Stanley Milgram |
HLTL xin tiếp tục gửi đến các bạn chuỗi bài viết 3
phần về các hiện tượng xã hội dưới góc nhìn của tâm lý học.
Kì trước chúng ta đã bàn đến hiện tượng quy gán cá
nhân và quy gán hoàn cảnh.
Các bạn có thể đọc phần trước tại:
Kì này chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu một hiện tượng
thường xuyên xuất hiện trong tương tác xã hội hàng ngày: Ảnh hưởng của nhóm.
TÂM LÝ ĐÁM ĐÔNG, ẢNH HƯỞNG NHÓM VÀ SỰ PHỤC TÙNG
Gustave Le Bon và Tâm lý đám đông
Chắc hẳn khi nói đến ảnh hưởng của nhóm, nhiều bạn
sẽ nghĩ ngay đến tác phẩm Đám đông (The
crowd: A study of popular mind) của Gustave Lebon (1897). Không thể phủ nhận
đây là một trong những tác giả đầu tiên nhắc đến hiện tượng nhóm xã hội trong
tâm lý học.
Ông cho rằng có việc cá nhân bị đám đông ảnh hưởng
gồm 3 giai đoạn: tràn ngập – submergence
(cá nhân đánh mất nhân dạng và trách nhiệm
trong đám đông), lây nhiễm –
contagion (cá nhân dễ dàng nghe theo
quyết định của đám đông) và ám thị -
suggestion (cá nhân chia sẻ vô thức với
đám đông). Ông kết luận rằng cá nhân trong đám đông đánh mất lý trí,
hành động theo bản năng và đám đông sẽ dẫn đến hệ quả tiêu cực.
Một số vấn đề mà Gustave Le Bon đề xuất được tiếp
tục phát triển bởi các nhà tâm lý sau này như Zimbardo hay Milgram. Tuy nhiên, giống như tất cả các lý thuyết tâm lý khác,
nó tồn tại nhiều giới hạn và việc chỉ dựa vào một tác giả hay lý thuyết để kết
luận vấn đề đều là thiếu khoa học và dễ gây nhầm lẫn. Các nhà tâm lý khác
đã chỉ ra rằng, thay vì là một tập thể lớn vô thức, đám đông có thể được hình
thành bởi các nhóm nhỏ có mục đích hỗ trợ nhau (Johnson, 1987); Gustave Le Bon chưa đánh giá đúng mức
tính năng động của nhóm và động lực của cá nhân; Đồng thời ông cũng chú ý quá mức
đến khía cạnh tiêu cực của đám đông (Reicher & Potter, 1985).
Asch và ảnh hưởng của nhóm
Solomon Asch (1951) đã thiết kế một nghiên cứu cho
thấy cá nhân chịu ảnh hưởng của nhóm ra sao. Ông cho nghiệm thể vào trong một
nhóm với các thành viên khác là các nhà tâm lý bí mật thủ vai. Nghiệm thể được
thông báo đây là một nghiên cứu về khả năng nhận thức thị giác và được yêu cầu
so sánh chiều dài của một đoạn thẳng mẫu với 3 đoạn thẳng khác. Các thành viên
khác trong nhóm (do các nhà khoa học đóng giả) liên tục đưa ra các đáp án sai
giống nhau. Ban đầu, nghiệm thể lựa chọn đáp án đúng khác với nhóm nhưng sau một
vài câu hỏi, họ bắt đầu lựa chọn theo ý kiến chung của nhóm. (Các bạn có thể
xem clip về thực nghiệm này tại: https://www.youtube.com/watch?v=qA-gbpt7Ts8).
Khi là thành viên của một nhóm, chúng ta sẽ có xu hướng đưa ra những quyết định
và hành vi giống với nhóm để làm giảm lo âu do mẫu thuẫn với nhóm mang lại
(Allen & Wilder, 1977). Mâu thuẫn bao
gồm hai loại ảnh hưởng: Ảnh hưởng quy tắc
xã hội - chúng ta nghĩ rằng mình chưa làm đúng quy tắc của nhóm và Ảnh hưởng thông tin xã hội – chúng ta
cho rằng nhóm luôn mang lại thông tin chính xác (Deutsch & Gerard, 1955). Ví dụ, một nhân viên mới vào làm thấy
các nhân viên khác trong công ty đều mặc áo sơ-mi, dù công ty không có quy định
cụ thể nhưng nhân viên mới vẫn cảm thấy phải làm theo các nhân viên cũ vì sợ rằng
mình không làm đúng quy tắc xã hội hay sợ rằng có những thông tin quy định khác
mà mình không biết.
Lý thuyết về so sánh xã hội (social comparison theory) cho rằng cơ chế của ảnh hưởng nhóm gồm 3
bước:
(1) đánh
giá khả năng và tính chính xác của bản thân,
(2)
so sánh với ý kiến của nhóm
(3)
tuân theo hay kháng cự trước ảnh hưởng của nhóm (Festinger, 1954).
Ví dụ, khi trong nhóm có bất đồng, bạn sẽ tự xem
xét khả năng và ý kiến của bản thân, sau đó bạn cân nhắc khả năng, tính xác thực
trong ý kiến của các thành viên khác trước. Cuối cùng bạn sẽ quyết định nên giữ
ý kiến của mình hay tuân theo nhóm. Nghiên cứu cho thấy mức độ bạn tin tưởng
vào quyết định của bản thân sẽ giả nếu nhóm không đồng tình với ý kiến của bạn
đưa ra, dẫn đến tăng khả năng chịu ảnh hưởng nhóm trong tương lai (Allen &
Wilder, 1977).
- Sự tự tin và khả năng của cá nhân
- Kích cỡ nhóm và sự đồng lòng của nhóm
- Sự ngưỡng mộ hay quan tâm giành cho
nhóm
- Cá nhân chưa có cam kết với các lựa
chọn nào khác từ trước
- Các thành viên khác trong nhóm theo
dõi, quan sát cá nhân
Ngoài ra còn một số yếu tố khác như:
- Tầm quan trọng của quyết định. Cá nhân
thường làm theo nhóm khi phải đưa ra các quyết định quan trọng (Baron,
Vandello, & Brunsman, 1996)
- Văn hóa ủng hộ quy luật nhóm. Ảnh
hưởng nhóm cũng yếu hơn trong các nền văn hoá cá nhân (Bond, & Smith, 1996)
- Các nghiên cứu khác trong tâm lý nhận
thức và thần kinh còn cho thấy chúng ta còn chịu ảnh hưởng của nhóm thông
qua việc tự động bắt chước hành vi trong nhóm (Hartup & Coates, 1967),
lây lan cảm xúc (Hatfield, Cacioppo, & Rapson, 1994) hay dưới tác động
của não bộ (Klucharev, Munneke, Smidts, & Fernández, 2011; Stallen, Smidts, & Sanfey, 2013).
Tuy
nhiên, không phải vì những vấn đề trên mà
chúng ta tránh né việc tham gia nhóm hay làm việc nhóm. Nghiên cứu cho thấy
nhóm giúp tăng tính đa dạng trong giải pháp và ý kiến, sự có mặt của người khác
cũng làm tăng hiệu xuất hoạt động (Michaelsen, Knight, & Fink, 2004).
Blinder & Morgan (2000) còn cho thấy nhóm hoạt động hiệu quả hơn không
những với hiệu suất trung bình mà còn hơn hiệu suất của cá nhân xuất sắc nhất.
Milgram, Zimbardo và sự phục tùng
Trong một trong những thực nghiệm nổi tiếng nhất
trong tâm lý học xã hội là thực nghiệm của Milgram (1963). Trong thực nghiệm
này, nghiệm thể A được cho biết đang tham gia vào một nghiên cứu làm tăng khả
năng học tập. A sẽ điều khiển một loạt các công tắc điện từ 15 đến 450 volt được
nối với một nghiệm thể B trong một phòng khác. A chỉ nghe được tiếng của B qua
hệ thống âm thanh mà không thấy được mặt. B sẽ phải nhớ một loạt các thông tin
và sau đó phải trả lời một loạt các câu hỏi về những thông tin đó. Nếu B trả lời
sai, A sẽ bật công tắc để cho luồng điện tương ứng tác động tới B. Với mỗi câu
trả lời sai của B, A sẽ phải nâng cường độ điện lên một mức cao hơn. Ở cùng
phòng với A còn có một chuyên gia mặc áo blouse trắng và ghi nhận thông tin. (Các
bạn có thể xem clip về thực nghiệm này tại: https://www.youtube.com/watch?v=yr5cjyokVUs).
Với các câu hỏi sai ban đầu A sẽ nghe thấy tiếng
la nhẹ. Dần dần mức độ đau đớn sẽ được tăng lên, A sẽ nghe B van xin dừng lại.
Người trong nhóm nghiên cứu có mặt tại phòng sẽ yêu cầu A tiếp tục vì mục đích
nghiên cứu và đảm bảo tính mạng B sẽ không bị tổn hại. Sau hơn một nửa mức cường
độ điện, B không còn phát ra tiếng động. Điều A không biết là B hoàn toàn không
tồn tại, mọi âm thanh mà A nghe được từ B đều được ghi âm từ trước.
Kết quả cho thấy trên 60% các nghiệm thể vẫn tiếp tục bật các công tắc điện cho đến mức tối
đa, 450V, mức điện có thể gây chết người. Nhiều người trong số các nghiệm
thể tỏ ra lo lắng, phản kháng. Một số không đồng ý tiếp tục nhưng phần đông vẫn
thực hiện mệnh lệnh của chuyên gia.
Các nghiên cứu khác còn cho thấy mức độ phục tùng
còn cao hơn khi nghiệm thể không trục tiếp bấm công tắc mà chỉ phải ra quyết định
Tỉ lệ phục tùng theo mức điện thế tăng dần |
Nghiên
cứu này đặt ra câu hỏi về xu hướng phục tùng của con người, ngay cả khi biết
mình có thể gây ra tổn hại đến người khác. Các nghiên cứu tương tự thực hiện trên nhiều
nhóm dân số khác đều cho kết quả tương tự (Blass, 2009).
Milgram (1963) kết luận một số yếu tố sau làm tăng tính phục tùng của
nghiệm thể:
- - Uy
tín, vị thế của tổ chức.
- - Mục
đích nghiên cứu được mô tả là rất quan trọng
- - Nghiệm
thể tự nguyện tham gia và có cam kết với nghiên cứu
- - Trước
khi bắt đầu thực nghiệm, nhóm nghiên cứu giả vờ bốc thăm chọn vị trí của A và B
nên làm giảm sự nghi ngờ của A
- - Nghiệm
thể không biết quyền hạn của nhóm nghiên cứu và nghiệm thể B nên tin tưởng vào
quyết định của chuyên gia
- - Nghiệm
thể liên tục được đảm bảo rằng B không gặp nguy hiểm
Nghiên cứu này gây chấn động
tại Mỹ vào thời điểm đó khi chứng minh rằng người Mỹ hoàn toàn có khả năng gây
ra những tội ác như Phát xít Đức đã từng thực hiện.
Trong một nghiên cứu khác,
Zimbardo (1973) chọn ngẫu nhiên hai nhóm sinh viên phân vào hai nhóm đóng vai
tù nhân và cai ngục. Các cai ngục được phát đồng phục, gậy, còi và huấn luyện về
luật lệ trong trại giam. Nhóm tù nhân thì bị cảnh sát tới tận nhà bắt đi, mặc
áo tù, trải qua đầy đủ các thủ tục giam giữ, bị gọi bằng mã số tù nhân và phải ở
trong các buồng giam mô phỏng thực tế. Chỉ sau hai ngày, các sinh viên tham gia
đã nhập vai như thật, thật hơn mức cần thiết. Các cai ngục bắt đầu lăng mạ, tra
tấn, quấy nhiễu tù nhân. Các tù nhân cũng bắt đầu phản kháng, nổi loạn và suy sụp.
Dù nghiên cứu dự định diễn ra trong nhiều tuần nhưng chỉ sau 6 ngày, Zimbardo
buộc phải kết thúc. (Các bạn có thể xem thêm về thực nghiệm này tại https://www.youtube.com/watch?v=sZwfNs1pqG0).
Kết quả nghiên cứu cho thấy
tầm quan trọng của hoàn cảnh và vai trò
xã hội được giao đối với hành động của cá nhân. Nghiên cũng chứng minh cho lý thuyết Hoà hợp Nhận thức (cognitive
dissonance theory) của Festinger (1962), chúng ta có xu hướng làm giảm sự khác
biệt trong chính nhân thức của bản thân để tránh căng thẳng. Trong trường hợp
này là thay đổi nhận thức để phù hợp vơi hành vi.
Cả hai nghiên cứu trên đều
cho thấy những con người phát triển bình thường nhất cũng có thể thay đổi hành
vi và hành xử tiêu cực khi chịu ảnh hưởng từ môi trường. Như vậy, dưới áp lực của
nhóm và xã hội, việc chúng ta hành động trái với các nguyên tắc đạo đức là hoàn
toàn có thể xảy ra.
Vậy đâu là mối liên hệ và cơ chế giữa áp lực nhóm, sự phục tùng và hành
vi tội ác? Làm cách nào để chúng ta đối mặt với nguy cơ này? Và đâu là lợi ích
của lòng nhân ái và hoà giải?
Phần 3, “Cái ác và lòng nhân ái”, sẽ trả lời câu hỏi này.
Phần 3, “Cái ác và lòng nhân ái”, sẽ trả lời câu hỏi này.
Tài liệu tham khảo
Asch,
S.E. (1951). Effects of group pressure on the
modification and distortion of judgments. In H. Guetzkow (Ed.), Groups,
leadership and men (pp. 177–190). Pittsburgh, PA:Carnegie Press.
Allen, V. L., & Wilder, D. A. (1977).
Social comparison self-evaluation and conformity to the group.
Baron,
R. S., Vandello, J. A., & Brunsman, B. (1996). The forgotten variable in
conformity research: Impact of task importance on social influence. Journal of Personality and Social
Psychology, 71(5),
915.
Blass,
T. (2009). From New Haven to Santa Clara: A historical perspective on the
Milgram obedience experiments. American Psychologist, 64, 37–45.
Blinder,
A. S., & Morgan, J. (2000). Are
two heads better than one?: An experimental analysis of group vs. individual
decisionmaking (No. w7909).
National Bureau of Economic Research.
Bond, R., & Smith, P. B. (1996).
Culture and conformity: A meta-analysis of studies using Asch’s (1952b, 1956)
line judgment task. Psychological Bul- letin, 119, 111–137. (p. 683)
Deutsch, M., & Gerard, H.
B. (1955). A study of normative and informational social influences upon
individual judgment. The journal of abnormal and social psychology, 51(3),
629.
Feldman, R. S., & Garrison, M. (1993). Understanding
psychology (10th ed.). New York, NY:
McGraw-Hill.
Festinger, L. (1954). A theory of social comparison
processes. Human relations, 7(2), 117-140.
Festinger, L. (1962). A theory of cognitive dissonance (Vol. 2). Stanford university press.
Festinger, L. (1962). A theory of cognitive dissonance (Vol. 2). Stanford university press.
Hatfield, E., Cacioppo, J. T., & Rapson, R. L. (1994). Emotional contagion. Cambridge
university press.
Hartup, W. W., & Coates, B. (1967). Imitation of a peer
as a function of reinforcement from the peer group and rewardingness of the
model. Child development,
1003-1016.
Klucharev, V., Munneke, M. A., Smidts, A., & Fernández,
G. (2011). Downregulation of the posterior medial frontal cortex prevents
social conformity. The Journal
of Neuroscience, 31(33),
11934-11940.
Johnson, N. R. (1987). Panic at" The Who concert
stampede": An empirical assessment. Social Problems, 362-373.
Le Bon, G. (1897). The crowd: A study of the popular
mind. Fischer.
Michaelsen, L. K., Knight, A. B., & Fink, L. D. (2004).
Team-based learning: A transformative use of small groups in higher education.
Milgram, S. (1963). Behavioral study of obedience. The Journal of abnormal and social
psychology, 67(4),
371.
Reicher, S., & Potter, J. (1985). Psychological theory
as intergroup perspective: A comparative analysis of “scientific” and “lay”
accounts of crowd events. Human Relations, 38(2),
167-189.
Stallen, M., Smidts, A., & Sanfey, A. G. (2013). Peer
influence: neural mechanisms underlying in-group conformity. Frontiers in human
neuroscience, 7.doi:10.3389/fnhum.2013.00050
Zimbardo, P. G. (1973). On the ethics of interven- tion in human psychological
research: With special reference to the Stanford Prison Experiment.
Cognition, 2, 243–256.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét