BY ANNA MIKULAK,
Bất kể sở thích hay chuyên ngành của bạn
là gì, khả năng xâu chuỗi từ ngữ nhằm mục đích trao đổi những điều ý nghĩa, sâu
sắc, thú vị hay thuyết phục là một kỹ năng thiết yếu hỗ trợ đắc lực cho cuộc
sống cá nhân và chuyên môn của chúng ta. Khả năng quan trọng và phức tạp nàp
này bắt nguồn từ một kỹ năng căn bản, hiện đang dần biến mất trong thời đại máy
tính và thiết bị di động ngày nay: viết tay.
Không quá bất ngờ khi một số chính sách
và phát kiến giáo dục dần xa rời hoạt động viết tay khi hiện nay trẻ em, kể cả
trẻ nhỏ, đang tiếp xúc nhiều hơn với các thiết bị truyền thông. Tuy nhiên, trong
lúc hệ thống trường học [và sở GD] đang triển khai các chương trình laptop và
máy tính bảng, và chữ viết tay đang dần biến thành tàn tích của một thời đã xa
thì các nhà khoa học lại tìm ra rằng viết tay mang nhiều ý nghĩa hơn một hình
thức giao tiếp lạc hậu.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy viết tay
có thể tác động đến nhiều lĩnh vực khác nhau như khả năng đọc viết ở trẻ nhỏ,
trí nhớ và kĩ năng vận động.
Khả năng đọc viết
Với nhiều giáo án phải hoàn thành, ngay cả với trẻ nhỏ,
việc hi sinh thời gian giảng dạy để các bé viết tay xem ra có vẻ thiếu hiệu
quả, đặc biệt là khi trẻ ngày càng trở nên quen thuộc hơn với bàn phím máy
tính. Tuy nhiên nghiên cứu lại cho rằng việc các bé học cách viết “O tròn như
quả trứng gà” có thể có những tác động quan trọng lên các kỹ năng góp phần hình
thành khả năng đọc viết nói chung.
Trong nghiên cứu năm 2005, Marieke Longcamp thuộc ĐH Paul
Sabatier, Pháp, cùng các cộng sự đã nhận ra rằng, ví dụ, trẻ đi học mẫu giáo có
tập viết chữ sẽ hoàn thành những bài tập
nhận diện chữ cái tốt hơn rõ rệt so với các trẻ tập đánh máy những chữ tương
đương. Nhóm nghiên cứu kết luận rằng chỉ tiếp xúc với chữ cái thôi thì chưa đủ
để nhận diện chữ, thay vào đó, chúng ta cần xây dựng một mô hình những con chữ
ở bên trong tâm trí thông qua hoạt động viết chữ bằng tay thực tế.
Nghiên cứu năm 2006 của Longcamp và cộng sự không chỉ
giới hạn phát hiện trên nơi các học sinh nhỏ tuổi: Những người trưởng thành được
tiếp xúc với những ký tự xa lạ thuộc bảng chữ cái Bengali hay Gujarati, khi
luyện tập bằng cách viết tay, cũng nhận diện kí tự tốt hơn so với những người
luyện tập bằng cách đánh máy.
Các nhà nghiên cứu dự đoán rằng những ích lợi của viết
tay bắt nguồn từ cách thông tin cần được thống hợp xuyên suốt những mô hình cảm
giác khi ta dùng tay đẻ viết:
Longcamp và đồng sự viết, “Viết tay cung cấp những tín
hiệu liên lạc từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm thị giác, hiệu lệnh vận động,
phản hồi chuyển động, chúng được liên kết gần gũi với nhau và phân phối cùng
lúc ngay khi cần thiết. Trong khi đó, không có mô hình không gian – thời gian
nào xuất hiện lúc đánh máy.” Những nghiên cứu tìm hiểu về mối liên hệ nguyên
nhân – kết quả trực tiếp giữa viết tay và khả năng đọc hiểu tổng quát rất khan
hiếm, tuy nhiên dữ liệu từ các nghiên cứu hình ảnh thần kinh cho thấy viết tay
có thể hỗ trợ các kỹ năng đọc viết.
Trong nghiên cứu năm 2012, nhà nghiên cứu tâm lý Karin
James thuộc ĐH Texas Autin đã yêu cầu trẻ chưa biết chữ từ 4 – 5 tuổi luyện tập
nhiều kỹ năng vận động khác nhau, bao gồm đồ chữ, vẽ và đánh máy các chữ viết
hoa cùng các hình dạng. Sau đó, các bé sẽ nhìn các chữ và hình một cách thụ
động khi đang nằm trên máy chụp fMRI. Kêt quả cho thấy việc tri giác chữ cái
kích hoạt các vùng não được cho là nằm bên dưới hoạt động đọc và viết – bao gồm
các nếp gấp dưới trán, nếp gấp fusiform và vỏ não sau đỉnh – tuy nhiên, điều
nảy chỉ xảy ra với những chữ cái được luyện tập bằng tay.
James và Engelhardt viết “Phát hiện này bổ sung cho những
nghiên cứu trước đây chứng minh rằng kinh nghiệm viết tay tạo thuận lợi cho tri
giác chữ cái, đồng thời nó đưa ra ý kiến xa hơn cho rằng kinh nghiệm viết tay
cũng đóng vai trò quan trọng đê chữ cái xử lý trong não.”
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng “việc viết riêng rẽ từng
chữ có thể là cánh cửa mà qua đó trẻ em học được những thuộc tính của chữ cái,
điều này có tầm quan trọng đối với khả năng phân loại thành công.”
Trí nhớ
Nhưng đâu là những lợi ích mà viết tay mang lại cho những
người đã học chữ từ lâu, đã đọc và viết thành thạo? Liệu tính hữu dụng của viết
tay có tỉ lệ nghịch với khả năng đọc viết?
Có lẽ là không. Nghiên cứu chứng minh viết tay có thể
mang lại những tác động có ý nghĩa lên khả năng lưu giữ thông tin của chúng ta.
Trong nghiên cứu được xuất bản vào năm nay trên
Psychological Science, các nhà nghiên cứu Pam Mueller thuộc ĐH Princeton và
Daniel Oppenheimer thuộc ĐH Quản lý Anderson, ĐH California, Los Angeles, đã
tìm hiểu về trí nhớ đối với những tài liệu bài giảng nơi các sinh viên ĐH ghi
chép bằng tay và các bạn sinh viên ghi bài trên laptop. Nhóm nghiên cứu tìm ra
rằng cả hai nhóm đều trả lời những câu hỏi gợi lại các thông tin trong bài
giảng tốt như nhau. Nhưng đến phần trả lời các câu hỏi về khái niệm yêu cầu họ
phải ứng dụng những điều họ đã được học trong bài giảng thì những sinh viên đánh
máy thực hiện tệ hơn nhiều so với những bạn ghi chép bằng tay.
Các nhà nghiên cứu nghĩ rằng ghi chép của người dùng
laptop có thể thể hiện sự “sao chép không suy nghĩ” về bài giảng, điều này được
củng cố bằng chi tiết rằng những ghi chép của họ chứa tương đối nhiều chữ hơn,
đồng thời cũng trùng lắp nguyên văn của tài liệu bài giảng nhiều hơn. Ngay cả
khi những người ghi chép bằng laptop được hướng dẫn kỹ càng nhằm tránh ghi chép
giống nguyên văn thì họ xem ra vẫn gặp rất nhiều khó khăn để làm điều đó.
Có lẽ kết quả bất ngờ nhất là việc một tuần sau đó, khi
cả hai nhóm được cho cơ hội đọc lại những ghi chép của mình thì những người ghi
chép bằng tay vẫn nhớ tốt hơn những người đánh máy. Tóm lại, những kết quả này
cho thấy phương thức ghi chép thật sự có tầm quan trọng, ngay cả đối với những
người ghi chép chuyên cần nhất.
Các nhà nghiên cứu viết, “Có thể là do những người ghi
chép bằng tay phải tham gia vào nhiều tiến trình xử lý hơn người đánh máy nên
họ cần lựa chọn những thông tin nào quan trọng hơn để ghi lại, chính điều này
cho phép họ nghiên cứu nội dung bài học hiệu quả hơn.”
Kỹ năng vận động
Viết tay có thể biến mất trong môi trường công việc hay
giáo dục, nhưng nó có vẻ cũng đang lụi tàn trong giao tiếp cá nhân khi như viết
tay hay thiệp mời thư pháo phải nhường chỗ cho “điện tử” – thư điện tử, thiệp
điện tử, thông báo điện tử. Ta thường thấy, khi có một vài trường hợp ta phải
viết tay nhiều, lập tức điệp khúc “Đau tay, mỏi tay quá!” sẽ lại vang lên.
Giống như bất kỳ kỹ năng vận động nào khác, viết tay sẽ trở nên khó khăn hơn
nếu không được luyện tập, nghiên cứu còn cho thấy, ít viết tay thậm chí còn để
lại hậu quả cho “kho lưu trữ” vận động của chúng ta.
Một nghiên cứu thực hiện năm 2011 do Sandra Sülzenbrück
thuộc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Làm việc và Nhân tố Con người IfADo-Leibniz,
Đức, cho thấy khác biệt có ý nghĩa trong hiệu suất vận động giữa người trưởng
thành thường chủ yếu đánh máy và những người hay viết tay. Đặc biệt, những
người đánh máy thực hiện bài kiểm tra đồ đường chậm hơn, bài kiểm tra này được
thiết kế nhằm đo độ chính xác và tốc độ chuyển động liên tục của cánh tay-bàn
tay. Kết quả này vẫn giữ nguyên ngay cả khi các nhà nghiên cứu sau đó đã kiểm
soát những yếu tố củng cố khả dĩ khác như tuổi, giới, số lỗi thực hiện, và tổng
số thời gian hoạt động viết hàng tuần. Dù kích thước mẫu nhỏ, xong Sülzenbrück và
cộng sự kết luận rằng sử dụng máy tính có thể ảnh hưởng đến “kỹ năng vận động
tinh, từ đó, đến nhiều đặc tính tổng quát của ‘kho lưu trữ’ hành vi con người.”
Kết luận, các kết quả cho thấy sự chuyển đổi từ văn hóa
viết tay sang viết bằng máy tính không chỉ ngăn khả năng tạo ra các bản viết
nhất quán, rõ ràng, sạch đẹp, mà còn đem lại nhiều hậu quả ảnh hưởng đến các kĩ
năng vận động cơ bản.
Tài liệu tham khảo
James, K. H., &
Engelhardt, L. (2012). The effects of
handwriting experience on functional brain development in pre-literate
children. Trends in
Neuroscience and Education, 1,
32–42.doi: 10.1016/j.tine.2012.08.001
Longcamp, M., Zerbato-Poudou, M.-T., & Velay, J.-L.
(2005). The influence of writing practice on letter recognition in preschool
children: A comparison between handwriting and typing. Acta Psychologica, 119, 67–79. doi:
10.1016/j.actpsy.2004.10.019
Longcamp, M., Boucard, C., Gilhodes, J. C., Velay, J. L.
(2006). Remembering the orientation of newly learned characters depends on the
associated writing knowledge: A comparison between handwriting and typing. Human Movement Science, 25,
646–656.
Mueller, P. A. &
Oppenheimer, D. M. (2014). The pen is
mightier than the keyboard: Advantages of longhand over laptop note taking. Psychological Science, 25(6), 1159–1168. doi:
10.1177/0956797614524581
Sülzenbrück, S., Hegele, M.,
Rinkenauer, & Heuer, H. (2011). The
death of handwriting: Secondary effects of frequent computer use on basic motor
skills. Journal of Motor
Behavior, 43(3), 247–251. doi: 10.1080/00222895.2011.571727
http://www.psychologicalscience.org/index.php/publications/observer/2014/september-14/getting-it-in-writing.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét