Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

CHÚNG TA CÓ ĐƯỢC LẬP TRÌNH ĐỂ MANG TÍNH XÃ HỘI?

Xã hội hóa



Tính xã hội của chúng ta chỉ là sự tình cờ của não bộ hay nó còn chứa đựng những điều sâu xa hơn?
Xuất bản ngày 23/10/2013 bởi Matthew D.Lieberman, Ph.D về não bộ xã hội, trí tuệ xã hội.



Ý niệm phổ thông về bản chất của con người nổi lên trong tâm lý học thế kỷ vừa qua cho rằng chúng ta là một giống vật lai, kết hợp giữa loài bò sát, sở hữu xu thế động lực định hướng theo bản năng với những khả năng phân tích siêu cao cấp. Khuynh hướng động lực của chúng ta được tiến hóa từ bộ não bò sát vào thời kỳ sơ khai và tập trung vào 4 yếu tố: chiến đấu, bỏ chạy, tìm thức ăn và làm “chuyện không đâu”. Ngược lại, khả năng trí tuệ của con người có liên quan đến những tiến bộ gần đây. Đó là những điều làm chúng ta khác biệt. Một trong những điều phân biệt linh trưởng và những loài động vật khác, đồng thời giữa con người và linh trưởng, là kích cỡ của não bộ-đặc biệt, kích thước của vỏ não trán trước (prefrontal cortex), phần não nằm ngay sau mắt của chúng ta. Bộ não con người cho phép chúng ta tham gia vào nhiều hoạt động trí tuệ đa dạng. Nhưng điều đó không có nghĩa là não bộ tiến hóa chỉ để giành riêng cho những công việc đó. Con người là động vật duy nhất có thể học cách chơi cờ vua, nhưng không ai lại cho rằng vỏ não trán trước phát triển đặc biệt để chúng ta biết điều này mà thôi. Thay vào đó, vỏ não trán trước thường được xem như một máy tính đa chức năng; chúng ta có thể tải vào bất kỳ phần mềm nào (bằng cách học). Vì thế, vỏ não trán trước xem ra đã tiến hóa nhằm giúp chúng ta giải quyết những vấn đề khó khăn mới gặp phải, và cờ vua chỉ là một chấm nhỏ trong chuỗi những điều vô tận mà bộ não có thể xử lý.

Từ cách nhìn này, có vẻ chẳng có gì đặc biệt trong khả năng và xu hướng tư duy về thế giới xã hội. Một vài người có thể nghĩ điều này như một dãy các nan đề khó nhằn cần phải giải quyết vì nó là bức tường ngăn cản chúng ta với những khao khát của loài bò sát. Như việc vỏ não trán trước cho phép con người chơi cờ thuần thục, lý lẽ tương tự cho rằng vỏ não trán trước đa chức năng sẽ giúp chúng ta học cách di chuyển trên bàn cờ xã hội-những nước đi hiệu quả và đúng luật trong cuộc sống. Theo quan điểm trên, dù được áp dụng như thế nào vào đời sống xã hội, cờ vua hay ôn bài thi học kỳ thì trí thông mình vẫn chỉ là trí thông mình. Người tạo nên một trong những trắc nghiệm trí tuệ được sử dụng rộng rãi nhất tán thành quan điểm này, lập luận rằng trí tuệ xã hội chỉ là “trí tuệ thông thường được ứng dụng vào trong tình huống xã hội”. Điều này ám chỉ việc trí thông minh xã hội không có gì là đặc biệt và sự quan tâm của con người đối với thế giới xã hội hoàn toàn chỉ là tình cờ mà thôi-đó là hậu quả của việc chúng ta phải đối đầu với những khó khăn cụ thể.

Một trong những tiêu chuẩn chúng ta có thể áp dụng để xác định xem liệu tính chất con người có là tình cờ hay không là tính phổ quát. Tôi đoán rằng có ít hơn 10% dân số thế giới chơi bóng chày, đây là ứng viên sáng giá cho khả năng “tình cờ”. Gần như mọi người đều có thể học cách chơi, nhưng rất ít người lại làm chuyen đó. Ngược lại, đứng thẳng là tính phổ quát của nhân loại. Học ngôn ngữ cũng gần như là tính phổ quát nhân loại. Thị giác tốt cũng vậy. Trong một nghiên cứu trên 13000 người, 93% có thị giác tốt. Tính toán ngược cho thấy 93% xem ra là một mốc hợp lý để nói điều gì đó là đủ ý nghĩa trong việc thúc đẩy thích nghi tiến hóa. Từ đó, liệu chúng ta có thể kết luận tính xã hội là tình cờ khi có hơn 95% người được hỏi trả lời rằng họ có bạn bè? Nếu bạn đặt mình vào vị trí của một người ngoài hành tinh, hẳn bạn sẽ thấy tình bạn quả là một hiện tượng kỳ cục. Mọi người bạn đều có xuất phát điểm là một người xa lạ, thường là những người không có chung gene với mình, và hoàn toàn có thể bị xem như những hiểm họa tiềm tàng. Rồi chính người đó sẽ là người ta chọn để tiết lộ những bí mật và yếu đuối thầm kín nhất, hay ít nhất là nhiều hơn những người khác trên thế giới. Tình bạn chỉ được ghi nhận trên vài loài, thế nhưng nó lại là phổ quát với con người. Có thể chúng ta sẽ thu nhận được nhiều nguồn tài nguyên hơn nếu có bạn. Có thể chúng ta xem đó chỉ là phương tiện nhất thời. Nếu thế, chúng ta nên theo dõi xem những “tình bạn” chúng ta có mang lại lời –lỗ như thế nào để ta còn hưởng lợi. Khi người bạn càng trở nên thân thiết, ta càng ít cân đo đong đếm những việc ta làm cho nhau. Thông thường, giá trị số một mà người bạn mang lại là cảm giác thoải mái khi ta biết ta có bạn. Mặc dù bạn bè đem lại lợi ích cho ta bằng nhiều cách, việc bạn chỉ là bạn mới là điểm chốt cùng. Hãy lấy Facebook làm ví dụ, Có hơn một tỉ người sở hữu tài khoản facebook. Facebook là trang web được truy cập thường xuyên nhất, trên cả google, yahoo!, eBay và Craiglist. Internet chi phối cuộc sống của chúng ta hơn bất kỳ công nghệ nào từ trước đến nay. Và điều chúng ta làm thường xuyên nhất lại là lên facebook. Vì facebook đem lại cho chúng ta món lợi lớn nhất…hoàn toàn miễn phí.

Nếu Facebook là một tôn giáo (và vài người cho là vậy), nó sẽ là tôn giáo lớn thứ ba trên thế giới sao Ki tô giáo (2,1 tỷ) và Hồi Giáo (1,5 tỷ). Người Mỹ bỏ 84 tỉ phút một tháng tham gia các nghi thức tôn giáo-và 56 tỉ phút trên facebook. Những gì faceboook mang lại chính là cách thức kết nối hữu hiệu với mọi người trong cuộc sống chúng ta. Nó cho phép ta giữ liên lạc với những người chúng ta muốn mà không thể gặp thường xuyên hay tái liên lạc với những người trong quá khứ và khơi lại niềm vui bữa tiệc tối qua với tất cả những người đã tham dự. Vậy địa chỉ thành công nhất trên Internet, hay bất kỳ nơi nào khác, là nơi hoàn toàn giành cho cuộc sống xã hội của chúng ta chỉ là tình cờ thôi sao? Nếu tính xã hội là sự tình cờ, vậy đơn giản công dụng của não bộ chỉ là thỏa mãn thói ích kỷ của con người bằng việc thao túng kẻ khác, liệu chúng ta có động lòng trắc ẩn mà trợ giúp những người chúng ta chưa hề gặp, những người không bao giờ biết được hành động tốt đẹp của chúng ta? Chúng ta cho đi vì nhiều lý do, nhưng một trong số đó là chúng ta mong muốn cảm thấy thấu hiểu và cảm thông với cảnh ngộ của người khác. Khi ta thấy người khác đang cần trợ giúp, ít nhất đôi khi ta sẽ nghĩ rằng “Ta phải làm điều gì đó”. Có vẻ như kiểu trắc ẩn này xảy ra khá thường xuyên. Riêng ở Hoa Kỳ, chúng ta làm từ thiện trên toàn thế giới khoảng trung bình 300 tỉ USD một năm. Thiệt là một tình cờ dễ sợ! Nếu trí tuệ xã hội là một ứng dụng ngẫu nhiên của trí tuệ thông thường, chúng ta sẽ thấy cả hai kiểu trí tuệ đều liên hệ với cùng những vùng não bộ. Đó sẽ là một chuyện khá nhạy cảm nếu nó là sự thật, nhưng không phải vậy. Các vùng não liên hệ với trí thông minh thông thường và với khả năng nhận thức, như trí nhớ và lý lẽ hoạt động, thường nằm trên bề mặt não bộ, trong khi tư duy về bản thân và người khác lại hoạt động chủ yếu ở những vùng giữa não.

Hơn thế nữa, hệ thần kinh hỗ trợ tư duy xã hội và phi xã hội lại thường hoạt động với mục đích chéo-như là hai đầu của lưỡi cưa thần kinh. Nếu chúng ta nhìn vào não bộ khi một người không được yêu cầu làm bất cứ điều gì cụ thể, chúng ta sẽ thấy hệ thống nhận thức xã hội sẽ được kích hoạt. Cũng thế, hệ thống này càng hoạt động bao nhiêu thì hệ thống nhận thức thông thường chịu trách nhiệm cho những kiểu tư duy phi xã hội sẽ giảm đi bấy nhiêu. Tương tự, khi con người tham gia vào hoạt động tư duy phi xã hội, hệ thống nhận thức thông thường sẽ “bật” và hệ thống nhận thức xã hội sẽ “tắt”. (Tôi đang sử dụng từ “tắt-bật” theo nghĩa phổ thông. Các vùng não thật sự không tắt, chúng chỉ ít hoạt động hơn trong một vài điều kiện và hoạt động hơn trong một vài điều kiện khác). Về phần hệ thống nhận thức xã hội vẫn hoạt động khi chúng ta tư duy phi xã hội, chúng thường gây nhiễu khả năng hoạt động của chúng ta. Thật khó để làm quen với ý tưởng rằng vỏ não trán trước là một máy tính đa chức năng, sử dụng cùng một con chip bộ nhớ truy cập tạm thời (RAM) để tư duy về chính trị cũng như dùng để chơi cờ vua và tính toán thuế má. Một phần khiến chúng ta cảm thấy khó tin vào việc nhận thức xã hội và phi xã hội lệ thuộc vào hai hệ thống thần kinh khác nhau là vì hai kiểu tư duy này có vẻ không khác nhau là mấy khi chúng ta sử dụng lần lượt cả hai. Nó không giống với sự thay đổi mà chúng ta cảm nhận khi đang nói tiếng mẹ đẻ và chuyển sang nói ngoại ngữ khác mới học. Nó không giống những trải nghiệm khác biệt mà ta có khi giải một bài toán và khi tưởng tượng mình là siêu nhân bay giữa trời.


Những khác biệt trên khiến chúng ta cảm thấy chúng thật sự khác nhau. Nhưng khi chúng ta chuyển từ tư duy xã hội sang phi xã hội, chúng ta chỉ thấy đơn giản là ta thay đổi chủ đề, chứ không phải thay đổi cách thức chúng ta tư duy. Nhưng điều đó không có nghĩa là không tồn tại sự khác biệt giữa hai loại tư duy. Nó chỉ cho thấy rằng những sai khác đó không hiển hiện mà thôi. Chúng ta có ít nhất một phương thức để đánh giá một cách trực giác khác biệt giữa tư duy xã hội và phi xã hội. Đa phần mọi người hay có suy nghĩ là những người thông minh xã hội và những người thông minh sách vở thường hiếm đi chung với nhau. Hai kiểu trí tuệ này xem ra đòi hỏi những kỹ năng riêng biệt và não bộ có những phần khác nhau để hỗ trợ cả hai. Một nghiên cứu mới đây ở trẻ Asperger đã chứng minh sự khác biệt này. Asperger được xem là một dạng tự kỷ nhẹ, nhưng cũng gắn với những khiếm khuyết nhận thức và hành vi xã hội tương tự. Một nhóm trẻ Asperger đã thực hiện bài trắc nghiệm về lý trí trừu tượng tốt hơn hẳn những trẻ khỏe mạnh khác cùng tuổi. Nếu trí thông minh xã hội và phi xã hội tranh đấu lẫn nhau như hai đầu của một lưỡi cưa đôi, thì có lẽ khiếm khuyết lấy đi một phần sức mạnh và năng lực của đầu này sẽ mang lại những lợi thế lớn hơn cho đầu kia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Bài đã đăng

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter