Thiếu ngủ ở trẻ em |
UNIVERSITY OF HOUSTON 22/07/2016
Khi được hỏi thiếu ngủ ảnh hưởng như thế nào đến cảm xúc của
chúng ta, câu trả lời thường gặp là khó chịu, lừ đừ và nóng nảy. Tuy nhiên, ngủ
không đủ giấc có thể mang đến hệ quả nhiều hơn là chỉ cáu gắt, khó tập trung và
mất kiên nhẫn.
Candice Alfano, nhà tâm lý lâm sàng và giáo sư tâm lý học tại
ĐH Houston, cho rằng trẻ em thiếu ngủ lớn lên sẽ dễ mắc phải trầm cảm và rối loạn
cảm xúc. Nghiên cứu của ông, được tài trợ bởi Viện sức khoẻ tâm thần quốc gia, tập
trung xác định cách thức thiếu ngủ ở trẻ nhỏ làm tăng nguy cơ các rối loạn cảm
xúc trong tương lai.
“Cụ thể, chúng tôi quan tâm đến cách thức trẻ đánh giá, thể
hiện, điều tiết và nhớ lại những trải nghiệm về cảm xúc trong khi ngủ đủ giấc
và không đủ giấc,” Alfano, chủ nhiệm nghiên cứu và là giám đốc Trung tâm Giấc
ngủ và Lo âu Houston (SACH), cho biết. “Nhóm nghiên cứu tập trung vào tuổi nhỏ
vì tương tự như các vấn đề về trầm cảm hay lo âu, thói quen và cách thức hoạt động
của giấc ngủ được phát triển sớm và có thể duy trì lâu dài.”
Để xác định những tiến trình cảm xúc làm tăng nguy cơ lo âu
và trầm cảm ở trẻ khi giấc ngủ bị ảnh hưởng, Alfano và cộng sự, Cara Palmer,
nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại SACH, đã theo dõi và điều chỉnh giấc ngủ của 50
trẻ từ 7 đến 11 tuổi.
Kết quả nghiên cứu cho thấy thiếu ngủ không chỉ làm tăng cảm
xúc tiêu cực của trẻ mà còn làm thay đổi các trải nghiệm tích cực mà trẻ có. Ví
dụ, hai đêm thiếu ngủ có thể làm giảm mức độ thích thú của trẻ với các hoạt động
tích cực, trẻ sẽ ít phản ứng và giảm ghi nhớ các chi tiết của những hoạt động
đó. Trong khi đó, nếu có giấc ngủ đầy đủ, kết quả sẽ cho thấy các tác hại về cảm
xúc giảm đáng kể.
“Giấc ngủ rất quan trọng với sức khoẻ thể chất và tinh thần của
trẻ,” Alfano cho biết. “Liên tục thiếu ngủ có thể sẽ dẫn tới trầm cảm, lo âu và
các vấn đề cảm xúc khác về sau. Vì vậy, cha mẹ cần xem giấc ngủ là một yếu tố sức
khoẻ quan trọng như dinh dưỡng, sức khoẻ răng miệng và hoạt động thể chất. Nếu
con bạn gặp khó khăn khi thức dậy ban sáng hay thường ngủ gục trong ngày, trẻ
có thể đang trong tình trạng thiếu ngủ. Có thể có nhiều lý do dẫn đến vấn đề
này, giờ đi ngủ trễ, giấc ngủ bị gián đoạn hay thời gian ngủ không đều đặn.”
Alfano cho biết, việc nghiên cứu về mối liên hệ giữa rối loạn
giấc ngủ và vấn đề xử lý cảm xúc ở trẻ là rất quan trọng, bởi lẽ đó là thời điểm
mà hai hệ thống điều hoà cảm xúc và giấc ngủ đang phát triển. Nhu cầu ngủ nhiều
cùng với tính linh hoạt (plascity) của não bộ ở trẻ tạo điều kiện cho việc tiến
hành can thiệp sớm.
Một nghiên cứu mới đây do Palmer and Alfano thực hiện đăng
trên tạp chí Sleep Medicine Reviews đã tìm hiểu cơ sở lý luận về giấc ngủ và khả
năng điều hoà cảm xúc, góp phần xây dựng phương pháp cho nghiên cứu hiện tại.
Trong nghiên cứu đó, các tác giả đã đưa ra bằng chứng về việc thiếu ngủ sẽ làm
chúng ta giảm khả năng tham gia các trải nghiệm tích cực, những hoạt động đòi hỏi
sự nỗ lực như hoạt động giải trí hay hoạt động xã hội. Theo thời gian, những
thay đổi về hành vi sẽ làm tăng nguy cơ mắc phải trầm cảm và làm suy giảm chất
lượng cuộc sống.
“Ngủ không đủ giấc có thể làm ảnh hưởng đến nhiều tiến trình
xử lý cảm xúc”, Alfano cho biết. “Ví dụ, khả năng tự kiểm soát, nhận biết các dấu
hiệu phi ngôn từ hay nhận diện cảm xúc của người khác sẽ bị suy giảm nếu ngủ
không đủ giấc. Sau đó khi trẻ lớn lên, thiếu ngủ kết hợp với khả năng kiếm soát
xung năng thấp ở tuổi dậy thì có thể sẽ khiến trẻ gặp phải nhiều hệ quả và cảm
xúc tiêu cực.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét