Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

ĐIỆN THOẠI THÔNG MINH CÓ KHIẾN CHÚNG TA TRỞ THÀNH NHỮNG NGƯỜI LƯỜI SUY NGHĨ?

Tác hại khi phụ thuộc smartphone
Keith Wagstaff 15/03/2015
Số điện thoại? Đường đi? Ai là diễn viên chính trong bộ phim mới nhất? Đó là một trong những thứ chúng ta tìm kiếm bằng điện thoại của mình?
Vậy liệu chúng có khiến chúng ta trở nên lười biếng hay không? Chúng ta có trở thành những “cục đất”, giao phó tất cả những tư duy của bản thân cho chiếc điện thoại hay không?

Câu hỏi này không thể được trả lời chỉ trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới của ĐH Waterloo, Canada, cho rằng có mối liên hệ giữa điện thoại thông minh và việc không suy nghĩ thấu đáo để tìm cách giải quyết vấn đề.

Đồng tác giả nghiên cứu và là nghiên cứu sinh tâm lý học tại ĐH Waterloo, Gordon Pennycook, cho biết, "Có những vấn đề mà chúng ta không thể tìm thấy câu trả lời trên Google,” “Vấn đề của việc phụ thuộc quá nhiều vào Internet là bạn không biết rằng bạn chỉ có câu trả lời chính xác khi bạn suy nghĩ phân tích và logic về vấn đề đó.”

Rõ ràng hơn, nghiên cứu không nói rằng smartphone khiến con người trở thành những chủ thể lười suy nghĩ nhưng các kết quả cho thấy những người “suy nghĩ trực giác” – tức là hành động theo trực giác thay vì phân tích vấn đề - thường sẽ dựa dẫm vào điện thoại nhiều hơn.

Theo Pennycook, những người có trí thông minh cao thường phân tích và giải quyết vấn đề một cách logic, họ cũng thường xem xét rất kỹ suy nghĩ cuả bản thân. Pennycook cùng đồng tác giả Nathaniel Barr đẽ thực hiện trắc nghiệm trên 660 nghiệm thể. Những người được đánh giá ít thông minh hơn thường cho biết họ tìm kiếm thông tin trên smartphone thường xuyên hơn.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng nghiên cứu này chỉ là bước đi đầu tiên. Họ chỉ muốn tìm kiếm một số mối tương quan để từ đó thực hiện những nghiên cứu tiếp theo về cách thức smartphone tác động đến não bộ.

Eric Kandel, người từng đoạt giải Nobel và là nhà tâm thần thần kinh thuộc ĐH Columbia, cho rằng còn quá sớm để kết luận liệu việc lệ thuộc vào smartphone có ảnh hưởng đến khả năng tư duy phản biện hay không.

Ông cho biết “[smartphone] có thể có khả năng tạo điều kiện cho việc hoạt động đa tác vụ và giúp mở rộng phạm vi tiếp cận kiến thức của chúng ta,” nhưng nó cũng “đe dọa trí nhớ dài hạn và khả năng lưu trữ thông tin lâu dài của chúng ta.”

Ông cho biết, “Chúng ta cần thêm nhiều bằng chứng thực nghiệm để xác nhận hay phủ quyết những cảm tưởng trên.”

Smartphone hiện nay thông dụng đến độ khó có thể tưởng tượng rằng iPhone chỉ mới xuất hiện cách đây chưa đầy một thập kỷ. Trong khi đó, World Wide Web mới chỉ ra đời được 25 năm.

"Sẽ có thể rất nguy hại nếu chúng ta trở nên phụ thuộc quá mức vào các nguồn thông tin bên ngoài thay vì tự mình học tập hay tư duy phản biện,” Barr cho biết. “Tuy nhiên vì smartphone còn quá mới mẻ nên chúng ta đơn giản vẫn chưa biết được tường tận.”

Vào năm 2009, nhà nghiên cứu Clifford Nass thuộc ĐH Stanford đã phát hiện việc những người làm việc đa tác vụ (những người cho biết bản thân có thể thực hiện nhiều việc cùng một lúc như gửi mail, lướt web, xem TV) thường gặp khó khăn trong việc tập trung vào một nhiệm vụ đơn lẻ. Kì lạ hơn nữa, họ cũng rất tệ trong việc chuyển đổi nhiệm vụ, điều này có nghĩa là làm việc đa tác vụ sẽ khiến họ làm việc đa tác vụ tệ hơn.

Nass qua đời vào năm 2013 nhưng nghiên cứu của ông vẫn được tiếp tục. Nó được rất nhiều người trích dẫn như là một dấu hiệu cho thấy việc thường xuyên tham gia một hoạt động rồi bị phân tâm qua hoạt động khác chưa hẳn là một điều tích cực.
Một trong số đó là Nicholas Carr, tác giả của một số đầu sách về cách thức Internet thay đổi lối tư duy của chúng ta.

Carr cho biết "Với smartphone, chúng ta đã tạo ra một môi trường thường xuyên gây phân tán và gián đoạn,” “Chỉ khi nào chúng ta chú ý, khi chúng ta có thể tập trung vào một luận điểm hay dòng suy nghĩ thì chúng ta mới chạm đến được hình thức tư duy sâu sắc nhất.” “Tư duy khái niệm, tư duy phản biện – những thứ này không thể xảy ra nếu bạn liên tục bị chia trí.”

Ông chia sẻ, vấn đề là chúng ta tiến hóa để không ngừng tìm kiếm thông tin mới, nó rất hữu dụng trong việc đánh giá mối đe dọa và tìm kiếm lương thực trong thời kỳ nguyên thủy. Não bộ sẽ tưởng thưởng cho những phát hiện mới bằng dopamine. Ngày nay, với Yelp, Facebook hay Google, chúng ta đã có thể thỏa mãn không ngừng khao khát trên.

Vậy nó có phải hoàn toàn là tiêu cực không? Smartphone có thể khiến cuộc sống trở nên tiện lợi hơn và tác động tích cực đến não bộ theo những cách mà chúng ta có thể chưa nghiên cứu được. Có thể một số cách sử dụng internet sẽ khiến chúng ta thông minh hơn nhưng một số cách khác sẽ mang đến hệ quả trái ngược. Trên phương diện xã hội, Pennycook cho rằng chúng ta cần phải đặt câu hỏi “Những lĩnh vực nào chúng ta cần phải bảo toàn khả năng tư duy nội tâm thay vì phụ thuộc vào nguồn bên ngoài?”

Còn trên cấp độ cá nhân, rõ ràng là có lý do để một số người tìm đến những khu vực cấm sử dụng martphone và laptop, hay tải những ứng dụng giúp cắt đứt internet.

Carr cho biết, "Có thể có một số người, vì chưa suy nghĩ kỹ càng, nên cho rằng những điều trên không quan trọng,” “Cá nhân mình, tôi nghĩ rằng sẽ có gì đó mất đi nếu chúng ta liên tục bị gây phân tán.”



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Bài đã đăng

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter