Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2017

NUÔI DẠY MỘT THẾ HỆ ONLINE AN TOÀN VÀ TỬ TẾ

Những vấn đề thanh thiếu niên gặp phải trên mạng

- Monitor on Psychology – April 2017
Các nhà tâm lý đang làm việc với thiếu niên, giảng viên, phụ huynh và ngành công nghiệp kỹ thuật công nghệ để gia tăng nhận thức và ngăn ngừa bắt nạt trực tuyến.
Dưới cương vị là đồng quản lý Trung Tâm Nghiên Cứu về Bắt Nạt Trực Tuyến (Cyberbullying Research Center), TS tâm lý Justin Patchin đã nghe hàng ngàn câu chuyện đau lòng từ các thanh thiếu niên có hình ảnh bị giả mạo và phân tán qua tin nhắn với nội dung không đúng sự thật, cho đến các trẻ bị những thành viên trong các diễn đàn nói rằng chúng không được ai ưa thích và không nên tiếp tục sống.
Patchin cũng đã thực hiện nghiên cứu để xác định số lượng vấn đề. Theo một khảo sát thực hiện trên hơn 5000 học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, khoảng 33% cho rằng mình bị bắt nạt trên mạng tại một vài thời điểm, và gần 17% bị bắt nạt trực tuyến trong vòng 30 ngày gần nhất.
Bắt nạt trong thế giới ảo là những hành động gây tổn hại có chủ tâm và lặp đi lặp lại thông qua việc sử dụng máy tính, điện thoại di động, và những công cụ điện tử khác. Hình thức phổ biến nhất của bắt nạt qua mạng là những bình luận ác ý và gây tổn thương được đăng trực tuyến hoặc những tin đồn lưu thông trên mạng, Patchin, giáo sư tại đại học Wisconsin – Eau Claire, cho biết.
Trang web của trung tâm cung cấp những dữ liệu nghiên cứu và thông tin cho các nhà giáo dục, cha mẹ và thiếu niên về cách thế ngăn chặn và đối phó với bắt nạt trực tuyến. Khảo sát của Patchin tìm ra rằng những sự kiện đó để lại một số hệ quả: Hơn 10% học sinh cho biết các bạn bỏ học vì bị bắt nạt trên mạng, và 60% các bạn học sinh bị bắt nạt cho biết điều đó ảnh hưởng đến khả năng học tập và cảm giác an toàn của các em.
“Dữ liệu của chúng tôi cho thấy hàng triệu học sinh thôi học vì bị bắt nạt trong thế giới mạng,” Patchin phát biểu. “Bắt nạt qua mạng đặc biệt gây hại vì chúng mang tính ẩn danh, dễ lây lan và không chừa cho nạn nhân bất kỳ lối thoát nào bởi vì chúng ta luôn kết nối trực tuyến 24/7.”
Dữ liệu cũng chứng tỏ thanh thiếu niên thuộc các nhóm thiểu số bị bắt nạt do chủng tộc của mình nhiều hơn so với các nhóm không thuộc thiểu số, theo tiến sĩ Brendesha Tynes, giáo sư khoa tâm lý giáo dục trường Đại học Southern California (Journal of Adolescent Health, 2008). Trong một khảo sát trên nhóm sinh viên người Mỹ gốc Phi, người Mỹ La-tinh, người Á Châu và đa chủng tộc từ lớp 6 đến lớp 12, bà nhận thấy 42% thanh thiếu niên thiểu số đã trải qua ít nhất một lần bị phân biệt chủng tộc trực tiếp trên mạng trong năm đầu tiên đi học, và tỷ lệ này gia tăng khi bà tiếp tục nghiên cứu trên cùng nhóm sinh viên trong hai năm tiếp theo (Psychological Science Agenda, 2015). Sự gia tăng này xuất hiện bởi một số yếu tố, bao gồm việc làm mẫu và sự chấp nhận những hành vi này trong truyền thông và nền văn hóa Mỹ, Tynes cho biết.
Tương tự như việc bắt nạt trực tiếp, bắt nạt qua mạng cũng bao gồm sự mất cân bằng trong quyền lực, nhưng quyền lực ở đây được giành lấy theo một cách khác. Theo Trung Tâm Nghiên Cứu Bắt Nạt Trực Tuyến, trong bắt nạt truyền thống, quyền lực có thể đến từ thể trạng to khỏe, trí thông minh xã hội hoặc mức độ được yêu thích, trong khi những kẻ bắt nạt qua mạng có thể giành quyền kiểm soát bằng kiến thức hoặc sở hữu thông tin, hình ảnh hoặc video có khả năng làm hại người khác.
Trong khi hai loại bắt nạt trên mang đặc điểm riêng biệt, chúng vẫn có liên hệ với nhau, tiến sĩ Robin Kowalski, giáo sư đại học Clemson miền Nam Carolina, chuyên nghiên cứu về bắt nạt qua mạng cho biết. “Nghiên cứu của chúng tôi chứng tỏ thủ phạm thường không giới hạn trong một loại bắt nạt (đối mặt trực diện hay trong thế giới ảo) khi bắt nạt một nạn nhân,” bà cho hay. “Ngoài ra, nạn nhân của bắt nạt truyền thống có thể cảm thấy không thoải mái trong việc trả thù mặt đối mặt và họ có thể dùng bắt nạt qua mạng như một phương kế nếu họ cảm thấy hiểu biết về công nghệ của họ tốt hơn đối phương.”

CHIẾN LƯỢC PHÒNG NGỪA
Các nhà tâm lý học cũng xác định những cách thức giúp ngăn chặn và can thiệp chống lại bắt nạt trực tuyến. Một trong số họ là tiến sĩ Dorothy Espelage, giáo sư tâm lý học tại Đại học Florida, bà đã tìm ra bằng chứng cho thấy nhà trường có thể đóng vai trò quan trọng trong việc dạy trẻ em các hành vi trực tuyến lành mạnh. Nghiên cứu của bà cũng chứng minh trẻ em bị bắt nạt trên mạng thường gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc và hay có những thành kiến quy gán thù địch – khuynh hướng quy gán hành vi của người khác là có ý thù ghét, ngay cả khi chúng khá mơ hồ hoặc không gây hại.
Gần đây, bà vừa thực hiện một nghiên cứu kéo dài 3 năm trên 36 trường trung học thuộc bang Illinois và bang Kansas để đánh giá liệu một chương trình can thiệp về học tập cảm xúc xã hội, được gọi là Chương Trình Bước Thứ Hai (Second Step Program), có khả năng giảm thiểu bắt nạt hay không. Các nhà nghiên cứu huấn luyện giáo viên để dạy những bài học 50 phút mỗi tuần, trải dài suốt 41 tuần trong vòng 3 năm. Trẻ sẽ được học kỹ năng giải quyết vấn đề, như làm thế nào nhận ra quan điểm của những người có liên quan và làm sao tạo ra nhiều chọn lựa khác nhau để giải quyết một vấn đề. Các học sinh cũng khám phá điều gì sẽ xảy ra trong não bộ khi các em buồn phiền, và đâu là những chiến lược giúp các em trấn tĩnh lại, như là thở bằng bụng hay tự thoại tích cực. Cuối cùng, các học sinh được học về những nguy cơ của lạm dụng chất gây nghiện đối với các trẻ bị nạn nhân hoá. Mặc dù chương trình tập trung vào bắt nạt nói chung, dữ liệu của Espelage cho thấy, theo các bạn học sinh nhận định, can thiệp trên làm giảm cả hai loại bắt nạt truyền thống và trực tuyến khoảng từ 20 đến 40%(School Psychology Review, 2015).
“Chúng ta có thể làm giảm các hình thức khác nhau của việc gây hấn nếu cung cấp các chương trình học tập về cảm xúc – xã hội nhằm trang bị cho trẻ những kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng đối mặt với các yếu tố căng thẳng trong đời sống và tạo dựng lòng cảm thông,” bà cho biết.

CÔNG NGHỆ NHƯ MỘT PHẦN CỦA GIẢI PHÁP
Espelage và đồng nghiệp cũng phát triển một ứng dụng ngăn chặn bắt nạt có thể củng cố những điều mà trẻ học được trong lớp. Ứng dụng BullyDown sẽ gửi một số các câu hỏi đúng-sai qua tin nhắn, ví dụ như: “Các bạn trẻ hành động ‘khác người’ có nghĩa là đang muốn bị bắt nạt.” Sau khi người dùng trả lời, tin nhắn sẽ hiện lên, “Tất cả chúng ta đều khác biệt. Những trẻ em nhìn và hành động khác biệt chỉ là đang cố gắng để là chính mình. Họ cũng muốn có bạn như mọi người khác.” Những học sinh dùng ứng dụng này sẽ được ghép cặp với một người bạn qua tin nhắn để chia sẻ những điều chúng học được từ ứng dụng. (JMIR mHealth uHealth, 2016).
Khả năng điều chỉnh cảm xúc là thành phần trọng yếu của can thiệp, người tham gia cũng chia sẻ các chiến lược đương đầu được họ sử dụng như đọc sách/viết lách, nghe nhạc, bao gồm cả thở bụng và nói chuyện với anh chị em và cha mẹ khi họ buồn phiền hoặc căng thẳng. Một nghiên cứu nhỏ chứng tỏ 86% người tham gia, tuổi từ 13 đến 14 yêu thích ứng dụng BullyDown.
Tiến sĩ Susan Swearer thuộc trường Đại học Nebraska-Lincoln, là một chuyên viên nghiên cứu về bắt nạt và là cố vấn viên cho một giải pháp công nghệ khác: chiến dịch “Tôi là nhân chứng” của Hội Đồng Quảng Cáo (Ad Council), chiến lược này khuyến khích người ngoài cuộc hành động bằng cách gửi một biểu tượng hình mắt khi họ thấy một tình huống bắt nạt qua mạng. Nếu ai đó đăng một bình luận ác độc trên trang cá nhân của người khác, cá nhân có thể ủng hộ nạn nhân bằng cách đăng biểu tượng này. Ứng dụng “tôi là nhân chứng” cũng có thể cho người dùng tiếp cận với tin nhắn có những câu chữ được cách điệu như “đừng nghe họ”, với cỡ chữ lớn hơn hoặc phần nền màu sắc.  
Những công ty công nghệ bao gồm cả Apple ủng hộ phong trào bằng cách quảng bá biểu tượng trên. Ban cố vấn của Ad Council bao gồm các học giả và nhà tâm lý, vì vậy các chương trình sẽ được thông tin bởi các nghiên cứu, Swearer cho hay. “Đây là ví dụ tuyệt vời về sự hợp tác của ngành công nghệ và giới học thuật nhằm giúp giải quyết vấn đề,” bà nói.

ĐÔI LỜI VỚI CHA MẸ
Cha mẹ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn bắt nạt trực tuyến– và nghiên cứu cũng cho thấy trẻ em sẵn sang đón nhận sự can thiệp đến từ cha mẹ. Trong một nghiên cứu phỏng vấn nhóm tập trung (focus group), Kowalski nhận thấy các bạn trẻ mong muốn cha mẹ tham gia vào một mức độ nhất định (Journal of Adolescent Health, 2007). “Trẻ em muốn có người giám sát, nhưng không chõ mũi vào việc riêng của chúng,” bà nói. “Chúng thấy ổn nếu cha mẹ thỉnh thoảng tìm kiếm lịch sử duyệt web của chúng, nhưng chúng không muốn bị theo dõi bởi phần mềm cài đặt để quản lý tất cả mọi thứ trong máy tính.”
Dựa trên các nhóm thảo luận với thiếu niên, Swearer chỉ ra rằng việc cha mẹ có thái độ cởi mở và chân thành khi trò chuyện với con cái họ về những chỗ chúng thường lui tới trên mạng là rất quan trọng. Bà cũng nhấn mạnh rằng cha mẹ nên tránh cơn cám dỗ lấy đi điện thoại của trẻ nếu họ thấy những điều họ không thích vì sau đó con cái có thể sẽ ít trung thực với họ hơn. Thay vào đó, cha mẹ nên bộc lộ mong muốn bảo vệ con cái, và vì thế, họ muốn được tham gia vào mạng lưới xã hội của trẻ. (Swearer cũng theo dõi con gái tuổi teen của mình trên Facebook, Snapchat và Instagram, nhưng chỉ bình luận hoặc bấm like một bài đăng nếu con gái của bà yêu cầu bà làm thế).
Trong khi đó, tiến sĩ tâm lý của Đại học Arizona, Mike Sulkowski, đang làm việc trong một dự án giúp trao quyền cho thanh thiếu niên để họ tự bảo vệ . Ông hợp tác với một kỹ sư máy tính nhằm tạo ra một ứng dụng cho phép người trẻ - thay vì cha mẹ - chặn những kiểu nhắn tin nhất định nào đó hoặc nhắc nhở họ xem xét lại khi định gửi đi một tin nhắn có nội dung tiêu cực. Ứng dụng cũng nhạy cảm với những từ ngữ, hình ảnh hoặc các sản phẩm truyền thông có thể gây tổn thương hoặc không thích hợp. “Nó có thể được sử dụng để lọc mạng truyền thông tương tự như cách chúng ta loại bỏ các quảng cáo gây phiền toái,” ông nói.
Dựa trên các thông tin thu thập được từ những nhà lập trình và phân tích an ninh, Sulkowski đề nghị trẻ em không nên chấp nhận lời mời kết bạn hoặc yêu cầu tham gia một nhóm từ người không quen biết và các bạn cũng nên tránh đăng các hình ảnh hoặc đoạn clip nếu các bạn không sẵn sàng chia sẻ chúng với cha mẹ của mình.
“Về căn bản, người dùng Internet thông thường cần biết rằng mọi thứ họ làm trong không gian mạng hoặc thông qua việc dùng các kỹ thuật công nghệ mạng đều có thể bị lần ra dấu vết và có thể bị người khác truy cập.”


Dịch:  B.T - Hành lang Tâm lý

Một số bài viết khác có liên quan trên HLTL
KHÁC BIỆT TRONG VIỆC TIẾP CẬN TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI GIỮA NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH VÀ TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
http://hanhlangtamly.blogspot.com/2015/06/van-de-su-dung-mang-xa-hoi-cua-gioi-tre.html

LÀM CÁCH NÀO ĐỂ QUẢN LÝ TRUYỀN THÔNG TRONG GIA ĐÌNH?
http://hanhlangtamly.blogspot.com/2015/04/lam-cach-nao-quan-ly-truyen-thong-dien-thoai-con-cai.html

1 nhận xét:

  1. Muốn thành công chúng ta kết hợp rất nheieuf phương pháp mới nuôi dạy được trẻ bạn nhé >> Các loại niềng có mắc cài abnj có biết ?

    Trả lờiXóa

NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter