Thứ Tư, 28 tháng 6, 2017

TẠI SAO CHÚNG TA KHÓ THỪA NHẬN SAI LẦM


Làm gì khi phạm sai lầm?
KRISTIN WONG MAY 22, 2017

Dù bạn có thiện chí hay cố gắng tới đâu, trong cuộc đời, không thể tránh khỏi có lúc bạn sẽ mắc sai lầm.
Sai lầm có thể sẽ khó nuốt trôi, vì vậy đôi lúc chúng ta tìm cách lẩn trốn thay vì đối mặt với chúng. Thiên kiến xác nhận (confirmation bias) sẽ xuất hiện, khiến chúng ta chỉ tìm kiếm bằng chứng bảo vệ những điều mà chúng ta tin tưởng. Ví dụ, bạn vừa quẹt xe với một chiếc xe đã có sẵn nhiều vết móp, điều đó mặc nhiên có nghĩa là lỗi nằm ở người tài xế kia.
Các nhà tâm lý gọi đó là hiện tượng xung đột nhận thức (cognitive dissonance) sự căng thẳng chúng ta cảm nhận khi hai suy nghĩ, niềm tin, ý kiến hay thái độ trái ngược nhau cùng tồn tại. Ví dụ, bạn có thể tin rằng bạn là một người tốt bụng và công tâm, vì vậy một khi lỡ quẹt xe ngừoi khác, bạn sẽ trải nghiệm xung đột về nhận thức. Để đối mặt với nó, bạn sẽ từ chối rằng mình sai lầm và quả quyết rằng người lái xe kia đáng lẽ phải thấy bạn, hay bạn vẫn đang đi đúng luật ngay cả khi thực tế không phải vậy.
“Xung đột nhận thức là những gì chúng ta cảm thấy khi nhận thức về bản thân (self-concept)-tôi là người thông minh, tốt bụng, tôi cho rằng niềm tin đó là đúng đắn- bị đe doạ bởi những bằng chứng cho thấy chúng ta đã làm gì đó không thông minh, làm tổn hại đến người khác, hay một niềm tin nào đó là không đúng”, Carol Tavris, đồng tác giả cuốn sách“Mistakes Were Made (But Not by Me), cho biết.”
Mặt khác, chúng ta có thể phòng vệ bằng cách giải thích biện hộ cho sai lầm của mình. Tâm lý gia Leon Festinger đưa ra thuyết xung đột nhận thức vào những năm 50 khi ông đang nghiên cứu một giáo phái nhỏ tin rằng đĩa bay sẽ cứu họ thoát khỏi ngày tận thế vào ngày 20 tháng 12 năm 1954. Khi công bố nghiên cứu trong cuốn sách “When Prophecy Fails,” ông viết rằng giáo phái trên đã bào chữa cho niềm tin của mình và cho rằng Thượng đế chỉ đơn giản quyết định tha mạng cho các thành viên của giáo phái. Việc cậy dựa vào lời giải thích trên giúp những người trong giáo phái đương đầu với chính xung đột nhận thức của họ.
“Xung đột rất khó chịu và chúng ta bị thúc đẩy để giảm thiểu nó,” Tavis cho biết.
Khi chúng ta xin lỗi vì làm sai, chúng ta phải chấp nhận xung đột này, và điều đó khiến chúng ta khó chịu. Ngược lại, nghiên cứu cho thấy việc bám dính lấy sai lầm lại mang đến cảm giác dễ chịu. Một nghiên cứu đăng trên European Journal of Social Psychology cho thấy những người từ chối xin lỗi sau khi mắc sai lầm thường có mức tự trọng, cảm giác kiểm soát và quyền lực cao hơn những người không từ chối.
“Một cách nào đó, việc xin lỗi đem lại quyền lực cho người được xin lỗi,” Tyler Okimoto, tác giả của nghiên cứu, cho biết. “Ví dụ, tôi xin lỗi vợ có nghĩa là tôi thừa nhận sai lầm của mình; nhưng nó cũng đưa đến cho cô ta quyền lựa chọn liệu cô ấy muốn làm giảm sự xấu hổ của tôi qua việc tha thứ, hay làm tăng sự hổ thẹn bằng cách tiếp tục chì chiết. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những người từ chối xin lỗi có trải nghiệm cảm giác quyền lực và kiểm soát cá nhân tăng nhẹ trong thời gian ngắn.”
Cảm giác quyền lực có thể là một lợi ích hấp dẫn ngắn hạn. Tuy nhiên, nó có thể có những hệ quả dài hạn. Từ chối xin lỗi có thể đe doạ “sự tin tưởng mà mối quan hệ được xây dựng trên đó”, Okimoto nhận xét, ông còn cho rằng nó có thể kéo dài mâu thuẫn và khuyến khích sự bực tức hay trả thù.
Theo các chuyên gia, khi bạn từ chối thừa nhận sai lầm, bạn cũng đang ít cởi mở hơn với những phê bình mang tính xây dựng. Những phê bình này có thể giúp bạn rèn luyện kĩ năng, sửa chữa những thói quen tiêu cực và sau cùng, cải thiện bản thân.
“Chúng ta bám dính những hành vi cũ, ngay cả khi những hành vi mới tốt đẹp, khoẻ mạnh và thông minh hơn. Chúng ta bám vào những niềm tin khiến chúng ta tự thất bại quá mức thời gian cho phép,” Tavris chia sẻ. “Và chúng ta khiến vợ chồng, đồng nghiệp và con cái rất, rất khó chịu với chúng ta.”
Một nghiên cứu khác do các nhà nghiên cứu tại Stanford, Carol Dweck và Karina Schumann, cho thấy con người thường sẵn sàng chịu trách nhiệm cho sai lầm nếu họ tin rằng họ có khả năng thay đổi hành vi của mình. Tuy vậy, điều này khó thực hiện hơn chúng ta nghĩ, vậy làm cách nào bạn có thể thay đổi hành vi và học cách chấp nhận sai lầm?
Đầu tiên, bạn cần nhận thấy những xung đột nhận thức đang diễn ra. Tâm trí bạn hoạt động rất tích cực để bảo toàn cảm giác nhân dạng của bạn (sense of identity), cho nên việc nhận ra xung đột nhận thức có cảm giác như thế nào rất hữu dụng. Điển hình, nó được biểu hiện qua việc cảm thấy bối rối, căng thẳng, xấu hổ hay cảm thấy tội lỗi. Những cảm giác đó không nhất thiết có nghĩa là bạn đang làm sai, nhưng bạn ít nhất có thể dùng chúng để nhắc nhở bản thân nên nhìn tình huống bằng một góc nhìn đa chiều và nên đặt câu hỏi khách quan với bản thân rằng liệu bạn có đang làm điều gì có lỗi hay không.
Tương tự, bạn cũng có thể học cách nhận ra những lời biện hộ và lý trí hoá thông thường của bản thân. Hãy nghĩ về một thời điểm bạn làm sai và biết rằng bạn đang phạm lỗi, tuy nhiên hãy thử biện hộ cho nó. Hãy nhớ khi bạn dùng lí trí bảo vệ cho hành vi của mình thì sẽ có cảm giác gì và hãy dùng nó như tín hiệu cảnh báo xung đột nhận thức khi nó xuất hiện vào lần tiếp theo.
Okimoto cũng cho biết nên nhớ rằng người khác thường dễ tha thứ hơn bạn nghĩ. Những nét tính cách như trung thực và khiêm tốn khiến cho bạn trở nên con người hơn và nhờ vậy, trở nên hoà đồng hơn. Bên cạnh đó, khi bạn rõ ràng đã làm sai, việc từ chối xin lỗi sẽ cho thấy mức bạn tin tưởng vào bản thân (self-confidence) khá thấp.
“Nếu với mọi người, rõ ràng bạn đã mắc sai lầm, việc bảo thủ từ chối nó sẽ khiến cho mọi người nhận thấy những khuyết điểm thay vì ưu điểm trong tính cách của bạn.”
Dịch: Hành Lang Tâm Lý


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter