Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2017

BÌNH ĐẲNG GIỚI CHÍNH XÁC LÀ GÌ?

Bình đẳng liệu có phải tương đồng?

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả TS. Joe Herbert
Chúng ta hiếm khi thấy phụ nữ làm thợ cơ khí hay thợ sửa ống nước, tuy nhiên điều này không phải là không thể xảy ra. Mặt khác, dù số sinh viên nam và nữ ngành Y ở Mỹ và Anh là ngang bằng nhau, chỉ 35% số lượng bác sĩ hiện tại là nữ. Nữ giới chỉ chiếm 5-10% các bác sĩ phẫu thuật não, 20-25% các nhà thần kinh học, 40-50% số lượng bác sĩ tâm thần. Tại sao lại như vậy và liệu chúng ta có phải lo lắng về điều này? Liệu chúng ta có cần đòi hỏi luật pháp quy định tỉ lệ bác sĩ phẫu thuật nữ là 50%? Hay số lượng bác sĩ tâm thần nữ cũng không được vượt quá 50%?
Có một điểm rõ ràng: có sự khác biệt giữa nam và nữ trong mục tiêu, khả năng và cơ hội mà họ có. Tại sao lại có sự khác biệt này? Câu trả lời căn bản nhất là do sự kết hợp giữa di truyền và môi trường: mỗi nam hay nữ giới đều được sinh ra với một tập hợp di truyền có thể ảnh hưởng (hoặc không ảnh hưởng) tới lựa chọn và cơ hội của họ trong cuộc sống. Sau đó môi trường sẽ tham gia vào câu chuyện. Nếu bạn bẩm sinh giỏi về âm nhạc, bạn có thể thích học chơi một loại nhạc cụ nào đấy. Dù vậy, nếu bạn sinh ra trong một gia đình không đủ điều kiện để bạn theo học âm nhạc, bạn có thể sẽ không được phát huy được tiềm năng tối đa của năng lực trên. Tuy nhiên, dù được đáp ứng mọi cơ hội, bạn vẫn không thể biết được liệu cuối cùng mình có khả năng thành công hay không.  Có những yếu tố khác nhau quyết định thành quả của mỗi người.
Giới là một trong những yếu tố đó. Một số người sẽ không đồng tình với bất kỳ ý kiến nào cho rằng có sự khác biệt giữa nam và nữ. Không may là sinh học lại có ý kiến khác. Nữ giới có hai nhiễm sắc thể X, nam giới chỉ có một nhiễm sắc thể X và một nhiễm sắc thể Y. Nhiễm sắc thể Y có một chức năng quan trọng: trong giai đoạn bào thai, từ một cấu trúc ban đầu, nó giúp hình thành tinh hoàn thay vì trở thành buồng trứng. Tinh hoàn sẽ tiết testosterone có vai trò quan trọng trong việc phát triển não bộ và tác động lên hành vi. Có những gene khác trong nhiễm sắc thể Y cũng góp phần làm nên sự ‘nam tính’. Testosterone có ý nghĩa rất lớn trong quá trình phát triển của não bộ, góp phần tạo nên sự khác biệt nhất định trong cấu trúc não giữa nam và nữ. Thiếu testosterone cũng đồng nghĩa với việc xuất hiện các hành vi được gắn với sự ‘nữ tính’.
Trẻ nam hay chơi xe hơi, súng ống và chạy nhảy trong khi trẻ gái lại khác. Có ý kiến cho rằng đó là kết quả của áp lực xã hội: cha mẹ mong muốn con mình tham gia các hoạt động phân biệt về giới và củng cố cho các hành vi ‘phù hợp’ của trẻ. Tuy nhiên, nếu bạn đưa xe lửa và búp bê cho những trẻ thuộc các nền văn hoá chưa bao giờ biết đến hai vật trên, trẻ nam vẫn sẽ chơi xe lửa và trẻ nữ vẫn sẽ chơi búp bê. Trẻ nữ lúc trong dạ mẹ tiếp xúc với mức testerone cao khác thường sẽ hay chơi giống trẻ nam. Ngược lại, trẻ nam về di truyền không phản ứng với testerone sẽ hay chơi như trẻ nữ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cha mẹ không có ảnh hưởng lên hành vi của con cái. Sự tương tác giữa sinh học và xã hội hoá luôn tồn tại, không có yếu tố nào đứng riêng lẻ một mình. Việc từ chối một trong hai yếu tố trên là huyễn hoặc và thiếu hợp lý.
Nếu tôi nói với bạn: “Đa phần đàn ông mạnh hơn phụ nữ”, sẽ rất khó để bạn phản đối điều này mặc dù chúng ta biết vẫn có những phụ nữ mạnh hơn mọt số đàn ông nhất định. Ngoài ra, sức mạnh của đàn ông còn phụ thuộc vào nhiều thứ như di truyền, tuổi tác, dinh dưỡng, thể trạng và luyện tập. Điều này minh hoạ cho sự vô lý khi chỉ chọn một phe trong các cuộc tranh luận về ‘tự nhiên/nuôi dạy’, ‘di truyền/ môi trường’ khi chính những tương tác giữa các yếu tố này mới là thứ đem lại nhiều thú vị. Sự chú ý dành cho ngành ngoại sinh học (hay di truyền biểu sinh – epigenetics, ngành khoa học nghiên cứu về tác nhân môi trường kích hoạt hay ức chế các đặc tính di truyền ra sao – ghi chú của người dịch) hiện nay là một ví dụ làm rõ hơn cho vấn đề này.
Khác biệt về giới trong hành vi cũng có tồn tại tuy có nhiều ngoại lệ trùng lặp, giống như ví dụ về sức mạnh ở trên. Nếu bạn đi đến một buổi triển lãm xe, phần lớn đám đông sẽ là nam giới: nhưng ít nhất cũng có một số phụ nữ xuất hiện ở đó không đơn thuần chỉ đi vì nghĩa vụ phải đi cùng nam giới. Họ thật sự quan tâm đến xe cộ và không ai cản họ làm điều đó. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ có một số đàn ông trong đám đông đó buông lời nhận xét về những khác biệt về giới. Những phụ nữ không tham gia có lẽ cũng quyết định tránh xa các buổi triển lãm trên vì điều đó. Nghiên cứu cho thấy đàn ông thường quan tâm đến ‘sự vật’ (như máy móc) hơn phụ nữ, trong khi phụ nữ quan tâm đến con người (‘thấu cảm’) nhiều hơn nam giới. Quan trọng là cần phải nhấn mạnh một lần nữa những khía cạnh trên có trùng lắp nhất định: một số phụ nữ sẽ thích thú với máy móc hơn một số đàn ông và ngược lại. Liệu tất cả là do cách nuôi dạy hay kì vọng xã hội? Chúng ta cần phải sẵn sàng chấp nhận cả sinh học và xã hội là những yếu tố tác động đến vấn đề trên. Chúng ta đã chấp nhận những khác biệt cơ thể liên quan đến giới như cơ bắp; cấu trúc não bộ cũng nhạy cảm với khác biệt về testerone (Herbert, 2015), vậy tại sao vẫn có những sự chống đối nhất định dành cho những khác biệt hành vi có liên quan đến giới?
Có lẽ các hoàn cảnh thể lý hay khuếch đại những khac biệt về giới. Làm việc trong hầm mỏ, cày ruộng, săn bắn, ném giáo mác – tất cả đều cần những đặc tính thường đa phần giới hạn ở nam giới. Tuy nhiên mọi thứ đang thay đổi. Một nút bấm hay màn hình cảm ứng có thể điều khiển máy móc hiện đại. Vũ khí hiện đại, máy bay không người lái được kích hoạt bởi máy tính hoàn toàn không cần khả năng về cơ bắp. Phụ nữ ngày càng nắm những vai trò quan trọng hơn trong đời sống chính trị, công nghiệp và quân sự. Tuy những điều này không xoá bỏ hoàn toàn thực tế về khác biệt về giới trong hành vi, chúng ta cũng cần quan tâm việc liệu những thay đổi này đến từ các yếu tố khác biệt về thể lý và vai trò xã hội hay đến từ các đặc tính hành vi về giới có liên quan đến động lực và nhận thức. Khi những yêu cầu về thể lý trong các nhiệm vụ từng mang tính chuyên biệt về giới không còn phụ thuộc vào cơ bắp, việc quan sát những khác biệt về giới thật sự trong khả năng và năng khiếu sẽ trở nên dễ dàng hơn. Giả sử, nếu tất cả những yếu tố gây nhiễu về cơ bắp bị loại trừ. Có khả năng cao chúng ta sẽ vẫn thấy những khác biệt tồn tại, mặc dù có lẽ không quá khác những gì chúng ta đôi khi vẫn thấy như hiện nay. Thật vậy, sự phát triển trong những hoạt động của con người, ví dụ như trò chơi điện tử, có thể sẽ làm bộc lộ nhiều khác biệt mới về giới trong hành vi.
Con người có khả năng đặc biệt trong việc nhận ra, bù đắp và điều chỉnh các khác biệt về giới thông qua các phương tiện chính trị và xã hội. Nếu bạn tìm hiểu vai trò xã hội của tinh tinh cái qua hàng thế kỷ, bạn sẽ không thấy sự khác biệt. Hơn nữa, hành vi của tinh tinh cái với tinh tinh đực hoàn toàn giống nhau bất kể khu rừng này hay khu rừng khác. Vẫn có những thay đổi về hành vi ở các loài linh trưởng (ngoài con người), chúng thích nghi với cuộc sống ở môi trường chúng sinh sống, tuy nhiên điều này hoàn toàn khác về bản chất với những gì xảy ra ở con người. Não bộ cho chúng ta khả năng độc nhất trong việc nhìn nhận và thông hiểu những tương tác xã hội và bản chất của chúng, từ đó quyết định, ở một mức độ nhất định, chúng ta muốn nó diễn ra như thế nào. Chúng ta không chỉ phản ứng với những điều kiện vậy lý của môi trường mà còn đưa ra những quyết định đạo đức và chính trị một cách có suy xét, tuy đôi khi chúng không đồng nhất với ‘ý đồ’ sinh học. So sánh ngắn gọn về sự khác biệt của vai trò nữ giới ở Mỹ hay Anh cách đây 200 năm và hiện tại sẽ minh chứng cho luận điểm này. Chúng ta cũng có thể so sánh vị thế hiện tại của phụ nữ ở các nước Tây Âu và, ví dụ, với các nước Trung Đông như Saudi Arabia. Vai trò của đàn ông và phụ nữ trong xã hội, đồng thời cách họ tương tác, đã thay đổi suốt hàng trăm năm, đôi khi nhanh, đôi khi chậm, và chúng cũng khác biệt ở những xã hội khác nhau. Chúng ta không thể nói đơn thuần tất cả là do ‘sinh học’ hay ‘xã hội’: sự thật là não bộ con người có những phẩm chất và khả năng (một sự thật về sinh học) để khiến cho tiến hoá xã hội trở nên khả thi và phong phú.
Bình đẳng giới không phải nằm ở con số. Chúng ta cần học cách cảm thấy thoải mái với việc đa số thợ sửa ống nước sẽ là nam và phần lớn y tá sẽ là nữ - tuy nhiên với một phần phụ đính: bất kể ai, bất kể giới tính ra sao, khi có động lực và khả năng để thực hiện một việc gì đó, hay trở thành một ai đó, đều sẽ có cơ hội để hiện thực nó. Cơ hội có nghĩa là xã hội chấp nhận bất kể ai cũng có thể làm được bất cứ công việc gì mà không có bất kỳ cấm cản nào về giới tính, sắc tộc hay hoàn cảnh tuy rằng những khác biệt cá nhân trong tham vọng và khả năng vẫn tồn tại. Nếu điều này khiến cho việc đa số các bác sĩ phẫu thuật là nam giới và đa số các bác sĩ tâm thần là nữ giới, không có vấn đề gì cả. Đương nhiên, chúng ta vẫn chưa đạt đến ‘cảnh giới’ đó: nữ giới, bất kể dù ở quốc gia ‘hiện đại’ đến đâu, vẫn không phải lúc nào cũng có sự công bằng về cơ hội. Vẫn có những áp lực và định kiến xã hội. Việc phụ nữ bị đè nén là mộ sự thật lịch sử và là một sự thật hiện tại, chính việc nhận ra điều này đã đem đến một trong những làn song xã hội chính trị quan trọng nhất trong thế kỷ 20, phong trào nữ quyền. Tuy nhiên, việc từ chối sự tồn tại của những khác biệt sinh học về giới đóng góp cho sự phong phú của loài người là sự từ chối và hiểu sai một khía cạnh của đặc tính cá nhân. Chúng ta không được nhầm lẫn giữa bình đẳng và tương đồng.


Dịch: Hành Lang Tâm Lý

Tham khảo 
Herbert, J. (2015). Testosterone: The molecule behind power, sex, and the will to win. OUP Oxford.


1 nhận xét:

NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter