Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

KHÔNG HẲN LÀ TRẦM CẢM

Mất nối kết với thực tại
photo by Ajgiel
Tại sao một người trông có vẻ đang trầm cảm, mang trên mình những triệu chứng lâm sàng, lại không hề đáp ứng với các thuốc chống trầm cảm hay trị liệu tâm lý? Có lẽ nguồn gốc khổ đâu của người đó bắt nguồn từ một nơi khác.
Nhiều năm trước, một thân chủ tên Brian được chuyển đến cho tôi. Anh mang chứng trầm cảm “bất trị”, thứ đã khiến anh phải vào bệnh viện. Anh đã trải qua trị liệu nhận thức hành vi, trị liệu phân tâm, trị liệu hỗ trợ và cả trị liệu hành vi biện chứng. Anh đã thử nhiều “hỗn hợp” thuốc men khác nhau, mỗi nhóm kéo theo những tác dụng phụ khiến anh dường như không thể nào chịu đựng nổi. Dù sao thì chúng cũng chẳng có hiệu quả gì. Bước tiếp theo là trị liệu sốc điện, điều mà anh chẳng hề mong muốn.
Lần đầu đến gặp tôi, Brian gần như ở trong trạng thái hôn mê. Anh xem ra chẳng đủ sức mở miệng, và khi tôi cố gắng làm anh lên tiếng, anh cất giọng thều thào. Cơ thể anh cứng đờ, gương mặt lạnh băng. Anh không thể nhìn vào mắt tôi. Thật vậy, biểu hiện của anh xem ra vô cùng trầm cảm. Dẫu thế, vì biết rằng anh đã được điều trị trầm cảm hàng năm trời mà chẳng có kết quả gì, tôi bắt đầu nghi ngờ chẩn đoán.
Ngay cả khi chúng tôi cùng ngồi trong văn phòng, tôi vẫn có cảm giác rõ ràng rằng Brian đang thả mình về một nơi khác. Tôi hỏi bao nhiêu phần trăm của anh hiện diện với tôi tại phòng trị liệu.
“Có thể là 25%,” anh đáp.
“Phần còn lại của anh ở đâu?”, tôi hỏi.
“Tôi không biết”, anh trả lời, “ở một nơi tối tăm và đơn độc.”
“Anh có muốn tôi giúp anh cảm thấy thư giãn một ít không?” tôi hỏi.
Trong anh có vẻ khá bất ngờ nhưng vẫn đồng ý, tôi túm lấy cái gối nhỏ trên ghế bành và ném qua cho anh. Anh chụp lấy và mỉm cười.
“Ném nó lại đây,” tôi ra hiệu một cách vui vẻ. Và anh ném lại. Người anh nhẹ hẳn có thể trông thấy và chúng tôi trò chuyện thêm một chút. Sau vài phút tung hứng với chiếc gối, khi tôi hỏi bao nhiêu phần của anh ngồi trước mặt tôi, anh trả lời với một nụ cười khác. Anh nói, “Tôi hoàn toàn có mặt tại đây.”
Đó là cách mọi việc diễn ra trong vài tháng: Chúng tôi chơi ném bắt với chiếc gối trong khi nói chuyện. Trò chơi này giúp anh chuyển động, thư giãn, nó thiết lập một mối dây liên hệ giữa cả hai – và nó cũng khá thú vị.
Trong những buổi làm việc ban đầu, tôi dựng nên hình dung về việc lớn lên trong gia đình cũng Brian sẽ ra sao. Dựa trên những gì anh kể lại, tôi quyết định làm việc với anh như một người đã sống sót khỏi một tuổi thơ bị từ chối – một dạng sang chấn. Ngay cả khi cha mẹ anh cùng sống chung một mái nhà và họ chu cấp những gì căn bản nhất mà họ có như thức ăn, nhà cửa và sự an toàn thể lý, đứa trẻ vẫn có thể bị bỏ mặc nếu cha mẹ không gắn với nó về mặt cảm xúc.
Đó là điều tôi nghi ngại về trường hợp của Brian. Anh nói với tôi rằng cha mẹ anh đều “bận bịu” với những gánh nặng của một gia đình “vừa đủ sống qua ngày.” Dù mẹ anh chẳng bao giờ nhận mình là con sâu rươu, bà vẫn thường uống rất nhiều, và cha anh thì thường xuyên thiếu vắng cảm xúc. Brian có rất ít ký ức về việc mình được vỗ về, an ủi, chơi đùa hay quan tâm.
Một phản ứng bẩm sinh của trẻ trước dạng môi trường này là phát triển một nỗi mặc cảm mãn tính. Anh diễn dịch sự căng thẳng do cô độc cảm xúc nơi bản thân là một lầm lỗi cá nhân. Brian quở trách chính mình vì những gì anh cảm nhận và kết luận rằng anh đã làm sai điều gì đó. Tất cả đều diễn ra trong vô thức. Với đứa trẻ, chỉ trích bản thân xem ra ít đáng sợ hơn việc chấp nhận rằng người chăm sóc mình không đủ khả năng an ủi hay liên kết với nó.
Để hiểu được kiểu mặc cảm của Brian, chúng ta cần biết về hai loại cảm xúc cơ bản: Cảm xúc trọng tâm, như giận dữ, vui mừng và buồn bã, những thứ khi được ta cảm nhận bên trong sẽ dẫn đến sự nhẹ nhõm và tỏ tường (ngay cả khi ban đầu chúng làm ta khó chịu); Cảm xúc ức chế, như xấu hổ, tội lỗi và lo âu, những thứ ngăn cản ta cảm nhận cảm xúc trọng tâm.
Tất nhiên, không phải cảm xúc ức chế nào cũng tồi tệ. Nhưng trong trường hợp mặc cảm mãn tính như Brian, những biểu lộ xúc cảm nơi trẻ sẽ trở nên bị khiếm khuyết. Trẻ mang bên mình quá nhiều mặc cảm sẽ lớn lên thành những người không còn có thể cảm nhận những trải nghiệm nội tâm. Chúng học cách không cảm nhận, và mất dần khả năng sử dụng cảm xúc như kim chỉ nam cho cuộc sống. Một cách nào đó, chúng cần phải tự mình phục hồi bản thân.
Tôi có chuyên môn trong một lĩnh vực được gọi là trị liệu thực nghiệm tăng tốc tâm động. Sau khi được đào tạo thành một nhà phân tâm, tôi chuyển qua tiếp cận này vì nó xem ra giúp chữa lành những thân chủ không thể được hóa giải sau nhiều năm trị liệu trò chuyện truyền thống.
Nhiều nhà tâm lý trị liệu tập trung vào nội dung câu chuyện mà thân chủ nói về bản thân, tìm kiếm những nội thị có thể được sử dụng để điều chỉnh những rối loạn. Ngược lại, trị liệu thực nghiệm tăng tốc tâm động tập trung vào việc đẩy mạnh nhận thức về cuộc sống cảm xúc của thân chủ khi chúng được gợi mở ngay trong hiện tại trước mặt nhà trị liệu. Nhà trị liệu chứng thực một cách chủ động, tham gia và hỗ trợ về mặt cảm xúc. Tâm lý gia sẽ động viên thân chủ không chỉ chú ý tới suy nghĩ và cảm xúc mà còn để ý tới những trải nghiệm cơ thể trước những suy nghĩ và cảm xúc đó.
Trong năm đầu tiên làm việc với nhau, gần như trong mỗi buổi, Brian đều đám mình vào trạng thái mà tôi mô tả là chịu đựng câm lặng. Trong những khoản trắng đó, tôi cố gắng đưa anh về với thời điểm hiện tại bằng những yêu cầu rõ ràng. “Đặt hai chân của anh xuống sàn.” “Ấn chân anh xuống đất và cảm nhận nền đất dưới chân mình.” Đôi khi tôi yêu cầu anh liệt kê ba màu sắc có trong phòng hay ba âm thanh anh nghe thấy được. Đôi khi anh quá xúc đông đến độ không thể làm theo. Trong những trường hợp như vậy, tôi chỉ ngồi đó với Brain, giữa sự căng thẳng của anh, và cho anh biết tôi có mặt ở đó vì anh và sẽ chẳng đi đâu cả.
Trong năm thứ hai trị liệu, Brian trở nên ổn định hơn. Điều này cho phép chúng tôi làm việc nhiều hơn với cảm xúc của anh. Ví dụ, khi tôi nhận ra mắt anh rướm lệ, tôi sẽ khuyến khích anh tìm hiểu và cởi mở với tất cả những điều anh cảm nhận. Đó là cách một cá nhân có thể kết nối lại với chính xúc cảm của mình: gọi tên chúng; học cách cảm nhận chúng trong cơ thể mình; nhận ra chúng khơi dậy những phản ứng nào; và trong hoàn cảnh với khổ đau như Brian, học cách để bản thân rơi lệ cho đến khi dừng khóc một cách tự nhiên (nó sẽ kết thúc, trái với niềm tin thường thấy ở những người có sang chấn) và lúc đó, cảm nhận cảm giác nhẹ nhõm bên trong mình.
Brian và tôi làm việc hai lần mỗi tuần trong bốn năm. Qua từng buổi, anh học cách gọi tên những cảm xúc và lắng nghe chúng với sự quan tâm và lòng tắc ẩn. Khi anh cảm nhận một thôi thúc “đè nát” mình, anh biết đều gì đang xảy ra và làm cách nào quản lý trải nghiệm đó. Anh học cách bày tỏ cảm xúc và kiên định với những nhu cầu và mong muốn của bản thân. Anh dám mạo hiểm, kết bạn nhiều hơn và tham gia những công việc ý nghĩa. Không còn phải nhập viện. Mặc cảm tan biến. Quan trọng hơn cả, anh cảm thấy một lần nữa bản thân mình đang tồn tại.
Hilary Jacobs Hendel là nhà tâm lý trị liệu tại New York và là giám sát lâm sàng tại AEDP Institute.


2 nhận xét:

  1. Vì sao lại có tên là "Không hẳn là trầm cảm"? Với những biểu hiện như vậy thì có thể gọi tên các triệu chứng này của Brian là gì?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bởi trầm cảm chỉ là ngọn của vấn đề, là cách vấn đề được biểu hiện, nguồn gốc của các triệu chứng trầm cảm đến từ một nguyên nhân khác sâu hơn mà tác giả cũng đã làm việc với Brian. Có thể phân tích theo nhiều trường phái, có vẻ tác giả phân tích theo tâm động, quan tâm nhiều đến quá khứ và tương tác giữa trẻ với cha mẹ trong quá khứ. Ở đây cách đối xử của cha mẹ có thể khiến Brian có các triệu chứng của rối loạn gắn bó và hình thành mặc cảm tự ti ngay từ khi còn nhỏ. Mình cũng xin phép không đưa ra nhiều giải thích hay giả thuyết bạn nhé :D

      Xóa

NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Bài đã đăng

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter