Thứ Tư, 16 tháng 12, 2015

NỀN VĂN HÓA NÀO KIỂM SOÁT CẢM XÚC KHUÔN MẶT NHIỀU NHẤT?

Cảm xúc và khác biệt văn hóa
Theo một số nghiên cứu, người Nga đứng đầu bảng và xếp chót bảng là người Mỹ!
Đây chỉ là hai trong số nhiều kết quả nghiên cứu về sự khác biệt văn hóa trong các hành vi phi ngôn từ. Có lẽ một trong những nghiên cứu nổi tiếng nhất về khác biệt văn hóa là nghiên cứu về không gian giao tiếp liên cá nhân. Đàn ông Ả-rập ngồi gần nhau hơn đàn ông Hoa Kỳ. Người Indonesia tương tác gần gũi hơn người Úc. Người Ý thì nói chuyện gần nhau hơn Mỹ và Đức, người Colombia gần hơn người Puerto Rico. Dù có những khác biệt đó, vẫn tồn tại những điểm tương đồng rất thú vị.
Thực tế, một số hành vi phi ngôn từ sẽ ổn định xuyên suốt nhiều nền văn hóa (Matsumoto, 2006). Biểu lộ qua gương mặt là một ví dụ điển hình. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, nhiều điểm tương đồng cũng như khác biệt về văn hóa đã được phát hiện.
Quy tắc văn hóa về việc biểu lộ
Sự khác biệt về biểu lộ gương mặt giữa các nền văn hóa được quy định trong các quy tắc. Chúng ta học những quy luật này từ những người xung quanh trong suốt tiến trình ta lớn lên. Mỗi nền văn hóa sẽ có một bộ quy tắc khác biệt.  

Một trong những khác biệt về quy tắc này được hình thành giữa các nền văn hóa mà chúng ta thường gọi là “tập thể” như Nhật bản và “cá nhân” như Hoa Kỳ. Các nền văn hóa tập thể thường tưởng thưởng cho hành vi “hội nhập”, tính đồng nhất và thuận hòa với người khác. Trong khi đó, các nền văn hóa cá nhân lại nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quyền tự chủ và quyền lực cá nhân. Các nghiên cứu cho thấy người thuộc nền văn hóa tập thể thường dùng nụ cười để “đeo mặt nạ” cho những cảm xúc tiêu cực – nhưng chỉ khi nào có sự hiện diện của người khác, chứ không như lúc họ ở một mình.
Kiểm soát cảm xúc của gương mặt
Các nghiên cứu mới đây vừa tìm hiểu về mức độ kiểm soát cảm xúc xuyên suốt nhiều nền văn hóa khác nhau (Matsumoto, 2006). Nhóm nghiên cứu phát hiện rằng người Nga là những người kiểm soát cảm xúc gương mặt nhiều nhất, sau đó là Nhật và Hàn Quốc. Ngược lại, người Mỹ ít kiểm soát cảm xúc qua khuôn mặt nhất.  Nghiên cứu trên cũng cho thấy nhiều khác biệt giữa hai giới. Đàn ông thường che đậy cảm xúc bất ngờ và sợ hãi trong khi phụ nữ cố gắng kiềm nén sự ghét bỏ, khinh bỉ và giận dữ cùng nhiều cảm xúc khác.

Tuy nhiên, không chỉ có những loại biểu hiện là khác nhau giữa các nền văn hóa, cách chúng ta diễn dịch những biểu hiện đó cũng có những điểm dị biệt. Ví dụ, về cường độ cảm xúc, nghiên cứu cho thấy người Châu Á thường đánh giá các cảm xúc được biểu lộ là ít mạnh mẽ hơn so với những người không thuộc Châu Á.
Như vậy, với những khác biệt trên, liệu việc ta đánh giá biểu lộ gương mặt của những người đến từ nền văn hóa khác còn chính xác hay không? Chúng ta có hay làm quá lên không? Một nghiên cứu gây nhiều tranh cãi mới đây cho thấy con người thường đánh giá cảm xúc gương mặt của những người trong cùng nền văn hóa chính xác hơn.
Nhìn chung, những hành vi phi ngôn từ giữa các nền văn hóa thường khá tương đồng. Tuy vậy, vẫn tồn tại nhiều khác biệt mà các nghiên cứu mới chỉ bước đầu tìm hiểu. Biểu lộ cảm xúc qua gương mặt chỉ mới là phần nổi của tảng băng mà thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter