Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

NHỮNG NGUY HẠI CỦA TÍNH CẦU TOÀN

Đặc điểm của người cầu toàn

Cầu toàn là đặc tính mà chúng ta hay thừa nhận một cách rụt rè và thậm chí đôi khi lại tự hào đôi chút về điều đó (ví dụ, khi đi phỏng vấn, câu trả lời tiêu biểu của các ứng viên trước câu hỏi về điểm yếu lớn nhất của mình thừơng là “Tôi là người cầu toàn” – dù họ chẳng nghĩ đó là một yếu điểm tí nào.) Tuy nhiên, theo nghiên cứu trên Review of General Psychology, tính cầu toàn thực chất có thể cực kỳ nguy hiểm, nó kéo theo trầm cảm và lo âu nghiêm trọng, thậm chí còn là yếu tố nguy cơ tiềm tàng dẫn đến tự tử.

Định nghĩa quen thuộc về “người cầu toàn” thường đơn giản là những người luôn cần phải hoàn hảo, hay ít nhất là có vẻ như vậy. Theo Gordon Flett, tâm lý gia thuộc ĐH York, người giành nhiều năm nghiên cứu về những tác động tâm lý tiêu cực tiềm tàng của việc cầu toàn, chúng ta thường xem những nhân vật như Martha Stewarts, Steve Jobs hay Tracy Flicks là những người có năng suất tối ưu và đạt được nhiều thành công “thay vì là những người đau khổ vì tính cầu toàn của bản thân hay của những người họ yêu quý. Những người ‘bình thường’ khó có thể hiểu hay nhận thức được tính cầu toàn có sức mạnh hủy hoại như thế nào.” Tuy nhiên, đối với nhiều người cầu toàn, hình ảnh “bên ngoài” chỉ là một chiếc mặt nạ “bòn rút” cảm xúc còn bên trong “họ cảm thấy mình như những kẻ giả dối”, ông cho biết.

Cuối cùng, lớp giả trang đó cũng sẽ đỗ vỡ. Trong một nghiên cứu vào năm 2007, các nhà khoa học đã tiến hành phỏng vấn bạn bè và gia đình những người vừa tự kết thúc cuộc đời. Không một chút do dự, hơn một nửa những người tự tử được người thân mô tả là những “người hoàn hảo.” Tương tự, trong một nghiên cứu ở Anh về tình trạng tự tử ở sinh viên, 11 trên 20 sinh viên vừa qua đời được những người quen mô tả là những người sợ thất bại. Trong một nghiên cứu khác được xuất bản vào năm trước, hơn 70% trong số 33 thanh thiếu niên vừa tự tử được cha mẹ cho biết thường đưa ra những đòi hỏi và kỳ vọng “quá cao” về bản thân – những đặc điểm có mối liên hệ với tính cầu toàn.

Không cần phải nghĩ ngợi quá nhiều mới có thể giải thích lý do tại sao những người cầu toàn thường có những hành vi tự hại. Những tiêu chuẩn được ăn cả - ngã về không, bất khả thi mà những người cầu toàn thường đặt ra cho bản thân đi đôi với việc họ sẽ khó có thể cảm thấy hạnh phúc ngay cả khi đạt đến thành công. Nghiên cứu cho thấy việc lo âu về khả năng mắc phải sai lầm thường ngăn cản một số người theo chủ nghĩa hoàn hảo đặt đến thành công. Thomas S. Greenspon, nhà tâm lý và là tác giả của nghiên cứu mới đây về “thuốc giải độc cho tính cầu toàn” được công bố trên Psychology in the Schools, đặt câu hỏi, “Vậy liệu có tốt hay không nếu bác sĩ, luật sư hay cố vấn tài chính của bạn là người cầu toàn?” Câu trả lời là không. Nghiên cứu cho thấy, những người thành công nhất trong bất kỳ lãnh vực nào đều hiếm khi là người cầu toàn bởi lẽ lo sợ phạm phải sai lầm sẽ cản đường bạn. “Việc chờ bác sĩ phẫu thuật ra quyết định tuyệt đối chắc chắn chính xác có thể sẽ khiến tôi mất máu đến chết.”

Thế nhưng, những mối nguy hại của tính cầu toàn, đặc biệt là những liên hệ với việc tự tử, thường phần nào đó bị bỏ qua do những người “đam mê sự hoàn hảo” thường rất giỏi trong việc che giấu nỗi đau. Việc thừa nhận ý tưởng tự tử hay việc mình bị trầm cảm sẽ không phù hợp với hình ảnh mà họ cố gắng xây dựng. Tính cầu toàn không chỉ dẫn đến các xung năng tự sát mà còn đồng thời che đậy chúng.  

Tuy vậy, Greenspon cho biết, vẫn có những ranh giới giữa tính cầu toàn và việc theo đuổi sự hoàn thiện. Tính cầu toàn không chỉ dừng lại ở việc thúc đẩy bản thân cố gắng tối đa để hoàn thành mục tiêu; nó còn là phản xạ của cái tôi nội tâm mắc kẹt trong lo âu. “Người cầu toàn đặc biệt thường tin rằng họ không bao giờ là đủ tốt, rằng sai lầm là dấu hiệu của khiếm khuyết cá nhân, và con đường duy nhất để được chấp nhận như một cá thể là phải hoàn hảo.” Bởi lẽ, theo nghiên cứu, thứ duy nhất họ chắc chắn không hoàn thiện chính là lòng trắc ẩn với chính mình.

Nếu bạn có xu hướng cầu toàn, Flett đề nghị bạn nên hướng những đặc tính này ra bên ngoài. “Chúng ta đã biết việc tình nguyện và đóng góp vào việc thay đổi cuộc sống của người khác giúp bạn cảm thấy hài lòng hơn về bản thân như thế nào.” Nếu bạn vừa là một người cầu toàn, vừa là bậc làm cha mẹ, việc kiểm soát xu hướng này lại càng quan trọng hơn vì nghiên cứu cho thấy tính cầu toàn có thể được truyền từ đời này sang đời khác. Một cách đơn giản để giúp con cái bạn là kể chuyện. “Con trẻ thích được nghe cha mẹ hay thầy cô nói về những sai lầm họ đã phạm phải hay những thất bại họ đã vượt qua. Điều này sẽ giúp củng cố suy nghĩ ‘không có ai là hoàn hảo và bạn cũng không bắt buộc phải như vậy’ “

Chúng ta cũng cần phải giải quyết vấn đề này càng nhanh càng tốt vì mối liên hệ giữa tính cầu toàn và ý định tự sát cực kỳ nguy hiểm. Trớ trêu thay, một khi người cầu toàn đã quyết tâm kết thúc cuộc đời thì bản chất “đi tới cùng” của họ thường khiến họ thành công. Người cầu toàn thường hành động một cách chủ ý chứ không nông nổi, điều này đồng nghĩa với việc những kế hoạch tự sát của họ thường được tính toán và nghiên cứu rất kỹ lưỡng, Flett và cộng sự viết. Để kết luận, nhóm nghiên cứu trích lời một góa phụ tại Wyoming có chồng tự sát vào năm 2006, “Anh ất rất chủ động. Anh là một người cầu toàn. Tôi giờ đã biết rằng, cầu toàn đi đôi với trầm cảm chẳng khác gì một khẩu sung đã lên nòng.”


Các bạn có thể tự do chia sẻ và sử dụng bài viết (cũng như bài dịch) này với mục đích phi thương mại với điều kiện ghi rõ nguồn là từ New York Magazine (và nguồn dịch là Hành lang Tâm lý). Việc sử dụng bài viết và bản dịch này trên mạng cần phải có đường dẫn về trang bài viết của New York Magazine http://nymag.com/scienceofus/2014/09/alarming-new-research-on-perfectionism.html và đường dẫn bài dịch http://hanhlangtamly.blogspot.com/2015/09/tac-hai-cua-tinh-cau-toan.html. Những ngoại lệ khác với mục đích thương mại cần có phép bằng văn bản của New York Magazine và thông báo cho người dịch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter