Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2015

HỘI CHỨNG KIỆT SỨC NGHỀ NGHIỆP (BURNOUT) TÁC ĐỘNG ĐẾN ĐÀN ÔNG VÀ PHỤ NỮ KHÁC NHAU NHƯ THẾ NÀO?

Burnout - kiệt sức nghề nghiệp
Tác giả: Paula Davis-Laack, J.D, M.A.P.P, chuyên gia quản lý stress và cân bằng cuộc sống - công việc, cung cấp chiến lược để giúp con người khỏe mạnh và cân bằng hơn.

Tôi (tác giả) đã viết và chia sẻ nhiều về kinh nghiệm của mình với hội chứng kiệt sức nghề nghiệp (burnout) trong năm qua, tôi đã đề cập đến tình trạng căng thẳng tập trung các vấn đề thể chất, tâm lý và hành vi mà tôi đã trải qua trong những năm cuối hành nghề luật. Gần đây, tôi nghiên cứu về chứng kiệt sức nghề nghiệp cùng giới tính như là một phần chuẩn bị cho việc lên những ý tưởng quan trọng trong tương lai, tuy nhiên tôi vẫn chưa chắc chắn về những điều mình sẽ phát hiện. Tôi không nhìn nhận chứng kiệt sức nghề nghiệp là vấn đề của riêng đàn ông hay phụ nữ - đây là vấn đề mà bất kỳ người lao động nào cũng phải cân nhắc; thế nhưng, tôi rất ngạc nhiên khi đọc một số nghiên cứu có đề cập trực tiếp đến những khác biệt giới tính về vấn đề sức khỏe này. Vậy, phải chăng giữa nam và nữ trải nghiệm chứng kiệt sức nghề nghiệp này theo những cách khác nhau? Liệu có những mô hình đặc trưng nào ở nam và nữ dẫn đến vấn đề này?

Nghiên cứu đầu tiên tôi tham khảo đã đánh giá mối tương quan về kiệt sức nghề nghiệp giữa các bác sĩ nam và nữ (đặc biệt là các bác sĩ đa khoa) sử dụng 3 yếu tố đánh giá chứng kiệt sức theo thang Dấu hiệu Kiệt sức Nghề nghiệp Maslach (Maslach Burnout Inventory) nhằm kiểm định các phương diện sau đây của chứng kiệt sức nghề nghiệp: (1)
·         Kiệt quệ: Cảm thấy kiệt sức về mặt cảm xúc, trống rỗng và cạn kiệt năng lượng.
·        Tính tiêu cực: Có thái độ tiêu cực đối với khách hàng và đồng nghiệp, cảm thấy dễ cáu kỉnh và rút lui khỏi các hoạt động, giao tiếp xã hội mà họ từng thích thú.
·        Thiếu hiệu quả: Suy giảm thành quả làm việc cá nhân, giảm sút trông thấy trong khả năng hay hiệu suất, tiêu hao năng lượng vào công việc mà không đem lại kết quả.

Nghiên cứu này tìm ra rằng đàn ông và phụ nữ xử lý các phương diện trên rất khác nhau. Phụ nữ trải nghiệm tình trạng kiệt quệ trước, theo sau đó mới là tính tiêu cực và rồi đến mặt thiếu hiệu quả - các bác sĩ nữ nghĩ rằng mình không phải một người chăm sóc sức khỏe hiệu quả nên họ ngừng làm việc. Đàn ông, trái lại, có khuynh hướng trải qua cảm giác tiêu cực trước, sau đó mới là trạng thái kiệt quệ. Điều thú vị là nhiều nam giới tham gia nghiên cứu vẫn tiếp tục làm việc bởi vì họ không cảm nhận được các triệu chứng trong hai giai đoạn đầu tiên đã ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà họ mang lại. Các bác sĩ nam không trải qua giai đoạn thiếu hiệu quả vì họ vẫn nghĩ rằng bản thân làm việc hiệu quả.

Nghiên cứu thứ hai kiểm định mối tương quan giữa kiệt sức nghề nghiệp, trầm cảm, lo âu và tính dễ kích động, các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng ở phụ nữ, có tồn tại mối tương quan giữa chứng kiệt sức nghề nghiệp và sự kích động (đo lường bằng các dấu sinh học protein - protein biomarkers), song ở nam giới lại không có mối tương quan tương tự. Thú vị nằm ở chỗ khi chính trầm cảm, chứ không phải kiệt sức nghề nghiệp hay lo âu tạo nên mức độ kích động cao tương đương nơi nam giới.

Nghiên cứu thứ ba chỉ đơn giản tham khảo các nghiên cứu khác cho thấy có sự kết hợp giữa việc đòi hỏi cao trong công việc và khả năng kiểm soát kém (mức độ tự chủ thấp). (2)  Một nghiên cứu khác cho thấy mối liên hệ trên (đòi hỏi cao trong công việc và khả năng quyết định kém) làm gia tăng bệnh tim mạch ở đàn ông, điều này cho thấy tổ hợp này gây hại cho sức khỏe ở cả đàn ông lẫn phụ nữ.

Tuy số nghiên cứu tập trung vào giới và hội chứng kiệt sức nghề nghiệp còn hạn chế, ý nghĩa của chúng lại rất quan trọng. Nếu chúng ta có thể chỉ ra cách mà đàn ông và phụ nữ trải nghiệm hội chứng kiệt sức, những chuyên gia hỗ trợ nhân sự có thể biết cách ngăn ngừa hội chứng này phù hợp hơn, nhanh hơn và với nhiều cách can thiệp cụ thể hơn.

Nguồn: Paula Davis-Laack (2014), "How Burnout Impacts Men & Women Differently", Psychology Today, Published on April 29, 2014.
Dịch: Ngọc Anh

(1) Leiter, M.P., & Maslach, C. (2005). Banishing burnout: Six strategies for improving your relationship with work. San Francisco, CA: Jossey-Bass. See also, Maslach, C., & Leiter, M.P. (1997). The truth about burnout: How organizations cause personal stress and what to do about it. San Francisco, CA: Jossey-Bass.
(2) See also Norlund, S. et al. (2010). Burnout, working conditions and gender. BMC Public Health 10, 326; and Rafferty, Y., Friend, R., & Landsbergis, P.A. (2001). The Association between job skill discretion, decision authority and burnout. Work Stress, 15, 73-85; and Schaufeli, W.B., & Bakker, A.B. (2004). Job demands, job resources, and their relationship with burnout and engagement: A multi-sample study. Journal of Organizational Behavior, 25, 293-315.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Bài đã đăng

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter