Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

TÂM LÝ HỌC vs DÂN CHỦ: TẠI SAO CHÚNG TA LẠI BẦU CHO NHỮNG NGƯỜI KÉM THÔNG MINH?

0
Tâm lé chính trị

Dean Burnett

Các chiến dịch tranh cử ở Mỹ cùng một số nước đã và đang bắt đầu diễn ra, nhưng kì lạ thay, những hành động hay lời nói “kém thông minh” có vẻ sẽ chẳng ảnh hưởng gì tới khả năng thành công của các ứng viên. Thật vậy, không may là luôn tồn tại một số cơ chế tâm lý khiến cho một người dù “dốt đặc cán mai” vẫn có thể được bầu vào các vị trí đầy quyền lực.
Các chính trị gia, uy tín của họ thường khá tệ hại (thua cả môi giới nhà đất và nhân viên ngân hàng: Link). Công bằng mà nói, phần lớn đều do lỗi của họ, nhưng cũng thật thiếu suy xét nếu ta cho rằng chính trị gia nào cũng như thế vì nếu không thì toàn bộ hệ thống đã sụp đổ từ lâu rồi. Tuy vậy, mọi người vẫn thường cho rằng chính trị gia là những người không đáng để tin tưởng, vậy nên chúng ta hãy cứ tạm thời giả định tình huống xấu nhất.

Một chính khách đưa ra một chính sách tồi? Người ấy quả là một thảm hoạ. Ông ấy/ Bà ta thay đổi ý kiến và muốn rút lại chính sách đó? Thật yếu đuối và chẳng đáng mặt lãnh đạo. Họ cam đoan thay đổi? (giảm thuế hay tăng phúc lợi) Rõ ràng đang nói láo. Chính khách đó hứa hẹn một điều khác thường (tăng thuế, giảm chi tiêu)? Chắc chắn nó sẽ xảy ra. Rõ ràng kiểu gì họ (các chính trị gia) đều bị thiệt thòi, vậy tại sao họ lại phải bận tâm? Tuy nhiều người chỉ tham gia chính trường vì bản thân nhưng may mắn thay, nhiều người cũng còn muốn làm hết sức mình và luôn lắng nghe các ý kiên tiêu cực đổ lên đầu họ.

Vậy nên không phải chính trị gia nào cũng ngu dốt (dù định nghĩa ngu dốt của bạn có thể dao động rất nhiều) nhưng rõ ràng nhiều người không được thông minh cho lắm. Hoa Kỳ xem ra là một ví dụ điển hình; Sarah Palin, Ted Cruz,… những người đã và đang chạy đua cho chức tổng thống. Và cũng đừng quên tổng thống George W Bush, người nắm cả nền kinh tế và kho đạn hạt nhân với sự mơ màng và lơ ngơ cao độ, đã ngồi ở vị trí cao nhất tận 8 NĂM.  

Vậy liệu điều gì đang diễn ra? Một cách logic, chúng ta sẽ muốn một người thông minh, am hiểu tường tận cách thức và tiếp cận tốt nhất để điều hành đất nước một cách tối ưu. Nhưng không! Mọi người lại thường hay hành xử và đưa ra lựa chọn theo cách khiến chúng ta phải đặt dấu hỏi về khả năng trí tuệ của họ. Giải thích cho hiện tượng này, rất nhiều yếu tố khác nhau có thể liên quan như tư tưởng hệ, văn hoá, xã hội, lịch sử, kinh tế,…, bởi lẽ chính trị là tập hợp của tất cả các thành tố trên. Nhưng chưa dừng lại ở đó, hiện tượng này còn bị tác động bởi một số tiến trình tâm lý nổi tiếng mà có thể bạn không nghĩ tới.

Tự tin, tự tin nữa, tự tin mãi
Những người tự tin thường hay dễ thuyết phục người khác. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định điều này (Link). Đa phần các nghiên cứu dạng này thực hiện trong bối cảnh các phiên xét xử tại toà án, các nhân chứng tự tin thường dễ thuyết phục bồi thẩm đoàn hơn các nhân chứng lo lắng, ngập ngừng. Ta còn có thể thấy hiện tượng này ở một số khung cảnh khác. Ví dụ, những người bán xe cũ hay các nhân viên buôn bán địa ốc đã tận dụng kĩ thuật này suốt nhiều thập kỷ. Các chính trị gia đương nhiên biết việc này, họ đều được huấn luyện về truyền thông và quản trị quan hệ công chúng; bất kỳ chính trị gia nào không xuất hiện với dáng vẻ chắc chắn và tự tin đều sẽ bị “nốc ao” ngay từ vòng “gửi xe”. Vậy nên tự tin là rất quan trọng trong chính trị.

Tuy vậy, hiệu ứng Dunning-Kruger (Link) cho thấy những người kém thông minh thường hay tự tin quá mức (Link). Trong khi đó, những người thông minh thì ngược lại. Tự đánh giá là một kỹ năng nhận thức quan trọng (Link), tuy nhiên bạn cần trí tuệ để làm điều này; nếu không đủ tinh tường, bạn sẽ không có khả năng nhìn nhận mình là bất toàn và thiếu sót.

Vì thế, nếu bạn muốn một người “bẩm sinh” tự tin đại diện cho đảng phái của mình thì chọn lựa người thông minh là sai lầm trên nhiều phương diện. Tuy nhiên nó cũng có những hiệu ứng ngược; nghiên cứu cho thấy khi một người tự tin bị chỉ ra rằng đang nói sai/ nói dối, sau đó họ sẽ bị đánh giá là không đáng tin hơn so với người thiếu tự tin (Link). Điều này giúp giải thích mặt tối của chính trị, đó là một chuỗi các cá nhân tự tin hứa hẹn những điều lớn lao rồi thất bại thảm hại trong việc thực hiện những cam kết đó. Những điều này thật sự khiến chúng ta cảm thấy ngán ngẩm.

Chính trị rất phức tạp
Lãnh đạo hiệu quả một đất nước hàng chục triệu dân, mà mỗi cử tri đều có những yêu cầu và đòi hỏi riêng, quả là một công việc cực kỳ phức tạp. Có quá nhiều biến số cần phải giải quyết. Bất hạnh thay, chuyện gom góp tất cả các vấn đề trên rồi giải quyết như biên tập âm thanh hay phim ảnh truyền thông hiện đại là điều bất khả thi. Vì vậy, nhân cách thường là yếu tố xuất hiện đầu tiên. Những nhân cách kém thông minh thì thường tự tin, nó khiến cho người khác dễ bị thuyết phục, và cứ thế mà lan truyền.

Trong mọi hoàn cảnh, con người thường cảm thấy ngán ngẩm những chủ đề và thảo luận mang tính học thuât, phức tạp. Họ có thể không có kinh nghiệm với vấn đề, hay cảm thấy quá sợ hãi để mong muốn tham gia vì lẽ nếu làm vậy họ sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức. Nhưng chính trị, đặc biệt là nền dân chủ, lại yêu cầu con người phải tham gia.

Các nghiên cứu về nhân cách cho thấy rất nhiều người thường có tính định hướng mục tiêu -  “xu hướng phát triển hay thể hiện khả năng trong các tình huống cá nhân tin rằng năng lực của mình sẽ được lượng giá và có khả năng thành công”. Cảm giác bạn chủ động tác động lên một điều gì đó (như kết quả bầu cử) có thể là một yếu tố tạo động lực rất mạnh mẽ, nhưng nếu một người bắt đầu phát biểu về những thứ “đao to búa lớn” như tỉ lệ lãi suất hay quản trị niềm tin với hệ thống sức khoẻ, bạn sẽ nhanh chóng khó nắm bắt, không theo kịp và dần cảm thấy bị tách ly. Vậy nếu một người tự tin nói rằng có một giải pháp đơn giản hay cam kết sẽ khiến cho những thứ phức tạp “tan biến”, hình ảnh của họ xem ra hấp dẫn hơn nhiều.

Điều này cũng được thể hiện thông qua Luật tầm thường của Parkinson (Link), chúng ta hay có xu hướng giành thời gian và công sức để tập trung vào những điều tầm thường mà chúng ta hiểu nhiều hơn so với cho những điều phức tạp mà ta không hiểu nổi. Con người thường thích những thứ tầm thường (Link), những người kém thông minh hay bóp nắn những vấn đề lớn thành các các mảnh nhỏ (nhưng thiếu chính xác) lại là những người hay được lựa chọn.

Liên hệ đến cử tri
Một trong những phẩm chất tích cực nơi George W Bush là người dân cảm thấy họ có thể “ngồi uống bia với ông”. Họ cảm thấy có liên hệ tới ông. Ngược lại, đẳng cấp ưu tuyển nhiều khi lại là một đặc điểm tiêu cực. Ý tưởng về một người nằm ngoài quy chuẩn thông thường của xã hội lại đi lãnh đạo đất nước có thể khiến nhiều người cảnh giác. Điều này dẫn đến việc các chính trị gia không ngừng tìm cách “sâu sát” với quần chúng.

Phần lớn cử tri rất dễ chịu tác động bởi các định kiến, thiên kiến, thành kiến tiềm thức (Link) và thường chỉ yêu thích “nhóm” của mình (Link). Không có điều gì trong những điều trên là có logic và được ủng hộ bởi bất kỳ bằng chứng hay thực tế nào cả, con người cũng không thích nghe những thứ người ta không muốn nghe (Link). Họ cũng nhận thức rất rõ địa vị xã hội (Link); chúng ta cần cảm thấy mình ưu việt hơn người khác theo cách nào đó để duy trì cảm giác giá trị của bản thân. Kết quả là những người thông minh nói những thứ phức tạp dung chứa những thông tin gây khó chịu (nhưng chính xác) lại chẳng hấp dẫn được ai, trong khi những người thể hiện kém trí tuệ, chẳng đe doạ được ý thức giá trị của ai, cũng chỉ chú tâm nói những thứ đơn giản, ủng hộ những thành kiến sẵn có và chối bỏ những thông tin gây khó chịu, lại có vẻ được yêu thích.

Quả là một tình huống đáng buồn nhưng xem ra đó lại là chính cách đầu óc chúng ta vận hành. Tất nhiên ngoài những gì đề cập vẫn còn nhiều thứ khác liên quan đến vấn đề này, tuy nhiên nói thêm chỉ làm mọi sự phức tạp hơn mà thôi, và như những gì đã được trình bày, đó hẳn không phải là cách khôn ngoan để lôi kéo người khác.


Dịch: Hành Lang Tâm Lý
Đọc tiếp

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

LỜI NÓI DỐI LÀ DẤU HIỆU PHÁT TRIỂN NHẬN THỨC CỦA TRẺ

0
Khi trẻ nói dối

SUSAN PINKER 13/1/2016
Các xu hướng nuôi dạy con cái thường hay “cuốn theo chiều gió”, tuy nhiên đa phần người trưởng thành sẽ đồng ý rằng trẻ mẫu giáo đang tập nói không nên nói dối. Tuy nhiên hoá ra học nói dối nhìn chung lại là một phần quan trọng trong học tập – và là điều cần tách bạch khỏi những khái niệm đạo đức về vấn đề này.
Khả năng “bẻ cong sự thật” là một cột mốc phát triển quan trọng, tương tự tập đi hay tập nói. Một nghiên cứu do Kang Lee, Giáo sư Tâm lý tại ĐH Toronto, đứng đầu cho thấy nói dối thường xuất hiện sớm nơi các trẻ “lớn trước tuổi”. Vào khoảng 2 tuổi, 30% trẻ bắt đầu thử nói dối cha mẹ. Vào năm lên 3, 50% trẻ thường xuyên nói sai sự thật. Nói dối vặt rất phổ biến trong số 80% các trẻ 4 tuổi và trở thành “bình thường” nơi trẻ 5 – 7 tuổi.
Nói cách khác, Theo TS. Lee, nói dối chẳng có gì là khác thường nơi trẻ nhỏ. Bất ngờ hơn nữa, các trẻ “vẽ chuyện” lại có các ưu thế về nhận thức so với các trẻ “thành thật”. “Nói dối cần có hai thành phần. Trẻ cần có khả năng hiểu người khác nghĩ gì – để nắm được họ biết và không biết điều gì. Chúng tôi gọi đây là khả năng ‘xây dựng học thuyết về tâm trí’. Các trẻ có khả năng này thường sẽ nói dối giỏi hơn.”
Yêu cầu thứ hai, theo TS Lee, là khả năng điều hành – năng lực xây dựng trước kế hoạch và kiểm soát các hành động không mong muốn. “Nhóm 30% trẻ dưới 3 tuổi ‘biết’ nói dối có khả năng điều hành tốt hơn,” “cụ thể là khả năng ức chế sự thôi thúc nói ra sự thật và chuyển sang nói dối.”
Ông còn nhận xét thêm, khả năng tư duy tinh tế đó là dấu hiệu cho thấy các trẻ biết nói dối sẽ thành công hơn trong học tập và trong việc “xử trí” khi chơi với các trẻ khác.
Dù mấy chục năm nay TS Lee đã biết rằng các trẻ giỏi trong việc “xây dựng học thuyết tâm trí” cũng sẽ nói dối tốt hơn, tuy nhiên ông không biết cái nào có trước cái nào. Vậy liệu nói dối có giúp trẻ đoán được người khác nghĩ gì tốt hơn không? Vì dù gì thì không nói thật cũng giúp trẻ “thu hoạch” được những phản hồi từ người lớn và những phản hồi đó sẽ tiết lộ đôi điều về tâm trí của họ. Hay nếu chúng ta dạy ai đó cách hình dung ra suy nghĩ của ngươi khác,  họ sẽ trở nên những người dựng chuyện hoàn hảo hơn? TS Lê đã kiểm tra nhưng phát biểu trên trong một thực nghiệm được xuất bản trên tạp chí Psychological Science tháng 11 vừa qua.

Luyện tập khả năng “xây dựng học thuyết về tâm trí” đã trở thành một công cụ khá thông dụng trong làm việc với trẻ có rối loạn phổ tự kỷ và với các trẻ có những vấn đề hành vi khác. Việc luyện tập sẽ đưa trẻ đi qua các tình huống khác nhau, qua đó giúp trẻ khám phá ra rằng người xung quanh có thể có những hiểu biết và niềm tin khác biệt với chính trẻ. Trong thực nghiệm của TS Lee, các trẻ được cho đọc những câu chuyện có nhiều chi tiết về trạng thái tinh thần của người khác. “Chúng tôi tự hỏi, các tác dụng phụ ở đây là gì? Liệu chúng ta có thể làm tăng lời nói dối thông qua luyện tập xây dựng học thuyết về tâm trí hay không?” TS Lee cho biết.

Sau khi đã kiểm tra trí thông minh, khả năng nói dối và chức năng điều hành của trẻ, ông cùng nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Canada, Mỹ và Trung Quốc đã chia 58 trẻ mẫu giáo trong một thành phố tại Trung Quốc thành hai nhóm. Một nhóm sẽ trải qua 6 buổi luyện tập xây dựng học thuyết về tâm trí, nhóm còn lại sẽ trải qua số buổi học tương đương nhưng lại về các kỹ năng giải quyết vấn đề về số và không gian.

Sau sáu buổi trong suốt 8 tuần, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng các trẻ trong nhóm xây dựng học thuyết về tâm trí không chỉ nói dối giỏi hơn trước mà còn giỏi hơn một các có ý nghĩa so với các trẻ trong nhóm còn lại – nhóm kiểm soát. Tác động trên kéo dài trong một tháng, TS Lee dự tính sẽ tiếp tục theo dõi để tìm hiểu những kết quả này liệu có kéo dài hay không.

“Như vậy, lần đầu tiên trẻ nói dối không phải là một dấu hiệu đáng báo động nhưng lại là một dịp đáng để vui mừng. Đó là thời điểm chúng ta có thể chỉ dạy trẻ”, ông chia sẻ “là thời điểm để bàn luận liệu nói dối là gì, sự thật là gì và ảnh hưởng của nó lên người khác ra sao.”

Dịch: Hành Lang Tâm Lý.


Đọc tiếp

Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2016

NHÀ TRỊ LIỆU CÓ ĐƯỢC PHÉP KHÓC?

0
Khóc khi trị liệu
Thân chủ không phải những người duy nhất khóc khi trị liệu – đôi khi, nhà trị liệu cũng thế.
By Lorna Collier

Bạn đang trị liệu cho một thân chủ vừa tiết lộ cô ta bị lạm dụng rất thậm tệ khi còn nhỏ. Thân chủ của bạn bắt đầu nức nở - và mắt bạn cũng dần ngấn lệ.

Liệu đó có phải là một phản ứng phù hợp không? Bạn có cần phải che giấu, ngăn cản dòng nước mắt hay cứ để mặc chúng? Nếu bạn khóc, điều đó sẽ tác động tới thân chủ như thế nào?

Nhiều chương trình đào tạo cao học không hề nhắc tới nước mắt trong tiến trình trị liệu, cả trong lớp học hay cả trong quá trình giám sát. Kết quả là nhiều người tin rằng nhà trị liệu cần phải luôn mạnh mẽ và trung lập, và nước mắt là dấu hiệu của sự thiếu chuyên nghiệp, đồng thời làm giảm vai trò được quy định nghiêm ngặt của nhà chuyên môn.

Tuy vậy, một nghiên cứu cho thấy nước mắt vẫn rất hay xuất hiện nơi các nhà trị liệu.Ví dụ, nghiên cứu được thực hiện năm 2013 do TS. Amy C. Blume-Marcovici, TS. Ronald A. Stolberg, và TS. Mojgan Khademi thuộc ĐH Quốc tế Alliant International thực hiện, đăng tải trên tạp chí Psychotherapy cho thấy 72% các nhà tâm lý và các thực tập sinh đã từng khóc với thân chủ, 30% từng khóc ít nhất một lần 4 tuần trước khi khảo sát.

Vậy bạn nhìn nhận điều này như thế nào? Vai trò của nước mắt nơi nhà trị liệu là gì?

Dấu hiệu của tính nhân văn

TS. Nadine Kaslow cho biết, khi bà còn là thực tập sinh, bà chưa bao giờ được nghe đề cập đến việc khóc với thân chủ.

“Có một thông điệp ẩn giấu cho rằng bạn không nên làm điều đó, một cách nào đó, nó tượng trưng cho việc bạn đang gặp phải vấn đề về ranh giới làm việc” Kaslow, giáo sư và tâm lý gia tại ĐH Y Emory, cho biết. Đặc biệt là các nhà trị liệu nữ thường tin rằng nếu họ khóc, nước mắt sẽ cho thấy “bạn không đủ vững vàng để làm công việc này.”

Theo Kaslow, những thông điệp này đến nay vẫn không thay đổi bao nhiêu. Bà vẫn tin rằng hạn chế nước mắt – không để bản thân nức nở hết cỡ - có thể là một nhân tố tích cực và tự nhiên trong mối quan hệ trị liệu.

“Nhiều người trong chúng ta, những người hay nhạy cảm, nhân ái và thường dễ cảm nhận cảm xúc của bản thân, đôi khi hay nghẹn ngào và ngấn lệ trước thân chủ” “Đó là một phản ứng nhân văn và liên nhân vị rất bình thường.”

Tất cả các nhà tâm lý đều làm việc với các vấn đề về cảm xúc của thân chủ, tuy nhiên một số lại thường hay phải nghe các câu chuyện dễ gây xúc động. Trong số đó có TS. Sarah E. Dunn, Giám đốc lâm sàng và giám sát tâm lý tại Dự án Grady Nia tại Bệnh viện Grady, Atlanta, dự án hỗ trợ các phụ nữ là nạn nhân của bạo hành gia đình.

Dunn cho biết các thực tập sinh đôi khi hay nghẹn ngào trước những câu chuyện đong đầy xúc cảm mà các thân chủ chia sẻ - “gần giống như là sang chấn do thấu cảm.” Điều này khiến một vài sinh viên băn khoăn và tìm đến gặp bà.

Dunn cho biết, “Họ cảm thấy hoảng loạn: Họ có nên đi ra khỏi phòng? Đi vào nhà vệ sinh và cô gắng trấn tĩnh lại? Hay thân chủ có thấy cũng không sao?”

Qua nhiều năm, bà nhận ra rằng “việc nhìn nhận nhà trị liệu như một con người và có thể hiện cảm xúc có thể giúp thân chủ mở lòng thêm một ít.”

Thân chủ nghĩ gì?
Nghiên cứu tìm hiểu suy nghĩ của thân chủ về vấn đề này khá khan hiếm.
Trong một nghiên cứu vào năm 2015 trên Psychotherapy, các nhà nghiên cứu Áshley Treat, Jonathan Kelly và Glenn Waller đã khảo sát 188 thân chủ có rối loạn ăn uống và nhận thấy 57% trong số đó từng chứng kiến nhà trị liệu rơi nước mắt. Đa số đều nhìn nhận điều này một cách tích cực, tuy nhiên điều này không tự nhiên mà có: nó phụ thuộc vào cách họ đánh giá nhà trị liệu.

Nếu họ cho rằng nhà trị liệu “hành xử tốt” (được các nhà nghiên cứu định nghĩa là thể hiện sự vui vẻ, chắc chắn và ổn định), thân chủ sẽ dễ nhận xét nước mắt là tích cực hơn và thường sẽ muốn tiếp tục trị liệu. Nhưng nếu họ cảm thấy nhà trị liệu “hành xử tiêu cực” (lo âu, buồn chán hay tức giận), thân chủ sẽ cảm thấy kém tích cực hơn với nước mắt và tiến trình trị liệu.

Kiểu khóc cũng quan trọng. Đa phần hay mô tả nhà trị liệu chỉ mới “chớm” nước mắt. Một số thì mô tả nhà trị liệu khóc nhiều nhưng vẫn tiếp tục làm việc. Một số ít hơn thì mô tả nhà chuyên môn khóc nhiều đến độ buổi làm việc phải tạm ngưng. Thân chủ thường đánh giá mức độ khóc càng lớn là càng tiêu cực.

Các nhà nghiên cứu kết luận: “Nước mắt nhà trị liệu không thể được nhìn nhận là tích cực hay tiêu cực hoàn toàn – nó phụ thuộc vào cách thân chủ nhìn nhận nhà trị liệu trong vị thế một nhân vị ra sao”

Trong một luận án sắp công bố của tại ĐH Đông London, Alice Watso đã nghiên cứu về phản ứng của thân chủ trước việc nhà trị liệu khóc. Cô có động lực làm đề tài này sau khi chứng kiến hai nhà tham vấn khóc trước mặt mình – và cô đã có hai phản ứng rất khác nhau.

Một trường hợp khiến cô cảm thấy gần gũi hơn với nhà trị liệu, trong khi trường hợp còn lại có tác dụng hoàn toàn trái ngược, nó khiến cô quyết định kết thúc tiến trình trị liệu vốn dĩ đã chẳng êm đẹp gì.

Trong đề án nghiên cứu của mình, Watson phỏng vấn tám người tại Vương Quốc Anh, từ 25 đến 56 tuổi, từng chứng kiến nhà trị liệu khóc trong tiến trình làm việc. Nghiên cứu định tính, tìm hiểu xem điều gì là hiệu quả và không hiệu quả, cho thấy kì vọng của thân chủ về trị liệu và nhà chuyên môn tác động đến nhận thức của họ. Một số sẽ phản ứng tiêu cực, xem nước mắt là điểm trừ cho hình ảnh nhà trị liệu trong mắt họ, đồng thời làm lu mờ vai trò và ranh giới một cách tiêu cực. Số khác lại xem nước mắt nhà trị liệu là sự nhìn nhận những nỗi đau mà thân chủ gặp phải.

Theo Watson, bất kể thân chủ nhìn nhận tích cực hay tiêu cực, tất cả những người tham gia đều cho rằng nước mắt của nhà trị liệu là “thời điểm quan trọng và ảnh hưởng tới mọi việc diễn tiến về sau trong tương quan trị liệu.”

Bạn nên nói gì khi rơi nước mắt?
Nếu bạn rơi lệ trước mặt thân chủ, bạn có nên thừa nhận điều đó? Hay tiếp tục làm việc như chưa có chuyện gì xảy ra?

Kaslow cho rằng điều này còn phụ thuộc vào tình huống và mối quan hệ. Đôi khi tốt nhất là không nói gì cả.

“Nước mắt sẻ chia trong một tình huống đau buồn đôi khi không cần lời giải thích nào cả.” Nhưng nếu thân chủ phản ứng bằng cách cố gắng quan tâm đến nhà trị liệu thì “đó mới là lúc cần lên tiếng.”

Nếu trong trường hợp thân chủ không khóc mà chỉ có nhà trị liệu khóc, Kaslow đề nghị ta nên nói một trong những điều sáu đây: “Tôi nghĩ tôi khóc là vì …” hay “Bạn phản ứng như thế nào khi tôi khóc?” Những điều trên có thể được trao đổi ngay lặp tức hay sau khi buổi làm viêc kết thúc, thậm chí là trong buổi làm việc tiếp theo.

Khi nào nước mắt là không thích hợp
Khóc có thể có nhiều định nghĩa, từ một đôi mắt long lanh đến một dòng lệ nhẹ nhàng lăn trên má cho tới tiếng than van nức nở. Các nhà trị liệu thường cảm thấy tiếc nuối vì đã “khóc lớn, khóc nhiều hay khóc vì những việc liên quan đến tình trạng bản thân”, Blume-Marcovici cho biết.

Một điểm nguy hiểm nữa cần lưu ý: khóc bất kể khi nào bạn thấy người khác có vấn đề.
Nếu cứ mỗi lần thân chủ đề cập đến một vấn đề nhất định mà nhà trị liệu đều khóc, “có lẽ thật sự là bạn chưa giải quyết được vấn đề đó nơi bản thân”, Kaslow chia sẻ. Nếu điều này xảy ra, bản thân bạn có lẽ cần được nhận sự hỗ trợ và bạn nên bàn luận điều này với giám sát của bạn.

Theo Blume-Marcovici, những yếu tố dễ “gây” nước mắt cho nhà trị liệu bao gồm đau buồn, mất mát hay sang chấn. Nhà trị liệu vừa trải nghiệm mất mát hay những sự kiện gây căng thẳng nghiêm trọng trong cuộc sống có thể quay lại làm việc quá sớm – họ sẽ dễ xúc động khi thân chủ chia sẻ những trải nghiệm tương tự những điều họ vừa trải qua.

Bà cho rằng nhà trị liệu cần biết cách đánh giá mức độ sẵn sàng của bản thân trước khi quay trở lại làm việc. Tất nhiên sẽ rất khó để biết được chính xác khi nào – hay liệu có hay không – việc nước mắt sẽ xuất hiện. Tuy vậy, thay vì mù mờ suốt buổi làm việc, nhà trị liệu cần phải nhận biết được rằng phản ứng rất con người này hoàn toàn có thể diễn ra và cần có ý tưởng về việc mình cần phải làm gì khi việc này xảy đến. Một cách lý tưởng nhất, Kaslow và Blume-Marcovici cho rằng các chương trình đào tạo tâm lý cần đề cập đến vấn đề này để đem lại câu trả lời thoả đáng nhất.


Dịch: Hành Lang Tâm Lý
Đọc tiếp
NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter