Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2017

TÂM LÝ HỌC CÓ THỂ LÀM GÌ GIÚP GIẢI QUYẾT BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Truyền thông về biến đổi khí hậu

Các tiến trình tâm lý ảnh hưởng đến những quyết định chúng ta đưa ra mỗi ngày, kể cả những quyết định sai lầm. Nó có thể khiến chúng ta không muốn trả tiền cho những dịch vụ công giúp ích cho tất cả mọi người, kể cả những người không trực tiếp đóng góp. Nó khiến chúng ta tập trung vào những lợi ích ngắn hạn và cố gắng tránh né những thiệt hại tức thì. Đồng thời, nguy hiểm hơn cả, nó khiến chúng ta bắt đầu lý trí hoá và chối bỏ vấn đề thay vì bắt tay vào việc cố gắng vượt qua thách thức.

Trong một nghiên cứu được xuất bản trên BioScience, các nhà khoa học, bao gồm các nhà nghiên cứu đến từ Stanford, đã tìm hiểu những rào cản ngăn chúng ta giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu cũng như đưa ra những chiến lược bao gồm giáo dục, truyền thông, và nhiều can thiệp hành vi khác nhau nhằm vượt qua những rào cản đó.
“Cái giá của việc không hành động có thể rất tồi tệ, gây ra giảm sản lượng thực phẩm, khiến mực nước biển nâng cao, gia tăng đói nghèo cùng những nguy cơ khác với sức khoẻ và phúc lợi của nhân loại”, giáo sư tâm lý học tại Stanford, đồng tác giả nghiên cứu, Lee Ross, cho biết.

Nhóm nghiên cứu tiếp cận các vấn đề toàn cầu bằng cách tìm kiếm những ví dụ về các can thiệp tâm lý giúp thúc đẩy các hành động về môi trường. Những thành công trên quy mô nhỏ có cả ứng dụng việc hàng xóm so sánh lẫn nhau. Trong một nghiên cứu gây chú ý, các nhà nghiên cứu chứng minh rằng người dân sẽ giảm mức sử dụng năng lượng chỉ bằng cách nói với họ rằng họ đang dùng năng lượng nhiều hơn hàng xóm.

Những thay đổi từng bước nhỏ trong lựa chọn và hành vi của từng gia đình, cũng như những sáng kiến và giải pháp địa phương giúp thúc đẩy tiết kiệm năng lượng, có thể tạo ra những quy tắc mới cùng đưa đến việc áp dụng hình phạt đối với những người vi phạm.

Tuy nhiên, thách thức thật sự nằm ở việc cần có những hành động phối hợp mang tính tập thể giúp đem lại những lợi ích thật sự, Ross cho biết.
“Các kế hoạch hữu hiệu, bao gồm nghiên cứu công nghệ, có thể có vai trò quan trọng trong các công việc cùng các ngành công nghiệp mới về môi trường. Nó có thể mang lại nhiều ích lợi cho đất nước và đời sống của người dân.”

Thế nhưng, xem ra công chúng vẫn chưa nhìn nhận đầy đủ sự cấp thiết của vấn đề khí hậu. Trong một khảo sát của Pew Research Center vào năm 2014, chỉ 29% người Mỹ được hỏi cho rằng hiện tượng Trái Đất nóng lên toàn cầu cần phải trở thành ưu tiên chính của Quốc hội và Tổng thống Hoa Kỳ; thấp hơn nhiều so với lượng người xem việc đẩy mạnh kinh tế (80%), cải thiện thị trường lao động (74%), hay chống lại chủ nghĩa khủng bố (73%) là những ưu tiên hàng đầu.

Một nghiên cứu đăng tải trên Perspectives on Psychological Science giúp giải thích lý do của hiện tượng trên. Tác giả nghiên cứu Sander van der Linden, Edward Maibach, và Anthony Leiserowitz — đã xem lại các nghiên cứu về tâm lý nhằm xác định những khía cạnh quan trọng của biến đổi khí hậu và truyền thông về biến đổi khí hậu đã gây ra những hệ quả về việc, một bên là, đánh giá sai mức độ cấp thiết so với tầm nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và, một bên là, sự thờ ơ của công chúng. Các nhà khoa học chỉ ra năm yếu tố của tâm lý con người khiến cho việc truyền thông về biến đổi khí hậu trở nên đặc biệt khó khăn. Đồng thời, các tác giả cũng đưa ra những khuyến nghị để giúp các chính sách cũng như truyền thông khoa học trở nên hữu hiệu hơn.

Sau đây là 5 yếu tố cùng các khuyến nghị đi kèm:
  • Đầu tiên, con người thường phản ứng nhiều hơn trước các trải nghiệm cá nhân so với những phân tích trừu tượng. Đây có thể là vấn đề vì biến đổi khí hậu thường được mô tả bằng các thuật ngữ rất trừu tượng và mang tính thống kê – chúng ra chỉ thấy con số và dữ liệu nhưng lại hiếm khi nhận ra tác động của biến đổi khí hậu trong các trải nghiệm thường nhật của bản thân. Các tác giả cho rằng “thông tin về các nguy cơ biến đổi khí hậu cần được diễn dịch thành các trải nghiệm cá nhân gần gũi và cụ thể.” May mắn thay (một cách trớ trêu), điều này có lẽ không quá khó: Biến đổi khí hậu đã đang diễn ra theo những cách ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của chính chúng ta.
  • Thứ hai, khi đối mặt với quy mô của biến đổi khí hậu, chúng ta dễ có cảm giác mình sẽ không làm được gì nhiều. Tuy nhiên thay vì thất vọng, chúng ta có thể cậy dựa vào việc chúng ta là những thực thể xã hội, chịu ảnh hưởng bởi những quy luật xã hội. Thúc đẩy cá nhân hành động có thể là một thách thức, tuy nhiên việc thiết lập và tưởng thưởng các quy luật cộng đồng hoàn toàn có thể giúp khuyến khích hành vi tích cực với môi trường, thậm chí ngay cả khi hành vi cá nhân xem ra chỉ như muối bỏ bể.
  • Thứ ba, chúng ta thường đánh giá những vấn đề cá nhân và tức thời khác cách chúng ta cân nhắc những vấn đề xa xôi và không chắc chắn. Chúng ta thường dễ bỏ qua các vấn đề biến đổi khí hậu nếu chúng được mô tả với khoảng cách thời gian và không gian lớn. Khi ra quyết định, ví dụ, những chi phí tức thời (như những bất tiện khi phải giảm lượng khí thải của cá nhân) thường có vẻ lớn, trong khi những chi phí chưa rõ (như những hệ quả của việc môi trường nóng dần lên) thường bị xem nhẹ. Truyền thông thay đổi khí hậu cần phải trở nên hiệu quả hơn bằng cách tập trung vào những tác động cụ thể của hiện tượng Trái Đất nóng dần lên trong khu vực với khoảng cách không gian và thời gian nhỏ hơn-tiêu biểu như những tác động chúng ta có thể thấy trong cộng đồng khu vực của mình.
  • Thứ tư, nghiên cứu cho thấy thái độ của chúng ta đối với những mối nguy cơ có thể phụ thuộc vào việc chúng ta suy nghĩ đến lợi ích hay đến thiệt hại tiềm tàng. Cụ thể, chúng ta thay có xu hướng chấp nhận rủi ro khi suy xét vấn đề dưới góc độ “thiệt hại”. Khả năng chất lượng cuộc sống bị sụt giảm là một rủi ro mà nhiều người sẵn sàng chấp nhận. Các tác giả viết “việc chuyển đổi cách nói chuyện về các chính sách từ những hệ quả tiêu cực tiềm tàng trong tương lai do không hành động (thiệt hại) trước biến đổi khí hậu sang những lợi ích tích cực của việc hành động tức thời có thể giúp làm tăng sự ủng hộ của công chúng.”
  • Cuối cùng, nghiên cứu cho rằng việc thúc đẩy hành vi với các phần thưởng bên ngoài (extrinsic reward) -như thưởng tiền giành cho việc tiết kiệm năng lượng-có thể trở nên hiệu quả hơn nếu kết hợp với việc khơi gợi những động lực bên trong (intrinsic motivation) để nâng cao phúc lợi cuộc sống và quan tâm đến môi trường. Cụ thể: “Khơi gợi động lực bên trong cần phải hiệu quả hơn và trở nên động lực lâu dài cho những hành vi thân thiện với môi trường.” Khi được thúc đẩy từ bên trong, các hành vi tích cực sẽ có khả năng được tiếp tục duy trì ngay cả khi phần thưởng bên ngoài đã chấm dứt, phần thưởng bên ngoài thậm chí có thể làm suy yếu những động lực bên trong dẫn đến sự thay đổi.

Tóm lại, biến đổi khí hậu thường được thể hiện như một khái niệm trừu tượng, có thiệt hại không rõ ràng, quá xa cách về không gian và thời gian, đồng thời cần phải có những phần thưởng bên ngoài để thúc đẩy cá nhân hành động. Các nghiên cứu tâm lý cho thấy đó là một sự kết hợp rất nguy hiểm, có thể khiến chúng ta đánh giá thấp rủi ro và ngăn chúng ta hành động. Thay vào đó, các nhà làm chính sách và truyền thông khoa học cần phải tập trung vào những đặc điểm cụ thể của biến đổi khí hậu trong trải nghiệm thường nhật, vào những hệ quả của hiện tượng nóng lên toàn cầu đang tác động đến cộng đồng ở đây và ngay lúc này, đồng thời hành động của chúng ta cần phải gắn với lợi ích thay vì thiệt hại, với các quy tắc xã hội và với những động lực bên trong của mỗi người.
Hành Lang Tâm Lý dịch và tổng hợp từ:



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter