Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2017

PHẢN HỒI TRƯỚC CÁC TRƯỜNG HỢP LẠM DỤNG TÌNH DỤC TRẺ EM – TẠI SAO CHÚNG TA CẦN CẨN TRỌNG

0
Bạo hành và lạm dụng trẻ em
Ghi chú của ngừoi dịch:
Chúng ta đã biết những tác hại của việc lạm dụng tình dục ở trẻ em (Paolucci, Genuis, & Violato, 2001). Việc dư luận phản ứng mạnh mẽ trước các nghi phạm cũng như trước hiện tượng này là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Tuy nhiên, vấn đề không thể chỉ dừng lại ở đó. Không chỉ lạm dụng tình dục, các hình thức lạm dụng khác như thể lý và tâm lý cũng ảnh hưởng rất tiêu cực đển trẻ em (Norman et al., 2012). Thậm chí, bạo hành về tâm lý có thể có tác hại tương đương với bạo hành về thể lý hay lạm dụng tình dục (Spinazzola et al., 2014/ Link bài viết tại HLTL: http://hanhlangtamly.blogspot.com/2014/10/bao-hanh-tam-ly-o-tre-em-co-tac-hai.html ). Vậy nên, tất cả các trường hợp bạo hành và lạm dụng trẻ em đều cần có sự quan tâm đúng mực.

Ngoài ra, có rất nhiều các yếu tố khác ảnh hưởng đến việc lạm dụng tình dục trẻ em diễn ra như hệ thống hỗ trợ xã hội, chính sách, cộng đồng, giáo dục, gia đình (Collin-Vezina &Garrido, 2017; Baril,Tourigny, Paillé, & Pauzé, 2016) . Đồng thời, đối với các nhà chuyên môn, một loạt các vấn đề khác về đạo đức cần phải đươc cân nhắc (Haverkampf & Daniluk, 1993). Một ví dụ cụ thể minh hoạ các bạn có thể tham khảo tại: http://www.socialworker.com/feature-articles/ethics-articles/To_Report_or_Not_To_Report%3A_That_Is_the_Ethical_Dilemma/ ). Vì thế, cần có một cái nhìn toàn diện nhưng không kém phần cẩn trọng khi bàn đến nguyên nhân và các giải pháp cho vấn đề lạm dung trẻ em. Hành Lang Tâm Lý xin giới thiệu một bài viết nêu ý kiến cá nhân của Giáo sư Ann Gallagher, Giáo sư về Chăm sóc và Đạo đức chuyên môn, Phòng Giám sát Đạo đức Chăm sóc Quốc tế, Đại học Surrey, Anh Quốc, về một vụ việc tương đương (và còn có thể nghiêm trọng hơn) xảy ra tại Anh cách đây 2 năm. Tính thời sự và các thông điệp nay vẫn còn có thể đem lại cho mọi người một góc nhìn mới về vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em và cách chúng ta phản ứng.

Chúng ta rất dễ cảm thấy phẫn nộ khi nghe đến các trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em đã và đang xảy ra. Cụ thể hơn, quy mô và hệ quả của vụ việc tại Rotherham (sáu người đàn ông bị kết tội lạm dụng nhiều phụ nữ và trẻ em gái, trong đó có một bé gái 12 tuổi, https://www.theguardian.com/uk-news/2016/nov/04/rotherham-child-sexual-exploitation-eight-men-jailed- Ghi chú của người dịch) khiến cho không ít chúng ta phải sử dụng những cụm từ như “kinh tởm”, “không thể bào chữa” và “công lý phải được thực thi”.
Nhưng chúng ta cần làm nhiều hơn thế. Thật vậy, chúng ta cần có những phân tích kỹ càng về mặt quy tắc đạo đức để cải thiện cách chúng ta phản ứng trước các trường hợp lạm dụng tình dục. Đặc biệt, chúng ta cần có cách tiếp cận sao cho quyền lợi của những nạn nhân và gia đình nạn nhân được đảm bảo một cách cẩn trọng nhất. Chúng ta cần có thời gian và không gian để làm việc với tất cả những người có liên quan. Chúng ta cần tham khảo quan điểm của cả những người bị cho là chưa hành động đúng mức cần thiết hay của những cộng đồng đã “làm ngơ” để cho những vụ việc trên xảy ra (Cảnh sát và Hội đồng thành phố Rotherham bị chỉ trích dữ dội vì đã phản ứng không hiệu quả và che đậy vụ việc-ghi chú của người dịch). Đồng thời, chúng ta cũng cần nỗ lực để hiểu được các yếu tố cá nhân, tổ chức và cộng đồng nào đã khiến cho việc làm dụng xảy ra trong một thời gian dài đến như vậy. Chúng ta cần có một tầm nhìn xa hơn.
Tựu chung lại, chúng ta cần một “quy tắc đạo đức từ tốn”. “Quy tắc đạo đức từ tốn” ở đây đặt trọng tâm vào: chất lượng làm việc với bối cảnh địa phương, hơn là số lượng hoạt động được thực hiện; giành thời gian và tạo không gian để hiểu và suy xét các cách giải thích, hơn là vội vã phản ứng; xây dựng các mối quan hệ hỗ trợ, hơn là chỉ làm theo quy trình; tập trung vào trải nghiệm của con người, hơn là vào các mục tiêu trừu tượng; hợp tác và đối thoại, hơn là thiếu hợp tác do những giả định thiếu thông tin và sự sợ hãi tạo nên [Xem bài báo khoa học sau: http://cet.sagepub.com/content/early/2013/09/13/1477750913502615]. Theo quan điểm của chúng tôi, việc này bao gồm cả việc tiếp xúc với cộng đồng của nạn nhân lẫn cộng đồng của nghi phạm. “Quy tắc đạo đức từ tốn” cũng bao hàm cả việc cam kết tôn trọng và cung cấp những chăm sóc sức khoe và an sinh ngắn và dài hạn cho các nạn nhân và gia đình của họ.
Theresa May (Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Anh vào thời điểm bài viết, nay là Thủ tướng Anh – chú thích của nguòi dịch) vừa lên tiếng xin lỗi vì hai lành đạo vụ điều trần về trường hợp lạm dụng tình dục này vừa liên tiếp từ chức, để lại chỗ trống trong vị trí điều hành. Bà nói rằng bà sẽ tham khảo ý kiến của những nạn nhân về vụ việc này. Việc để những nạn nhân tham gia lên kế hoạch cho vụ điều trần cho thấy tín hiệu nhận thức về tầm quan trọng của ý kiến của họ. Kết luận “lắng nghe cẩn thận và phán xét cẩn trọng” là phát hiện quan trọng trong một nghiên cứu tôi thực hiện cách đây vài năm về cách thức các bác sĩ phản ứng với việc lạm dụng trẻ em (Xem: http://jme.bmj.com/content/38/2/87.abstract ]. Nó là một phần quan trọng trong việc đạt đến sự hiểu biết tường tận về vấn đề. Báo cáo của Điều tra Độc lập về Trường hợp Lạm dụng Tình dục Trẻ em ở Rotherham đã cho phép những nạn nhân được lên tiếng, những người thường bị buộc phải im lặng vì sự kì thị hay vì thái độ của những người xem nhẹ vụ việc. Một số tiết lộ rằng họ cảm thấy “như mình đã chết” hay thậm chí cảm thấy được “yêu thương” bởi người lạm dụng.
Trong trường hợp Rotherham, rõ ràng một số cá nhân trong các dịch vụ đáng lẽ phải bảo vệ và chăm sóc cho trẻ em và thanh thiếu niên đã không hoàn thành được trách nhiệm của mình. Các tổ chức có nhiệm vụ ngăn ngừa, bảo vệ và chăm sóc cũng đã thất bại trong việc lắng nghe các cá nhân và gia đình khi các báo cáo ban đầu cho rằng việc lạm dụng đã bị thổi phồng quá mức. Cộng đồng cũng đã thất bại khi nhắm mắt làm ngơ và có lẽ đã không nghĩ rằng các hành động trên đã vi phạm nghiêm trọng quyền con người. Việc thiếu kiên quyết trong hành động được bao biện dựa trên lo ngại rằng kết tội một nhóm người nào đó sẽ bị gắn mác phân biệt chủng tộc. Tất cả những quan điểm trên đều cần phải được thách thức.
Có rất nhiều bằng chứng về những vụ lạm dụng trẻ em đã xảy ra mà không được báo cáo cho đến khi trưởng thành. Chúng ta cũng biết rằng, trong quá khứ, nạn nhân thường sợ người khác không tin mình, sợ bị đổ lỗi hay bị cô lập do lạm dụng. Nhiều người xung quanh cũng có khả năng biết về các trường hợp bị lạm dụng. Đối với các nhà chuyên môn có liên quan, chúng tôi phải đặt câu hỏi vì sao có quá ít người lên tiếng dù cho họ buộc phải trả lời trung thực trước toà? Vì sao không có câu hỏi nào được đặt ra cho những mục tiêu hành động mà nay đã thất bại trong việc đặt nhân phẩm và quyền con người của trẻ em lên hàng đầu? Chúng ta cần có thời gian để cân nhắc những lời giải thích cho sự vô tâm trên cùng các hành vi phi đạo đức. Đó có thể là việc sợ hãi bị trả thù. Hay những người im lặng không nhìn nhận các trẻ bị hại giống như các trẻ trong chính gia đình hay khu vực của họ? Hay có lẽ họ cho rằng trẻ em một khu vực nào đó sẽ không đáng được chú ý và bảo vệ? Hay có lẽ họ không có đủ không gian và thời gian để tự suy xét những yếu tố đạo đức trong hành động và sự vô tâm của mình?
Vấn đề xảy ra ở Rotherham có thể do sự trì trệ, thờ ơ hay thiếu nhận thức về đạo đức, do sự sợ hãi hay thiếu ý thức về công bằng xã hội và trách nhiệm công dân. Việc cân nhắc cẩn trọng và từ tốn các yếu tố đạo đức trong giáo dục và thực hành chuyên môn có thể giúp nâng cao nhận thức và thách thức các các quan điểm chuyên môn tiêu cực cho rằng một số trẻ không cần được chăm sóc và bảo vệ. Nhưng như vậy là chưa đủ. Cần phải có sự đối thoại thường xuyên giữa các nhóm và cộng đồng để tìm ra những phương thế an toàn giúp các vấn đề được lên tiếng, tìm ra cách để chống lại việc phân biệt đối xử và thái độ kì thị, chống lại việc đặt ra những ưu tiên thiếu đạo đức, cần thách thức những mục tiêu sai định hướng và bàn luận cách để các giá trị then chốt của quy tắc đạo đức cẩn trọng và từ tốn như hiểu biết, nhân ái, dũng cảm và liêm chính được phát triển. Trẻ bị lạm dụng cùng gia đình xứng đáng có được nhiều hơn những gì chúng ta đang làm. Thật vậy, chúng ta có cơ hội để xây dựng một xã hội, mà theo lời của Mary Warnock, chúng ta có thể ca ngợi và ngưỡng mộ nếu làm được những điều trên. 
Ann Gallagher, Professor of Ethics and Care & Members of International Care Ethics Observatory Advisory Group, University of Surrey [http://www.surrey.ac.uk/fhms/research/centres/ICE/]

Dịch: Hành Lang Tâm Lý


Tài liệu tham khảo phần ghi chú:
Baril, K., Tourigny, M., Paillé, P., & Pauzé, R. (2016). Characteristics of sexually abused children and their nonoffending mothers followed by child welfare services: the role of a maternal history of child sexual abuse. Journal of child sexual abuse25(5), 504-523.

Collin-Vézina, D., & Garrido, E. F. (2016). Current issues in child sexual abuse, gender and health outcomes: shedding new lights to inform worldwide policy and practice.

Haverkamp, B., & Daniluk, J. C. (1993). Child sexual abuse: Ethical issues for the family therapist. Family Relations, 134-139.

Norman, R. E., Byambaa, M., De, R., Butchart, A., Scott, J., & Vos, T. (2012). The long-term health consequences of child physical abuse, emotional abuse, and neglect: a systematic review and meta-analysis. PLoS Med9(11), e1001349.

Paolucci, E. O., Genuis, M. L., & Violato, C. (2001). A meta-analysis of the published research on the effects of child sexual abuse. The Journal of psychology135(1), 17-36.

Spinazzola, J., Hodgdon, H., Liang, L. J., Ford, J. D., Layne, C. M., Pynoos, R., ... & Kisiel, C. (2014). Unseen wounds: The contribution of psychological maltreatment to child and adolescent mental health and risk outcomes. Psychological Trauma: Theory, Research, Practice, and Policy6(S1), S18.

Đọc tiếp
NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter