Thứ Ba, 14 tháng 11, 2017

MINDFULNESS-CHÁNH NIỆM LÀ GÌ? MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ KHÁI NIỆM CHÁNH NIỆM

Chánh niệm, thiền định là gì?

Có lẽ bạn đã từng nghe qua về chánh niệm (mindfulness). Giống nhiều ý tưởng và thực hành khác xuất phát từ Phật giáo dần trở nên thịnh hành, thuật ngữ này ngày nay xuất hiện ở mọi nơi.
Tuy nhiên, một bài tổng quan trên tạp chí Perspectives on Psychological Science cho thấy có vẻ cơn sốt này đang đi trước cả những bằng chứng khoa học của nó. Một số tổng quan nghiên cứu trên chánh niệm cho thấy nó có thể trợ giúp một số vấn đề tâm lý như lo âu, trầm cảm và stress. Tuy vậy vẫn chưa rõ là chúng ta cần loại chánh niệm hay thiền định nào cho từng vấn đề cụ thể.
Nghiên cứu, được thực hiện bởi một lượng lớn các nhà nghiên cứu, các nhà lâm sàng và thiền định, cho thấy chưa có một định nghĩa rõ ràng về chánh niệm. Điều này có thể có tác động nghiêm trọng. Nếu một lượng lớn nhiều phương thức điều trị và thực hành khác nhau bị đánh đồng như một, các bằng chứng khoa học ủng hộ một loại hỗ trợ có thể bị gán nhầm cho một hỗ trợ khác.
Đồng thời, nếu đặt yêu cầu quá cao hay đi chệch hướng, chúng ta có thể bỏ lỡ những tất cả lợi ích tiềm năng của chánh niệm.
Vậy, chánh niệm là gì?
Chánh niệm có một loạt những kiểu phân loại định nghĩa khác nhau. Các nhà tâm lý học đo khái niệm này dựa trên nhiều tổ hợp các yếu tố như sự chấp nhận, sự chú tâm, ý thức, tập trung vào cơ thể, sự tò mò, thái độ không phán xét, khả năng tập trung vào hiện tại và nhiều yếu tố khác.
Nếu được phân loại thành theo một kiểu thực hành, chánh niệm được định nghĩa khá mơ hồ. Một bài tập ngắn về phản tư (self-reflection-tự nhận thức, tự phản ánh) được hỗ trợ bởi ứng dụng trên điện thoại thực hiện mỗi ngày khi đi làm cũng có thể được đánh đồng với một kì tĩnh tâm thiền định dài cả tháng. Chánh niệm cũng có thể được nhắc đến như thực hành của các nhà sư Phật giáo nhưng cũng được đề cập như những gì giáo viên yoga thực hiện vào 5 phút đầu và cuối mỗi buổi học.
Cần phải làm rõ, chánh niệm và thiền định không phải là một. Có những kiểu thiền định mang tính chánh niệm. Dù vậy, không phải tất cả thực hành chánh niệm đều có liên hệ tới thiền đinh và không phải tất cả thực hành thiền định đều dựa trên chánh niệm.
Chánh niệm chủ yếu thường được đề cập như khả năng tập trung vào thời điểm hiện tại, tuy nhiên không chỉ đơn giản như thế. Nó còn thể hiện một số kiểu thực hành thiền định nhắm tới việc phát triển các kĩ năng nhận thức về thế giới xung quanh cùng những mô hình hành vi và thói quen của bạn. Sự thật, có rất nhiều mâu thuẫn về mục đích thật sự của chánh niệm và khác biệt trong việc xác định đâu là chánh niệm và đâu không phải là chánh niệm.
Chánh niệm có lợi ích gì?
Chánh niệm có lợi ích gì?

Chánh niệm hiện được ứng dụng cho bất kỳ vấn đề nào bạn có thể nghĩ ra – từ vấn đề trong mối quan hệ, vấn đề với rượu hay sử dụng chất, cho tới cả nâng cao kĩ năng lãnh đạo. Chánh niệm còn được các vận động viên sử dụng nhằm tìm kiếm sự “tường minh” trong và ngoài sân cỏ, đồng thời nhiều chương trình chánh niệm khác nhau cũng được đưa vào trường học. Bạn cũng có thể thấy chánh niệm được ứng dụng tại công sở, cơ sở y khoa, hay trong các nhà hưu trí.
Một số tựa sách nổi tiếng cũng đã viết về những lợi ích của chánh niệm và thiền định. Ví dụ, trong một bài phản biện về cuốn sách Altered Traits: Science Reveals How Meditation Changes your Mind, Brain and Body, Daniel Goleman đã cho rằng một trong bốn lợi ích của chánh niệm là tăng cường trí nhớ làm việc. Tuy vậy, một bài tổng hợp nghiên cứu gần đây trên 18 nghiên cứu khác nhau tìm hiểu về tác động của các trị liệu dựa trên chánh niệm lên khả năng chú ý và ghi nhớ đã đặt dấu hỏi cho ý tưởng này.
Một lợi ích khác hay được nhắc đến là chánh niệm giúp giảm căng thẳng. Tác động này cũng chỉ có một số những bằng chứng giới hạn. Những hiệu quả khác như cải thiện khí sắc và tập trung, cải thiện thói quen ăn uống, cải thiện giấc ngủ và cải thiện khả năng quản lý cân nặng cũng không được minh chứng khoa học đầy đủ.
Trong khi vẫn còn những hạn chế trong minh chứng về ích lợi, chánh niệm và thiền định đôi khi lại có tác động tiêu cực, có liên hệ tới loạn thần, hưng cảm, mất căn tính, lo âu, hoảng loạn, tái trải nghiệm các ký ức sang chấn. Các chuyên gia cho rằng chánh niệm không phải phù hợp cho tất cả mọi người, đặc biệt những người có những vấn đề sức khoẻ tâm thần nghiêm trọng như tâm thần phân liệt hay rối loạn lưỡng cực.
Nghiên cứu trên chánh niệm
Một vấn đề khác với những nghiên cứu về chánh niệm là chúng thường có phương pháp nghiên cứu không tốt. Những phương thức đo lường về chánh niệm thường rất khác biệt, chúng đánh giá nhiều hiện tượng nội hàm khác nhau trong khi dùng chung một thuật ngữ. Việc thiếu tương đồng trong đo lường và nghiệm thể đặt ra rất nhiều rào cản cho việc khái quát hoá kết quả của một nghiên cứu cho các nghiên cứu khác.
Những nhà nghiên cứu về chánh niệm thường dựa quá nhiều vào bảng hỏi, yêu cầu người làm phải nội quan (introspect) và đánh giá trạng thái tinh thần, những điều đôi khi mơ hồ và thoáng qua. Những đánh giá chủ quan này rất dễ bị ảnh hưởng bởi định kiến. Ví dụ, một người có cảm tình với chánh niệm thường sẽ hay tự cho mình có chánh niệm vì họ trông đợi điều đó thay vì thật sự đạt tới trạng thái đó.
Chỉ có một lượng nhỏ các nghiên cứu, trong quá trình tìm hiểu xem liệu những can thiêp này có hiệu quả hay không, so sánh với những can thiệp mà hiệu quả đã được chứng minh. Đây mới là cách thức chính yếu khoa học về lâm sàng cho thấy những giá trị bổ sung của các phương thức trị liệu mới. Những nghiên cứu này lại được thực hiện trong các cơ sở thực hành lâm sàng thường xuyên thay vì trong các môi trường nghiên cứu chuyên môn.
Một nghiên cứu tổng quan, được thực hiện bởi Cơ quan Nghiên cứu và Chất lượng Sức khoẻ Hoa Kỳ, cho thấy có nhiều nghiên cứu được thực hiện rất sơ sài đến độ không thể đưa vào bài tổng quan. Kết quả cũng cho thấy các trị liệu chánh niệm tối đa chỉ có hiệu quả trung bình với loa âu, trầm cảm và đau thể lý. Không có bằng chứng về hiệu quả trong các vấn đề chú ý, khí sắc tích cực, lạm dụng chất, rối loạn ăn uống, kiểm soát giấc ngủ hay cân nặng.
Chúng ta nên làm gì?
Chánh niệm chắc chắn là một khái niệm hữu ích và là một dạng thực hành nhiều hứa hẹn. Nó có thể giúp phòng tránh các vấn đề tâm lý và có thể có ích như một thực hành đi kèm với phương thức điều trị đang được sử dụng. Nó cũng có thể hữu hiệu đối với các chứng năng tinh thần và sự viên mãn nói chung. Tuy nhiên những tiềm năng này sẽ không được hiện thực hoá nếu các vấn đề trên chưa được giải quyết.
Cộng đồng những người thực hành chánh niệm cần thống nhất những đặc điểm chính yếu cốt lõi của chánh niệm và các nhà nghiên cứu nên làm rõ cách thức họ đưa các yếu tố trên vào đo đạc và thực hành. Tin tức truyền thông cũng nên đề cập cụ thể những trạng thái tinh thần và thực hành nào mà chánh niệm nói tới thay vì chỉ sử dụng nó như một thuật ngữ chung chung.
Chánh niệm cần được đánh giá, không phải qua khảo sát chủ quan nhưng nên sử dụng những đo lường hành vi và sinh học thần kinh khách quan, ví dụ như nhịp thở. Có thể sử dụng một âm thanh bất kỳ nhằm ‘hỏi’ nghiệm thể xem liệu họ đang tập trung vào nhịp thở (nhấn nút bên trái) hay tâm trí họ đang xao nhãng (nhấn nút bên phải).
Khi nào có thể, các nhà nghiên cứu tìm hiểu về tính hiệu quả của các phương thức trị liệu chánh niệm nên so sánh chúng với những kiểu trị liệu đáng tin khác. Nên tránh phát triển những tiếp cận chánh niệm mới cho tới khi chúng ta biết rõ hơn những tiếp cận đã có. Các nhà khoa học và các nhà lâm sàng nên sử dụng phương pháp nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên (randomised control trials) và làm việc với các nhà nghiên cứu bên ngoài lĩnh vực chánh niệm.
Cuối cùng, các nhà nghiên cứu và thực hành chánh niệm nên nhận biết thực tế về những hệ quả tiêu cực đôi khi xuất hiện. Giống như dược phẩm phải công bố những tác dụng phụ tiềm tàng, trị liệu chánh niệm cũng cần như vậy. Các nhà khoa học nên đánh giá một cách hệ thống những tác dụng phụ khi nghiêm cứu về trị liệu chánh niệm. Các nhà thực hành nên cảnh giác với những tác dụng phụ này và không nên đề nghị trị liệu chánh niệm như phương thức đầu tiên nếu có thể tiếp cận với những phương thức khác an toàn hơn và được minh chứng có hiệu quả tốt hơn.
Dịch: Hành Lang Tâm Lý


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẤN VÀO LINK "BÀI ĐĂNG CŨ HƠN" Ở TRÊN ĐỂ XEM TIẾP CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG!!! é

Popular Posts

Flickr Images

Flag Counter