Chúng ta biết rằng, hạnh phúc và liên kết xã hội có thể
mang lại những lợi ích tích cực cho sức khỏe. Nghiên cứu mới cho thấy việc ý
thức được mục đích hay định hướng cuốc sống cũng đem lại nhiều hiệu quả tích
cực.
Để tìm
hiểu việc liệu ý thức mục đích sống có ảnh hưởng đến quá trình phát triển
trưởng thành và lão hóa hay không, Patrick Hill, Phó Giáo sư Tâm lý học ĐH
Carleton tại Ottawa, Canada, đã xem xét các dữ liệu từ nghiên cứu Tuổi trung
niên Hoa Kì (MIDUS). Nghiên cứu này được
tài trợ bởi Viện Người cao tuổi Quốc gia.
Hill và
công sự của ông, Nicholas Turiano thuộc Trung tâm Y tế Đại học Rochester đã quan
sát cách thức hơn 6000 người trả lời những câu hỏi như “Một số người quanh quẩn
vô định suốt cuộc đời, nhưng tôi không phải một trong số họ” và các câu hỏi
khác giúp đo lường cảm xúc tích cực và tiêu cực.
Họ nhận
thấy,14 năm sau khi các câu hỏi này được đặt ra, những người có mục đích và
định hướng sống có khả năng sống lâu hơn những người còn lại.
Thật vậy, nguy cơ tử vong ở những người có mục đích sống
thấp hơn 15% so với những người ít nhiều không có định hướng. Đồng thời, thời
điểm họ tìm thấy hướng đi dường như không quan trọng. Nó có thể ở độ tuổi 20,
50 hay thậm chí là 70
Phân tích của Hill kiểm soát các yếu tố khác có thể ảnh
hưởng đến tuổi thọ, như tuổi, giới tính, tình trạng xúc cảm. Ý thức về mục đích
vượt lên trên tất cả.
Hill định nghĩa ý thức về mục đích đem lại hình ảnh như
“la bàn hay ngọn hải đăng cung cấp một mục tiêu bao quát và định hướng cuộc
sống mỗi ngày”
Dĩ nhiên, mục đích có nhiều ý nghĩa khác nhau đối với mỗi
người. Hill cho rằng nó có thể đơn giản như việc đảm bảo hạnh phúc gia đình hay
to tát hơn như chung tay để thay đổi xã hội. Nó có thể tập trung vào bản thân,
như thực hiện tốt công việc, hoặc có thể là sự sáng tạo
Hill nói“Thông thường, mỗi cá nhân sẽ muốn tạo ra một
điều gì đó được mọi người đánh giá cao dưới hình thức văn bản hay nghệ thuật,
cho dù là âm nhạc, nhảy múa hay nghệ thuật thị giác”
Cách thức mục đích mang lại lợi ích cho cơ thể không hoàn
toàn rõ ràng. Những cá nhân có định hướng đơn giản là có thể có một cuộc sống
khỏe mạnh hơn, Hill nói, nhưng cũng có thể chính ý thức về mục đích giúp chống
lại những tác hại nguy hiểm của stress
Một thực
nghiệm được thực hiện ở Chicago đã thử kiểm tra lý thuyết này. Anthony Burrow,
nhà tâm lý học phát triển thuộc ĐH Cornell, cùng với nhóm sinh viên tình nguyện
thuộc những chủng tộc và dân tộc khác nhau đi tàu nhanh qua các khu dân cư đa
sắc tộc ở Chicago, họ ghi lại những cảm xúc của bản thân khi những người thuộc
các nhóm chủng tộc và sắc tộc khác nhau bước lên tàu.
Nghiên cứu trước đây cho
thấy, khi bao quanh chúng ta là những người thuộc các nhóm các dân tộc và chủng
tộc khác, mức độ căng thẳng của ta sẽ tăng lên. Burrow muốn biết liệu việc suy
nghĩ về ý thức mục đích của mình có thể làm giảm căng thẳng đó hay không.
Ông cho phân nửa các sinh viên viết về định hướng cuộc
sống của họ trong 10 phút. Nhóm còn lại sẽ viết về bộ phim gần đây nhất họ đã
xem. Tất cả đều được cung cấp một danh sách tên tất cả các trạm dừng. Khi tàu
đến mỗi trạm, họ được yêu cầu đánh giá bản thân cảm thấy như thế nào và mức độ
của xúc cảm đó bằng cách đánh chữ “X” vào ô trống kế những cảm xúc tiêu cực như
sợ hãi, bị đe dọa, cô đơn hay đau khổ.
Kết quả,
khi phần trăm những người thuộc các chủng tộc khác gia tăng, những sinh viên
viết về bộ phim cuối cùng họ xem trải nghiệm mức độ căng thẳng tăng lên như dự
đoán. Còn những sinh viên viết về ý thức mục tiêu cho biết hoàn toàn không có thêm cảm giác
căng thẳng.
Còn phải có nhiều nghiên cứu hơn nữa về chủ đề này, tuy
nhiên Burrow cho rằng phát hiện của mình cho thấy “ý thức về mục đích sống có
thể bảo vệ con người chống lại căng thẳng”, với tất cả ảnh hưởng tiêu cực có thể xảy đến, bao
gồm cả nguy cơ bệnh tim. Đồng thời, nó có thể giải thích lý do tại sao những
người có ý thức về mục đích sống thường sống thọ hơn.
http://www.npr.org/blogs/health/2014/07/28/334447274/people-who-feel-they-have-a-purpose-in-life-live-longer
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét