Giai đoạn loạn tâm |
MARCIA MORRIS 22/9/2015
Tôi ngồi trong phòng trung tâm tham vấn
tâm lý của trường đại học, khẽ thở dài và gọi cú điện thoại tôi chẳng hề mong
muốn. Là một bác sĩ tâm thần cho sinh viên đại học đã 20 năm, công tác này đối
với tôi chẳng bao giờ là dễ dàng. Sau vài ba hồi chuông, mẹ của một sinh viên
tôi vừa gặp trong văn phòng vài phút trước nhấc máy trả lời.
Tôi tự giới thiệu bản thân và thông báo:
“Tôi vừa phải cho con của bà, Jacob, nhập viện.”
Bà trả lời, “Ông nói gì vậy?” “Con trai
tôi làm gì có vấn đề.”
Tôi giải thích rằng bạn cùng phòng của
Jacob ngày hôm nay vừa đưa anh tới phòng tham vấn. Họ cho biết đã cả tuần nay
anh ta không hề ngủ và cũng chẳng hề ăn uống.
“Tôi biết,” bà nói. “Họ cũng có gọi tôi.
Con tôi chỉ đang phải thích nghi với trường lớp mà thôi. Nó mới học một tháng
mà. Lạy Chúa, nó mới là sinh viên năm 1 thôi.”
Tôi thừa nhận rằng tân sinh viên phải
trải qua một thời gian khá khó khăn để điều chỉnh. Tuy vậy, Jacob hiện đang
trong giai đoạn loạn thần. Tôi nói với bà, anh ta không dám rời khỏi phòng tham
vấn vì sợ rằng mình bị theo dõi khắp khuôn viên trường. Anh không thể làm việc
vì có những giọng nói liên tục làm phiền và gây xao nhãng trong đầu anh. Tôi
nói thêm, bệnh viện là nơi an toàn nhất với anh hiện giờ.
Bà vẫn quả quyết “Con trai tôi là học
sinh xuất sắc hồi phổ thông. Nó còn thắng cả mấy cuộc thi tranh biện nữa.”
Tôi hiểu vì sao bà lại chối bỏ sự việc.
Những đứa con của tôi cũng đang học đại học. Nếu một trong số chúng mà bị loạn
tâm thì tôi cũng chẳng biết mình sẽ sốc đến mức độ nào. Bản thân tôi cũng sẽ
nổi điên với người thông báo tin đó.
“Vậy ông có thể đợi tôi bay qua đó xem
mọi việc ra sao không?” bà hỏi. “Tôi có thể mua vé máy bay trong vài ngày tới
và sẽ gặp ông cùng với con tôi.”
Nơi mẹ Jacob sống cách trường đại học
đến vài ngàn dặm. Jacob không có cha.
Tôi đồng ý rằng sẽ tốt hơn nếu bà, tôi
và Jacob có thể cùng gặp nhau trong văn phòng. Tuy vậy, tôi vẫn nhấn mạnh rằng
sẽ không an toàn cho Jacob nếu không bảo vệ anh ta trong suốt thời gian đợi bà
đến đây. Jacob đang rất bối rối và sợ hãi đến mức tôi không dám chắc liệu anh
ta có về nỗi ký túc xá hay không.
Lý tưởng nhất là sẽ có một nơi nào đó
ngoài bệnh viện mà Jacob có thể nhận sự hỗ trợ, được động viên để ăn uống, ngủ
nghỉ và uống thuốc trong lúc chờ mẹ đến. Nhưng khuôn viên trường hay thành phố
của chúng tôi lại chẳng có một nơi như thế.
Tôi vừa làm việc với Jacob suốt hai giờ
qua. Tôi còn gọi thêm một bác sĩ tâm thần khác để gặp và cho ý kiến về trường
hợp của anh. Cô ta cũng đồng ý rằng Jacob cần nhận được sự trợ giúp về y tế
ngay lập tức. Giá mà mẹ anh có thể nhìn thấy anh ngay lúc này, đầu tóc rối bù,
mặc áo len dày dù bên ngoài đang 32 độ C, tránh né ánh mắt của mọi người và lẩm
bẩm nói chuyện với những giọng nói mà chỉ mình anh nghe được.
“Vậy tôi phải làm gì bây giờ?” bà hỏi.
Tôi đề nghị bà lên máy bay càng sớm càng
tốt và sẽ gặp Jacob cùng toàn bộ nhóm điều trị tại đơn vị nội trú ở bệnh viện. Tôi
cũng nói là không biết anh ta phải ở lại bệnh viện bao lâu, có thể chỉ là một
thời gian ngắn thôi.
Bà hỏi ngay “Sau đó nó sẽ đi học trở lại
được, phải không?”.
Tôi nói rằng thông thường tôi sẽ đề nghị
những bạn có giai đoạn loạn thần nghỉ một học kỳ, như vậy họ sẽ có đủ thời gian
để hồi phục hoàn toàn.
“Không, nó sẽ đi học trở lại”, bà nhấn
mạnh. Cuộc trò chuyện của chúng tôi cũng kết thúc ở đó.
Tôi đến gặp nhóm điều dưỡng trong trường
để thông báo cho họ, phòng trường hợp bệnh viện hay mẹ của Jacob gọi tới. Có
điều thật ra, tôi tìm họ để nói về cảm giác của mình, để chia sẽ câu chuyện với
những người biết lắng nghe và đồng cảm, bao giờ trong tôi cũng có nỗi buồn và
mất mát khi một người trẻ tuổi gặp phải tình trạng loạn thần.
Sau đó tôi về lại văn phòng. Jacob sẽ do
tôi điều trị nên tôi cần phải chuẩn bị hồ sơ. Tôi sẽ gửi ghi chép tiến trình
cho bệnh viện, trong đó ghi rõ lý do tôi đề nghị Jacob nhập viện. Tôi cũng gọi
cho bác sĩ tâm thần trực tại đơn vị để bàn luận về trường hợp này; Tôi không
muốn để lỡ vấn đề gì cả.
Sau đó tôi chờ đợi.
Vài ngày trôi qua, vẫn chẳng có thông
tin gì từ bệnh viện. Tôi hi vọng rằng Jacob đã về nhà. Một vài người có giai
đoạn loạn thần sẽ phục hồi rất nhanh nhưng một số khác thì phải mất vài tháng.
Tình trạng của Jacob có thể tiến bộ dưới sự quan sát của cha mẹ để phát hiện
những dấu hiệu tái phát một cách nhanh chóng. Cũng có thể anh ta chuyển sang học
trường gần nhà mẹ anh cũng nên.
10 ngày sau khi tôi yêu cầu Jacob nhập
viện, bệnh viện gọi điện cho tôi. Họ thông báo rằng Jacob đã đi học trở lại và
muốn găp tôi.
Đương nhiên tôi sẽ gặp anh, dù khá thất
vọng. Anh ta nên ở nhà hay ở đâu đó có hỗ trợ thường nhật, hoặc chí ra trong
một chương trình điều trị ngoại trú chuyên sâu nào đấy. Đáng lẽ phải có những
biện pháp điều trị trung cấp phù hợp sau khi bệnh nhân rời bệnh viện và các
công ty bảo hiểm phải chi trả cho các khoản đó. Jacob cần nhận được nhiều sự
trợ giúp hơn là chỉ những điều kiện trong khu vực trường học. Nhưng có lẽ chúng
ta không có nhiều sự lựa chọn ở đây.
Tôi gặp lại anh vào buổi chiều hôm đó,
mày râu nhẵn nhụi và cũng chẳng còn mùi hương đầy cảnh báo của một người cả
tuần chưa tắm. Anh nhìn tôi, mỉm cười và bắt đầu nói với một cung giọng bình
tĩnh.
“Tôi đã khá hơn nhiều rối”, anh nói. “Tôi
đang cố gắng bắt kịp bài vở. Mẹ của tôi có nói chuyện với nhân viên công tác
sinh viên trong phòng công tác sinh viên, họ có nói chuyện với các Thầy Cô của
tôi. Có thể tôi phải nghỉ một lớp nhưng cứ đợi từ từ rồi xem sao.”
“Tôi mừng là anh đã thấy khỏe hơn”, tôi
nói. “Anh có thể cho tôi biết mọi chuyện trong bệnh viện như thế nào không?”
Jacob trả lời, “Tôi chỉ ở đó bốn ngày,
và mọi chuyện khá kì lạ. Tôi nghĩ rằng những loại thuốc họ đưa tôi uống khá hữu
hiệu vì tôi có thể ngủ và tập trung tốt hơn.”
“Tôi biết rằng anh không vui khi tôi gửi
anh qua bệnh viện”, tôi nói. “Anh có cảm thấy thoải mái khi làm việc với tôi
không?”
“Có chứ”, anh nói. “Tôi biết tôi cần vào
viện, mọi chuyện đã rối tung cả lên.”
Tôi khá tò mò vì khả năng đáp ứng hóa
dược nhanh chóng của Jacob. Có hai khả năng ở đây. Một là sự căng thẳng do phải
đi xa nhà và bắt đầu việc học khiến anh bị choáng ngợp, anh sẽ hoàn toàn phục hồi
sau khi điều chỉnh được bản thân. Khả năng còn lại là anh vẫn còn những triệu
chứng loạn thần nhưng lại muốn che giấu chúng để tiếp tục học. Tôi mong là anh
thuộc trường hợp đầu tiên.
Tôi nói với Jacob là chúng tôi nên gặp
nhau hàng tuần. Tôi cũng yêu cầu anh cho tôi biết bất cứ khi nào anh cảm thấy
bối rối hay gặp khó khăn về giấc ngủ, như vậy chúng tôi có thể điều chỉnh thuốc
cho anh khi cần thiết. Tôi giải thích thêm, nếu mọi chuyện tốt đẹp, anh ta cuối
cùng cũng có thể ngưng dùng thuốc.
Sau giai đoạn loạn tâm đầu tiên, một số
người sẽ hồi phục hoàn toàn và không cần uống thuốc dài hạn. Một số khác có thể
cần tiếp tục uống thuốc vì có những rối loạn như rối loạn lưỡng cực hay tâm
thần phân liệt.
Tôi muốn mình có thể giúp Jacob nhiều
hơn, ví dụ như qua chương trình hỗ trợ đồng đẳng, trong đó anh ta có thể nhận
được sự hỗ trợ từ những người đã có kinh nghiệm hay từng phục hồi sau giai đoạn
loạn thần. Thật ra, một vài đồng nghiệp của tôi trong trường cũng đang phát triển
một dự án tương tự cùng một số kế hoạch khác để hỗ trợ các sinh viên sau khi
phải nhập viện.
Đồng thời, tôi tận dụng tối đa những
nguồn lực mình đang có. Tôi chuyển Jacob qua một nhà trị trị liệu tâm lý. Jacob
cũng đồng ý gặp nhân viên công tác sinh viên phụ trách trường hợp của anh. Cô
ta sẽ giúp anh điều chỉnh lịch học khi cần thiết.
Mẹ của Jacob cũng bay đến thành phố vài
ngày sau khi anh vào bệnh viện nhưng sau đó liền trở về nhà để chăm sóc con gái
và quay lại làm việc. Bà nói chuyện với Jacob mỗi ngày. Anh cũng cho phép tôi
gọi điện cho mẹ anh để nói về tình trạng của anh.
Tôi từng chứng kiến nhiều trường hợp
khác nhau mà các bạn trẻ vướng phải giai đoạn loạn thần. Và bạn sẽ không thể
quên được những trường hợp nghiêm trọng nhất.
Một trong số bệnh nhân của tôi có rối
loạn lưỡng cực, đôi khi cô ấy lại tự quyết định ngưng dùng thuốc và rơi vào
tình trạng loạn thân cùng hưng cảm. Tôi không thể thuyết phục cô việc tiếp tục
điều trị là lựa chọn tốt nhất vì lợi ích của chính cô. Lần cuối cùng cô ngưng
dùng thuốc, những giọng nói trong đầu cô đã bảo cô chạy vào giữa làn xe. Cô
tông một lúc hàng loạt xe khác nhưng kì diệu thay, không ai bị thương nặng cả.
Sau đó, cha cô trở thành người bảo trợ
pháp ý cho cô, ông sống với cô và đảm bảo rằng cô chịu uống thuốc. Cô ta quyết
định ngưng học và tập trung điều trị. Lần thăm khám cuối cùng, cả hai cùng nhau
đến gặp tôi và mang theo một chậu cây thay cho lời cảm ơn. Tôi cảm thấy rất xúc
động vì điều đó.
Một bệnh nhân rối loạn lưỡng cực khác là
một sinh viên trẻ học chuyên ngành tâm lý. Trước khi làm việc với tôi, cậu ta
rơi vào tình trạng loạn thần và từng thử tự tử vài lần. Sau một tuần tại đơn vị
chăm sóc đặc biệt, hai tuần trong bệnh viện tâm thần và cả một học kỳ nghỉ ở
nhà, anh trở lại trường nhưng vẫn phải uống thuốc ổn định cảm xúc và chống loạn
thần. Anh không còn các triệu chứng hung cảm hay loạn tâm khi tôi bắt đầu làm
việc với anh, vậy nên tôi chỉ trị liệu cho anh mỗi tháng một lần.
Chúng tôi nói về những tình huống căng
thẳng mà anh trải qua và những cách thức đối mặt với chúng. Tôi chưa bao giờ
phải thay đổi liều lượng cho anh. Trong thực tế, anh cảm thấy thuốc hữu hiệu
đến độ chẳng muốn giảm bớt liều lượng. Cuối cùng, tôi rất vui khi nhận được tin
anh được nhận vào chương trình tiến sĩ về khoa học thần kinh.
Về phần Jacob, câu chuyện của anh cuối cùng
sẽ ra sao? Tôi không biết. Tuy nhiên, tôi muốn Jacob và mẹ anh biết rằng hi
vọng luôn tồn tại. Tôi chứng kiến điều đó diễn ra mỗi ngày.
Dịch: Hành Lang Tâm Lý
Người cha thứ 2
Trả lờiXóa