Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2015

SỰ SO SÁNH ẢNH HƯỞNG TỚI KẾT QUẢ HỌC TẬP CỦA TRẺ

Tác hại của thiên vị con cái

Một nghiên cứu vừa chứng minh niềm tin của cha mẹ vào con cái – và những so sánh mà họ gán ghép lên con mình – sẽ ảnh hưởng tới khả năng học tập và nhiều khía cạnh khác của trẻ.
TS. Alex Jensen, ĐH Brigham Young, chủ nhiệm nghiên cứu cho biết, “Không chỉ cách nuôi dạy mà cả niềm tin của phụ huynh với con cái cũng có thể ảnh hưởng tới tương lai của trẻ.”
Trong nghiên cứu này, Jensen và Susan McHale thuộc ĐH Bang Pennsylvania đã nghiên cứu 388 trẻ vị thành niên là con cả và con thứ cùng cha mẹ của các em tại 17 trường khác nhau trong Bang.
Các nhà nghiên cứu yêu cầu cha mẹ cho biết trong hai anh em, ai là người học giỏi hơn. Mặc dù xét trung bình, kết quả của cả hai nhóm đều như nhau nhưng đa phần các bậc phụ huynh thường lại cho rằng con đầu lòng có khả năng học tập tốt hơn.
Các nhà khoa học đã tìm ra rằng niềm tin của cha mẹ về sự khác biệt này không đến từ điểm số trong quá khứ mà là đến từ kết quả trong tương lai! Chính niềm tin của cha mẹ tác động đến kết quả học tập của trẻ.
Những trẻ mà cha mẹ tin rằng thông minh hơn thường sẽ có kết quả cao hơn trong tương lai. Những trẻ cha mẹ cho rằng không học giỏi bằng thường sẽ học tệ hơn trong những năm kế tiếp. Cụ thể hơn, niềm tin này tạo ra khác biệt đến 0.21/4 (khoảng 0.5 điểm theo thang điểm 10) số điểm trung bình của các trẻ tham gia nghiên cứu.
Jensen chia sẻ, “Nghe thì có vẻ không nhiều nhưng theo thời gian, những tác động nhỏ này có khả năng dẫn đến những khác biệt lớn giữa các anh/em, chị/em.”
Ông cũng lưu ý đến những khó khăn trong việc xác định nguyên nhân của khác biệt này. Khi cả hai trẻ đến tuổi vị thành niên, cha mẹ có thể đã hình thành những niềm tin về mức độ thông minh của hai trẻ thông qua kinh nghiệm quá khứ. Khi cha mẹ so sánh hai trẻ trong tuổi vị thành niên với nhau, nó có thể dựa vào những khác biệt đã tồn tại từ lâu.
“Cha hay mẹ có thể nghĩ rằng trẻ lớn hơn sẽ thông minh hơn vì trong tất cả các thời điểm, trẻ làm anh/chị luôn học những môn học phức tạp, khó khăn hơn trên trường.
Con đầu lòng luôn là trẻ biết đọc trước, biết viết trước và điều đó gieo vào suy nghĩ của phụ huynh rằng các trẻ đó sẽ giỏi giang hơn. Tuy nhiên, khi cả hai trẻ đến tuổi vị thành niên, tư tưởng trên sẽ khiến cả hai trở nên khác biệt nhiều hơn. Cuối cùng, trẻ được xem là kém thông minh hơn sẽ có xu hướng học dở hơn khi so sánh với trẻ còn lại.”
Ngoại lệ duy nhất của nghiên cứu là khi trẻ đầu lòng là con trai và con thứ lại là con gái. Trong trường hợp này, cha mẹ thường tin rằng em gái sẽ học giỏi hơn anh trai.
“Cha mẹ thường xem con lớn hơn học giỏi hơn, nhưng khi xét đến mức độ trung bình, cả hai trẻ đều có kết quả học tập như nhau”, Jensen cho biết. “Như vậy, niềm tin của cha mẹ ở đây là không chính xác. Cha mẹ cũng thường nghĩ rằng con gái sẽ học giỏi hơn con trai, và xét trên điểm số thì điều này xem ra thường có vẻ đúng.
Vậy cha mẹ nên làm gì để tất cả các trẻ đều có thể đạt được thành công?
“Thật sự rất khó để các cha mẹ không để ý hay suy nghĩ đến những khác biệt giữa con cái của mình. Tuy nhiên, để giúp tất cả thành công, cha mẹ nên tập trung vào việc nhận ra những điểm mạnh của mỗi trẻ và cẩn trọng mỗi khi đưa ra những lời nói mang tính so sánh trước mặt trẻ.”
Nghiên cứu được xuất bản trên Journal of Family Psychology.

Wood, J. (2015). Parent’s Beliefs About Children Influences School Performance. Psych Central. Retrieved on July 9, 2015, from http://psychcentral.com/news/2015/06/21/parents-beliefs-about-children-influences-school-performance/85911.html


Các bạn có thể tự do chia sẻ và sử dụng bài viết (cũng như bài dịch) này với mục đích phi thương mại với điều kiện ghi rõ nguồn là từ Psy Central (và nguồn dịch là Hành lang Tâm lý). Việc s dụng bài viết và bản dịch này trên mạng cần phải có đường dẫn về trang bài viết của Psy Central http://psychcentral.com/news/2015/06/21/parents-beliefs-about-children-influences-school-performance/85911.html và đường dẫn bài dịch http://hanhlangtamly.blogspot.com/2015/07/so-sanh-thien-vi-ket-qua-hoc-tap.html. Những ngoại lệ khác với mục đích thương mại cần có phép bằng văn bản của Psy Central và thông báo cho người dịch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter