BRANDON KEIM 08.18.14
Ca
ngợi sự cao thượng của thành thật có thể hiệu quả hơn trong việc dạy trẻ không
nói dối so với việc tập trung vào hậu quả của trừng phạt khi gian trá.
Sau
khi nghe câu chuyện về cách George Washington thừa nhận mình đã chặt cây anh
đào như thế nào–trong đó có câu nói nổi tiếng của ông: “Con không thể nói dối”,
trẻ ít nói dối về hành vi của mình hơn so với sau khi nghe chuyện “Chú bé chăn
cừu” [nói dối sói tấn công cừu của mình] và “Pinocchio.”
Đâu
là sự khác biệt? Không giống như những câu chuyện cổ tích kết thúc với những
hình phạt rùng rợn, George Washington được khen vì đã thành thật. Tâm lý gia
Kang Lee thuộc ĐH Toronto nói, “Tôi luôn nghĩ rằng những chuyện như ‘Chú bé
chăn cừu’ sẽ có tác động lớn hơn, vì chúng vừa đe dọa và vừa tiêu cực, trẻ em
chắc hẳn sẽ sợ hãi trước những hệ quả đó,” “Nhưng hóa ra chuyện lại hoàn toàn
khác.”
Nghiên
cứu mới của Lee, xuất bản trên tạp chí Psychological Science vào tháng Sáu, là phần mới nhất trong những nghiên cứu nhiều thập kỷ
về lừa dối ở trẻ em. Ông được truyền cảm hứng bởi
câu hỏi: Những câu chuyện dạy dỗ đạo đức về sự thành thật mà cha mẹ và thầy cô
thường kể cho trẻ liệu có thật sự hiệu quả?
Để
kiểm chứng điều này, Lee và đồng nghiệp đã sắp đặt một tình huống dụ trẻ nói
dối. Các bé phải ngồi quay mặt lại một món đồ chơi bí mật để trên bàn, nghiệm
viên sẽ bật âm thanh tương ứng với món đồ chơi –vịt cao su kêu quác quác, chó
nhựa kêu gâu gâu,…- và sau đó sẽ yêu cầu trẻ đoán đồ vật đó là gì. Trẻ sẽ được
thưởng nếu nói đúng.
Sau
một vài lần, nghiệm viên sẽ đặt một đồ chơi khác lên bàn, yêu cầu trẻ không
được lén nhìn và rời khỏi phòng trong chốc lát. Vài phút sau, nghiệm viên sẽ
quay lại, đọc to một trong bốn câu truyện giành cho trẻ em và hỏi trẻ liệu vừa
rồi trẻ có lén nhìn hay không. Có một điều trẻ không hề hay biết, một máy quay
ẩn được đặt trên tường đã ghi lại toàn bộ hành động của trẻ. Các nhà nghiên cứu
sẽ biết trẻ có nói thật hay không.
Nhóm
của Lee tiến hành thực nghiệm với 268 trẻ Canada từ 3 đến 7 tuổi, cả nam lẫn
nữ, và mỗi một bé sẽ nghe một câu chuyện. Những bé nghe truyện “Rùa và Thỏ” –
truyện không có nội dung về thành thật, được sử dụng để làm tiêu chuẩn so sánh
– thú nhận sự thật là đã nhìn lén chiếm khoảng 30%.
Con
số này hầu như không thay đổi với các bé nghe chuyện “Pinocchio,” nhưng tăng
lên 35% với những bé nghe chuyện “Cậu bé chăn cừu”. Tuy nhiên, với câu chuyện
về Washington và cây anh đào, có tới 48% các bé trả lời thành thật. Lee nghĩ
rằng khác biệt có thể đến từ sự nhấn mạnh tính tích cực của câu chuyện. Nó nói
về việc tưởng thưởng sự cao thượng thay vì trừng phạt một hành vi sai trái.
Để
tìm hiểu về khả năng này, nhóm của Lee tiến hành một lượt trắc nghiệm nữa, lần
này sử dụng một phiên bản có chỉnh sửa, tập trung vào tính tiêu cực trong câu
truyện về George Washintong. Thay vì người cha của vị Tổng thống tương lai nói
rằng thà có người con thành thật hơn là sở hữu 1000 cây anh đào, thì ông sẽ lấy
lại cây rìu của Washington và nói rằng ông thất vọng về cậu ra sao.
Khi
trẻ nghe phiên bản này, số trẻ thành thật giảm xuống bằng mức tiêu chuẩn,
khoảng 30%. Câu chuyện hoàn toàn mất đi tính hiệu quả của mình-mà theo nhóm của
Lee, cho thấy rằng sức mạnh của ngụ ngôn thật sự nằm ở thông điệp mang tính
tích cực.
“Kết
quả thật sự rất khích lệ” theo lời tâm lý gia Tom Lyon thuộc ĐH Southern
California, người không tham gia dự án và hiện đang nghiên cứu sự thành thật ở
trẻ em. “Nếu chúng ta có thể khuyến khích sự thành thật của trẻ thông qua củ cà
rốt tốt hơn sử dụng cây gậy thì thật là tuyệt vời.”
Lyon cho biết kết quả nghiên cứu khiến ông
ngạc nhiên khi vài phát hiện khác lại cho rằng trẻ ít nghĩ đến hệ quả tích cực
của thành thật hơn là tiêu cực.
Dù vậy, Lee ghi nhận rằng nghiên cứu cũng tìm
ra bằng chứng cho việc trẻ đáp ứng tốt hơn với những thông
điệp tích cực. Các kết quả cũng tương ứng với
phát hiện trước đây của Lee về việc yêu cầu trẻ hứa nói thật thì sẽ hiệu quả hơn giải thích lý do dối
trá lại kinh khủng.
Theo
Lee, “Gửi đi thông điệp tích cực là phương pháp hữu hiệu hơn để thúc đẩy hành
vi đạo đức.” “Bạn nói với trẻ điều ta kì vọng và những gì trẻ cần làm. Thay vì
tập trung vào hậu quả, ta tập trung vào bản thân chính hành động đó.”
Cần
nhiều nghiên cứu hơn nữa để kiểm tra kết quả và chắc chắn về tác động. Các
nghiên cứu trong tương lai cũng có thể tìm hiểu xem những thông điệp tiêu cực
liệu có hiệu quả hay không và nếu có, thì khi nào bắt đầu phát huy tác dụng.
(Lee nghĩ rằng có thể là trong những năm vị thành niên khi trẻ dễ dàng hiểu hơn
về hậu quả những hành động của mình). Một câu hỏi khác được đặt ra là liệu
những hiệu ứng khuyến khích trung thực sẽ tồn tại hay tiêu tan khi trẻ học biết
rằng trung thực thường không được tưởng thưởng và gian dối có thể sẽ không bị
trừng phạt.
Đến
giờ, Lee nói, đáng ngạc nhiên, trung thực nhận được rất ít sự chú ý từ giới
khoa học. “Ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng thành thật là rất quan trọng và dạy
con cái điều đó từ nhỏ, chúng ta vẫn thấy rất nhiều người nói dối và thoát
tội”, “đó là một nghịch lý. Tôi hi vọng ai đó đọc được câu chuyện này sẽ bắt
đầu nghiên cứu về nó”.
http://www.wired.com/2014/08/teaching-kids-to-tell-truth/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét