Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

VỚI PHƯƠNG TIỆN KỸ THUẬT SỐ, THẾ HỆ TRẺ CÓ ĐANG ĐÁNH MẤT KHẢ NĂNG NHẬN DIỆN CẢM XÚC?


Stuart Wolpert | August 21, 2014
Theo một nghiên cứu tâm lý của UCLA (ĐH California, Los Angeles), do sử dụng nhiều phương tiện truyền thông kỹ thuật số, kỹ năng xã hội của trẻ em hiện có thể đang giảm sút khi các em có ít thời gian hơn để giành cho tương tác trực tiếp.
Các nhà khoa học thuộc UCLA tìm ra rằng các học sinh học lớp 6 trong vòng 5 ngày không dùng smartphone, không xem TV hay các thiết bị màn hình kỹ thuật số sẽ nhận diện cảm xúc của người khác tốt hơn rõ rệt so với các trẻ đồng cấp sử dụng các thiết bị điện tử nhiều giờ mỗi ngày tại cùng trường.
“Nhiều người trông đợi những ích lợi của truyền thông kỹ thuật số trong giáo dục, nhưng không nhiều người tìm kiếm cái giá phải trả” Patricia Greenfield, giáo sư tâm lý nổi tiếng thuộc ĐH UCLA, tác giả của nghiên cứu, phát biểu. “Sụt giảm sự nhạy cảm với những dấu hiệu cảm xúc – mất khả năng hiểu cảm xúc của người khác – là một trong những hậu quả. Việc tương tác màn hình thay thế tương tác xã hội liên cá nhân xem ra đang làm thui chột các kỹ năng xã hội.”
Nghiên cứu đã được xuất bản trực tuyến và sẽ xuất hiện trong bản in của tạp chí Computers in Human Behavior vào tháng 10.
Các nhà tâm lý nghiên cứu hai nhóm học sinh lớp 6 thuộc Trường Công lập Southern California: 51 bạn sống chung trong 5 ngày tại Viện Pali, một trại hè thiên nhiên và khoa học cách Los Angeles 70 dặm về phía Đông, và 54 bạn khác ở cùng trường. (Nhóm 54 bạn thứ hai sẽ dự trại hè sau khi nghiên cứu được thực hiện.)

Trại hè không cho phép học sinh sử dụng các thiết bị điện tử - Quy định khiến nhiều bạn cảm thấy rất khó khăn trong những ngày đầu tiên. Tuy vậy, theo các nhà tham vấn của trại hè, đa số các bạn thích nghi rất nhanh.
Vào đầu và cuối nghiên cứu, cả hai nhóm học sinh được lượng giá khả năng nhận diện cảm xúc của người khác trên hình ảnh và đoạn phim. Nhóm nghiên cứu cho các em xem qua hình 48 khuôn mặt hạnh phúc, buồn bã, giận dữ hay sợ hãi và yêu cầu trẻ xác định những cảm xúc đó.
Các em cũng xem một đoạn phim trong đó các diễn viên tương tác với một người khác và thể hiện cảm xúc của nhân vật. Trong một cảnh, sẽ có các học sinh làm một bài kiểm tra và nộp cho giáo viên; một trong số các học sinh này rất tự tin và hào hứng, một bạn khác thì tỏ ra lo âu. Trong một đoạn khác, có cảnh một học sinh buồn vì bị loại ra ngoài một cuộc đối thoại.
Sau 5 ngày, các trẻ tham dự trại hè cải thiện rõ rệt khả năng đọc cảm xúc qua gương mặt và những dấu hiệu cảm xúc phi ngôn ngữ khác so với những trẻ tiếp tục sử dụng các thiết bị truyền thông.
Nhóm nghiên cứu cũng theo dõi số lượng lỗi sai mà các bạn học sinh mắc phải trong lúc nhận diện cảm xúc qua hình và phim. Ví dụ, khi phân tích hình, những bạn ở trại hè mắc 9.41 lỗi vào cuối nghiên cứu, giảm 14.02 lỗi so với ban đầu. Những bạn không tham dự có thay đổi nhỏ hơn rất nhiều. Với đoạn phim, các học sinh không dùng các thiết bị truyền thông có cải thiện rõ rệt trong khi số điểm cũa những bạn còn lại cho thấy vẫn như cũ. Kết quả này áp dụng cho cả nam và nữ.
Chủ nhiệm nghiên cứu Yalda Uhls, nhà nghiên cứu lâu năm của Children’s Digital Media Center, Los Angeles thuộc UCLA, bà cũng là Giám đốc Khu vực Nam California của tổ chức phi lợi nhuận Common Sense Media, cho biết: “Bạn không thể học những tín hiệu cảm xúc không lời từ màn hình như cách bạn học chúng qua giao tiếp mặt đối mặt,”. “Nếu bạn không rèn luyện giao tiếp trực tiếp, bạn có thể đánh mất những kỹ năng xã hội rất quan trọng.”
Các học sinh tham gia nghiên cứu cho biết các em nhắn tin, xem truyền hình và chơi trò chơi điện tử trung bình 4 tiếng rưỡi trong một ngày đi học. Một số khảo sát khác cho thấy con số thậm chí còn cao hơn trên quy mô quốc gia, Uhls nói.
Greenfield, giám đốc CDMC, cho rằng các kết quả có ý nghĩa, dù chỉ xảy ra cách nhau 5 ngày.

Bà cho biết, dụng ý của nghiên cứu là chúng ta cần tương tác trực tiếp nhiều hơn, và cho dù ta có dùng truyền thông kỹ thuật số để tương tác xã hội, ta lại bỏ ra không nhiều thời gian để phát triển các kỹ năng xã hội và học cách đọc những tín hiệu không lời.

“Chúng tôi đã chứng minh một mô hình những điều tương tác mặt đối mặt có thể mang lại,” Greenfield nói. “Tương tác xã hội là rất cần thiết nhằm phát triển các kỹ năng giúp thấu hiểu cảm xúc của người khác.”
Uhls cho rằng emoticon [kí hiệu cảm xúc như:  J L :v…] là sự thay thế không tương xứng cho giao tiếp trực tiếp: “Chúng ta là những thực thể xã hội. Chúng ta cần có những khoảng thời gian ‘phi thiết bị’ .”

http://newsroom.ucla.edu/releases/in-our-digital-world-are-young-people-losing-the-ability-to-read-emotions

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Bài đã đăng

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter