Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2017

BÍ QUYẾT ĐỂ TRỞ LẠI LÀM VIỆC SAU KÌ NGHỈ

Làm sao quay lại công việc sau kì nghỉ?

Đã bao giờ bạn cảm thấy tiếc nuối về kì nghỉ bạn vừa trải qua do phải “đau khổ” trở lại nhịp sống hàng ngày?
Ví như bạn vừa trải qua một kì nghỉ Tết với gia đình và bánh mứt ngào ngạt. Nay khi quay lại thành phố, bạn sẽ thấy vô cùng khó khăn trong việc tái thích nghi với các hoạt động tẻ nhạt hay các bữa ăn đơn diệu. Bạn trở lại căn phòng nhỏ hẹp, ăn nốt những món ăn còn sót lại nhắc nhớ bạn đến khoảng thời gian tuyệt vời mình vừa mới tận hưởng chỉ mấy ngày trước (đoạn này được ngừoi dịch phỏng dịch để phù hợp với hoàn cảnh hiện tại ở Việt Nam).
Giống như những hình ảnh sống động còn đọng lại của một bộ phim vừa kết thúc, trí nhớ bạn bắt đầu dựng nên sự tương phản phũ phàng giữa những kỉ niệm ngọt ngào và thực tại buồn chán. Trong quá trình “tái hoà nhập”, bạn sẽ trải nghiệm một giai đoạn chuyển giao về lại nhịp sống cũ, về những thói quen bình thường, đối mặt với những khác biệt về văn hoá, địa lý và khí hậu nay chẳng còn hào nhoáng như lần đầu bạn gặp.  
Tại sao một kì nghỉ ngắn ngủi lại có khả năng tạo ra nhiều âu sầu đến thế? Bạn có thể tự nhủ, vậy còn đâu là những niềm vui của kì nghỉ khi cuộc đời xem ra trở nên quá đỗi khó khăn lúc hậu Tết?
Đây là một số cách bạn có thể khiến cho tiến trình tái hoà nhập trở nên dễ dàng hơn:
1. Trân trọng những trải nghiệm. Luôn có cách để trân trọng những trải nghiệm tuyệt vời mà không khiến bạn phải cảm thấy thất vọng. Tuy nhiên, nó cần đến một ít thay đổi trong nhận thức. Bạn có thể bắt đầu bằng cách hiểu rằng những thời khắc đó mang đầy giá trị, và là một phần vô cùng quan trọng kiến tạo nên cuộc đời của bạn. Thật vậy, bất kỳ khoảng thời gian nào khiến bạn thật sự cảm thấy thoải mái, dù là dài hay ngắn ra sao, đều đại diện cho con ngừoi của bạn và thể hiện cách bạn sống cuộc đời của mình. Nó không chỉ có giá trị tương đương nhưng thậm chí còn có thể nhiều hơn những khoảng thời gian khác. Cho bản thân cơ hội để hít thở, thư giãn mà không phải đối mặt đến những nhu cầu về thời gian hay tập trung, bạn có thể biến cuộc sống thường nhật trở nên gần giống nhất có thể với kì nghỉ vừa qua.
2. Đưa những trải nghiệm mới vào trong cuộc sống. Bằng cách kết hợp những phần đẹp nhất của kì nghỉ vào trong lich trình hàng ngày, bạn có thể biến ký ức trở nên những điều sống động, lâu dài trong tâm trí và cuộc sống của mình. Nhờ vậy, ký ức sẽ không tự lụi tàn ngay giây phút bạn bước chân khỏi máy bay hay xe khách. Bạn có thể tự nhủ rằng: “Mình quyết tâm sẽ biến những kỷ niệm vừa qua thành một phần trong cuộc sống của mình. Mình yêu và mình xứng đáng có những kỷ niệm đó.” Ngoài ra, bạn có thể bắt đầu tìm cách duy trì trạng thái tinh thần hiện có bằng cách tìm một nhà hàng, một cửa tiệm, một cộng đồng, một sinh hoạt hay một thói quen giúp bạn củng cố những ký ức mà bạn lo sợ có thể bị biến mất.
3. Hãy định kỳ tưởng tượng và tự mình tận hưởng những ký ức đó như một cách để giải toả căng thẳng. Những nghiên cứu trong khoa học thần kinh cho thấy việc đơn thuần tưởng tượng bản thân đang ở địa điểm khiến bạn cảm thấy thoải mái có thể mang lại những lợi ích bất ngờ. Trí tưởng tượng, nếu biết cách sử dụng để đưa bản thân vào trạng thái tinh thần tích cực (chứ không phải đắm chìm vào những suy nghĩ tiêu cực hay nuối tiếc về hoàn cảnh hiện tại), có thể đưa bạn đến những cảm giác thư thái nhẹ nhàng, vượt lên trên những nguy cơ âu lo và căng thẳng.
4. Sử dụng hiệu ứng phi thực tế (derealization effect) để thay đổi cách bạn nhìn những người xung quanh. Một hiệu ứng tinh thần khá thú vị hay diễn ra sau những chuyến du lịch xa là hiệu ứng phi thực tế. Điều này có thể xảy ra với mọi người, bạn sẽ cảm thấy những điều xung quanh bạn trở nên không thực. Ở những nơi khác với ở nhà, khi những khác biệt, cả lớn và nhỏ, được giác quan của bạn tiếp thu trong vài giờ hay vài ngày đầu, sự phân ly giữa nhận thức thực tế và kì vọng vô thức sẽ xuất hiện. Với nhiều người, đó có thể là cảm giác lâng lâng giống như đang mơ, hay đang sống trong một bộ phim rất chân thực, nhưng không bao giờ đến mức không còn nhận biết những gì đang diễn ra. Như vậy, sau khi trở về, để ứng phó với việc thay đổi nhịp sống hay xáo trộn về cảm xúc, bạn có thể tạm ẩn mình trong cảm giác phi thực tế còn sót lại đó. Hãy cho phép bản thân gặp gỡ mọi người theo một cách mới, với niềm trân trọng những ý nghĩa mà họ có đối với bạn. Với cảm giác phi thực tế này vẫn còn tồn tại, bạn có thể thấy những người xung quanh trở nên tươi mới hơn, tương tự như cách bạn trải nghiệm cùng với những người khác trong kì nghỉ vừa qua.
5. Đưa những cảm xúc mới trở thành động lực cho sự thay đổi. Khi năng lượng của bạn vừa được tái tạo, lúc này chẳng phải là lúc tốt nhất để có những ý tưởng mới giúp thay đổi sự nghiệp, mối quan hệ hay cuộc sống của bạn hay sao? Thay đổi môi trường thường giúp mở rộng tầm nhìn và giúp bạn nhìn nhận lại bản thân. Đồng thời, bạn cũng có thể đưa nguồn năng lượng thay đổi này vào trong môi trường làm việc. Tuy nhiên, cũng nên cẩn thận đừng để sự tự tin kéo theo đòi hỏi hay tự cách li khỏi môi trường cũ.  
6. Có cái nhìn rõ ràng hơn về cuộc sống của mình. Chúng ta hay có xu hướng lý tưởng hoá quá mức những trải nghiệm tuyệt vời mà mình có. Vậy nên, khi chiếc hộp Pandora (ký ức cũ) được mở ra, nó tự động kéo theo những so sánh đầy thương đau, chua chát. (Một ví dụ có lẽ hơi tầm thường: ngay cả lon nước ngọt hay bịch snack ở nhà cũng có thể khiến chúng ta so sánh những thứ tầm thường, tẻ nhạt và độc hại trong hiện tại với những thứ vui tai, lạ mắt trong kì nghỉ). Nếu bạn có thể khiến những so sánh của mình trở nên thực tế hơn và nhận ra rằng bạn không phải lúc nào cũng có được mọi thứ (ít nhất là không phải mọi thứ cùng một lúc hay cùng một chỗ), viêch chấp nhận giá trị của những điều bạn đang làm trong hiện tạo sẽ trở nên dễ dàng hơn. Với suy nghĩ này, hi vọng bạn có thể có một giai đoạn chuyển giao êm ái, không bão tố về lại với đời sống thường nhật của mình…cho đến khi kì nghỉ tới xuất hiện.


Dịch: Hành Lang Tâm Lý

1 nhận xét:

NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter