Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

LÀM CÁCH NÀO GIÁO VIÊN ĐẶC BIỆT CÓ THỂ HỖ TRỢ TRẺ GẶP KHÓ KHĂN?

Tâm lý trong giáo dục đặc biệt
Hiện nay, khoảng 10% học sinh phải đối mặt với các rối loạn sức khỏe tâm thần. Một trong những rối loạn phổ biến nhất là rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) và hội chứng Asperger, bên cạnh đó, những rối loạn khác như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực và tâm thần phân liệt vẫn có thể ảnh hưởng đến trẻ.

Những trẻ cần dến sự trợ giúp, đặc biệt những trẻ khiếm khuyết về học tập hay thể lý, có thể phải đối mặt với nguy cơ bệnh lý tâm thần cao hơn vì những thách thức đặc biệt mà các em gặp phải trong môi trường học đường và trong cuộc sống. Bản thân các rối loạn tâm lý có thể được xem như là những nhu cầu đặc biệt, chúng có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập của trẻ trong lớp.

Các giáo viên giáo dục đặc biệt và những nhân viên trường học khác có thể hỗ trợ thúc đẩy sức khỏe tinh thần cho học sinh. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng nâng cao sức khỏe tinh thần không chỉ dừng lại ở việc làm biến mất bệnh tật; nó còn bao gồm việc học cách tự quản lý bản thân và phát triển những chiến lược đối phó khỏe mạnh cho trẻ. Thật vậy, với nhiều trẻ, rối loạn tâm lý chỉ có thể được quản lý chứ không thể chữa lành – nhưng giáo viên có khả năng đem lại những kỹ năng sống cần thiết để trẻ có thể đạt đến tình trạng sức khỏe tinh thần tối đa của mình. Giáo viên có thể giúp hình thành các tác nhân bảo vệ giúp trẻ phòng tránh các bệnh lý tinh thần cũng như minh họa khả năng tự điều hòa để giúp trẻ học cách kiểm soát những triệu chứng.
Đem lại cho trẻ cảm giác “Thuộc về”
Khi bạn được đào tạo trở thành một giáo viên giáo dục đặc biệt, bạn sẽ biết rằng những những trẻ có nhu cầu đặc biệt thường gặp khó khăn với cảm xúc rằng mình “khác thường” với những bạn bè xung quanh. Trẻ có thể sẽ bị cô lập khỏi những hoạt động vui chơi của bạn bè và cảm thấy bị tách ly khỏi xã hội. Đó là lý do việc khuyến khích một văn hóa “thuộc về” trong trường lớp là rất quan trọng.

Mọi người thuộc mọi lứa tuổi sẽ ít có khả năng mắc phải các rối loạn tâm lý hơn nếu họ cảm thấy mình thuộc về một cộng đồng nào đó. Bạn có thể thúc đẩy cảm giác thuộc về thông qua việc chào đón trẻ bằng cách gọi tên trẻ mỗi khi trẻ đến trường hay khi gặp các bạn trong hành lang. Bạn cũng có thể tạo một bản tin lớp học nơi trẻ có quyền chia sẻ những tin vui với nhau, như mới nhận nuôi một chú chó hay em của trẻ vừa ra đời. Khuyến khích cả lớp cùng nỗ lực là một cách để giúp trẻ có nhu cầu đặc biệt cảm thấy mình được hòa nhập với tập thể.
Khen ngợi trẻ vì tất cả những thành công
Những trẻ có nhu cầu đặc biệt thường sẽ cố gắng nếu những thành công của các em được công nhận, và những thành tựu này không nhất thiết chỉ gói gọn trong việc học tập. Bạn cũng cần khuyến khích trẻ mỗi khi trẻ có những hành vi thể hiện ý chí hay sự trưởng thành:
§  Ngồi yên và bình tĩnh mỗi khi cơn lo âu xuất hiện
§  Duy trì khả năng tự kiểm soát khi giận dữ
§  Thể hiện sự trắc ẩn với người xung quanh
§  Giơ tay xin lượt chứ không tự tiện phát biểu
Đừng vạch ra những giới hạn cho các tình huống mà trẻ chỉ cần làm đúng thì sẽ được khen. Nếu bạn cần phải nói chuyện với trẻ có những vấn đề về hành vi, hãy bắt đầu bằng cách bàn luận những đặc điểm và hành vi tích cực của trẻ để trẻ cảm thấy mình được yêu mến và chấp nhận.
Chỉ cho trẻ cách đương đầu với những cảm xúc khó khăn
Trẻ nhỏ chưa biết cách để ứng phó với những cảm xúc khó khăn, đó là lý do vì sao các em thường phải thể hiện ra bên ngoài. Hãy giành thời gian định kỳ để nói chuyện với học trò của bạn về những chiến lược ứng phó với cảm xúc, ví dụ như các bài tập thở hay những kỹ thuật khác. Hãy nói với trẻ về những hoạt động khác trẻ có thể tham gia ngoài giờ học để giải tỏa stress hay để càmt hấy thoải mái hơn mỗi khi có một ngày tồi tệ.

Những trẻ gặp khó khăn với các vấn đề sức khỏe tinh thần hay những khiếm khuyết khác thường rất vất vả để xử lý những cảm xúc như lo âu, sợ hãi, giận dữ hay buồn bã. Là một nhà giáo dục đặc biệt, bạn cần quan sát thật kỹ các em để nhận ra những dấu hiệu cho thấy những cảm xúc trên đang bắt đầu lấn át các bạn. Trẻ có thể sẽ bất ngờ bắt đầu bực tức, cúi đầu xuống hay bắt đầu nói chuyện quá lớn tiếng. Khi bạn nhận ra những dấu hiệu này, hãy hỏi trẻm “Con đang cảm thấy như thế nào?” Nếu trẻ đang gặp khó khăn, thay vì tập trung lo lắng về điều gì khiến trẻ căng thẳng, tốt nhất chúng ta nên giúp trẻ giải tỏa và hỗ trợ trẻ tập trung vào việc giữ bình tĩnh.

Những trẻ có nhu cầu đặc biệt thường có nguy cơ gặp phải các bệnh lý tinh thần cao hơn bạn bè, tuy nhiên giáo viên có để làm nhiều cách để tạo ra một môi trường tích cực cho trẻ. Đừng chỉ dừng ở việc giảm thiểu hay loại bỏ những triệu chứng; hãy dạy trẻ kỹ năng ứng phó với cảm xúc nhằm quản lý những triệu chứng đang có và ngăn ngừa những biểu hiện mới trong tương lai. Đó là một trong những khác biệt quan trọng nhất bạn có thể thực hiện cho học sinh của mình, trong lớp học và trong suốt cuộc đời của trẻ.


Người dịch: Hành lang Tâm lý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter