi buồn lại trào dâng mạnh mẽ như vậy. Cô chia sẻ rằng mình chưa bao giờ kể trọn vẹn câu chuyện cùa Stephanie, từ khi thụ thai cho đến lúc bé nhắm mắt, cho một người nào cả.

“Điều gì xảy ra với tôi thế này?” câu hỏi của cô ngập trong nức nở. “Đã gần bảy tháng rồi cơ mà.”
Một cách nhẹ nhàng, chẳng từ ngữ lâm sàng, cũng không cần câu cú phức tạp, tôi nói với Mary rằng không có gì bất thường xảy ra với cô. Cô không bị trầm cảm, mắc kẹt hay sai lầm gì cả. Cô chỉ rất đau buồn và phiền muộn đang xâm chiếm, nhưng không phải vì bất kỳ sai lầm nào cả. Mức độ của nỗi buồn đơn giản là thước đo tình thương cô dành cho con gái.

Một sự biến chuyển rõ ràng xảy ra khi cô nghe những điều trên. Cô tiếp tục khóc nhưng gương mặt đã giãn ra. Tôi thấy được những cảm xúc đè nén hàng tháng trời nay dần được tháo bỏ. Mary đã dồn gần như mọi sức lực của mình để từng cố gắng hiểu xem tại sao cô lại đi cùng đau khổ. Cô chôn chặt xúc cảm và tỏ ra mạnh mẽ vì cho rằng đó là điều một người nên thể hiện.

Bây giờ, trong phòng tham vấn, các giai đoạn, tự chẩn đoán hay kỳ vọng xã hội chẳng còn quan trọng nữa. Cô được tự do buông xuôi trước ưu phiền. Khi làm vậy, tình cảm sâu đậm của cô dành cho con lại được nhen nhóm. Mất mát của cô nay thành một phần của câu chuyện, câu chuyện được lắng nghe và vỗ về, không còn là một sự kiện đau thương cố vùi trong qua khứ.

Tôi cũng đã trải qua tiến trình tương tự sau khi mất con trai. Tôi đang bước vào năm thực tập thứ hai khi bé qua đời và từ đó, nhiều cha mẹ đau khổ đã được giới thiệu đến tôi. Vấn đề nằm ở việc lúc đầu, các chương trình huấn luyện dành cho đối tượng này xem ra chẳng giúp gì được cho cả tôi và thân chủ. Khi tôi tham gia huấn luyện, vào những năm cuối thập kỷ 70, 5 giai đoạn đau buồn chính là tiêu chuẩn đánh giá mức độ tiến triển của một người đau khổ.

Mô hình đó vẫn đang được sử dụng sâu rộng và cứng nhắc trong nhận thức văn hóa và ngôn ngữ tâm lý ngày nay. Nó khiến những người đang phiền muộn bắt đầu tự chẩn đoán và tự chỉ trích. Điều này còn được kết hợp với việc những người xung quanh né tránh (vì sợ “nhắc lại nỗi đau”) và kỳ vọng tình trạng “bình thường” của thân chủ. Một người được gọi là đau buồn khi đau khổ kéo quá dài và mức độ quá lớn.

Một số người đến gặp tôi có những triệu chứng hiển hiện, nghiêm trọng cần được điều trị. Tuy vậy, cũng có những người đi trị liệu chỉ vì họ và những người xung quanh tin rằng cần đến lúc kết thúc thời gian đau buồn. Sự thật là đau khổ ở mỗi người cũng khác biệt như dấu vân tay, chẳng phụ thuộc vào thời gian hay kỳ vọng xã hội.

Dựa vào kinh nghiệm bản thân và những thân chủ của mình, tôi có thể kể câu chuyện về mất mát bằng 3 “chương”. Chương 1 là SỰ GẮN BÓ: sức mạnh của mối dây ta liên hệ với người đã khuất. Hiểu được mối quan hệ giữa mức độ gắn bó và cường độ nỗi đau mang lại sự khuây khỏa cho nhiều thân chủ. Tôi thường nói với họ rằng “kích cỡ của nỗi đau đi chung với chiều sâu của tình cảm”.

Chương 2 là bản thân CÁI CHẾT. Thời điểm người thân qua đời chính là lúc thân chủ trả nghiệm mất mát bắt đầu đặt câu hỏi về “sự bình thường” của minh, đặc biệt khi cái chết đến với người mình yêu thương quá sớm hay quá sang chấn. Mary luôn tự hào về khả năng kiểm soát của bản thân trong mọi tình huống khó khăn. Sự hỗn loạn sâu sắc trong xúc cảm khi Stephanie qua đời khiến cô cảm thấy điên đảo. Bất cứ khi nào có thể, cô chống lại sự “điên loạn” và dập tắt mọi đau đớn, chịu đựng tự nhiên của mình.

Chương 3 là CHẶNG ĐƯỜNG DÀI, bắt đầu khi lẵng hoa cuối cùng tàn úa – khi thế giới thôi đau buồn cùng với bạn. Mary muốn đảm bảo rằng gia đình, bạn bè và chính cô nhanh chóng trở lại bình thường. Điều đó rất mỏi mệt. Điều cô thật sự cần là cho phép bản thân ngập chìm trong nỗi buồn, và chấp nhận nó.

Khi tôi đề nghị Mary tham gia nhóm hỗ trợ, cô từ chối. Nhưng khi tôi vẫn khuyến nghị. Sau khi tham gia, cô mô tả rằng mình cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi có sự hiện diện của những cha mẹ đồng cảnh ngộ khác. Đó là nơi mà mọi người hiểu rằng họ không bắt buộc phải kết thúc đau buồn. Vì làm như vậy, họ sẽ đánh mất một phần mối dây thiêng liêng với người đã khuất.  

“Tất cả phiền muộn có thể được trút bỏ nếu bạn đặt nó vào một câu chuyện hay nếu bạn kể một câu chuyện về nó”, nhà văn Isak Dinesen viết.

Nếu mất mát là một câu chuyện thì chẳng có đúng, có sai cho việc đau buồn. Chẳng có áp lực để phải đi tiếp. Chẳng quan trọng việc bao lâu hay mãnh liệt như thế nào. Nỗi buồn, tiếc nuối, bối rối, xót xa cùng tất cả những trải nghiệm buồn đau khác đều trở thành một phần trong câu chuyện tình yêu ta viết cho những người đã khuất. 

Patrick O’Malley là nhà tâm lý trị liệu tại For Worth

http://opinionator.blogs.nytimes.com/2015/01/10/getting-grief-right/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Bài đã đăng

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter