Thứ Tư, 13 tháng 12, 2017

BẤT BÌNH ĐẲNG KINH TẾ TÁC ĐỘNG ĐẾN TÂM LÝ NHƯ THẾ NÀO?

Chênh lệch giàu nghèo

Bất bình đẳng về kinh tế đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Ở đa phần các quốc gia công nghiệp, phân phối tài sản và thu nhập ngày càng tập trung vào một nhóm. Ở Hoa Kỳ, nhóm 10% những người giàu nhất
có mức thu nhập cao gấp 9 lần mức trung bình của những nhóm còn lại, còn ở Úc tỉ lệ là xấp xỉ 5 lần.
Sự gia tăng của bất bình đẳng về kinh tế có liên hệ tới một loạt các vấn đề về kinh tế và xã hội khác. Những xã hội bất bình đẳng thường có sức khoẻ kém, tỉ lệ béo phìbạo lực cao, nhiều bất ổn chính trị, và nhiều tham nhũng trong các cơ quan chính quyền.
Các tác động về tâm lý
Một điều mà ít người biết đến là bất bình đẳng kinh tế cũng có những tác động tiêu cực đến tâm lý. Ví dụ, có bằng chứng cho thấy những người sống trong các xã hội bất bình đẳng thường có mức độ hài lòng về cuộc sống (life satisfaction) thấp và có tỉ lệ trầm cảm cao. Những tác động tâm lý lên cá nhân có thể giúp giải thích những tác hại của bất bình đẳng trên quy mô lớn hơn về phương diện xã hội.
Một nghiên cứu tổng quan khá quan trọng đã giúp minh chứng cho vai trò của hai hiện tượng tiêu biểu. Nicholas Buttrick và Shigehiro Oishi cho rằng bất bình đẳng kinh tế làm mất lòng tin (mistrust) và gia tăng cạnh tranh địa vị (status competition). Những hiện tượng này làm nảy sinh các tác động lên sức khoẻ và tinh thần trong các xã hội bất bình đẳng.
Mất lòng tin
Buttrick và Oishi cho thấy bất bình đẳng có liên hệ tới việc con người mất lòng tin lẫn nhau. Những người nhận thấy chênh lệch giàu nghèo lớn có xu hướng tin rằng hệ thống kinh tế thiếu công bằng và những người khác đang tiến thân bằng những cách thức thiếu minh bạch.
Vấn đề mất lòng tin này được gia tăng bởi mức độ phân biệt đối xử dựa trên tầng lớp. Điều này làm giảm cơ hội cho con người tương tác với không gian bên ngoài môi trường kinh tế xã hội khép kín mà họ sinh sống. Sự kết hợp giữa mất lòng tin và ‘xa lạ với xã hội’ sẽ dẫn đến việc thiếu tính gắn kết xã hội (social cohesion). Đồng thời, cảm giác về sự phân chia kinh tế xã hội sẽ trở nên nghiêm trọng và là không thể tránh khỏi.
Mất niềm tin làm giảm tính kết nối xã hội và ứng xử văn minh. Nghiên cứu so sánh các bang ở Hoa Kỳ cho thấy những người sống trong những bang bất bình đẳng thường ít tham gia vào các nhóm xã hội, một trong những dạng thiếu liên kết xã hội dẫn đến những tác động tiêu cực đến sức khoẻ. Những người giàu có sinh sống trong những bang trên cũng thường ít đóng góp từ thiện.
Những người sống trong các bang bất bình đẳng thậm chí còn cho thấy những khác biệt trong nhân cách và xu hướng thực hiện các hành vi phi đạo đức. Một nghiên cứu cho thấy họ thường có mức điểm thấp trong nét nhân cách dễ chịu (agreeableness) – nét nhân cách thể hiện xu hướng thân thiện và hợp tác.
Một nghiên cứu khác cho thấy những người sống trong các bang trên cũng thường tìm kiếm trên Google những cách để gian lận trong thi cử và học thuật.
Giảm lòng tin trong các xã hội bất bình đẳng kinh tế có những tác động nghiêm trọng đến xã hội. Mức độ tin tưởng thấp một phần chịu trách nhiệm cho mối tương quan giữa bất bình đẳng và tỉ lệ tử vong. Mối liên hệ này được quan sát trên 33 nước và vẫn có ý nghĩa dù đã kiểm soát về thống kê các chi tiêu dành cho y tế công cộng. Nó cũng giải thích một phần mối liên hệ giữa bất bình đẳng và tỉ lệ giết người ở các quốc gia trên.
Tóm lại, một xã hội nơi người dân không tin tưởng lẫn nhau sẽ phải đối mặt với những nguy cơ về sức khoẻ và bạo lực. Các xã hội trên thường có mức bất bình đẳng kinh tế cao.
Cạnh tranh địa vị
Theo Buttrick và Oishi, mất lòng tin là một trong những tiến trình tâm lý chịu trách nhiệm cho những tác động tiêu cực của bất bình đẳng lên xã hội. Người dân trong các xã hội có bất bình đẳng lớn thường quan tâm tấn việc họ đứng đâu trong bậc thang địa vị.
Lo âu về vị thế có thể xuất hiện dưới hình thức lo sợ mất vị thế về kinh tế hay lo ngại về việc người khác sẽ đánh giá vị thế của mình ra sao. Điều này có thể được thể hiện trong chính chủ nghĩa tiêu thụ (consumerism). Những người sống trong xã hội bất bình đẳng sẽ tìm mua những mặt hàng tiêu thụ mang tính địa vị cao hơn, ví dụ như các nhãn hiệu đắt tiền.
Mối bận tâm về việc thể hiện địa vị cao có thể ảnh hưởng đến chính cảm giác bản ngã của cá nhân. Trong một nghiên cứu, những người sống trong các quốc gia có bất bình đẳng kinh tế thường sẽ xem mình có những đặc điểm được ‘ưa thích’ cao hơn mức trung bình. Kiểu “tự nâng cấp” (self-enhancement) này là tác nhân chính dẫn đến tính ái kỷ (narcissism).
Là nguyên nhân hay là kết quả?
Nghiên cứu trên bất bình đẳng tô vẽ một bức tranh u tối về các tác động tâm lý. Tuy nhiên, liệu có phải bất bình đẳng về phân phối thu nhập hay tài sản tạo ra những tác hại này? Có lẽ bất bình đẳng, mất lòng tin, lo âu địa vị, bệnh tật và mất liên kết xã hội chỉ là triệu chứng của những vấn đề tiềm tàng bên dưới hệ thống kinh tế.
Mối liên hệ nguyên nhân-kết quả giữa bất bình đẳng kinh tế và các tác hại được minh chứng thông qua các nghiên cứu chiều dài và thực nghiệm. Ví dụ, một nghiên cứu mới đây theo dõi bất bình đẳng trong thu nhập và mức độ hài lòng cuộc sống từ năm 1984 đến năm 2012 được khảo sát với quy mô lớn tại Đức. Trong những năm mà bất bình đẳng có mức độ cao, hài lòng về cuộc sống thường thấp. Mối quan hệ này được giải thích bởi mức độ lo âu về kinh tế trong những năm đó.
Các thực nghiệm cũng cho thấy bất bình đẳng có thể tạo ra những hệ quả tiêu cực. Trong một nghiên cứu, những người tham gia được cho tham gia vào một trò chơi trao đổi tài sản công (public goods game). Trong đó, mỗi người có thể chọn đóng góp cho những người cùng chơi để cả hai cùng có lợi hay chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân. Cuối cùng, họ sẽ quyết định liệu bản thân muốn duy trì hay chấm dứt mối liên hệ với những người chơi khác.
Khi bắt đầu trò chơi, những người tham gia sẽ được phân ngẫu nhiên vào những nhóm có điều kiện bình đẳng, hay bất bình đẳng vừa và cao. Kết quả cho thấy khi bất bình đẳng tài sản là rõ rệt, mức bất bình đẳng cao thường có những hệ quả tiêu cực.
Dưới những điều kiện bất bình đẳng, những người chơi có nhiều tài sản sẽ ít đóng góp cho những người ít tài sản hơn. Họ cũng hành xử theo hướng tư lợi nhằm duy trì tài sản của mình. Mức hợp tác trung bình giữa các nghiệm thể sẽ giảm, mạng luới kết nối xã hội sẽ trở nên mỏng hơn và dẫn đến việc làm mất cơ hội tại ra tài sản mới.
Những kết quả trên cho thấy bất bình đẳng kinh tế có những tác hại tâm lý và xã hội rất thực tế. Việc hiểu bất bình đẳng ảnh hưởng đến tâm trí và hành vi con người ra sao sẽ rất quan trọng nếu chúng ta mong muốn có hiểu biết đầy đủ về những tác động lớn hơn của bất bình đẳng đối với xã hội.
Dịch: Hành Lang Tâm Lý


1 nhận xét:

  1. Là người đồng hành cùng bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị, bác sĩ khám mắt ở Lâm Đồng sẽ giúp bệnh nhân an tâm và hiểu hơn về tình trạng của mình. Từ đó, phối hợp cùng bác sĩ điều trị, nhanh chóng có kết quả tốt.>>> Kiểm tra và chữa mắt hiệu quả tại Phương Nam

    Trả lờiXóa

NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter