"Một cảm xúc có thể tiêu cực trong hoàn cảnh này nhưng tích cực trong hoàn cảnh khác" |
14/08/2017
Nghiên cứu mâu thuẫn với ý kiến
cho rằng con người chỉ nên tìm kiếm sự vui thích để đạt được hạnh phúc.
Theo một nghiên cứu được công bố bởi APA, chúng ta sẽ hạnh phúc
hơn khi được cảm nhận những xúc cảm mà bản thân mong muốn, kể cả khi đó là những cảm
xúc không dễ chịu, như giận dữ hay căm ghét.
“Hạnh phúc không chỉ là những cảm giác vui sướng giản đơn hay việc
né tránh đau khổ. Hạnh phúc là có được những trải nghiệm có ý nghĩa và đáng
giá, bao gồm cả những cảm xúc mà bạn nghĩ chúng đáng có,” TS. Maya Tamir, giáo
sư tâm lý học tại ĐH Hebrew, Jerusalem, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết. “Mọi
cảm xúc có thể là tích cực trong hoàn cảnh này và tiêu cực trong tình huống
khác, bất kể chúng dễ chịu hay khó chịu.”
Nghiên cứu xuyên văn hóa trên khảo sát 2,324 sinh viên đại học ở 8
quốc gia: Hoa Kỳ, Brazil, Trung Quốc, Đức, Ghana, Israel, Ba Lan và Singapore.
Được xuất bản trực tuyến trên Journal
of Experimental Psychology: General® , đây là nghiên cứu đầu tiên
tìm thấy mối liên hệ giữa hạnh phúc và việc trải nghiệm những cảm xúc mà một
người muốn có, kể cả khi đó là những cảm xúc gây khó chịu, Tamir cho biết.
Nhìn chung, những người tham gia mong muốn trải nghiệm nhiều cảm
xúc vui tươi và ít cảm xúc khó chịu hơn so với thực tế đời sống của họ. Tuy
nhiên không phải mọi trường hợp đều như vậy. Thú vị là, 11% những người tham
gia muốn ít trải qua những cảm xúc siêu việt (transcendent emotions) như tình yêu và sự cảm thông so với những trải
nghiệm thường nhật của họ. Đồng thời, 10% muốn cảm nhận nhiều hơn những cảm xúc
khó chịu như giận dữ hay căm ghét. Chỉ có một số ít trùng lặp giữa hai nhóm
này.
Ví dụ, một người không cảm thấy tức giận khi đọc về một trường hợp
lạm dụng ở trẻ em, họ có thể nghĩ rằng mình nên giận dữ nhiều hơn trước hoàn
cảnh mà nạn nhân phải chịu, vì thế họ mong muốn có nhiều cảm xúc phẫn nộ hơn họ
thực sự có trong thời điểm đó, Tamir giải thích. Một phụ nữ muốn rời bỏ một
người chồng bạo hành nhưng không sẵn lòng làm điều đó, cô ấy có lẽ sẽ hạnh phúc
hơn nếu cô ít yêu anh ta hơn, Tamir cho biết thêm.
Người tham gia được khảo sát về cảm xúc mà họ mong muốn và cảm xúc
họ trải nghiệm thực tế trong cuộc sống. Họ cũng được yêu cầu tự đánh giá mức độ
hài lòng với cuộc sống và các triệu chứng trầm cảm của bản thân. Xuyên suốt các
nền văn hóa trong nghiên cứu, những người tham gia nào trải nghiệm nhiều cảm
xúc mà họ mong đợi cho thấy có mức hài lòng cao hơn và ít triệu chứng trầm cảm
hơn, bất kể những cảm xúc được mong muốn đó là dễ chịu hay khó chịu. Tuy nhiên,
cần có thêm nghiên cứu sâu hơn để kiểm chứng liệu những cảm xúc mà chúng ta mong
đợi thực sự có ảnh hưởng đến hạnh phúc hay không hay chỉ đơn thuần là có mối
liên hệ với nó, Tamir cho biết.
Nghiên cứu chỉ đánh giá một phạm vi của cảm xúc không dễ chịu được
biết đến như các cảm xúc tự-củng cố tiêu cực, gồm có căm ghét, gây hấn, tức
giận và coi thường. Nghiên cứu trong tương lai sẽ khảo sát các cảm xúc gây khó
chịu khác, như sợ hãi, tội lỗi, buồn bã hay xấu hổ. Cảm xúc dễ chịu được xem
xét trong nghiên cứu gồm có thông cảm, yêu thương, tin tưởng, đam mê, mãn
nguyện và phấn khởi. Nghiên cứu trước đây cho thấy cảm xúc mà con người mong
đợi có liên hệ với các giá trị và tiêu chuẩn văn hóa của họ. Tuy nhiên, những
liên kết này không được kiểm chứng trực tiếp trong nghiên cứu.
Theo Tamir, nghiên cứu làm sáng tỏ phần nào những mong đợi phi
thực tế mà nhiều người có về chính cảm xúc của họ.
“Trong các nền văn hóa
phương Tây, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, con người lúc nào cũng mong muốn được cảm
thấy thoải mái, dễ chịu”, Tamir cho biết. “Thậm chí ngay cả khi họ thấy vui vẻ gần
như mọi lúc, họ vẫn nghĩ rằng mình còn có thể cảm thấy dễ chịu hơn thế nữa,
chính điều đó cuối cùng lại khiến họ ít hạnh phúc hơn.”
Link nghiên cứu
Dịch: S.N-Hành Lang Tâm
Lý
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét