Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2016

NHỮNG NGƯỜI SỢ NHỆN THƯỜNG THẤY NHỆN TO HƠN THỰC TẾ

0
Chứng ám sợ nhện
Một nghiên cứu mới cho thấy những người sợ nhện thường sẽ thấy nhện to hơn kích thước thật.
"Chúng tôi nhận thấy dù tất cả những người bị ám sợ nhện đều xem nhện là rất khó chịu, chỉ những người có mức ám sợ cao mới đánh giá quá mức kích thước của loài vật này”, Tali Leibovich, nhà khoa học tại Bộ môn Não và Khoa học Nhận thức thuộc ĐH Ben-Gurion (BGU), Negev-Israel, cho biết.
Các nhà nghiên cứu cho biết, ý tưởng cho nghiên cứu này xuất phát từ một kinh nghiệm thực tế. Noga Cohen, sinh viên cao học về tâm lý thần kinh lâm sàng tại BGU, một ngày nọ phát hiện một con nhện đang bò. Leibovich là người có chứng sợ nhện, đã yêu cầu Cohen tìm cách loại trừ con nhện “to đùng” đó.
Cohen nhận thấy yêu cầu trên thật kì lạ, nhất là do cô nghĩ con nhện trông khá nhỏ.
"Chuyện này làm sao có thể xảy ra nếu cả hai chúng ta đều đang nhìn cùng một con nhện?” Cohen đặt câu hỏi.
Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một thực nghiệm để hình dung liệu chứng sợ nhện ảnh hưởng tới nhận thức của chúng ta về nhện như thế nào. Theo ghi nhận trong nghiên cứu, nhóm nghiên cứu chỉ lựa chọn các nghiệm thể là nữ “do khả năng mắc chứng sợ nhện ở nữ giới cao hơn nam giới”.
Trong một thực nghiệm, các nhà khoa học đã yêu cầu 80 sinh viên nữ trả lời một bảng hỏi đánh giá mức độ ám sợ nhện của họ. Nhóm nghiên cứu chỉ chọn ra trong số đó 20% mức điểm cao nhất và 20% mức thấp nhất, tương ứng với 12 sinh viên cho biết rất sợ nhện và 13 sinh viên không hề sợ.
Nhóm nghiên cứu sau đó cho các sinh viên trên xem qua trên máy tính một loạt hình các loại chim, bướm, nhện và yêu cầu họ chọn kích cỡ của từng con vật trên phù hợp với một thang đo tỉ lệ đặc biệt với một cực là ruồi và cực còn lại là cừu. Thực nghiệm cũng yêu càu họ đánh giá mức độ gây khó chịu của từng tấm hình.
Thiết kế nghiên cứu với hình các loài vật khác và thang đo đặc biệt

 Nhìn chung, tất cả các sinh viên đều cảm thấy khó chịu với tấm hình có nhện. Tuy nhiên, chỉ các sinh viên trong nhóm sợ nhện mới đánh giá quá mức kích cỡ của nhện so với nhóm hình bướm.
Các nhà nghiên cứu không biết liệu đây là hiệu ứng chỉ xảy ra ở nhện hay cũng diễn ra với các ám sợ loài vật khác. Vì vậy, họ tiến hành thực nghiệm thứ hai, yêu cầu 64 sinh viên nữ thực hiện cùng quy trình với thực nghiệm đàu tiên. Tuy nhiên lần này là với hình ong vò vẽ, bọ và bướm cùng với hình nhện.
Nhóm có mức ám sợ nhện cao đánh giá hình ong gây khó chịu hơn nhóm ít sợ, tuy nhiên họ không đánh giá quá mức kích cỡ của ong.
"Kết quả cho thấy bản thân mức độ gây khó chịu là chưa đủ để giải thích cho việc thổi phồng kích cỡ”. Các nhà nghiên cứu cho biết, kết quả cũng cho thấy cảm xúc có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn nhận kích cỡ của nhện.
"Nghiên cứu cũng đặt ra câu hỏi: liệu sợ hãi có làm sai lệch kích thước, hay chính việc nhầm lẫn về kích thước gây ra sự sợ hãi?”, Leibovich cho biết. “Các nghiên cứu trong tương lai đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên có thể sẽ trở thành nền tảng để phát triển các phương pháp trị liệu cho các loại ám sợ khác nhau.”
Dịch: Hành lang Tâm lý



Đọc tiếp
NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter