Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

HỌC THUYẾT PHÁT TRIỂN CỦA LEV VYGOTSKY (PHẦN 1) - MỘT VÀI SO SÁNH VỚI PIAGET

Piaget vs Vygotsky
Saul McLeod published 2007 updated 2014
Công trình nghiên cứu của Lev Vygotsky (1934) đã trở thành nền tảng cho rất nhiều nghiên cứu và học thuyết về phát triển nhận thức trong suốt nhiều thập kỷ, đặc biệt là công trình của ông về Lý thuyết Phát triển Xã hội.

Học thuyết của Vygotsky tập trung vào vai trò nền tảng của tương tác xã hội đối với sự phát triển nhận thức (Vygotsky, 1978) do ông có niềm tin mạnh mẽ rằng cộng đồng đóng vai trò trung tâm trong tiến trình “hình thành nghĩa”

Không giống với khái niệm của Piaget, cho rằng sự phát triển của trẻ em nhất thiết phải đi trước khả năng học tập. Vygotsky tranh luận rằng “học tập là một khía cạnh cần thiết và bao quát của tiến trình phát triển chức năng tâm lý nhân văn cụ thể, được cấu trúc theo văn hóa” (1978, p.30). Nói cách khác, học tập xã hội đi trước sự phát triển.

Vygotsky đã phát triển hướng tiếp cận văn hóa – xã hội về phát triển nhận thức. Ông xây dựng học thuyết của mình vào cùng khoảng thời gian Jean Piaget bắt đầu triển khai ý tưởng, tức là khoảng những năm 20 – 30 của thế kỷ 20. Tuy nhiên, Vygotsky qua đời vào tuổi 38 và học thuyết của ông vẫn còn dang dở, dù vậy, một số tác phẩm của ông vẫn đang được chuyển dịch từ tiếng Nga.

Theo ông, không có một nguyên tắc riêng lẻ nào (ví dụ nguyên tắc cân bằng của Piaget) chịu trách nhiệm cho toàn bộ sự phát triển. Sự phát triển cá nhân không thể được hiểu mà không liên hệ tới bối cảnh văn hóa và xã hội mà sự phát triển ấy gắn liền. Những tiến trình tinh thần bậc cao của cá nhân đều tìm thấy gốc gác từ những tiến trình xã hội.

Học thuyết của Vygotsky khác với học thuyết của Piaget ở một số điểm quan trọng sau:
1. Vygosky đặt nhiều quan tâm đến việc văn hóa ảnh hưởng/định hình đến sự phát triển nhận thức.
Điều này mâu thuẫn với quan điểm của Piaget về các giai đoạn phổ quát và nội dung của sự phát triển (Vygotsky không đề cập đến những giai đoạn như Piaget)
(i)            Vygotsky giả định sự phát triển nhận thức thay đổi giữa các nền văn hóa, trong khi Piaget cho rằng sự phát triển nhận thức mang tính phổ quát toàn cầu.

2. Vygotsky nhấn mạnh tầm ảnh hưởng của các nhân tố xã hội đến sự phát triển nhận thức (Piaget bị chỉ trích mạnh mẽ vì đánh giá thấp đặc điểm này)
(i)            Vygotsky cho rằng sự phát triển nhận thức bắt nguồn từ tương tác xã hội, từ học tập được định hướng trong vùng phát triển gần nhất khi trẻ cùng với cha mẹ cùng xây dựng kiến thức. Đối lập với quan điểm này, Piaget cho rằng sự phát triển nhận thức phần lớn bắt nguồn từ khả năng khám phá độc lập mà trong đó, trẻ tự tạo dựng hiểu biết của chính mình.
(ii)           Đối với Vygotsky, môi trường mà trẻ lớn lên sẽ ảnh hưởng đến cách thức và nội dung trẻ suy nghĩ.

3. Vygotsky nhấn mạnh vai trò của ngôn ngữ trong sự phát triển nhận thức (một lần nữa, Piaget lại bị phê bình vì thiếu quan tâm đến lĩnh vực này). Theo Vygotsky, sự phát triển nhận thức là kết quả của quá trình nội hóa ngôn ngữ.

4: Theo Piaget, ngôn ngữ phụ thuộc vào suy nghĩ để phát triển (có nghĩa là tư duy có trước ngôn ngữ). Còn Vygotsky quan niệm rằng, ngay từ khi sinh ra, tư duy và ngôn ngữ là những hệ thống phân tách riêng biệt. Vào khoảng ba tuổi, chúng mới trộn lẫn với nhau, tạo thành tư duy ngôn ngữ (phát biểu nội tâm).

Tác động của Văn hóa: - Những công cụ thích ứng trí tuệ
Giống Piaget, Vygotsky cho rằng trẻ sơ sinh được sinh ra với những chất liệu/khả năng cơ bản cần cho sự phát triển trí tuệ - Piaget tập trung vào những phản xạ vận động và các khả năng cảm giác.

Còn Lev Vygotsky đề cập đến Các Chức năng Tinh thần Sơ cấp
o Chú ý
o Cảm giác
oTri giác
oTrí nhớ

Cuối cùng, thông qua sự tương tác trong phạm vi môi trường văn hóa – xã hội, các chức năng trên phát triển thành những tiến trình/chiến lược tinh thần tinh tế và hiệu quả hơn. Điều mà Vygotsky gọi là Các Chức năng Tinh thần Bậc cao.

Ví dụ, trí nhớ của trẻ nhỏ bị giới hạn bởi những nhân tố sinh học. Tuy nhiên, văn hóa sẽ quyết định loại chiến thuật ghi nhớ mà chúng ta phát triển. Có nghĩa là, trong bối cảnh văn hóa của mình, chúng ta học cách ghi chú để hỗ trợ ghi nhớ, nhưng trong những xã hội thời kỳ tiền văn tự, họ bắt buộc phải sử dụng những chiến thuật khác, như thắt nút trên sợi dây để ghi nhớ, dùng đá cuội hay lặp lại tên của tổ tiên đến một số lượng đáng kể nào đó đủ để bắt đầu lặp lại.

Vygotsky cũng đề cập đến các công cụ thích nghi trí tuệ - cho phép trẻ sử dụng những chức năng tinh thần cơ bản một cách hiệu quả/thích ứng hơn, đồng thời những công cụ này đều được quyết định trên cơ sở văn hóa (như thuật nhớ, sơ đồ tư duy).

Vì thế, Vygotsky xem những chức năng nhận thức, cho dù một số được thực hiện độc lập, vẫn bị ảnh hưởng bởi những niềm tin, giá trị và các công cụ thích nghi trí tuệ của bối cảnh văn hóa nơi con người phát triển. Những chức năng này xem như được quyết định bởi văn hóa - xã hội. Do đó, các công cụ thích nghi trí tuệ biến đổi từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác.

Ảnh hưởng xã hội đến sự Phát triển Nhận thức
Giống như Piaget, Vygotsky tin rằng trẻ nhỏ rất tò mò và thường chủ động trong việc học tập, khám phá và phát triển những hiểu biết/ sơ cấu mới. Tuy nhiên, Vygotsky quan tâm nhiều hơn đến thành phần xã hội trong tiến trình phát triển trong khi Piaget lại nhấn mạnh khả năng tự khơi mào khám phá.

Theo Vygotsky (1978), phần lớn những điều quan trọng trẻ học được diễn ra thông qua tương tác xã hội với người hướng dẫn. Người hướng dẫn có thể làm mẫu những hành vi và/hoặc cung cấp những hướng dẫn bằng lời cho trẻ. Vygotsky nhắc đến những điều này như cuộc đối thoại cộng tác/tương tác. Đứa trẻ cố gắng hiểu được những hành động hoặc lời chỉ dẫn do người hướng dẫn đưa ra (thường là cha mẹ hoặc thầy cô giáo) sau đó nội hóa thông tin, sử dụng chúng để định hướng/điều chỉnh công việc của mình.


Shaffer (1996) đưa ra một ví dụ về việc một bé gái lần đầu tiên được cho xếp hình. Khi làm một mình, cô bé cố gắng hoàn thành nhiệm vụ một cách rất khó khăn. Sau đó, người cha đến ngồi cạnh cô bé, mô tả và làm mẫu một số cách làm cơ bản, như tìm tất cả các mảnh ghép ở góc/rìa rồi đưa cho em một số mảnh ghép để em tự đặt vào đồng thời khích lệ mỗi khi em thực hiện. Khi em đã trở nên thành thạo hơn, người cha để cho em làm việc độc lập hơn. Theo Vygotsky, kiểu tương tác xã hội này bao hàm việc đối thoại tương tác/cộng tác giúp thúc đẩy sự phát triển nhận thức.

McLeod, S. A. (2007). Lev Vygotsky. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Bài đã đăng

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter