Thứ Năm, 5 tháng 3, 2015

TRỊ LIỆU TÂM LÝ LÀ MỘT NGHỆ THUẬT

Trị liệu tâm lý là một nghệ thuật
wallpaperup.com/531279/Artistic_-_Painting_sky_feather_bird_free_boy_book.html

27/01/2015
Mấy chục năm về trước, vào ngày tôi gửi bản thảo cuốn sách thứ sáu của mình, bất chợt, ý tưởng rời bỏ cuộc sống này bằng cách lao mình vào một chiếc xe buýt đang chạy hoàn toàn xâm chiếm tôi. Bước đến bên vệ đường, nhích thêm một bước, chần chừ, để chiếc xe buýt chạy qua, rồi lại quyết định quay về nhà. Nhà, nơi mà lúc đó, nếu một trong những đứa con 4, 2 hay 1 tuổi có tỏ ý khinh thường mình như thế nào đi nữa, tôi đã tưởng tượng sẽ bế nó lên, quẳng vào tường hay ra ngoài cửa sổ ra sao.  
Khi trở về, tôi tránh mặt chúng và gọi cho bác sĩ gia đình của minh. Một tiếng đồng hồ sau, tôi ngồi trong văn phòng của ông và nói, dù trước đây đã biết về những cảm giác tương tự nhưng chưa bao giờ chúng lại tràn ngập một cách thực tế rõ ràng như vậy. Một lát sau, sau khi tôi ngừng run rẩy và đồng ý sẽ đi gặp Jean Franklin, một bác sĩ tâm thần do vị bác sĩ gia đình đề nghị, chúng tôi đồng ý rằng tôi đã đủ “an toàn” để trở về nhà.
Tôi gặp Tiến sĩ Franklin hai lần trong tuần đó. Trong buổi làm việc đầu tiên, tôi tiết lộ điều khiến mình bối rối  chính là việc cảm giác đó ùa đến theo cách kinh khủng nhất lúc mọi chuyện vẫn, hay trông có vẻ đang, tốt đẹp. Phần lớn cuộc đời, tôi sống chung với nỗi sợ rằng mình chẳng thể bao giờ xuất bản được một cuốn sách, và vì vậy, tôi né tránh hôn nhân để nỗi thất vọng về một cuộc sống văn sĩ vô danh không thể đè nặng lên người vợ và gia đình. Nỗi sợ này đôi khi đi kèm với giận dữ, trầm cảm và, một lần cách đây 15 năm, ý tưởng tự sát. Bây giờ, vào tuổi 37, tôi đã có một cuộc sống tốt đẹp hơn bất kỳ điều gì tôi từng mường tượng. Tôi xuất bản năm cuốn sách (sau khi đã có tận tám cuốn sách không được xuất bản đến năm 27 tuổi); cưới vợ và có ba đứa con xinh đẹp, mạnh khỏe. Đời tôi không phải là câu chuyện thất bại, như người cha của tôi, và cũng chẳng trở nên điên loạn như Robert, người em trai đã phải vào viện.
Sau bốn tuần trị liệu tâm lý, Ts. Franklin và tôi đều nhất trí rằng con quái vật trỗi dậy bên trong nay đã lại yên giấc an toàn. Nhưng bà vẫn khuyến khích tôi tiếp tục đến trị liệu. Bà nói, “Tôi nghĩ anh sẽ thấy nó đáng giá.”
Tôi đến buổi tiếp theo một cách khá miễn cưỡng. Cùng lúc đó, người em của tôi đang ra vào các khu điều trị và bệnh viện tâm thần khoảng hơn chục lần mỗi năm, đó là chưa kể bốn năm rưỡi kinh khủng và tồi tệ trong bệnh viện Creedmoor, khu Queens. Vì thế, xem như tôi đã chứng kiến những điều tồi tệ nhất mà bệnh tâm thần có thể mang lại. Tôi lo sợ, đi trị liệu cũng có thể đồng nghĩa với việc phát hiện ra thực tế rằng tôi điên khùng, nỗi sợ gắn liền với mong muốn được đổi chỗ cho Robert – vì lẽ chẳng phải thực tế rằng Robert phải nhập viện trong khi tôi được tự do là minh chứng cho việc anh là vật hiến tế còn tôi phải dối lừa cả thế giới tin rằng mình bình thường hay sao?
Tuy miễn cưỡng, tôi vẫn đến trị liệu, ba lần mỗi tuần, suốt sáu năm tiếp theo. Và rồi, 2 năm sau đó, gia đình tôi tan vỡ, tôi trở thành người cha đơn thân với ba đứa con của mình, tôi vẫn trở lại và tiếp tục trị liệu, hai lần mỗi tuần, trong 8 năm nữa. Buổi này đến buổi khác, tôi chia sẻ trong tự do và tin tưởng về mọi thứ, mọi điều – từ những giấc mơ, ký ức, cho đến những nghi ngờ, sợ hãi – và về những điều được ẩn giấu trong những khung phòng đóng kín tâm trí tôi. Tôi đến những buôi trị liệu với cùng nguồn năng lượng, cường độ và một chút vui thú như những gì tôi đưa vào trang sách: Tôi mang đến nhật ký, thư từ, sách vở, hình ảnh, máy đánh chữ, găng bóng chày và cả những bản thảo còn đang dang dở. [Đây là bài tập mà thân chủ mỗi ngày mang đến một đồ vật để nói về bản thân mình – chú thích của người dịch]. Tôi mong nhà trị liệu hiểu mình đến độ có ngày mang đến cả một núi đồ vật để kể lể, trình bày chất đầy chiếc xe cút kít đồ chơi của con tôi.   
Tôi đến trị liệu, một cách thật từ tốn, chẳng chỉ đơn thuần nhớ lại những trải nghiệm hay cảm giác đã qua, mà còn để sống lại chúng. Và hóa ra nó không hề xa lạ với những gì tôi biết khi viết chuyện viễn tưởng: Khi sáng tạo các nhân vật, tôi để mình cảm nhận những gì họ cảm thấy hay trải nghiệm, còn ở đây, tương tự, tôi để mình cảm nhận chính cuộc sống và cảm giác của bản thân. Bằng cách tưởng tượng tái hiện lại một trải nghiệm, tôi bước đến gần hơn không chỉ với những gì đã xảy ra, những gì tôi đã cảm nghiệm, mà còn đến với những gì tôi đã lãng quên, chưa cảm thấy, chưa nhìn ra hay đã từng có thể cảm nhận. Tôi từng lạc lối và sợ hãi như cách những nhân vật trong truyện lạc lối và sợ hãi, và tôi cũng đã tìm ra cách để tồn tại như chính những nhân vật của mình. Giống câu chuyện trên trang sách, trị liệu tâm lý cho phép tôi tìm ra ý nghĩa của thế giới xem ra có vẻ vô nghĩa này.
Và cảm giác này – cảm giác cuộc sống về căn bản là điên khùng, tàn độc và vô nghĩa – ngay từ ban đầu, bắt nguồn từ những điều rất căn bản trong tuổi thơ của tôi. Mẹ tôi, một y tá chuyên nghiệp, là trụ cột của gia đình và cha tôi, một mắt hoàn toàn đui và một mắt mù một nửa, chẳng làm gì để kiếm sống. Đó là lý do vì sao tôi thường hay chứng kiến mẹ tôi – một đứa con không mong muốn bị đánh đập thường xuyên bởi mẹ bà – đều đặn nhục mạ cha tôi.
Năm năm đầu đời, bà thường kéo mũi, tai tôi, xoắn lại và nói, “Thật đáng tiếc – lẽ ra mày phải là một bé gái!” Sau khi Robert chào đời, bà bắt đầu mặc váy đầm và sơn móng tay cho nó, từ đó tôi không còn là đối tượng chú ý của bà. Robert trở thành “đứa con cưng”, còn tôi là “đứa con ghẻ.” Khi nâng niu đứa nhỏ, bà hay xỉa xói tôi: “Còn mày – ai sẽ yêu mày đây? Mày là thằng xấu xa và ích kỷ - một tên sát nhân. Sẽ chẳng bao giờ có ai yêu mày được cả.”  
Lúc tôi 8 tuổi – ký ức này tôi đã lãng quên đến tận khi tôi nằm trên trường kỷ trong phòng Ts. Franklin – tôi đã để dành nhiều tháng trời mua cho mẹ một tấm thiệp Valentine tuyệt đẹp, được ướp hương với một trái tim bằng vải như tơ tằm, tỉa tót bằng vải ren. Khi tôi đem tặng bà, bà quăng lại. “Ai cũng có thể mua thiệp”, bà nói. “Nếu mày thật sự yêu tao, mày sẽ tự tay làm cho tao một cái.”
Ký ức từ quá khứ tuổi thơ
Dude Shin 
Tôi đã giành phần lớn đời tôi hành xử như thể từ giây phút đó, tôi sẽ không bao giờ được yêu thương vì chính con người mình, có lẽ tôi sẽ được yêu vì những gì tôi đạt được. Nhưng nếu những gì tôi đạt được – những cuốn sách của tôi – chỉ là thất bại, thì lúc đó tôi sẽ chẳng còn tồn tại. Tôi bắt đầu hiểu ra, nỗi tức giận, đã đóng vai trò chẳng hề nhỏ trong quá trình tôi tồn tại khi cho phép mình sống mà loại trừ cảm xúc ra khỏi những ồn ào của cuộc chiến liên hồi giữa cha với mẹ (Robert, khi còn nhỏ, lại chẳng bao giờ tỏ ra giận dữ), không phải là con quái vật như tôi đã được dạy, và nếu tôi có thể chuyển hướng được cơn phẫn nộ đó (chả lẽ tôi không xứng đáng có được tình yêu của cha mẹ mình như mọi đứa trẻ khác hay sao?), tách nó ra khỏi năng lượng tiêu cực đã chống lại chính tôi và những người khác, tôi phát hiện ra rằng, nó có thể đem lại một nguồn năng lượng vô cùng dồi dào.   
Ts. Franklin hiếm khi nào bình luận gì trong suốt dòng chảy của những câu chuyện, ký ức hay cảm giác tuôn trào từ tôi, thay vì hướng dẫn tôi hiểu được những xúc cảm, hiện tại và quá khứ, mọi chuyện phần lớn đều phụ thuộc vào chính tôi. Vào tháng cuối cùng đi trị liệu, cảm thấy hài lòng vì nhận ra mình thật sự bắt đầu yêu mến bản thân, khi suy nghĩ về những điều tôi đã thay đổi – khả năng cảm nhận nỗi buồn và đặt mình vào trong nỗi buồn đó; cảm giác có khả năng yêu và được yêu; dần dà tin tưởng vào cảm nhận và trí tưởng tượng của mình, mặc cho chúng có vẻ kỳ lạ, điên khùng và bí ẩn như thế nào đi nữa – tôi nói với Ts Franklin rằng, trong những khung phòng tâm trí bản thân, tôi đã mở tung vài cánh cửa xưa vẫn còn khép kín bằng những thay đổi nho nhỏ của mình.  
Im lặng. Và rồi, vang lên từ đằng sau, giọng của Ts. Franklin với một lời nhận xét hiếm hoi, “Theo cách tôi nhìn, chúng có vẻ khá to lớn.”
Jay Neugeboren là tác giả của 21 cuốn sách và bốn tập truyện với nhiều giải thưởng danh tiếng khác nhau.
Ông là Giáo sư tại ĐH Massachusetts trong nhiều năm và đã tham gia giảng dạy tại các trường ĐH khác như Columbia, Stanford và Freiburg (Đức). Ông hiện sống và viết tại New York, nơi ông giảng dạy trong Chương trình Cao học Văn chương tại Trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Columbia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Bài đã đăng

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter