Hiện tượng "selfie"-"tự sướng" |
“Tự sướng” đã trở thành một phần cuộc sống của nhiều bạn trẻ, tuy vậy, những nhà chuyên môn cảnh báo những tác hại của việc đăng tải quá nhiều hình ảnh bản thân lên các trang xã hội.
Hannah Webster July 14, 2014
Năm nay, từ điển Merriam-Webster đã thêm chữ “selfie” (tự chụp hình bản thân) và “hashtag” vào kho từ vựng của mình, điều này cho ta thấy những tác động rõ ràng của tương tác trực tuyến lên nền văn hóa hiện đại. Theo Pamela Rutledge, nhà tâm lý học truyền thông và là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Truyền thông tại Newport Beach, California, dù bạn có thích văn hóa “tự sướng” hay không thì phương tiện truyền thông xã hội luôn hiện diện.
Bà nói, “Nó sẽ không biến mất, vậy nói rằng nó tiêu cực cũng chẳng giúp gì được cho chúng ta”. “Chúng ta đang tạo ra một thế hệ biết lên tiếng và biết kỳ vọng rằng tiếng nói của họ sẽ được lắng nghe”
Rutledge nghiên cứu tương tác xã hội thông qua công nghệ và hiện đang cố gắng tìm hiểu về giao tiếp trực tuyến. Thế hệ trước có tham gia vào những trang như Facebook, Twitter và Instagram, nhưng chính các bạn thanh thiếu niên mới là những người sử dụng phương tiện truyền thông xã hội nhiều nhất. “Tự sướng” đã trở thành một nỗi ám ảnh đương đại với tuổi teen, các bạn sẵn sàng đăng hình ảnh bản thân lên bất kể và bất kỳ tình huống nào.
Theo nghiên cứu “Millennials in Adulthood" của Trung tâm nghiên cứu Pew, 55% Thế hệ Y, những đứa trẻ của thiên niên kỷ mới, có đăng hình “tự sướng” và 81% sở hữu trang facebook cá nhân. Chưa có nhiều dữ liệu về thế hệ Z, những bạn đang học cấp 2 và cấp 3, được thu thập, nhưng tuổi trẻ tài cao, các bạn cũng đã hiện diện đáng kể trên trực tuyến.
Tuy những thế hệ trước có thể không liên hệ nhiều đến văn hóa tự sướng, nhưng với tư cách cha mẹ, việc hiểu được hiện tượng này cùng môi trường xã hội mà con bạn đang sống cũng rất quan trọng.
Mục đích của “Tự sướng” là gì?
Theo Rutledge, “tự sướng” cũng tương tự việc ăn diện đẹp nhất để đi phỏng vấn xin việc. Mục đích của các tấm ảnh là nhằm giới thiệu bản thân theo cách tốt nhất, với phương tiện truyền thông xã hội, các bạn trẻ có khả năng làm việc đó bất cứ khi nào. “Tôi chủ yếu xem “tự sướng” là một kiểu giao tiếp tức thời và chân thật”. “Chúng ta quan tâm đến việc người khác nghĩ về chúng ta như thế nào, chúng ta quan tâm đến việc kiểm soát môi trường xã hội, vì thế cách chúng ta thể hiện bản thân rất quan trọng”
Thời gian tuổi dậy thì liên quan đến việc hình thành danh tính cá nhân thông xã hội hóa. Trong thế giới hiện tại, tương tác xã hội có thể diễn ra 24/7 thông qua điện thoại. Thực tế, phương tiện truyền thông xã hội giúp nhiều bạn thiếu niên sống hướng nội mở rộng những mối liên kết mà các cách thức khác không làm được, theo lời David Proost, tâm lý gia chuyên về tâm lý trẻ em và tuổi dậy thì tại Dallas.
Theo Proost, “[Các bạn thiếu niên] gắn kết với nhau chặt chẽ hơn so với những độ tuổi trước đó”. “Bạn đăng [những tấm hình tự chụp] lên để người khác thấy-cho cả thế giới thấy. Điều này đem lại một số hình thái quyền lực, kiểu như bạn có thể lựa chọn hành động và cách thức tự giới thiệu bản thân.”
“Tự sướng” góp phần hình thành “bộ mặt” trực tuyến mà các bạn trẻ tạo ra cho mình. Từ hình ảnh cho tới những dòng trạng thái, tất cả đều xây dựng nên nhân dạng trực tuyến của các bạn. Dù một số người lớn có thể cho rằng hiện tượng này xem ra thể hiện sự tập trung quá mức vào bản thân, thế nhưng Rutledge cho rằng giới trẻ ngày nay quan tâm đến vẻ bề ngoài chẳng khác gì giới trẻ trong quá khứ. Đây cũng là cùng một kiểu văn hóa, chỉ thể hiện dưới một hình thức mới mà thôi.
“Rất nhiều những thứ mà bạn thấy trên các trang cá nhân chính là bản ngã mong ước hay bản ngã tốt nhất của họ” “Việc chuyển đổi trong nhân dạng này không hề bất thường, chỉ là bây giờ chúng ta mới nhìn ra và nhận thức được nó”.
Proost cho rằng khi thanh thiếu niên đăng một tấm hình “tự sướng”, việc họ mong muốn được nhận like hay bình luận là một phần trong khao khát tự nhiên sự chấp thuận đồng đẳng. Theo Proost, “bạn đăng [hình tự sướng] lên vì bạn tìm kiếm sự xác nhận” “Đây là mối nguy hiểm khi những bạn trẻ tìm kiếm một cách quá mức hình thức xác nhận bên ngoài thay vì cố gắng phát triển sự xác nhận bên trong”
Khi nào nó mới trở thành một vấn đề?
Mary-Margaret West, 14 tuổi, học sinh lóp 11 tại North Carolina, cho biết, khi phương tiện truyền thông xã hội trở thành việc giải trí, em cảm thấy nó có nhiều tác động tiêu cực hơn tích cực lên đời sống xã hội của em. West vừa “cai” các phương tiện truyền thông xã hội vào Mùa Chay và cảm thấy tự do một cách bất ngờ.
“Em cảm thấy bản thân sống trọn vẹn trong hiện tại với gia đình, em thật sự gọi điện thoại va nói chuyện với họ đồng thời thật sự tương tác với mọi người”. Em còn thêm vào là bản thân thích thú với “cảm giác không bị kết nối”
West cho biết em không đăng hình tự chụp lên trang cá nhân của mình vì em thấy vậy giống tự phụ, nhưng em cũng nói là nhiều bạn của em đăng hình “tự sướng” và nó đã trở thành một phần trong cuộc sống thường ngày của mọi người.
Rutledge cho biết: “Có nghiên cứu cho thấy những người đăng quá nhiều hình “tự sướng” sẽ tự cô lập khỏi bạn bè – tương tự trường hơp những người nói quá nhiều về bản thân” “Những gì chúng ta thấy là phiên bản hình ảnh của hiện tượng đó”.
Rutledge và Proost đồng ý rằng hình tự chụp nên được đăng một cách vừa phải. Dù không có một số lượng hình ảnh tự chụp cụ thể nào mà teen nên hay không nên đăng, một khi nó trở nên ám ảnh, các em sẽ liên tục nghĩ về nó, điều này cho thấy một dạng nghiện phương tiện truyền thông xã hội.
Theo Proost, việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội có thể trở thành một vấn đề nếu cảm giác về giá trị bản thân của các bạn trẻ lệ thuộc vào sự chấp thuận của bạn bè cùng trang lứa. Trên khán đài trong một trận bóng đá hay trong kỳ nghỉ với gia đình, teen có thể truy cập truyền thông xã hội bất cứ và bất kể khi nào. Chính việc kết nối thường trực đó khiến những bạn trẻ quan tâm qúa mức đến ý kiến những người xung quanh gặp nguy hiểm. Họ sẽ cảm thấy bản thân không bao giờ có thể thoát ra khỏi môi trường xã hội và mình phải liên tục đối mặt với những áp lực từ bè bạn.
Proost cho rằng việc giành nhiều thời gian mỗi ngày để cập nhật trang cá nhân hay nhìn ngắm trang chủ của người khác sẽ cho thấy việc bạn đang nghiện hoặc sức khoe tinh thần của bạn đang bị tác động. “Sẽ là nguy hại nếu một bình luận tiêu cực có thể khiến bạn chìm đắm trong vòng xoáy của phiền muộn và nhạo báng”
Ông nói thêm rằng cha mẹ nên tìm cách thay đổi hành vi nếu các bạn thiếu niên có vẻ căng thẳng bởi phương tiện truyền thông xã hội. Do trẻ vị thành niên thường tự cách ly bản thân đi cùng với điện thoại, những thay đổi rõ ràng trong khí sắc trở thành dấu hiệu cảnh báo rõ ràng nhất.
“Những hiện tượng sức khỏe tâm thần mà chúng tôi đang bắt đầu tìm hiểu gồm rối loạn biến dạng cơ thể, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, trầm cảm và lo âu” “Chúng tôi bắt đầu thấy những triệu chứng trên đang gia tăng và có liên quan đến việc sử dụng quá mức [phương tiện truyền thông xã hội]”
Vậy cha mẹ có thể làm gì?
Do thế hệ trước thường không hiểu bộ lọc ảnh và hashtag các kiểu nên giới trẻ hiện đang khám phá những lĩnh vực xã hội mới mà không hề có hướng dẫn hay giới hạn nào. Vài bạn trẻ có thể sẽ gặp vấn đề nếu chỉ quan tâm đến một mình các phương diện mới này mà thôi.
Một cách vừa phải, hình tự chụp và phương tiện truyền thông xã hội có thể trở thành những công cụ tích cực giúp thể hiện bản thân. Proost cho rằng cha mẹ có thể giúp các bạn trẻ có trải nghiệm trực tuyến tích cực bằng cách cho phép con truy cập vào các phương tiện truyền thông xã hội khi họ cảm thấy chúng đạt đến độ tuổi có thể xử lý được những phương tiện này. Việc biết con mình ở trên mạng bao lâu cũng rất cần thiết để đảm bảo chúng không sử dụng quá nhiều thời gian vào các mạng xã hội.
Trường học có thể dạy về việc bắt nạt và những hiểm họa trực tuyến nhưng việc cha mẹ giáo dục các bạn trẻ về những nguy hại về mặt tinh thần của việc nghiện phương tiện truyên thông xã hội, đồng thời đưa ra lời góp ý rằng các bạn không nên đăng những gì quá cá nhân hoặc những thông tin giúp định vị như số điện thoại hay địa chỉ nhà cũng là rất quan trọng.
Rutledge nói, “Đối với cha mẹ, tôi cho rằng việc trò chuyện và không “lên lớp” con trẻ là rất quan trọng.”. “Với đa số các bạn thiếu niên, việc cha mẹ đưa ra mệnh lệnh không có hiệu quả bằng thương lượng tí nào”
Cha mẹ cũng nên hỗ trợ con cái trong việc hình thành một nhân dạng độc lập với chân dung trực tuyến của các bạn. Proost nói, “Hãy trao quyền cho con cái khám phá sức mạnh bản thân và phát triển các kỹ năng của chúng”.
Vì khả năng đưa ra quyết định của các bạn trẻ vẫn đang phát triển, những buổi bàn luận về hành vi trực tuyến lành mạnh luôn cần được giữ trong tình trạng cởi mở
“Tất cả là sự cân bằng – cân bằng về mục đích cũng như về cách sử dụng” Rutledge kết luận.
http://health.usnews.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét