Kì vọng của cha mẹ và thành công học tập của trẻ |
Nghiên cứu cho thấy kỳ vọng có thể giúp ích cho thành tích học tập chỉ khi nó mang tính thực tế.
Theo một nghiên cứu được đăng bởi Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (American Psychological Association), khi cha mẹ có kỳ vọng lớn nơi kết quả học tập của con, trẻ sẽ có xu hướng học tốt hơn ở trường. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra khi những mong đợi này mang tính thực tế.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy cả mặt tích cực và mặt tiêu cực trong mong đợi của cha mẹ về thành tích học tập của con cái. Mặc dù kỳ vọng của cha mẹ có thể giúp cải thiện thành tích của con trẻ, kỳ vọng một cách quá mức lại có thể gây hại,” TS. Kou Murayama thuộc ĐH Reading, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết. Nghiên cứu được công bố trên Journal of Personality and Social Psychology
Murayama và các cộng sự phân tích dữ liệu từ một nghiên cứu chiều dài từ năm 2002 đến 2007 trên 3530 học sinh trung học cơ sở (trong đó có 49.7% là học sinh nữ) và phụ huynh tại Bavaria, Đức. Nghiên cứu đánh giá thành tích môn toán cũng như kỳ vọng (aspiration-mong muốn con mình đạt được điểm số cụ thể nào) và ước đoán (expectation-tin rằng con mình có thể đạt được điểm số nhất định nào) của cha mẹ đối với trẻ qua từng năm.
Nhóm nghiên cứu phát hiện kỳ vọng cao sẽ làm tăng thành tích học tập, nhưng chỉ khi nó không vượt quá ước đoán thực tế. Khi kỳ vọng vượt quá dự đoán, kết quả học tập của trẻ suy giảm với tỉ lệ tương ứng.
Để củng cố kết quả, nhóm nghiên cứu thử lặp lại kết quả nghiên cứu bằng cách sử dụng dữ liệu từ nghiên cứu kéo dài 2 năm trên 12000 học sinh và phụ huynh ở Hoa Kỳ. Kết quả thu được cũng tương tự như nghiên cứu tại Đức, đồng thời cung cấp thêm bằng chứng cho thấy kỳ vọng quá mức của cha mẹ có liên hệ với thành tích học tập kém nơi con cái.
Các nghiên cứu tâm lý trước đây cũng cho thấy mối liên hệ giữ kỳ vọng và kết quả học tập, tuy nhiên nghiên cứu này nhấn mạnh tính cảnh báo, Murayama cho biết.
“Nhiều tài liệu trước đây truyền tải thông điệp đơn giản, thẳng thắn với phụ huynh rằng – cứ đặt mục tiêu cao cho trẻ thì trẻ sẽ đạt thành tích cao”. Việc khiến phụ huynh hy vọng nhiều hơn với con trẻ thường là mục tiêu của các chương trình thiết kế nhằm cải thiện thành tích học tập ở trường. Nghiên cứu này đề nghị trọng tâm của các chương trình giáo dục như trên không nên chỉ mù quáng nhằm vào việc tăng kỳ vọng của phụ huynh, nó còn cần cung cấp cho cha mẹ các thông tin cần thiết để xây dựng những mong đợi thực tế.
“Kỳ vọng cao một cách phi thực tế có thể gây trở ngại cho hiệu quả học tập. Việc chỉ đơn giản tăng kỳ vọng không phải là giải pháp hữu hiệu để cải thiện thành công trong học tập,” Murayama chia sẻ.
Link toàn văn
nghiên cứu:
Dịch: S.N-Hành Lang Tâm Lý
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét