Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

TÂM LÝ HỌC TRONG “INSIDE OUT”

Các cảm xúc trong Inside Out

3/7/15 DACHER KELTNER and PAUL EKMAN
Năm năm trước, tác giả và đạo diễn Pete Docter của Pixar đã liên hệ với chúng tôi để nói về ý tưởng của một bộ phim trong đó mô tả cách thức các cảm xúc hoạt động trong đầu óc chúng ta và đồng thời định hình cách chúng ta phản ứng với những người xung quanh. Peter Doctor muốn diễn tả tất cả những điều đó trong tâm trí của một cô bé 11 tuổi khi cô đang phải trải qua những ngày khó khăn trong cuộc sống của mình.

Với tư cách những nhà khoa học nghiên cứu về cảm xúc trong nhiều thập kỷ, chúng tôi cảm thấy rất tự hào khi được hỏi ý kiến. Cuối cùng, chúng tôi trở thành các cố vần khoa học cho bộ phim “Inside Out” đang được trình chiếu.

Cuộc đối thoại của chúng tôi với Peter Docter và nhóm làm phim chủ yếu xoay quanh việc khoa học liên hệ như thế nào đến tâm điểm của bộ phim: Cách thức cảm xúc chi phối dòng dòng ý thức ra sao? Cảm xúc “tô màu” cho các ký ức quá khứ của chúng ta như thế nào? Cuộc sống cảm xúc của một bé gái 11 tuổi sẽ có những điều gì? (Các nghiên cứu cho thấy kinh nghiệm về những cảm xúc tích cực bắt đầu tuột dốc về cả tần suất lẫn cường độ ở độ tuổi này.)

“Inside Out” là câu chuyện về 5 loại cảm xúc – được nhân hóa thành các nhân vật Giận Dữ, Chán Ghét, Sợ Hãi, Buồn Bã và Vui Vẻ - vất vả kiểm soát tâm trí của cô bé Riley 11 tuổi trong giai đoạn chuyển nhà đầy khó khăn từ Minnesota tới San Francisco. (Một trong hai chúng tôi đã đề nghị đưa tất cả những cảm xúc hiện đang được nghiên cứu vào trong bộ phim nhưng Docter đã từ chối vì đơn giản rằng câu chuyệ nchỉ có thể chứa tối đa năm hay sáu nhân vật mà thôi.)
Tính cách chủ yếu của Riley là Vui Vẻ, điều này cũng phù hợp với những hiểu biết khoa học của chúng tôi. Nghiên cứu cho thấy căn tính của chúng ta được định hình bằng những cảm xúc cụ thể, chúng nhào nặn nên cách ta tri giác thế giới, thể hiện bản thân và khơi dậy những cách thế phản ứng nơi người khác.
Tuy nhiên, ngôi sao của bộ phim lại là Buồn Bã. “Inside Out” là bộ phim về mất mát và những điều chúng ta cảm nhận khi buồn bã. Riley mất bạn bè và ngôi nhà quen thuộc của mình khi đi khỏi Minnesota. Hơn thế nữa, cô bắt đầu bước vào tuổi “tiền vị thành niên” với đặc điểm là việc mất dần tuổi thơ.
Chúng tôi có thể có một chút băn khoăn với cách buồn bã được mô tả trong “Inside Out”. Buồn Bã là một nhân vật chậm chạp, chán nản mà Vui Vẻ phải kéo đi khắp nơi trong tâm trí Riley. Trong thực tế, nghiên cứu cho thấy buồn bã có mối liên hệ với việc làm gia tăng những kích thích về mặt thể lý, kích hoạt cơ thể hoạt động đáp ứng trước những mất mát. Trong bộ phim, Buồn Bã trông rất lôi thôi, xấu xí. Trong khi thực tế cho thấy người buồn bã lại có sức hút những người khác đến với mình để an ủi và giúp đỡ.
Thế nhưng, đặt những băn khoăn đó qua một bên, hình ảnh của Buồn Bã trong bộ phim đã thể hiện được hai cách nhìn trọng tâm của khoa học về cảm xúc.
Đầu tiên, cảm xúc tổ chức – chứ không phải cản trở - suy nghĩ lý trí. Theo truyền thống tư duy Tây Phương, quan điểm phổ thông cho rằng cảm xúc là kẻ thù của lý trí và làm gián đoạn những mối quan hệ hợp tác xã hội.
Dù vậy, thực tế thì cảm xúc định hướng cách chúng ta tri giác thế giới, các ký ức quá khứ của chúng ta và thậm chí đánh giá đạo đức về những điều đúng-sai. Đa phần, chúng sẽ dẫn dắt chúng ta theo những cách thế giúp ta đáp trả hiệu quả với tình huống hiện tại. Ví dụ, nghiên cứu cho thấy khi chúng ta tức giận, chúng ta thường ngay lập tức nhận ra những điều bất công, điều này giúp kích hoạt các hành động giúp khôi phục công bằng.
Chúng ta có thể nhận thấy điều này trong “Inside Out”. Buồn Bã dần dần giành quyền kiểm soát tiến trình suy nghĩ của Riley về những thay đổi cô phải trải qua. Điều này được thể hiện rõ nhất khi Buồn Bã tô đậm thêm màu xanh vào ký ức của Riley về quãng đời ở Minnesota. Nghiên cứu khoa học cho thấy những cảm xúc hiện tại định hình những gì chúng ta nhớ về quá khứ. Đây chính là chức năng tối quan trọng của Buồn Bã trong phim: nó giúp Riley nhận ra những thay đổi, những mất mát mình có, tạo nền móng để cô phát triển những phương diện mới trong căn tính của mình.
Thứ hai, cảm xúc tổ chức – chứ không phải cản trở - cuộc sống xã hội của chúng ta. Nghiên cứu đã phát hiện rằng cảm xúc tạo nên cấu trúc (chứ không chỉ là tô màu) những tương tác xã hội khác nhau như việc gắn bó giữa cha mẹ và con cái, những mâu thuẫn anh em, tình cảm tuổi mới lớn và cả những trao đổi giữa hai người thù ghét nhau.
Các nghiên cứu khác thì cho thấy chính giận dữ (nhiều hơn cả ý thức về chính trị) khiến tập thể xã hội đứng lên biểu tình và chống đối bất công. Một trong những nghiên cứu mà chúng tôi đã thực hiện cho thấy biểu hiện xấu hổ kích hoạt lòng tha thứ nơi người khác khi chúng ta lỡ có hành động vi phạm các quy tắc xã hội.
Chính điều này cũng được cường điệu hóa tron bộ phim. Bạn có thể cho rằng buồn bã là một trạng thái có đặc điểm tĩnh lặng, thụ động, thiếu vắng những hành động có chủ đích. Tuy nhiên trong “Inside Out”, cũng như trong thực tế cuộc sống, buồn bã thúc đẩy con người đến với nhau nhằm phản ứng lại trước những mất mát. Chúng ta thấy điều này khi Riley nổi giận, rời khỏi bàn ăn, bỏ lên lầu và nằm một mình trong căn phòng tối, để lại người bố băn khoăn không biết phải làm gì. Về cuối bộ phim, chính Buồn Bã đã đưa Riley trở lại với cha mẹ, nó có liên quan tới việc tiếp xúc và những thanh âm cảm xúc mà chúng tôi gọi là “vocal burst”, chúng thể hiện niềm vui sâu sắc khi đoàn tụ, đây là điều đã được một trong hai chúng tôi nghiên cứu trong phòng thực nghiệm.
“Inside Out” đưa đến một cái nhìn mới với nỗi buồn. Quan điểm mới của bộ phim là: Hãy ôm lấy nỗi buồn, hãy để nó được bộc lộ và hãy kiên nhẫn làm việc với những khó khăn cảm xúc của trẻ vị thành niên. Buồn bã sẽ soi tỏ những mất mát (trong tuổi thơ) và đưa gia đình đến với những điều mới mẻ: những đặc điểm mới được hình thành, cho cả con cái và cha mẹ.
Dacher Keltner là giáo sư tâm lý học tại ĐH California Berkeley
Paul Ekman là giáo sư tâm lý danh dự thuộc ĐH California, San Francisco

Các bạn có thể tự do chia sẻ và sử dụng bài viết (cũng như bài dịch) này với mục đích phi thương mại với điều kiện ghi rõ nguồn là từ New York Times (và nguồn dịch là Hành lang Tâm lý). Việc sử dụng bài viết và bản dịch này trên mạng cần phải có đường dẫn về trang bài viết của New York Times http://www.nytimes.com/2015/07/05/opinion/sunday/the-science-of-inside-out.html?_r=0 và đường dẫn bài dịch http://hanhlangtamly.blogspot.com/2015/08/tam-ly-hoc-trong-inside-out.html. Những ngoại lệ khác với mục đích thương mại cần có phép bằng văn bản của New York Times và thông báo cho người dịch.


1 nhận xét:

NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter