Thứ Tư, 28 tháng 6, 2017

TẠI SAO CHÚNG TA KHÓ THỪA NHẬN SAI LẦM

0

Làm gì khi phạm sai lầm?
KRISTIN WONG MAY 22, 2017

Dù bạn có thiện chí hay cố gắng tới đâu, trong cuộc đời, không thể tránh khỏi có lúc bạn sẽ mắc sai lầm.
Sai lầm có thể sẽ khó nuốt trôi, vì vậy đôi lúc chúng ta tìm cách lẩn trốn thay vì đối mặt với chúng. Thiên kiến xác nhận (confirmation bias) sẽ xuất hiện, khiến chúng ta chỉ tìm kiếm bằng chứng bảo vệ những điều mà chúng ta tin tưởng. Ví dụ, bạn vừa quẹt xe với một chiếc xe đã có sẵn nhiều vết móp, điều đó mặc nhiên có nghĩa là lỗi nằm ở người tài xế kia.
Các nhà tâm lý gọi đó là hiện tượng xung đột nhận thức (cognitive dissonance) sự căng thẳng chúng ta cảm nhận khi hai suy nghĩ, niềm tin, ý kiến hay thái độ trái ngược nhau cùng tồn tại. Ví dụ, bạn có thể tin rằng bạn là một người tốt bụng và công tâm, vì vậy một khi lỡ quẹt xe ngừoi khác, bạn sẽ trải nghiệm xung đột về nhận thức. Để đối mặt với nó, bạn sẽ từ chối rằng mình sai lầm và quả quyết rằng người lái xe kia đáng lẽ phải thấy bạn, hay bạn vẫn đang đi đúng luật ngay cả khi thực tế không phải vậy.
“Xung đột nhận thức là những gì chúng ta cảm thấy khi nhận thức về bản thân (self-concept)-tôi là người thông minh, tốt bụng, tôi cho rằng niềm tin đó là đúng đắn- bị đe doạ bởi những bằng chứng cho thấy chúng ta đã làm gì đó không thông minh, làm tổn hại đến người khác, hay một niềm tin nào đó là không đúng”, Carol Tavris, đồng tác giả cuốn sách“Mistakes Were Made (But Not by Me), cho biết.”
Mặt khác, chúng ta có thể phòng vệ bằng cách giải thích biện hộ cho sai lầm của mình. Tâm lý gia Leon Festinger đưa ra thuyết xung đột nhận thức vào những năm 50 khi ông đang nghiên cứu một giáo phái nhỏ tin rằng đĩa bay sẽ cứu họ thoát khỏi ngày tận thế vào ngày 20 tháng 12 năm 1954. Khi công bố nghiên cứu trong cuốn sách “When Prophecy Fails,” ông viết rằng giáo phái trên đã bào chữa cho niềm tin của mình và cho rằng Thượng đế chỉ đơn giản quyết định tha mạng cho các thành viên của giáo phái. Việc cậy dựa vào lời giải thích trên giúp những người trong giáo phái đương đầu với chính xung đột nhận thức của họ.
“Xung đột rất khó chịu và chúng ta bị thúc đẩy để giảm thiểu nó,” Tavis cho biết.
Khi chúng ta xin lỗi vì làm sai, chúng ta phải chấp nhận xung đột này, và điều đó khiến chúng ta khó chịu. Ngược lại, nghiên cứu cho thấy việc bám dính lấy sai lầm lại mang đến cảm giác dễ chịu. Một nghiên cứu đăng trên European Journal of Social Psychology cho thấy những người từ chối xin lỗi sau khi mắc sai lầm thường có mức tự trọng, cảm giác kiểm soát và quyền lực cao hơn những người không từ chối.
“Một cách nào đó, việc xin lỗi đem lại quyền lực cho người được xin lỗi,” Tyler Okimoto, tác giả của nghiên cứu, cho biết. “Ví dụ, tôi xin lỗi vợ có nghĩa là tôi thừa nhận sai lầm của mình; nhưng nó cũng đưa đến cho cô ta quyền lựa chọn liệu cô ấy muốn làm giảm sự xấu hổ của tôi qua việc tha thứ, hay làm tăng sự hổ thẹn bằng cách tiếp tục chì chiết. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những người từ chối xin lỗi có trải nghiệm cảm giác quyền lực và kiểm soát cá nhân tăng nhẹ trong thời gian ngắn.”
Cảm giác quyền lực có thể là một lợi ích hấp dẫn ngắn hạn. Tuy nhiên, nó có thể có những hệ quả dài hạn. Từ chối xin lỗi có thể đe doạ “sự tin tưởng mà mối quan hệ được xây dựng trên đó”, Okimoto nhận xét, ông còn cho rằng nó có thể kéo dài mâu thuẫn và khuyến khích sự bực tức hay trả thù.
Theo các chuyên gia, khi bạn từ chối thừa nhận sai lầm, bạn cũng đang ít cởi mở hơn với những phê bình mang tính xây dựng. Những phê bình này có thể giúp bạn rèn luyện kĩ năng, sửa chữa những thói quen tiêu cực và sau cùng, cải thiện bản thân.
“Chúng ta bám dính những hành vi cũ, ngay cả khi những hành vi mới tốt đẹp, khoẻ mạnh và thông minh hơn. Chúng ta bám vào những niềm tin khiến chúng ta tự thất bại quá mức thời gian cho phép,” Tavris chia sẻ. “Và chúng ta khiến vợ chồng, đồng nghiệp và con cái rất, rất khó chịu với chúng ta.”
Một nghiên cứu khác do các nhà nghiên cứu tại Stanford, Carol Dweck và Karina Schumann, cho thấy con người thường sẵn sàng chịu trách nhiệm cho sai lầm nếu họ tin rằng họ có khả năng thay đổi hành vi của mình. Tuy vậy, điều này khó thực hiện hơn chúng ta nghĩ, vậy làm cách nào bạn có thể thay đổi hành vi và học cách chấp nhận sai lầm?
Đầu tiên, bạn cần nhận thấy những xung đột nhận thức đang diễn ra. Tâm trí bạn hoạt động rất tích cực để bảo toàn cảm giác nhân dạng của bạn (sense of identity), cho nên việc nhận ra xung đột nhận thức có cảm giác như thế nào rất hữu dụng. Điển hình, nó được biểu hiện qua việc cảm thấy bối rối, căng thẳng, xấu hổ hay cảm thấy tội lỗi. Những cảm giác đó không nhất thiết có nghĩa là bạn đang làm sai, nhưng bạn ít nhất có thể dùng chúng để nhắc nhở bản thân nên nhìn tình huống bằng một góc nhìn đa chiều và nên đặt câu hỏi khách quan với bản thân rằng liệu bạn có đang làm điều gì có lỗi hay không.
Tương tự, bạn cũng có thể học cách nhận ra những lời biện hộ và lý trí hoá thông thường của bản thân. Hãy nghĩ về một thời điểm bạn làm sai và biết rằng bạn đang phạm lỗi, tuy nhiên hãy thử biện hộ cho nó. Hãy nhớ khi bạn dùng lí trí bảo vệ cho hành vi của mình thì sẽ có cảm giác gì và hãy dùng nó như tín hiệu cảnh báo xung đột nhận thức khi nó xuất hiện vào lần tiếp theo.
Okimoto cũng cho biết nên nhớ rằng người khác thường dễ tha thứ hơn bạn nghĩ. Những nét tính cách như trung thực và khiêm tốn khiến cho bạn trở nên con người hơn và nhờ vậy, trở nên hoà đồng hơn. Bên cạnh đó, khi bạn rõ ràng đã làm sai, việc từ chối xin lỗi sẽ cho thấy mức bạn tin tưởng vào bản thân (self-confidence) khá thấp.
“Nếu với mọi người, rõ ràng bạn đã mắc sai lầm, việc bảo thủ từ chối nó sẽ khiến cho mọi người nhận thấy những khuyết điểm thay vì ưu điểm trong tính cách của bạn.”
Dịch: Hành Lang Tâm Lý


Đọc tiếp

Thứ Tư, 14 tháng 6, 2017

NHÀ TRỊ LIỆU CÓ NÊN VIẾT SÁCH VỀ THÂN CHỦ?

1
Mối quan hệ nhà trị liệu-thân chủ

Khi cuốn sách mới nhất của tôi đang trong giai đoạn xem xét pháp lý trước khi xuất bản, tôi có vài suy nghĩ về những gì tôi mong đợi, hoặc ít nhất là tôi nghĩ vậy. Cuốn sách là lời phản biện mạnh mẽ đối với Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (APA), một ông lớn lắm tiền, đáng sợ và thường tự bảo vệ bản thân. Tôi đặc biệt nhắm vào sản phẩm sinh lời nhất của họ, cuốn DSM – Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê Các rối loạn Tâm thần. Vì thế tôi ước chừng quá trình xét duyệt sẽ điều tra rất gắt gao xem liệu những gì tôi viết có công bằng và đủ chính xác để chống lại bất cứ rào cản pháp lý nào tồn tại hay không.
Tôi đã đúng về một chuyện: quá trình xét duyệt rất căng thẳng. Nhưng tôi đã lầm về vấn đề mà luật sư bận tâm tới. Đó không phải là về APA. Thay vào đó, cô ta lo lắng, gần như là ám ảnh, về những tương tác tôi có với thân chủ được ghi lại trong bản thảo.
Trước đây, tôi đã từng kể về việc trị liệu. Cuốn sách trước của tôi có đầy những mô tả về các phiên trị liệu, tôi cũng đã rất thẩn trọng tuân theo những tiêu chuẩn của ngành. Với những trình ca chi tiết, tôi đều có thư chấp thuận viết tay. Trong trường hợp không xin phép được (ví dụ như tiến trình trị liệu đã kết thúc khá lâu và tôi không còn liên lạc được với thân chủ), tôi đã thay đổi các thông tin giúp nhận diện họ: phụ nữ trở thành đàn ông, bác sĩ trở thành tài xế xe tải, v.v. Đôi khi tôi cũng kết hợp nhiều người tôi gặp lại với nhau thành một nhân vật – có đặc điểm bên ngoài của người này, có tật nói của người khác - nhằm minh hoạ cho một ca lâm sàng với một câu chuyện nền ngắn gọn.
Những kỹ thuật trên được luật sư của cuốn sách trước thông qua khá dễ dàng, thế nên việc luật sư hiện tại tập trung vào vài ca nhỏ lẻ, được kể sơ sài trong cuốn sách mới khiến tôi rất bất ngờ. Nó cũng khiến tôi khó chịu. Cô ta (luật sư lần này của tôi) là ai mà dám nghi ngờ cam kết bảo vệ thân chủ của tôi, những người tôi đã có một mối quan hệ thân thiết, những người tin tưởng tôi, những người có các khuyết điểm lẫn vấn đề mà tôi đã học cách chấp nhận và thậm chí yêu thương? Vậy mà cô ấy lại dám nghi ngờ.
"Chỗ này đây", cô ấy nói, "Cô gái to lớn với mái tóc rối bù - cô ta có một bờ vai rộng với mái tóc rối thật à?
"Như tôi đã nói với cô", tôi trả lời, "Cô ta là một sản phẩm tổng hợp. Nhân vật trong cuốn sách không tồn tại. Nhưng nếu cô hỏi tôi rằng liệu tôi đã từng thấy một người phụ nữ với bờ vai rộng và mái tóc rối chưa, tôi nghĩ rằng câu trả lời là có"
"Còn người kia", cô ta vẫn tiếp tục hỏi, "người phụ nữ loạn thần sống bám dính trong khách sạn - cô ta có thật sự là phụ nữ, và có bị cắm chốt ở khách sạn không?
"Có", tôi nói, "Nhưng cô ấy không phải người Mỹ gốc Hoa, và cô ấy không tới 53 tuổi."
"Vậy tại sao cô ấy phải là một người phụ nữ mới được? Anh không thể làm cô ta trờ thành đàn ông sao?"
Tôi nghĩ rằng tôi không đưa ra được câu trả lời.
"Và kia nữa, cô nữ sinh viên", nữ luật sư tiếp tục. "Cô bé ấy thật sự theo học một trường trong Ivy League à? Nếu không, anh không thể nói rằng cô ta học ở đại học bang thôi sao?"
Câu chuyện cứ thế tiếp diễn. Cuối cùng thì người phụ nữ cơ bắp tóc rối trở thành dân vô gia cư tóc vàng, và người loạn thần Mỹ gốc Hoa trở thành một người đàn ông đến từ California, và cô nữ sinh (trong thực tế đã tốt nghiệp rồi) già đi 10 tuổi và trở thành một giám đốc người Mỹ gốc Hoa. Tôi đã gả cô gái đó cho một tay ngân hàng ăn chơi mà trước khi được luật sư xét duyệt, anh ta là một nhà khoa học đã li dị và chẳng có liên hệ gì đến cô sinh viên trên.
Tôi phải thừa nhận rằng một vài sự điều chỉnh của tôi là rất thông minh, dù vậy tôi cũng hơi bối rối vì không nghĩ rằng việc ẩn danh thân chủ theo những quy định đạo đức bằng câu văn lại dễ dàng (và thậm chí là vui nhộn) như vậy. Đó là chưa kể đến việc những luận điểm trong sách sẽ trơn tru như thế nào nếu bạn có quyền tự do thay đổi các chi tiết cho phù hợp với luận điểm đó.
Sau vài vòng hiệu đính, cô luật sư mới hoàn toàn hài lòng rằng thân chủ của tôi đã được nguỵ trang đầy đủ. Tôi cảm thấy rất khó chịu trong phần lớn khoảng thời gian đó. Tôi phản ứng rằng tôi không muốn viết một cuốn tiểu thuyết, tôi đã từng viết một quyển rồi. Và thậm chí khi cố gắng bịa đặt ra những chi tiết, làm sao tôi có thể thoát khỏi sự thật rằng đa số những gì tôi biết về con người, phần lớn cảm nhận của tôi về những yếu tố giúp tạo ra sự hư cấu “có vẻ thật”, đều đến từ công việc trị liệu của tôi? Có vẻ cô ta đang đòi hỏi một việc không tưởng - những nhân vật và tình huống khi không mà xuất hiện- để phục vụ cho những điều vô ích. Chẳng phải tôi đã khiến cho thân chủ của mình trở nên không thể nhận diện trong bản thảo gốc rồi sao?
Tôi giữ kín những suy nghĩ này cho đến ngày xét duyệt cuối cùng, tôi nhận xét một cách khá thô lỗ và hung hăng thụ động (passive-aggressive) với luật sư rằng sẽ rất mỉa mai nếu những nhân vật mới của tôi bị nhận nhầm với một người nào đó ngoài đời thực thay vì một thân chủ trong bản gốc.
"Ý anh là độc giả nhầm lẫn à?", cô luật sư hỏi.
"Tất nhiên rồi", tôi nói. "Còn ai khác nữa?"
"Vấn đề không phải là việc có ai đó nhận ra thân chủ của anh", cô ấy nói. "Mà là việc thân chủ của anh có nhận ra chính họ hay không?
Tôi sửng sốt. Dường như cả tôi và cô ấy đang làm việc trong những vũ trụ song song với nhau, mỗi người đều cho rằng mình hiểu và chia sẻ mục tiêu với người kia. Tôi thì nghĩ rằng chúng tôi đang cố gắng bảo mật cho thân chủ; cô ấy thì lo lắng cho sức khoẻ tinh thần của họ. Có lẽ cô ta đã làm phần việc của mình, đảm bảo rằng không ai có thể kiện tụng gì chúng tôi, nhưng cô ấy cũng đang làm luôn phần việc của tôi, đặt câu hỏi xem điều gì sẽ xảy ra nếu bạn bắt gặp chính bạn, dù rằng đã được ẩn danh kỹ lưỡng đến mức nào, trong trang sách của một người mà chính người đó đã từng động viên bạn bộc lộ hoàn toàn bản thân, kèm với lời hứa không phán xét hay phơi bày bạn, để rồi tin tưởng rằng những chia sẻ ấy chỉ giữ riêng giữa hai người mà thôi.
Sự vi phạm đó gần như không thể lường trước được, đến mức tôi không nhận ra và phải nhờ đến một người luật sự để phát hiện. Nó thậm chí cũng chẳng khá hơn ngay cả khi tôi xin phép và được thân chủ chấp thuận. Sau tất cả, liệu thân chủ có thật sự có lựa chọn từ chối lời đề nghị của nhà trị liệu? Làm sao một yêu cầu như vậy có thể được thực hiện mà không làm ảnh hưởng tới tiến trình trị liệu, và thậm chí là cuộc sống của thân chủ?
Tôi đã trải qua quãng thời gian để tự vấn lại bản thân mình. Tôi đã cố đưa ra một vài lý lẽ để tiếp tục viết sách về thân chủ. Xét cho cùng thì chẳng phải những nghiên cứu ca tuyệt vời từ những bậc thầy như Sigmund Freud hay Irvin Yalom cũng giúp ích cho thế giới đó sao?
Nhưng rồi một lần tôi bị bắt tại trận.
Tôi sẽ không trình bày chi tiết, không nói là người thật hay người giả, hay là người đã qua ẩn danh kép được luật sư chấp thuận. Ngoại trừ việc, một ngày kia, sau khi cuốn sách được xuất bản, một thân chủ giận dữ bước vào buổi hẹn với cuốn sách của tôi trên tay, đọc to một đoạn trong sách rồi nói:"Tôi biết chắc đây chính là tôi. Tôi không thể tin được ông lại làm điều này."
Không có bất cứ chi tiết nào trong đoạn sách trên mô tả đặc điểm của người đó. Ai đọc đoạn sách này đều sẽ cho rằng lời buộc tội của người đó là hoang tưởng hay ái kỷ. Luật sư của tôi có thể thuyết phục được bất kỳ thẩm phán hay bồi thẩm đoàn nào rằng tôi vô tội. Tôi có cớ miễn trừ hợp pháp. Nhưng thân chủ của tôi đã đúng. Chôn vùi sau trang sách chính là câu chuyện của người đó. Tôi biết điều đó, thân chủ biết điều đó, và cả hai đều biết rằng trong thời khắc đó, tôi đã gây ra một vết thương không thể chữa lành. Tôi đã sử dụng thân chủ cho mục đích của riêng tôi. Mối quan hệ của chúng tôi đã chấm dứt.
Trong cuốn sách cuối cùng, "The Confidence-Man ", Herman Meville đã nói rằng nhà văn thường tạo ra những nhân vật từ đời thật. "Mỗi một thành phố ", ông viết, "là một buổi trưng bày người, các nhà văn đến để lựa chọn đối tượng, cũng giống như nông dân đi tới triễn lãm chăn nuôi để lựa gia súc”. Đó là một so sánh không hề khập khiễng, nó tương đương, nếu không nói là còn chính xác hơn, với cả những nhà trị liệu dùng thân chủ như một nhân vật trong sách. Nhưng ít ra, các tiểu thuyết gia không phản bội lại lòng tin.
Trị liệu không phải là buổi trưng bày người. Thế giới này đã quá đủ những người “lừa lọc lòng tin” rồi, đó là một phần lý do tại sao mọi người sẵn sàng trả tiền để tìm sự trú ẩn nơi trị liệu: một giờ thoát khỏi việc bị đối xử như công cụ để phục vụ cho mục đích của người khác. Chúng ta, những người nhận tiền từ họ, cần cân nhắc khả năng khi viết về thân chủ của mình, cho dù có ẩn danh kỹ càng thế nào đi nữa, liệu chúng ta có đang phản bội lại họ? Những câu chuyện được chia sẻ riêng tư nên chăng mãi được giữ trong im lặng.


Gary Greenberg, nhà trị liệu tâm lý tư nhân tại Connecticut, là tác giả của cuốn sách gần đây nhất, "The Book of Woe: The DMS and the Unmarking of Psychiatry."

Link nguồn: 
Dịch: Đ.D-Hành Lang Tâm Lý


Đọc tiếp
NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter