Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

ĐÀN ÔNG VÀ PHỤ NỮ, AI QUÝ TRỌNG MÔI QUAN HỆ HƠN?

0


 

Chúng ta thường gặp phải những ý nghĩ đóng khung rằng đàn ông thường sợ hãi cam kết trong tình cảm – rằng phụ nữ thì khao khát hôn nhân còn đàn ông thì gặp khó khăn trong việc từ bỏ tự do của đời độc thân. Hình ảnh này xuất hiện liên tục trong văn hóa đời sống. Trang web “tìm bạn” eHarmony thậm chí còn đưa ra lời khuyên giúp phụ nữ xử lý những quý ông tránh né cam kết (eHarmony 2012).
Nhưng có bao nhiêu phần trăm sự thật trong những suy nghĩ này?

Có lẽ là chẳng có. Mâu thuẫn rõ ràng với suy nghĩ đóng khung rằng đàn ông là những “tay chơi” sợ hãi cam kết, Pew Research cho rằng nam nữ thanh niên có mức độ mong muốn đi tới hôn nhân như nhau (Pew 2013); cả hai cùng cho rằng hôn nhân thành công là một trong những điều quan trọng nhất trong đời (Pew 2012); và tình yêu là lý do chính yếu dẫn đến hôn nhân (Pew 2013). 

Những thông tin trên được củng cố bởi những phân tích của bản thân tôi trên Nghiên cứu Chiều dài Quốc Gia về Sức Khỏe Vị Thành niên (Add Health) đợt thứ 3, đây là một khảo sát lớn mang tính quốc gia trên 15000 bạn trẻ cả nam và nữ (độ tuổi trung bình là 22). Tôi nhận thấy 82% đàn ông và 84% phụ nữ cho rằng hôn nhân vào một ngày không xa là “rất” hay “khá” quan trọng đối với họ. Bên cạnh đó, hai giới khác nhau chút ít khi đề cập đến việc cam kết trong mối quan hệ. Trong những người đang có mối quan hệ lãng mạn, 83% đàn ông và 88% phụ nữ cho biết họ “hoàn toàn” hay “rất” cam kết với người bạn của mình. Tương tự, 51% nam và 57% nữ “gần như chắc chắn” rằng mối quan hệ hiện tại của mình sẽ kéo dài vĩnh viễn. Thậm chí với độ tuổi đâu 20, khá lâu trước độ tuổi kết hôn trung bình, đàn ông (và cả phụ nữ) vẫn cho thấy mức độ cam kết cao và thường dự đoán một cuộc sống hợp nhất lâu dài.

Ngay cả trong nhóm ít cam kết nhất, đàn ông cũng không áp đảo phụ nữ là bao - chỉ có 5% đàn ông và 3% phụ nữ lựa chọn “không hề” cam kết với người yêu hiện tại, trong khi 5% nam và 4% nữ cho rằng “gần như không có cơ hội” để mối quan hệ đang có trở thành lâu dài.

Trong dữ liệu cùa Add Health, giữa nam và nữ thanh niên có tồn tại những khác biệt về giới. Tuy nhiên, chúng không thể hiện một khoảng cách không thể san bằng giữa lộ trình tình cảm mà cả hai mong muốn. Ví dụ, tôi nhận thấy phụ nữ trẻ thường nói rằng họ mong cưới ngay lập tức – thật thế, 31% phụ nữ và 20% nam trong Add Health đợt III muốn được làm đám cưới ngay tại thời điểm phỏng vấn. Mặc dù trung bình, phụ nữ có thể khao khát lập gia đình sớm hơn, thế nhưng điều này không có nghĩa là thời gian mong muốn đi tới hôn nhân của cả hai tồn tại mâu thuẫn – một phần lý do là vì phụ nữ có xu hướng quen đàn ông lớn tuổi hơn một chút (khoảng 2 năm) (Pew 2011). 

Còn suy nghĩ cho rằng đàn ông thường bỏ vợ hơn thì sao? Thật ra, phụ nữ mới là người thường khơi mào chuyện li dị (Kalmijn and Poortman 2006). Hơn nữa, cũng có rất ít khác biệt trong việc nam hay nữ đi ngoại tình dẫn đến chia tay (England, Allison, and Sayer 2014). Mà hơn thế, đàn ông mới là người phải mong đi tới hôn nhân và sống chung thủy nhiều hơn phụ nữ - sức khỏe, hạnh phúc, tuổi thọ của quý ông phụ thuộc vào điều này (Harvard Health Publications 2010). Vượt mặt các đức lang quân, các bà vợ là người động viên những hành vi lành mạnh nơi người bạn của mình nhiều hơn (Reczek and Umberson 2012), và dù cho đã cưới nhau hay chỉ mới chung sống theo nhiều kiểu, điều này đồng thời liên hệ với tình trạng sức khỏe tốt hơn nơi phụ nữ (Wu et al. 2003). 

Dữ liệu cho thấy cam kết, tình yêu và hôn nhân đều được cả nam lẫn nữ ao ước mãnh liệt và mang lại lợi ích cho cả hai. “Cuộc chiến” trong việc nhẽ ra đàn ông phải sợ cam kết đơn thuần là không rõ ràng. Không cần nghi ngờ gì nhiều, tất nhiên là có vài bạn nam thật sự sợ hãi hoặc né tránh cam kết – nhưng một số bạn nữ cũng thế.

Vậy tại sao suy nghĩ về nỗi ám sợ cam kết ở nam giới lại phổ biến đến thế?
Ở mức độ nào đó, điều này được thúc đẩy bởi tiêu chuẩn kép về tính dục, để cân bằng hành vi, nó sẽ ủng hộ các biểu lộ tình dục ở nam trong khi lại trừng phạt điều đó ở nữ. Ngoài ra, những người hay lo sợ thường cảnh báo phụ nữ về những khó khăn trong việc “giữ” chồng và những mối nguy hiểm khi tập trung vào học hành hay sự nghiệp (ví dụ, Susan Patton 2013). Một cách vô tình hay cố ý, nó hoạt động như một cơ chế kiểm soát phản ứng xã hội, chuyển hướng năng lượng của phụ nữ tránh xa những thành tựu công cộng và quay trở về với gia đình. Đây là lúc chúng ta phải xóa bỏ những định kiến sai lầm (và phân biệt giới tính), đồng thời ủng hộ cả đàn ông và phụ nữ tìm kiếm thành công và hạnh phúc trong mọi phương diện cuộc sống – bao gồm cả nghề nghiệp, tình cảm và gia đình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
EHarmony, 2012. “Why men avoid commitment.”  http://www.eharmony.com.au/relationship-advice/dating/2012/04/why-men-avoid-commitment
England, Paula, Paul D. Allison, and Liana C. Sayer. 2014. "When one spouse has an affair, who is more likely to leave?" Demographic Research 30:535-546. 
Harvard Health Publications. 2010. “Marriage and Men’s Health.” http://www.health.harvard.edu/newsletters/Harvard_Mens_Health_Watch/2010/July/marriage-and-mens-health 
Kalmijn, Matthijs and Anne-Rigt Poortman. 2006. "His or Her Divorce? The Gendered Nature of Divorce and its Determinants." European Sociological Review 22(2):201-214.
Patton, Susan. 2013. “Letter to the Editor: Advice for the young women of Princeton: the daughters I never had.” http://dailyprincetonian.com/opinion/2013/03/letter-to-the-editor-advice-for-the-young-women-of-princeton-the-daughters-i-never-had/ 
Pew Research. 2011. “Barely Half of U.S. Adults Are Married – A Record Low.”http://www.pewsocialtrends.org/2011/12/14/barely-half-of-u-s-adults-are-married-a-record-low/
Pew Research. 2011. “For Millennials, Parenthood Trumps Marriage."http://www.pewsocialtrends.org/2011/03/09/for-millennials-parenthood-trumps-marriage/
Pew Research. 2012. “A Gender Reversal On Career Aspirations.”http://www.pewsocialtrends.org/2012/04/19/a-gender-reversal-on-career-aspirations/
Pew Research. 2013. “Love and Marriage.” http://www.pewsocialtrends.org/2013/02/13/love-and-marriage/
Reczek, Corinne and Debra Umberson. 2012. "Gender, health behavior, and intimate relationships: Lesbian, gay, and straight contexts." Social Science and Medicine 74(11):1783-1790.
Wu, Z, MJ Penning, MS Pollard, and R Hart. 2003. ""In sickness and in health" - Does cohabitation count?" Journal of Family Issues 24(6):811-838.


Đọc tiếp

Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

TÌM KIẾM LỜI KHUYÊN GIÚP BẠN TRÔNG CÓ VẺ CÓ NĂNG LỰC HƠN

0

By Melissa Dahl  HARVARD BUSINESS SCHOOL

Bạn thường nghe nhiều về chứng sợ độ cao, sợ nhện hay sợ thằng hề, nhưng trong sâu thằm, đa số chúng ta sợ nhất một việc: sợ bị cho là dốt. Nghiên cứu mới cho thấy nhiều người ngại tìm kiếm sự giúp đỡ vì sợ tỏ ra kém năng lực, tuy nhiên, đây lại là một nỗi sợ vô căn cứ: Tìm kiếm lời khuyên thật ra khiến bạn có vẻ có năng lực nhiều hơn.

Xuyên suốt 5 nghiên cứu, nhóm thực hiện, đứng đầu bởi Alison Wood Brooks thuộc Harvard Business School, nhận thấy chúng ta sẽ đánh giá tốt một người hơn nếu người đó nhờ ta chỉ bảo – phần lớn là vì chúng ta thật sự rất thích đưa ra lời khuyên. Brooks vả đồng nghiệp viết trong nghiên cứu sẽ được xuất bản trên ấn phẩm Management Science sắp tới: được người khác hỏi ý kiến có vẻ làm chúng ta tăng mức độ tự tin, rồi đến lượt điều này sẽ cải thiện ý kiến của ta về người đó.

Trong một nghiên cứu, nhóm nghiên cứu yêu cầu các nghiệm thể tưởng tượng rằng họ đang gặp phải một vấn đề trong công việc; một vài người được nhóm nghiên cứu bảo rằng họ sẽ phải quyết định hỏi ý kiến một đồng nghiệp để xin lời khuyên, và những người còn lại được nói rằng cái tôi giả định của họ không cho phép làm điều đó. Sau đó, họ sẽ đánh giá mức độ họ tin rằng đồng nghiệp nhìn nhận khả năng của người tham gia đến đâu. So với những người được yêu cầu làm việc một mình, những người tưởng tượng rằng mình sẽ nhờ giúp đỡ cho là đồng nghiệp sẽ đánh giá thấp mình hơn. Chúng ta xem ra thậm chí còn sợ bị cho là dốt cả trong tưởng tượng.  

Nhưng trong một nghiên cứu riêng biệt khác, kết quả lại cho thấy nỗi sợ này là sai lạc. Những người tham gia được xếp cặp với một đối tác mà họ sẽ cùng trò chuyện qua IM (thật ra đây chỉ là một chương trình máy tính giả lập); nghiệm thể được yêu cầu chơi một trò chơi trí tuệ và nói người bên kia thực hiện sau khi họ hoàn tất. Sau khi làm xong đối tác (giả mạo) sẽ gửi lại cho nghiệm thể một trong hai thông điệp: “Tôi hi vọng mình làm đúng. Bạn có chỉ dẫn gì cho tôi không?” hay “Tôi hi vọng mình làm đúng.” Sau đó, người tham gia sẽ được cho đánh giá khả năng của người kia. Kết quả, nghiệm thể chấm người bạn IM của mình số điểm cao hơn (một ít) nếu họ xin lời khuyên.

Một nghiên cứu khác mô phỏng kết quả phát hiện trên, nhưng thêm vào một thay đổi nhỏ: Người tham gia sẽ đánh giá mức độ tự tin của họ vào cuối nhiệm vụ. Trong trường hợp được hỏi ý kiến, những người có lòng tự tôn cao hơn cho rằng đối tác của mình cũng tài năng tương tự họ. Nghiên cứu cùng lúc cho thấy những người được nhờ tư vấn thường nói rằng họ cũng sẽ hỏi ý kiến người kia trong các nhiệm vụ tương lai, điều này chứng tỏ tìm kiếm lời khuyên có tác động xoay vòng trong việc làm tăng cái tôi của chúng ta.

Đôi lúc, vâng, tự tin thái quá [không cần nhờ người khác] cũng có tác dụng. Nhưng thừa nhận mình không biết mình đang làm gì cũng có lợi ích của nó.


http://nymag.com/scienceofus/2014/08/asking-for-advice-makes-you-seem-smarter.html
Đọc tiếp

Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

VỚI PHƯƠNG TIỆN KỸ THUẬT SỐ, THẾ HỆ TRẺ CÓ ĐANG ĐÁNH MẤT KHẢ NĂNG NHẬN DIỆN CẢM XÚC?

0


Stuart Wolpert | August 21, 2014
Theo một nghiên cứu tâm lý của UCLA (ĐH California, Los Angeles), do sử dụng nhiều phương tiện truyền thông kỹ thuật số, kỹ năng xã hội của trẻ em hiện có thể đang giảm sút khi các em có ít thời gian hơn để giành cho tương tác trực tiếp.
Các nhà khoa học thuộc UCLA tìm ra rằng các học sinh học lớp 6 trong vòng 5 ngày không dùng smartphone, không xem TV hay các thiết bị màn hình kỹ thuật số sẽ nhận diện cảm xúc của người khác tốt hơn rõ rệt so với các trẻ đồng cấp sử dụng các thiết bị điện tử nhiều giờ mỗi ngày tại cùng trường.
“Nhiều người trông đợi những ích lợi của truyền thông kỹ thuật số trong giáo dục, nhưng không nhiều người tìm kiếm cái giá phải trả” Patricia Greenfield, giáo sư tâm lý nổi tiếng thuộc ĐH UCLA, tác giả của nghiên cứu, phát biểu. “Sụt giảm sự nhạy cảm với những dấu hiệu cảm xúc – mất khả năng hiểu cảm xúc của người khác – là một trong những hậu quả. Việc tương tác màn hình thay thế tương tác xã hội liên cá nhân xem ra đang làm thui chột các kỹ năng xã hội.”
Nghiên cứu đã được xuất bản trực tuyến và sẽ xuất hiện trong bản in của tạp chí Computers in Human Behavior vào tháng 10.
Các nhà tâm lý nghiên cứu hai nhóm học sinh lớp 6 thuộc Trường Công lập Southern California: 51 bạn sống chung trong 5 ngày tại Viện Pali, một trại hè thiên nhiên và khoa học cách Los Angeles 70 dặm về phía Đông, và 54 bạn khác ở cùng trường. (Nhóm 54 bạn thứ hai sẽ dự trại hè sau khi nghiên cứu được thực hiện.)

Trại hè không cho phép học sinh sử dụng các thiết bị điện tử - Quy định khiến nhiều bạn cảm thấy rất khó khăn trong những ngày đầu tiên. Tuy vậy, theo các nhà tham vấn của trại hè, đa số các bạn thích nghi rất nhanh.
Vào đầu và cuối nghiên cứu, cả hai nhóm học sinh được lượng giá khả năng nhận diện cảm xúc của người khác trên hình ảnh và đoạn phim. Nhóm nghiên cứu cho các em xem qua hình 48 khuôn mặt hạnh phúc, buồn bã, giận dữ hay sợ hãi và yêu cầu trẻ xác định những cảm xúc đó.
Các em cũng xem một đoạn phim trong đó các diễn viên tương tác với một người khác và thể hiện cảm xúc của nhân vật. Trong một cảnh, sẽ có các học sinh làm một bài kiểm tra và nộp cho giáo viên; một trong số các học sinh này rất tự tin và hào hứng, một bạn khác thì tỏ ra lo âu. Trong một đoạn khác, có cảnh một học sinh buồn vì bị loại ra ngoài một cuộc đối thoại.
Sau 5 ngày, các trẻ tham dự trại hè cải thiện rõ rệt khả năng đọc cảm xúc qua gương mặt và những dấu hiệu cảm xúc phi ngôn ngữ khác so với những trẻ tiếp tục sử dụng các thiết bị truyền thông.
Nhóm nghiên cứu cũng theo dõi số lượng lỗi sai mà các bạn học sinh mắc phải trong lúc nhận diện cảm xúc qua hình và phim. Ví dụ, khi phân tích hình, những bạn ở trại hè mắc 9.41 lỗi vào cuối nghiên cứu, giảm 14.02 lỗi so với ban đầu. Những bạn không tham dự có thay đổi nhỏ hơn rất nhiều. Với đoạn phim, các học sinh không dùng các thiết bị truyền thông có cải thiện rõ rệt trong khi số điểm cũa những bạn còn lại cho thấy vẫn như cũ. Kết quả này áp dụng cho cả nam và nữ.
Chủ nhiệm nghiên cứu Yalda Uhls, nhà nghiên cứu lâu năm của Children’s Digital Media Center, Los Angeles thuộc UCLA, bà cũng là Giám đốc Khu vực Nam California của tổ chức phi lợi nhuận Common Sense Media, cho biết: “Bạn không thể học những tín hiệu cảm xúc không lời từ màn hình như cách bạn học chúng qua giao tiếp mặt đối mặt,”. “Nếu bạn không rèn luyện giao tiếp trực tiếp, bạn có thể đánh mất những kỹ năng xã hội rất quan trọng.”
Các học sinh tham gia nghiên cứu cho biết các em nhắn tin, xem truyền hình và chơi trò chơi điện tử trung bình 4 tiếng rưỡi trong một ngày đi học. Một số khảo sát khác cho thấy con số thậm chí còn cao hơn trên quy mô quốc gia, Uhls nói.
Greenfield, giám đốc CDMC, cho rằng các kết quả có ý nghĩa, dù chỉ xảy ra cách nhau 5 ngày.

Bà cho biết, dụng ý của nghiên cứu là chúng ta cần tương tác trực tiếp nhiều hơn, và cho dù ta có dùng truyền thông kỹ thuật số để tương tác xã hội, ta lại bỏ ra không nhiều thời gian để phát triển các kỹ năng xã hội và học cách đọc những tín hiệu không lời.

“Chúng tôi đã chứng minh một mô hình những điều tương tác mặt đối mặt có thể mang lại,” Greenfield nói. “Tương tác xã hội là rất cần thiết nhằm phát triển các kỹ năng giúp thấu hiểu cảm xúc của người khác.”
Uhls cho rằng emoticon [kí hiệu cảm xúc như:  J L :v…] là sự thay thế không tương xứng cho giao tiếp trực tiếp: “Chúng ta là những thực thể xã hội. Chúng ta cần có những khoảng thời gian ‘phi thiết bị’ .”

http://newsroom.ucla.edu/releases/in-our-digital-world-are-young-people-losing-the-ability-to-read-emotions
Đọc tiếp

Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

LÀM SAO BẠN BIẾT MÌNH ĐANG YÊU?

0



Làm sao bạn biết bạn đang yêu?

Câu trả lời có thể làm đảo lộn cuộc đời bạn, từ cách bạn tương tác với “đối tác” hiện tại (hay trong tương lai) đến việc bạn sẽ nhìn nhận như thế nào đến những mục tiêu tương lai của mình. Bạn nghĩ rằng mình đang yêu? Hãy suy xét thật kỹ bằng cách cân nhắc những dấu hiệu của tình yêu và gắn kết được dựa trên các kết quả nghiên cứu sau đây:

1. Bạn “ghiền” người kia.

Tình yêu thay đổi cả bộ não. Trong giai đoạn đầu của mối quan hệ, trạng thái hưng phấn (hưng cảm) mà ta gặp phải có vẻ giống hiện tượng tăng cường hoạt động thần kinh ở những khu vực giàu dopamine trong não – các vùng được liên kết với hệ thống tưởng thưởng (củng cố)– và ở các vùng liên hệ với việc theo đuổi phần thưởng. Thậm chí còn có một số dấu hiệu hoạt động trong phần trước của vành đai, vùng não được gắn với tư duy ám ảnh, trải nghiệm “kinh điển” ở những người đang yêu (Aron, Fisher, Mashek, Strong, & Brown, 2005). Khi mối quan hệ phát triển đến giai đoạn gắn kết lâu dài, suy nghĩ về người yêu của mình sẽ kích hoạt các trung tâm tưởng thưởng cũng như các vùng não liên hệ với sự gắn bó, nhưng liên kết với tư duy ám ảnh sẽ giảm xuống (Acevedo, Aron, Fisher, & Brown, 2011).

2. Bạn thật sự mong bạn bè và gia đình mình yêu mến người ấy. 

Bằng chứng khoa học mới cho thấy chúng ta thường có động lực “tranh thủ sự chấp nhận” cho người yêu của mình (Patrick & Faw, 2014), nó tương thích với ý tưởng về việc những người nằm trong “vòng tròn xã hội” của chúng ta thường đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của mối quan hệ (Sprecher, 2011). Mong muốn biết được suy nghĩ của bạn bè và gia đình về người yêu hay người bạn tương lai là dấu hiệu tích cực của việc bạn đang càng ngày càng trở nên gắn bó với “ngươi ấy”

3. Bạn vui mừng vì người kia thành công (ngay cả khi bạn thất bại)

Nếu bạn yêu ai đó, bạn có thể sẽ có một phản ứng đặc biệt khi chứng kiến họ thành công trong những điều bạn không giỏi. Vì cùng cảm thấy nối kết và có thể chia sẻ kết quả thắng lợi của nhau, khi bạn thấy người yêu của mình thành công, ngay cả trong những thứ mà bản thân mình không làm được, thay vì có cảm giác tiêu cực và tự ti, cả hai sẽ thường thấy tự hào và có những cảm xúc tích cực.  (Lockwood & Pinkus, 2014).

4.   Bạn chắc chắn thích họ, và họ cũng thích bạn

Thích thường là điều kiện tiên quyết để yêu nhưng lại khác với yêu. Trong một nghiên cứu xuyên văn hóa, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng nhân tố thiết yếu được xem như trực tiếp đứng trước yêu chính là việc cả hai rõ ràng thích lẫn nhau (Riela, Rodriguez, Aron, Xu, & Acevedo, 2010). Bên cạnh đó, việc đánh giá nhân cách của người kia là dễ mến cũng có xu hướng trở thành tiền tố của tình yêu.

5. Bạn thật sự nhớ họ khi xa cách.

Theo nhiều kiểu, việc bạn nhớ một người ra sao sẽ thể hiện mức độ cuộc sống của hai người trở nên phụ thuộc lẫn nhau như thế nào. Nếu bạn đang thắc mắc liệu bạn có đang yêu ai đó, có lẽ bạn nên suy xét đến việc bạn nhớ người ấy đến mức nào khi cả hai xa nhau. Le và cộng sự (2008) chỉ ra rằng việc hai người nhớ nhau ra sao thường tương ứng với mức độ cả hai cảm thấy cam kết với mối quan hệ như thế nào.

6. Khả năng tự ý thức của bạn tăng lên khi hiểu biết hơn về người đó.

Khi chúng ta yêu, toàn bộ ý thức về bản thân chúng ta thay đổi. Chúng ta có những nét tính cách và đặc điểm mới, chúng đến từ sự đa dạng về khái niệm bản ngã của ta thông qua ảnh hưởng của người mới quen (Aron, Paris, & Aron, 1995). Nói cách khác, cái tôi trước khi yêu khác với cái tôi sau khi bắt đầu yêu. Có thể bạn cảm nhận được sự khác biệt, có thể người khác sẽ nhận ra, nhưng những gì bạn quan tâm, thói quen, cách thức bạn sử dụng thời gian -  một vài hay tất cả các yếu tố vừa nêu- sẽ trở thành đối tượng chịu ảnh hưởng (hi vọng là tích cực) của mối quan hệ lãng mạn mới hình thành.

7. Bạn ghen tuông nhưng không ngờ vực.

Một lượng nhỏ ghen tuông thật ra lại “tốt cho sức khỏe” chứ không hề độc hại. Trên quan điểm tiến hóa, bằng cách khiến các thành viên trở nên nhạy cảm hơn với những mối đe dọa tiềm tàng, ghen tuông là cách thích nghi giúp giữ vững mối quan hệ. Người ghen tuông thường có cam kết mạnh hơn với các mối quan hệ (Rydell, McConnell, & Bringle, 2004). Hãy giữ ghen tuông trong chừng mực, ghen tuông phản ứng hay ghen tuông cảm xúc là kiểu ghen có thể được dự đoán bởi những nhân tố quan hệ tích cực như sự phụ thuộc và lòng tin -  tuy nhiên, ghen tuông nghi ngờ, gồm những hành động như bí mật kiểm tra điện thoại người yêu, lại thường gắn với lo âu về mối quan hệ, lòng tự trọng thấp và thiếu bất an mãn tính (Rydell & Bringle, 2007).

Yêu và xây dựng gắn bó là một nền tảng tuyệt vời cho mối quan hệ khỏe mạnh, có điều nên nhớ rằng việc duy trì một mối quan hệ (hay như chọn lựa bắt đầu một cuộc tình mới) thường không chỉ dựa trên sự thỏa mãn và cảm thấy an tâm khi người kia hiện diện mà thôi. Những mô hình mối quan hệ thành công (như mô hình đầu tư của Risbult) cho thấy việc giữ vững sức mạnh của mối quan hệ còn cần có sự đầu tư và cam kết qua lại. Nếu tình yêu là đam mê, an toàn và thoải mái về cảm xúc, thì cam kết là quyết định cần có, được đưa ra trong bối cảnh văn hóa và xã hội của cá nhân, lựa chọn ở bên người bạn của mình.

References
  • Acevedo, B. P., Aron, A., Fisher, H. E., & Brown, L. L. (2012). Neural correlates of long-term intense romantic love. SocialCognitive and Affective Neuroscience, 7(2), 145-159.
  • Aron, A., Fisher, H., Mashek, D. J., Strong, G., Li, H., & Brown, L. L. (2005). Reward, motivation, and emotion systems associated with early-stage intense romantic love. Journal of Neurophysiology, 94, 327-337.
  • Aron, A., Paris, M., & Aron, E. N. (1995). Falling in love: Prospective studies of self-concept change. Journal of Personality and Social Psychology, 69, 1102-1112.
  • Crowley, J. P. and Faw, M. H. (2014). Support marshaling for romantic relationships: Empirical validation of a support marshaling typology. Personal Relationships, 21, 242–257. doi: 10.1111/pere.12029
  • Le, B., Loving, T. J., Lewandowski, G. W., Feinberg, E. G., Johnson, K. C., Fiorentino, R., & Ing, J. (2008). Missing a romantic partner: A prototype analysis. Personal Relationships, 15(4), 511-532.
  • Lockwood, P., & Pinkus, R. T. (2014). Social comparisons within romantic relationships. In Z. Krizan & F. X. Gibbons (Eds.),Communal Functions of Social Comparison, (p. 120-142). Cambridge University Press.
  • Riela, S., Rodriguez, G., Aron, A., Xu, X., & Acevedo, B. P. (2010). Experiences of falling in love: Investigating culture, ethnicity,gender, and speed. Journal of Social and Personal Relationships,27(4), 473-493.
  • Rydell, R. J., & Bringle, R. G. (2007). Differentiating reactive and suspicious jealousy. Social Behavior and Personality: An International Journal, 35(8), 1099-1114.
  • Rydell, R. J., McConnell, A. R., & Bringle, R. G. (2004). Jealousy and commitment: Perceived threat and the effect of relationship alternatives. Personal Relationships, 11(4),      451-468.
  • Sprecher, S. (2011). The influence of social networks on romantic relationships: Through the lens of the social network. Personal Relationships, 18(4), 630-644.
Đọc tiếp

Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

TẠI SAO CHÚNG TA NÊN NÓI CHUYỆN VỚI NGƯỜI LẠ.

0


Trên phương tiện vận chuyển công cộng, có hai nguyên tắc bất thành văn: không nói chuyện và không nhìn người khác.
Mỗi người chắc đều có một “kinh nghiệm xương máu” về việc mở lời và bắt chuyện với người lạ. Có người xem lời chào lịch sự là “đèn xanh” để họ tuôn trào câu chuyện cuộc đời, hay có những người sẽ khinh khỉnh và quay mặt đi.
Còn riêng trên phương tiện công cộng, xem ra việc ở yên trong không gian của riêng mình thường sẽ an toàn hơn nhiều.
Liệu chúng ta có nên lo ngại như vậy không?
Theo nghiên cứu mới đây, một ngày của chúng ta sẽ mất cơ hội trở nên tươi đẹp hơn một ít nếu ta để người lạ vô tình “lướt qua” mình. (Epley & Schroeder, 2014).
Các nhà nghiên cứu thuộc trường Kinh doanh Booth, ĐH Chicago, đã thực hiện 9 thực nghiệm riêng biệt. Trong đó, họ yêu cầu các hành khách trên phương tiện vận chuyển công cộng thực hiện những điều sau:
§  Đi lại như thông thường,
§  Cố gắng nói chuyện với người lạ,
Hoặc ngồi im lặng một mình.
Mặc cho dự đoán về việc nói chuyện với người lạ sẽ dẫn đến cảm giác không thoải mái, về sau, khi được hỏi, hành khách lại cho rằng đó là trải nghiệm thú vị nhất.
Một trong các tác giả nghiên cứu, Giáo sư Nicholas Epley, giải thích:
“Việc trò chuyện với người lạ trên xe điện dù có thể không mang lại ích lợi lâu dài như nối kết với bạn bè, nhưng những hành khách xuống trung tâm Chicago lại cảm thấy chuyến đi của mình trở nên tích cực hơn rõ ràng khi họ làm điều đó, thay vì chỉ ngồi không một mình.”
Nhóm nghiên cứu cảm thấy rất thú vị khi kết quả đi ngược lại với dự đoán ban đầu. Epley nói tiếp:
“ Suy nghĩ sai lầm rằng việc đi lại là một trong những thời gian chán nản nhất trong ngày, không may, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của chúng ta.
Thực nghiệm này cho thấy người hóa giải những cảm giác khó chịu của ta ngồi gần hơn ta tưởng.”

Tại sao việc trở nên tử tế lại giúp ích cho chúng ta?

Các tác giả kết luận:
“Tử tế với những người xa lạ được tin rằng có thể mang lại lợi ích cho mọi người- cho xã hội nói chung hay cho những người được kết bạn nói riêng.
Kết quả thực nghiệm củng cố cho một bộ phận những nghiên cứu chứng minh những hệ quả tích cực của việc cởi mở, hòa đồng nơi mỗi người.
Dù là việc chi tiền cho người khác thay vì cho bản thân, hay cư xử công bằng thay vì ích kỉ, hay bày tỏ thái độ biết ơn thay vì kiêu ngạo, cởi mở xã hội xem ra giúp ích không chỉ cho người khác mà còn cho chính chúng ta.
Trong một thế giới ngày cảng đông đúc, việc hiểu sai những ích lợi của giao tiếp xã hội có thể thể trở nên ngày càng có vấn đề.

Ít nhất trển khía cạnh này, những người theo chủ nghĩa hưởng thụ kiếm tìm hạnh phúc và các nhà lý tưởng trông mong sự tử tế có thể cùng đi trên một con đường.” (Epley & Schroeder, 2014).
http://www.spring.org.uk/2014/07/why-you-should-talk-to-strangers.php
Đọc tiếp

Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

10 TÁC DỤNG DIỆU KỲ CỦA ÂM NHẠC LÊN TÂM TRÍ

0

Âm nhạc có thể giúp cải thiện IQ ngôn ngữ, hỗ trợ điều trị bệnh tim, khơi gợi màu sắc trong tâm trí và thậm chí giúp bạn thấy xung quanh mình ai cũng hạnh phúc.
Người mộ điệu chắc hẳn biết được sức mạnh kì diệu của âm nhạc lên cả cảm xúc và suy nghĩ
Âm nhạc có thể biến một ngày bình thường trở nên kì diệu, và thậm chí “thiêng liêng”. Nó còn đem lại sự an ủi, giải tỏa, tạo ra xúc cảm mạnh mẽ và còn nhiều hơn thế.
Tuy nhiên, tác động của âm nhạc còn đi xa hơn nữa: vào trong mật mã di truyền của chúng ta, xuyên qua tư tưởng và cơ thể, đồng thời lên cách thức ta liên hệ trong tập thể.

1. Tăng IQ ngôn ngữ

Tập luyện piano không chỉ làm tăng khả năng âm nhạc mà còn nâng cao kỹ năng thị giác và ngôn ngữ.
Nghiên cứu trên trẻ từ 8-11 tuổi tìm ra rằng những bé tham gia các lớp ngoại khóa âm nhạc phát triển chỉ số IQ ngôn ngữ cùng khả năng thị giác cao hơn các em không tập luyện âm nhạc (Forgeard et al., 2008).
Điều này cho thấy việc học chơi nhạc cụ không chỉ đơn thuần mang lại lợi ích về âm nhạc mà còn có hiệu quả lên thị giác và nhận thức.

2. Làm lạnh sống lưng

Có bao giờ bạn cảm thấy lạnh sống lưng, nổi da gà khi nghe một bản nhạc? Theo nghiên cứu của Nusbaum and Silvia (2010), 90% chúng ta từng có trải nghiệm đó.
Thế nhưng, mức độ chúng ta cảm nhận lại phụ thuộc vào tính cách mỗi người. Những ai mạnh trong nét nhân cách “cởi mở với trải nghiệm” thường cảm thấy lạnh sống lưng nhiều nhất khi nghe nhạc.
Trong nghiên cứu, những người có nét cởi mở với trải nghiệm thường hay chơi nhạc cụ nhiều hơn, đồng thời họ cũng hay đánh giá cao tầm quan trọng của âm nhạc đối với bản thân mình.

3. Nghe chủ động giúp làm tăng hạnh phúc

Nếu bạn chưa dựng hết da gà, có lẽ bạn nên cố gắng thêm tí nữa.
Nghiên cứu mới đây mâu thuẫn với lời nhận xét rằng việc chủ động cố gắng cảm thấy hạnh phúc là hoàn toàn vô ích.
Trong nghiên cứu thực hiện bởi Ferguson và Sheldon (2013), những người tham gia được nghe một nhạc phẩm cổ điển tươi vui của Aaron Copland và chủ động cố gắng cảm thấy hạnh phúc hơn sẽ nhận thấy tâm trạng của mình được cải thiện nhiều hơn so với những người nghe nhạc một cách thụ động.
Điều này cho thấy việc tập trung vào âm nhạc thay vì chỉ để nó lướt qua ta sẽ đem lại trải nghiệm năng lượng cảm xúc mạnh mẽ hơn.

4. Hát tập thể giúp nối kết mọi người

Âm nhạc đa phần là một hoạt động xã hội, vì vậy, cùng nhau chơi nhạc giúp mang chúng ta lại gần nhau hơn.
Trong một nghiên cứu trên gần một ngàn học sinh Phần Lan tham gia vào các lớp học thêm âm nhạc, các em ghi nhận mức độ hài lòng khi ở trường cao hơn hẳn trên tất cả các mặt, ngay cả với những khía cạnh chẳng liên quan gì đến các lớp dạy nhạc (Eerola & Eerola, 2013)
Giải thích kết quả trên, chủ nhiệm đề tài Päivi-Sisko Eerola cho biết:
“Hát trong dàn hợp xướng và đồng diễn là những hoạt động được yêu thích trong các lớp nhạc ngoại khóa. Các nghiên cứu khác đã chứng minh chúng ta cảm thấy rất hài lòng khi hòa nhịp với người khác. Nó làm tăng khả năng liên kết trong nhóm và thậm chí có thể khiến chúng ta quý mến nhau hơn trước.”

5. Âm nhạc giúp điều trị bệnh tim

…hay ít nhất có thể giúp giảm stress và lo âu gắn với việc điều trị động mạch vành.
Bài đánh giá 23 nghiên cứu trên tổng cộng gần 1500 bệnh nhân cho thấy việc nghe nhạc giúp bệnh nhân có bệnh tim mạch hạ nhịp tim, giảm áp huyết và lo âu (Bradt & Dileo, 2009).

6. Tại sao nhạc buồn lại xoa dịu tâm hồn?

‘Quản lý cảm xúc’ là lý do số một vì sao ta yêu âm nhạc
Tất cả những người yêu âm nhạc đều biết rằng âm nhạc có tác dụng tẩy nhẹ (hóa giải cảm xúc – cathartic). Tuy nhiên, đối với một số người, sẽ vẫn khá lạ lẫm khi nói rằng, với một vài hoàn cảnh, nhạc buồn sầu có thể giúp cải thiện tâm trạng. Tại sao lại như vậy?
Theo một nghiên cứu của Kawakami và cộng sự (2013), chúng ta thích nhạc buồn vì nó đem lại nhiều cảm xúc đang xen rất thú vị; một ít tiêu cực, một chút tich cực.
Quan trọng hơn, chúng ta nhận ra những cảm xúc tiêu cực trong bản nhạc nhưng lại không cảm thấy chúng một cách quá mãnh liệt.

7. Thấy mọi sự hạnh phúc

Âm nhạc có thể đem lại cho bạn nhiều cảm giác khác nhau, nhưng chỉ 15 giây thôi cũng đã đủ để thay đổi cách bạn đánh giá cảm xúc trên gương mặt người khác.
Một nghiên cứu thực hiện bởi Logeswaran và cộng sự (2009) phát hiện rằng một khoảnh khắc sôi động với nhạc vui vẻ khiến những người tham gia cảm thấy gương mặt của người khác trông hạnh phúc hơn. Hiện tượng tương tự cũng xảy ra với một đoạn nhạc buồn, gương mặt mọi người trông sẽ buồn hơn. Ta có thể thấy hiệu quả rõ ràng nhất khi các nghiệm thể nhìn vào các khuôn mặt trung tính.
Nói cách khác: chúng ta phóng chiếu cảm xúc của bản nhạc ta đang nghe lên khuôn mặt những người khác.

8. Màu của âm nhạc

Âm nhạc một cách tự nhiên sẽ khiến chúng ta nghĩ đến một số màu sắc nào đó. Xuyên suốt các nền văn hóa khác nhau, mọi người sẽ gắn những thể loại âm nhạc riêng biệt với các màu sắc cụ thể.
Trong nghiên cứu của Palmer và cộng sự (2013), cả người Mỹ và Mexico đều cho thấy nhiều điểm tương đồng rõ ràng trong việc gắn những màu tối, nhạt với những đoạn nhạc buồn và những màu sáng, tươi với những đoạn nhạc vui vẻ.
Một nghiên cứu tiếp nối cho thấy mối liên hệ âm nhạc-màu sắc này được nhận diện bởi nội dung xúc cảm của bản nhạc.

9. Âm nhạc có thể làm chúng ta sáng mắt?

Trong 60% những người bị đột quỵ, các vùng não thị giác cho thấy bị ảnh hưởng.
Điều này dẫn đến chứng “lãn quên một bên”: bệnh nhân mất nhận thức về những đối tượng nằm ngược bên với vùng não bị tổn thương.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu chứng minh rằng, khi bệnh nhân nghe những bản nhạc mình yêu thích, một vài khả năng chú ý thị giác của họ được phục hồi (Tsai et al., 2013).
Như vậy, âm nhạc có thể là một công cụ quan trọng trong phục hồi chức năng cho những bệnh nhân đột quỵ.

10. Trẻ sơ sinh bẩm sinh biết nhảy!

Trẻ sơ sinh từ 5 tháng tháng tuổi có khả năng phản ứng theo nhịp điệu của bản nhạc và có vẻ thích thú với điều này hơn cả tập nói.
Trong một nghiên cứu, Zentner và Eerola (2010) quan sát các bé nhảy tự phát theo tất cả các loại nhạc khác nhau, những bé nhảy nhiều nhất cũng cười nhiều nhất.

Có lẽ âm nhạc thật sự nằm trong gene của chúng ta!

Đọc tiếp

Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

CHUYỆN NGỤ NGÔN NÀO DẠY TRẺ THÀNH THẬT TỐT HƠN?

0


BRANDON KEIM  08.18.14

 


Ca ngợi sự cao thượng của thành thật có thể hiệu quả hơn trong việc dạy trẻ không nói dối so với việc tập trung vào hậu quả của trừng phạt khi gian trá.
Sau khi nghe câu chuyện về cách George Washington thừa nhận mình đã chặt cây anh đào như thế nào–trong đó có câu nói nổi tiếng của ông: “Con không thể nói dối”, trẻ ít nói dối về hành vi của mình hơn so với sau khi nghe chuyện “Chú bé chăn cừu” [nói dối sói tấn công cừu của mình] và “Pinocchio.”
Đâu là sự khác biệt? Không giống như những câu chuyện cổ tích kết thúc với những hình phạt rùng rợn, George Washington được khen vì đã thành thật. Tâm lý gia Kang Lee thuộc ĐH Toronto nói, “Tôi luôn nghĩ rằng những chuyện như ‘Chú bé chăn cừu’ sẽ có tác động lớn hơn, vì chúng vừa đe dọa và vừa tiêu cực, trẻ em chắc hẳn sẽ sợ hãi trước những hệ quả đó,” “Nhưng hóa ra chuyện lại hoàn toàn khác.”
Nghiên cứu mới của Lee, xuất bản trên tạp chí Psychological Science vào tháng Sáu, là phần mới nhất trong những nghiên cứu nhiều thập kỷ về lừa dối ở trẻ em. Ông được truyền cảm hứng bởi câu hỏi: Những câu chuyện dạy dỗ đạo đức về sự thành thật mà cha mẹ và thầy cô thường kể cho trẻ liệu có thật sự hiệu quả?
Để kiểm chứng điều này, Lee và đồng nghiệp đã sắp đặt một tình huống dụ trẻ nói dối. Các bé phải ngồi quay mặt lại một món đồ chơi bí mật để trên bàn, nghiệm viên sẽ bật âm thanh tương ứng với món đồ chơi –vịt cao su kêu quác quác, chó nhựa kêu gâu gâu,…- và sau đó sẽ yêu cầu trẻ đoán đồ vật đó là gì. Trẻ sẽ được thưởng nếu nói đúng.
Sau một vài lần, nghiệm viên sẽ đặt một đồ chơi khác lên bàn, yêu cầu trẻ không được lén nhìn và rời khỏi phòng trong chốc lát. Vài phút sau, nghiệm viên sẽ quay lại, đọc to một trong bốn câu truyện giành cho trẻ em và hỏi trẻ liệu vừa rồi trẻ có lén nhìn hay không. Có một điều trẻ không hề hay biết, một máy quay ẩn được đặt trên tường đã ghi lại toàn bộ hành động của trẻ. Các nhà nghiên cứu sẽ biết trẻ có nói thật hay không.
Nhóm của Lee tiến hành thực nghiệm với 268 trẻ Canada từ 3 đến 7 tuổi, cả nam lẫn nữ, và mỗi một bé sẽ nghe một câu chuyện. Những bé nghe truyện “Rùa và Thỏ” – truyện không có nội dung về thành thật, được sử dụng để làm tiêu chuẩn so sánh – thú nhận sự thật là đã nhìn lén chiếm khoảng 30%.
Con số này hầu như không thay đổi với các bé nghe chuyện “Pinocchio,” nhưng tăng lên 35% với những bé nghe chuyện “Cậu bé chăn cừu”. Tuy nhiên, với câu chuyện về Washington và cây anh đào, có tới 48% các bé trả lời thành thật. Lee nghĩ rằng khác biệt có thể đến từ sự nhấn mạnh tính tích cực của câu chuyện. Nó nói về việc tưởng thưởng sự cao thượng thay vì trừng phạt một hành vi sai trái.

Kết quả từ thực nghiệm của Lee và cộng sự trên những truyện đạo đức kinh điển ảnh hưởng đến mức thành thật của trẻ/Psychological Science
Để tìm hiểu về khả năng này, nhóm của Lee tiến hành một lượt trắc nghiệm nữa, lần này sử dụng một phiên bản có chỉnh sửa, tập trung vào tính tiêu cực trong câu truyện về George Washintong. Thay vì người cha của vị Tổng thống tương lai nói rằng thà có người con thành thật hơn là sở hữu 1000 cây anh đào, thì ông sẽ lấy lại cây rìu của Washington và nói rằng ông thất vọng về cậu ra sao.
Khi trẻ nghe phiên bản này, số trẻ thành thật giảm xuống bằng mức tiêu chuẩn, khoảng 30%. Câu chuyện hoàn toàn mất đi tính hiệu quả của mình-mà theo nhóm của Lee, cho thấy rằng sức mạnh của ngụ ngôn thật sự nằm ở thông điệp mang tính tích cực.
“Kết quả thật sự rất khích lệ” theo lời tâm lý gia Tom Lyon thuộc ĐH Southern California, người không tham gia dự án và hiện đang nghiên cứu sự thành thật ở trẻ em. “Nếu chúng ta có thể khuyến khích sự thành thật của trẻ thông qua củ cà rốt tốt hơn sử dụng cây gậy thì thật là tuyệt vời.”
Lyon cho biết kết quả nghiên cứu khiến ông ngạc nhiên khi vài phát hiện khác lại cho rằng trẻ ít nghĩ đến hệ quả tích cực của thành thật hơn là tiêu cực.
Dù vậy, Lee ghi nhận rằng nghiên cứu cũng tìm ra bằng chứng cho việc trẻ đáp ứng tốt hơn với những thông điệp tích cực. Các kết quả cũng tương ứng với phát hiện trước đây của Lee về việc yêu cầu trẻ hứa nói thật thì sẽ hiệu quả hơn giải thích lý do dối trá lại kinh khủng.
Theo Lee, “Gửi đi thông điệp tích cực là phương pháp hữu hiệu hơn để thúc đẩy hành vi đạo đức.” “Bạn nói với trẻ điều ta kì vọng và những gì trẻ cần làm. Thay vì tập trung vào hậu quả, ta tập trung vào bản thân chính hành động đó.”
Cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để kiểm tra kết quả và chắc chắn về tác động. Các nghiên cứu trong tương lai cũng có thể tìm hiểu xem những thông điệp tiêu cực liệu có hiệu quả hay không và nếu có, thì khi nào bắt đầu phát huy tác dụng. (Lee nghĩ rằng có thể là trong những năm vị thành niên khi trẻ dễ dàng hiểu hơn về hậu quả những hành động của mình). Một câu hỏi khác được đặt ra là liệu những hiệu ứng khuyến khích trung thực sẽ tồn tại hay tiêu tan khi trẻ học biết rằng trung thực thường không được tưởng thưởng và gian dối có thể sẽ không bị trừng phạt.
Đến giờ, Lee nói, đáng ngạc nhiên, trung thực nhận được rất ít sự chú ý từ giới khoa học. “Ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng thành thật là rất quan trọng và dạy con cái điều đó từ nhỏ, chúng ta vẫn thấy rất nhiều người nói dối và thoát tội”, “đó là một nghịch lý. Tôi hi vọng ai đó đọc được câu chuyện này sẽ bắt đầu nghiên cứu về nó”.

http://www.wired.com/2014/08/teaching-kids-to-tell-truth/
Đọc tiếp

Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

CHỈ CẦN SỰ CÓ MẶT CỦA ĐIỆN THOẠI CŨNG ĐỦ KHIẾN CHẤT LƯỢNG GIAO TIẾP GIẢM SÚT.

0

14/07/2014  Tom Jacobs

Nghiên cứu mới cho thấy, chỉ cần trong tầm tay, điện thoại di động cũng đủ khiến chúng ta bị chi phối ngay cả khi không chủ động sử dụng chúng.
“Kết nối không ngừng nghỉ” là thần chú không lời của thế hệ smartphone. Chúng ta hiện có khả năng cập nhật ngay tắp lự đến gần như bất kỳ nguồn thông tin nào, đồng thời đụng chạm tin tức của mọi việc đang xảy ra trong vòng tròn xã hội của chúng ta.
Tuy nhiên, những nhà phê bình đã từ lâu cảnh báo rằng việc cơn lũ thông tin và chuyện phiếm này gây nhiễu cho chúng là không thể tránh khỏi, chúng khiến việc duy trì sự tập trung chú ý cần thiết đến giao tiếp thật sự quan trọng gặp muôn vàn khó khăn.
Bảo thủ như thế là phi lý? Thật ra, không hề. Nghiên cứu mới được công bố cho thấy chỉ cần sự hiện diện của điện thoại di động hay smartphone thôi cũng đã làm giảm chất lượng giao tiếp liên cá nhân và hạ thấp mức độ thấu cảm qua lại giữa bạn bè.
Nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Environment and Behavior  xác nhận trên thực tế kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm vào năm 2013. Nghiên cứu này cho rằng điện thoại có khả năng phân tán sự chú ý của chúng ta mặc dù ta không chủ động sử dụng chúng.

“Điện thoại di động có ý nghĩa biểu tượng trong xã hội công nghệ hện đại. Với sự có mặt của chúng, con người liên tục bị thôi thúc tìm kiếm thông tin, kiểm soát giao tiếp, đồng thời nó cũng định hướng những suy nghĩ của ta về người khác và thế giới”, trích lời nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi Shalini Misra thuộc ĐH Công nghệ Virginia.

“Ngay cả khi không chủ động sử dụng, việc có mặt công nghệ di động thôi cũng có khả năng chuyển hướng cá nhân khỏi giao tiếp mặt đối mặt, từ đó làm suy yếu tính chất và chiều sâu của những mối liên hệ đó. Cá nhân lúc này dễ bỏ lỡ các tín hiệu tinh vi, những biểu lộ khuôn mặt và các thay đổi trong tông giọng người đối diện hơn, đồng thời họ cũng ít giao tiếp mắt hơn.”
200 người tham gia nghiên cứu chia thành các nhóm 2 người. Mỗi cặp được yêu cầu ngồi trong quán cà phê và bàn luận về một chủ đề có ý nghĩa hoặc nói chuyện phiếm. Một trợ lý nghiên cứu sẽ ngồi gần đó và ghi chép lại những hành vi phi ngôn ngữ, đồng thời ghi nhận “liệu nghiệm thể có đặt trên bàn hay cầm trên tay bất kỳ thiết bị di động nào không trong khoảng thời gian 10 phút” khi hai người đang nói chuyện.
Sau đó, những người tham gia trả lời một chuỗi những câu hỏi được thiết kế nhằm đo đạc “cảm giác kết nối liên cá nhân” và “quan tâm thấu cảm” mà họ cảm nhận trong suốt quá trình trò chuyện ngắn ngủi. Trong đó, bao gồm những câu như “Tôi cảm thấy mình thật sự có thể tin tưởng người đối diện” và “Bạn nghĩ người trò chuyện với bạn cố gắng thấu hiểu suy nghĩ và cảm xúc của bạn đến mức độ nào?”
Kết quả quan trọng được nhóm nghiên cứu ghi nhận: “Nếu người tham gia để trên bàn hay cầm trong tay thiết bị giao tiếp di động trong suốt 10 phút trò chuyện, chất lượng của buổi đối thoại được đánh giá là ít thỏa mãn hơn khi so sánh với lúc giao tiếp mà không có thiết bị di động.”
“Những người trò chuyện với sự hiện diện của điện thoại cũng cho biết cảm thấy ít quan tâm thấu cảm hơn so với những người tương tác không có (sự hiện diện) của các kích thích kỹ thuật số gây nhiễu.” (Tất cả các kết quả này vẫn đúng sau khi kiểm soát những yếu tố như tuổi tác, giới tính, chủng tộc và tâm trạng.)
Khá bất ngờ, những nhà nghiên không tìm thấy bất kỳ khác biệt có ý nghĩa nào trong kết quả giữa các trò chuyện nghiêm túc hay nói chuyện phiếm. Ít bất ngờ hơn, nhóm cho biết những người đã quen nhau từ trước ghi nhận mối liên hệ tiêu cực giữa di động và quan tâm thấu cảm nhiều hơn. Có vẻ sự thấu cảm tự nhiên khi trò chuyện với bạn bè có thể bị tổn hại bởi sự hiện diện gây phân tán của điện thoại.
Nghiên cứu này cho rằng chúng ta không cần phải loay hoay suốt với điện thoại vì nó có thể khiến chúng ta mất tập trung. Misra và đồng nghiệp không ghi nhận mức độ những ngươi tham gia thường xuyên chạm hay cầm điện thoại. Đó có thể là hướng đi hứa hẹn cho các nghiên cứu xa hơn.
“Công nghệ mạng đặc biệt ở chỗ nó có thể khiến chúng ta liên tục nằm trong tình trạng ‘hiện diện nhưng vắng mặt’”, nhóm nghiên cứu viết, họ còn nói thêm rằng điện thoại “chỉ cần có mặt như một tín hiệu môi trường thôi cũng đã có thể phân tán sự chú ý của cá nhân và điều khiển hành vi của những người xung quanh một cách không ý thức.” 
Vậy nếu bạn muốn có một cuộc đối thoại chân thật, mặt đối mặt với bạn bè, đây là gợi ý giành cho bạn: Hãy tắt điện thoại và bỏ vào túi. Oái oăm thay, có thể cách tốt nhất để kết nối thật sự lại là sống, tuy chỉ ngắn ngủi, trong khu vực phi kỹ thuật số.


http://www.psmag.com/navigation/nature-and-technology/presence-smart-phone-lowers-quality-person-conversations-85805/
Đọc tiếp
NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Bài đã đăng

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter