Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

HIỂU BIẾT LƯỠNG PHÂN: KHẢ NĂNG TIỀM ẨN CỦA NHÀ TRỊ LIỆU HIỆU QUẢ

 Ryan Howes, PhD, ABPP 


Điều gì làm nên một nhà trị liệu giỏi? Với tư cách là nhà lâm sàng, giáo sư và nhà giám sát, câu hỏi này luôn quanh quẩn trong đầu tôi [TS.Ryan Howes]. Tuy nhiên, giống như câu hỏi về Ý nghĩa Cuộc sống hay Bản Solo Guitar nào là hay nhất, đây là một thắc mắc mà tôi không nghĩ ta có thể giải quyết một cách trọn vẹn. Dẫu sao, chúng ta cứ thử xem như thế nào.

Đầu tiên, luôn có những tố chất khá dễ để xác định: nền tảng giáo dục vững chắc, có nhiều kinh nghiệm luyện tập, kiến thức làm việc về lý thuyết và kỹ thuật, kỹ năng lắng nghe tốt, giao tiếp rõ ràng, v.v. Đó là những điều cơ bản, những kiểu chứng minh mà ta có thể thấy trong các bản sơ yếu lý lịch hay thư giới thiệu.

Bên cạnh đó, có một phẩm chất ít rõ ràng hơn cũng rất quan trọng cho công việc này, một kỹ năng mà các nhà trị liệu sử dụng hàng chục lần trong mỗi phiên làm việc. Đó chính là khả năng giữ cân bằng giữa hai (hay nhiều hơn) lực đối đầu và nhận thức rõ đâu là lúc nên nghiêng về phía bên này hay bên kia. Tôi không thể nghĩ ra một thuật ngữ để bao hàm trọn vẹn phẩm chất này, vì thế, tôi sẽ hơi tự mãn một chút và chế ra một từ mới cho riêng mình: hiểu biết lưỡng phân (dichotomastery: dichotomy là lưỡng phân, mastery là hiểu biết, làm chủ) [HBLP].

Lực kéo giữa hai nguồn đối lập xuất hiện mọi nơi trong trị liệu. Liệu chúng ta làm theo lý thuyết hay làm theo bản năng? Ta tính tiền một buổi thân chủ lỡ hẹn hay bỏ qua? Chúng ta an ủi hay kiềm nén? Nói ra diễn dịch hay đỡi đến buổi sau? Thỏa mãn mong muốn của thân chủ hay giúp họ từ thực hiện? HBLP là hành động cân bằng áp lực này và quyết định liệu có nên hay khi nào sẽ để bập bênh nghiêng qua phía này hay hướng về phía còn lại. Đây là phẩm chất bao gồm sức mạnh, khả năng phân biệt, sức bật phục hồi và trí tuệ. Những nhà trị liệu xuất sắc là những người có khả năng làm chủ những thái độ lưỡng phân thường gặp trong trị liệu, bao gồm:

Tính khách quan/ Chủ quan: Mỗi nhà lâm sàng đều sẽ nói với các bạn rằng, sức mạnh mối quan hệ trị liệu chính là yếu tố quan trọng nhất cho sự thay đổi của thân chủ trong tiến trình trị liệu. Điều này có nghĩa là cả nhà trị liệu và thân chủ đều phải hòa hợp, giao tiếp tốt và quan tâm đến nhau. Để xây dựng điều này, nhà trị liệu phải có khả năng thấu hiểu thân chủ đến một mức nào đó. Nếu tôi thấu cảm quá mức và cảm nhận được đáy vực của đau khổ, hổ thẹn và vô vọng nơi thân chủ, cả hai đều sẽ mắc kẹt ở đó. Tôi cần giữ một chân nơi trải nghiệm chủ quan của thân chủ và chân còn lại ở nền tảng khách quan vững chắc: lý thuyết, thực hành dựa trên bằng chứng,cái nhìn về sự khỏe mạnh của nhà trị liệu. Thế nhưng, nếu tôi nghiêng quá nhiều về phía khách quan, thân chủ sẽ cảm thấy bị bỏ rơi. Còn hướng quá mức đến thấu cảm, cả hai sẽ không thể thấy được đường ra.

Cảm xúc/ Lý lẽ: Mặc cho định hướng trị liệu của nhà chuyên môn là gì, chúng ta lúc nào cũng phải nhận biết cảm xúc và lý lẽ trong trị liệu. Khi làm giám sát, tôi hay hỏi sinh viên của mình: “Bạn cảm thấy như thế nào khi trao đổi với thân chủ?” và “Bạn nghĩ điều gì đang xảy ra?” Tôi không muốn sinh viên cậy dựa quá nhiều vào chỉ một trong hai yếu tố, họ phải dùng cả trí óc và tâm hồn để thu nhận sự thông hiểu. Chúng tôi muốn hỗ trợ thân chủ làm điều tương tự, vậy nên điều này cần bắt đầu từ chính chúng tôi.

Ranh giới vững chắc/ linh động: Phần lớn thời gian, các nhà trị liệu cần duy trì những ranh giới chắc chắn, rõ ràng về thời gian làm việc, kiểu quan hệ với thân chủ, lệ phí cùng những yếu tố khác tạo nên “khung” trị liệu. Thế nhưng, đôi khi khung này cần trở nên mềm dẻo. Glen Gabbard phân biệt sự vượt khung, những lần thi thoảng phá khung để tạo hiệu quả lâm sàng, với những vi phạm khung cấm kỵ về đạo đức. Nếu có vượt khung, khi nào và như thế nào làm vậy là một câu hỏi thường gặp đố với những người HBLP.

Công việc/ Cá nhân: Đây là một điểm khó nhằn đối với nhiều thân chủ cũng như nhà lâm sàng. Chúng ta làm việc để kiếm sống, và đặc biệt chọn lựa nghề này vì ta muốn giúp đỡ người khác. Hai điều trên đều hoàn toàn đúng và cần được tôn trọng. “Ông chỉ quan tâm tôi vì tôi trả tiền cho ông” là câu nói mà mỗi nhà trị liệu đều đã nghe thấy ít nhất một lần trong nghề. Một vài nhà chuyên môn giảm tiền hay tự nhận thêm trách nhiệm bởi vì họ cảm thấy có lỗi khi nhận thù lao để giúp đỡ. Những người HBLP thật sự sẽ tìm ra cách để quản lý áp lực này.

Bản thân/ Người khác: Các nhà trị liệu cần phải nhận diện những khó khăn của bản thân nhằm phân biệt với những vấn đề của chính thân chủ. Cần khám phá bản thân rất nhiều nhằm tránh sự phản ứng hay phòng vệ khi những nan đề của thân chủ đánh trúng “tim đen”. Chúng ta không cần phải khỏe mạnh 100%, nhưng ít ra cũng nên có ý tưởng về việc đâu là khó khăn của thân chủ và đâu là của chúng ta. Tốt hơn nữa, chúng ta nên tham dự vào tiến trình khám phá liên tục bản thân thông qua những buổi tham vấn hay trị liệu giành cho riêng mình.

Biết/ Không biết: Hơi khó để giải thích điều này. Khi ai đó đến với bạn cùng một danh sách các triệu chứng, việc biết được những triệu chứng nào có ý nghĩa đối với chẩn đoán, kế hoạch điều trị, tiên lượng,v.v là rất quan trọng đối với nhà trị liệu. Tuy nhiên, quan trọng không kém, ta cũng không bao giờ được phép quá chắc chắn và đặt thân chủ vào một “khung” chẩn đoán. Triệu chứng có thể thay đổi. Con người có thể phát triển. Không hề có bất cứ hai người, hai câu chuyện hay hai con đường chữa lành nào mà lại giống hệt nhau. Như Yalom có đề cập, chúng ta cần tạo ra một phương thức trị liệu mới cho mỗi thân chủ bước vào phòng tham vấn. Khi tôi bắt đầu đưa ra giả định hay kì vọng một thân chủ trầm cảm đáp ứng điều trị giống hệt những thân chủ trầm cảm khác, có lẽ lúc đó tôi đang bỏ sót một điều gì đó.

Có rất nhiều cặp lưỡng phân khác trong danh sách như người tường trình/ người chăm sóc, định hướng/ không định hướng, người cố vấn/ hỗ trợ, hay thậm chí nhà khoa học/ nhà thực hành. Vấn đề vẫn vậy: tính chủ quan của chúng ta thường kéo ta về hướng phân biệt mọi sự, trong khi chúng ta lại cố gắng duy trì cả hai lối tư duy.

Liệu phẩm chất này có xứng đáng được gọi tên thành một từ mới? Một vài khái niệm khác đã tiến gần đến chuyện này. Đánh giá lâm sàng và tư duy phản biện chắc chắn là những thành tố của HBLP. F. Scott Fitzgerald thậm chí đã nói rằng: “Bài kiểm tra quan trọng nhất của trí thông minh là có thể duy trì trong đầu hai ý tưởng trái ngược nhau cùng một lúc, trong khi vẫn giữ được khả năng hoạt động.”Thế nhưng, những phẩm chất này liên hệ đến nhận thức và khả năng ra quyết định, trong khi HBLP lại làm việc nhều hơn với ý tưởng. Khái niệm của Bowen về cá biệt hóa và đối tượng tổng thể trong học thuyết Quan hệ Đối tượng cũng có thể được áp dụng, dù vậy những thuật ngữ này lại tiêu biểu cho các tình huống liên nhân vị (kiểu như cặp lưỡng phân bản ngã/ tha nhân). Thêm vào trí tuệ và khả năng điều hướng mối quan hệ, HBLP là sức bật về cảm xúc cần có để cầm cương hai tuấn mã đang chạy ngược chiều hoặc đang đấu đá lẫn nhau. Tôi muốn an ủi thân chủ, nhưng nó có thể gửi đi một thông điệp sai lầm. Vậy tôi phải làm gì?

Những người HBLP tốt sẽ có khả năng quản lý các lực đối lập và nhận biết rõ khi nào nên sử dụng lực này mà không để mất lực kia. Họ nhận thức về tình trạng tiến thoái lưỡng nan và sử dụng thời gian cần thiết để suy nghĩ hay tham khảo những vấn đề đó. Những người HBLP không tốt sẽ để các lực trở nên mất cân bằng. Tôi cho rằng nhiều thất bại trong điều trị và vi phạm đạo đức là do sai lầm trong HBLP. Giữ được áp lực này là một công việc khá vất vả, dẫn đến mức độ căng thẳng, mệt mỏi cao và cuối cùng, khiến nhiều nhà trị liệu kiệt sức nghề nghiệp. Khi đó, ngay cả bản sơ yếu lý lịch ấn tượng nhất cũng chẳng còn ích lợi gì.


http://www.psychologytoday.com/blog/in-therapy/201105/dichotomastery-the-hidden-talent-good-therapists

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Bài đã đăng

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter